"Vọng kép tiết Vu lan". TG: Phạm Sinh
Viết nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
VỌNG KÉP TIẾT VU LAN
Những ngày rộ tiết Vu lan – Rằm tháng bảy năm Tân sửu này lại cũng là thời điểm toàn Dân tộc Việt Nam hướng về kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2021). Thời khắc đầy ý nghĩa này đã mang đến trong tôi nguồn “cảm xúc kép” - Ơn nhớ đấng sinh thành và ơn nhớ cả một con người đã từng xây dựng, rèn giũa đội quân “Trung với Nước, hiếu với Dân”, “Quyết chiến quyết thắng” – Đó là Quân đội Nhân dân Việt Nam. Một lực lượng mà một thời tôi vinh dự được cùng trong hàng ngũ ấy…
Và hôm nay đây khi nhắc nhớ đến người cha kính yêu của mình – Họa vần thơ hòa vào tiết Vu lan gửi nơi hương hồn Cụ. Tôi cảm ơn Cụ - Người đã sinh thành, dưỡng dục và giành cho tôi bao tình cảm yêu thương… Chưa hết – Tôi còn phải cảm ơn Cha tôi vì Cụ còn biết “Tôn vinh những tấm gương kiêu hùng” để rồi cũng trong những ngày này tôi “mượn” câu chuyện mà tác giả Giang Biển viết về tấm lòng của Cha tôi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp để vọng đến Võ Đại tướng nhân mùa Vu lan và kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông.
Tôi tự hào về người Cha kính yêu của mình và lấy làm mãn nguyện khi có lần tôi vui chuyện cùng Cụ, tôi đã nói với Cụ rằng “ Bố có tâm tôn vinh Cụ Giáp chắc Cụ ấy sẽ để cho bố cái tuổi 103 đấy ạ”. Và hình như Cụ Giáp đã "đọc" được niềm mong của tôi nên Cụ đã “để” cho Cha tôi cái tuổi 103 (+) …
Vu lan con nhớ người cha
Sinh thành, dưỡng dục, đậm đà yêu thương
Kém quan chức, trội dân thường (*)
Biết tôn vinh những tấm gương kiêu hùng
-----------------
(*) Chỉ là một Nhà giáo – Trong xã hội Cụ không sánh hàng với quan chức
mà chỉ trội hơn dân thường chút mà thôi…
Phạm Sinh
CỤ GIÀ 96 TUỔI HỌA TÁM CHỮ
VIẾNG ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
Khác với thường lệ, mấy hôm nay nhà Cụ Phạm Văn Cương ở khu Chợ Hải Hoà - Hải Hậu - Nam Định người ra vào đông hơn, ngoài một số ông bạn (Tổ tôm) thường nhật của Cụ tôi còn thấy nhiều người - già có, trẻ có … Tò mò tìm hiểu tôi được biết họ đến nhà Cụ để được xin lại ( bản sao ) và nghe giải nghĩa của tám chữ Hán mà Cụ Cương mới viết ra để Kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ( bản chính đang được Cụ và các con của Cụ lồng trong khung kính và đặt ở vị trí trang trọng trong phòng tiếp khách của Cụ ) .
Tìm hiểu chưa đủ, sáng nay tôi trực tiếp đến nhà Cụ. Bước vào nhà sau khi chào Cụ và mọi người có mặt tôi giới thiệu về mình. Vừa tiếp chuyện tôi Cụ vừa chế ẩm trà mời khách, mấy bạn ( tổ tôm ) thường nhật của Cụ đã tập trung đầy đủ, nhưng hình như hôm nay hội (tổ tôm) của Cụ không hoạt động mà tất cả tập trung vào chủ đề sự ra đi của vị Anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp.
Cụ Cương năm nay ở tuổi 96 nhưng còn khá nhanh nhẹn và minh mẫn. Xuất thân từ một gia đình hàn nho yêu nước, thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp gia đình cụ là cơ sở kháng chiến của Công an huyện Hải Hậu (Gia đình có công nuôi giữ người cháu gọi bằng cậu của Cụ - Ông Trần Thiệm Tích nguyên là Trưởng Công an huyện Hải Hậu ) … Rồi Cụ tham gia phong trào Bình dân học vụ và sau khi hoà bình lập lại ở Miền Bắc Cụ đã tự nguyện ra vùng biển Hải Hoà - Hải Hậu để dạy học ( Cụ là một trong những giáo viên đầu tiên của vùng đất này ... ). Cả cuộc đời mình Cụ Phạm Văn Cương sống thanh bạch, hoà thuận và mẫu mực, là công dân tốt và hết lòng vì sự chăm lo dạy bảo con cháu trở thành người có ích cho xã hội và gia đình. Khi tuổi cao, Cụ rất hăng hái trong phong trào Người cao tuổi. Cụ được coi là một cộng tác viên danh dự của chương trình Câu lạc bộ của những người cao tuổi Đài Tiếng nói Việt Nam, bởi Cụ đã gửi nhiều bài về tham gia với Câu lạc bộ này. Cụ đã có tới 3 lần trực tiếp đến Câu lạc bộ của những người cao tuổi Đài Tiếng nói Việt Nam để giao lưu và gửi bài … Đặc biệt lần thứ 3 Cụ đến với Câu lạc bộ này đúng vào dịp Đại lễ Ngàn năm Thăng Long Hà Nội và thật vinh dự cho Cụ là toàn bộ nội dung giao lưu giữa Cụ với Câu lạc bộ và những bài thơ do Cụ trực tiếp đọc ở đây đã được phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam - Chương trình chào mừng Đại lễ Ngàn năm Thăng Long Hà Nội ( 10-10-2010 ).
Sau khi được Cụ mời uống chén trà buổi sáng, tôi ngỏ lời muốn được xin cụ ( bản sao ) và nghe giải nghĩa của tám chữ hán mà Cụ mới viết ra để Kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với nét mặt trầm buồn và lời nói đầy xúc động, Cụ nói : “… Cái dịp về Hà Nội dự Đại lễ Ngàn năm Thăng Long Hà Nội, trước khi đi tôi nói với các con tôi rằng: Đây là lần đi dối già của tôi và tôi có 3 nguyện vọng chính trong chuyến đi này là: Dự Đại lễ Ngàn năm Thăng Long Hà Nội; Đến thăm và giao lưu với Câu lạc bộ của những người cao tuổi Đài Tiếng nói Việt Nam và hy vọng được trực tiếp nhìn thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên kỳ đài của Đại lễ. Xong tôi đã nửa vui, nửa buồn. Vui bởi đã được hoà mình trong không khí Đại lễ Ngàn năm Thăng Long Hà Nội; Vui bởi đã được giao lưu, đã được trực tiếp đọc mấy bài thơ của mình trước Câu lạc bộ của những người cao tuổi Đài Tiếng nói Việt Nam và buồn bởi khi ra đến Hà Nội tôi mới biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị ốm phải nằm bệnh viện … Thế là tôi mất cơ hội được nhìn thấy vị Tướng tài trung hiếu và đáng được kính trọng trong dịp hiếm có này.
Cụ Phạm văn Cương còn tâm sự với tôi: “Anh ạ, tôi ngưỡng mộ Tướng Giáp lắm vì tôi biết là trước và sau khi đảm nhận trách nhiệm vị Tổng Tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tướng Giáp đã là một nhà báo giỏi, một nhà giáo, nhà sử học và nhà lãnh đạo khoa học … Ông đã từng là giáo viên dạy Sử ở trường Thăng Long xưa mà rồi trở thành vị Tổng Tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam - Người góp phần quan trọng làm nên trang sử hào hùng và vẻ vang cho dân tộc Việt Nam ta ngày nay … Quả thật có một không hai trên trái đất này - Thầy dạy sử đã làm nên lịch sử … Điều mà tôi càng thêm ngưỡng mộ và thêm tôn kính Tướng Giáp đó là ông có nguyện vọng khi qua đời ông sẽ được về với quê hương - Một tư tưởng bình dị chứa đựng đầy tính nhân văn và hồn dân tộc Việt nhưng nó vĩ đại lắm … Tôi thực sự xúc động và chẳng nói được gì hơn về tư tưởng cao thượng này của Đại tướng.
Tôi đang còn muốn tâm sự và nghe nhiều chuyện Cụ Cương kể nhưng do thời gian và yêu cầu công việc, tôi xin được Cụ cho một bản và xin được nghe giải nghĩa tám chữ hán mà Cụ viết để Kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cụ Phạm văn Cương vui vẻ giảng giải cho tôi biết tám chữ này dịch là:
Tướng tài quả nhị
Quốc sĩ vô song
- Tôi đã viết thành hai câu vần lục bát để người xem dễ nhớ phần giải nghĩa của tám chữ trên như sau:
Tướng tài có một không hai
Kẻ sĩ trong nước chẳng ai sánh bằng
Giải nghĩa xong Cụ Cương bảo tôi: “Rất tiếc vì tôi tuổi cũng đã cao, không có điều kiện để ra Hà Nội viếng Đại Tướng. Tôi viết đôi dòng này và nghĩ dù sao mình cũng đã có được một việc làm để rồi mãi ghi nhớ tới Đại Tướng người Anh hùng của dân tộc Việt Nam ...”
Biết tôi là Bộ đội Biên phòng, Cụ Phạm văn Cương đã tâm sự và hỏi thăm về tình hình thời sự trong nước và Quốc tế. Rồi Cụ nói với tôi: “ Các anh là thế hệ đi sau và là con đẻ của Võ Đại Tướng. Các anh phải phấn đấu rèn luyện để bảo vệ vững chắc và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam mà đừng để ở nơi suối vàng Bác Hồ kính yêu và Võ Đại Tướng buồn lòng anh nhé … ” .
Chào Cụ Phạm văn Cương ra về - Tôi thấy lòng mình nâng nâng xúc động. Tôi ghi nhận tấm lòng và tình cảm đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Cụ. Ghi nhận sự quan tâm đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam của một công dân như Cụ mặc dù Cụ đã ở tuổi 96. Kính chúc Cụ Phạm văn Cương mạnh khoẻ và trường thọ.
Giang Biển (Vũ Hiệu)
(Cục Tác chiến - Bộ đội Biên Phòng Việt Nam)