"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 15)
Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 15)
Bài số 22
NHỮNG CHUYẾN Ô TÔ BÊN LÀO
Chuyến Ô Tô đáng nhớ - Đưa Các nhà giáo- Chiến sĩ Thăm chiến trường xưa, sang Lào thăm đường Tuần tra biên giới.
Là thầy giáo cấp hai, tháng 8 năm 1970 tôi lên đường vào chiến trường đánh Mỹ cùng các thầy giáo cấp 1 cấp 2 của quê hương. Thắng Mỹ, nước nhà hoà bình thống nhất, tất cả các thầy giáo trở về với nghề "Kỹ sư tâm hồn" chỉ duy nhất còn lại Hoàng Kiền tiếp tục hành quân. Về thăm quê, gặp lại đồng đội, đồng nghiệp năm xưa, kết nối lập ra Hội Nhà Giáo - Chiến sĩ huyện Giao Thuỷ để gặp mặt giao lưu thêm thắm tình thân. Năm 2007 biết tôi từ Tư lệnh Công binh chuyển sang làm Giám đốc Ban quản lý dự án Đường Tuần tra biên giới, một số người cũng thắc mắc, tôi nói là nhiệm vụ trên giao phải cố gắng, quyết tâm hoàn thành.
Theo nguyện vọng của các thầy, tháng 6 năm 2008 tôi mời đoàn Hội đồng đội đồng nghiệp quê hương đi thăm Đường Tuần tra biên giới, thăm chiến trường xưa.
Chuyến xe 12 chỗ khởi hành từ Giao Thuỷ - Nam Định, thành phần của đoàn gồm:
Trần Đức Hạnh - Trưởng phòng Giáo dục huyện Giao Thuỷ
Bùi Văn Đức - Hiệu trưởng Trường phổ thông cơ sở xã Giao Tân
Trần Đức Phu - Thầy giáo, Cựu chiến binh
Hoàng Quang Vinh - Chủ tịch công đoàn Phòng giáo dục
Nguyễn Xuân Đoá - Hiệu trưởng Trường phổ thông cơ sở xã Giao Yến
Nguyễn Quốc Huy - Cán bộ bộ phụ trách thi đua của Phòng giáo dục
Phạm Thị Mão - Vợ anh Huy , cô giáo nghỉ hưu.
Đoàn Ban quản lý dự án Đường Tuần tra biên giới từ Hà Nội vào Tây Nguyên công tác gồm: Hoàng Kiền - Giám đốc, hai trợ lý ban, lái xe Đinh Văn Thể, cô giáo Ngô Thị Khiếu- “Phóng viên” nhiếp ảnh.
Chúng tôi gặp nhau tại cửa khẩu Bờ Y để thăm các đơn vị thi công, thăm đường tuần tra biên giới. Dự án Đường Tuần tra biên giới đồn 679 Đắc Sú từ hướng bắc đến cửa khẩu Bờ Y dài bốn chục ki lô mét. Công ty xây dựng công trình Tân Cảng của Hải quân thi công gói thầu sát cửa khẩu Bờ Y. Đoàn vào thăm, anh em đang đổ bê tông ngay đầu đường, thế là tắc luôn. Tôi điện thoại cho Trung tá Phan Văn Hiển - Giám đốc chi nhánh phía nam của Công ty xây dựng Lũng Lô thi công gói thầu bên trong ra đón đưa vào. Phan Văn Hiển dẫn đoàn đi qua cửa khẩu Bờ Y sang Lào, đây là cửa khẩu ở ngã ba ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, vai trò một cửa khẩu trên quốc lộ 40 sang tỉnh Attapeu của Lào để trao đổi gỗ và lâm sản lúc đó là chính. Đi sâu sang đất Lào khoảng ba ki lô mét, dẽ về phía bắc theo đường rừng khoảng gần hai chục ki lô mét dẽ phải vượt qua biên giới về Việt Nam vào đến gói thầu của công ty xây dựng Lũng Lô. Trên đường đi tôi giới thiệu với đoàn về biên giới khu vực này. Trung tướng Phạm Hồng Lợi - Phó Tổng tham mưu trưởng khi đi khảo sát khu vực này có nói: lẽ ra biên giới Việt Nam- Lào đến con đường này, cách biên giới hiện nay 3 ki lô mét về phía Tây, chiều dài năm ki lô mét, nhưng trong quá trình tác nghiệp bản đồ, ta vẽ nhầm, sau này ta đề nghị với Bạn điều chỉnh lại, phía Lào nói, đã ký kết rồi thì thôi sửa lại làm gì. Thế là vẫn giữ nguyên, quan hệ Việt Nam - Lào là hai nước anh em, quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt thuỷ chung, trong sáng, mẫu mực.
Đoàn thăm công trường của Công ty xây dựng Lũng Lô, đang thi công một cây cầu và một đoạn đường, thật sự khó khăn. Tất cả trang bị, vật liệu xây dựng đều chở từ bên Việt Nam, qua cửa khẩu Bờ Y sang Lào vào đến công trường thi công. Nếu không có đường công vụ trên đất bạn thì không có đường vào. Ăn cơm trưa tại Công ty xây dựng Lũng Lô, chiều sang thăm Công ty xây dựng công trình Tân Cảng của Hải quân, tiền thân là Công ty xây lắp Hải Công do Trung tá Hoàng Kiền sáng lập, làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh Hải quân 83 kiêm Giám đốc Công ty, hai tay hai dấu một thời. Thượng tá Võ Hồng Khanh - Phó Giám đốc trực tiếp chỉ huy thi công nhưng đang đi mua vật liệu. Ra kiểm tra công trường thấy công nhân đổ bê tông nhiều nước quá, tôi phê bình gay gắt, anh em bảo thủ cho là làm như thế mới tốt, tôi nói nếu cứ làm thế này thì xe chạy mấy lần là vỡ hết. Ra lệnh đình chỉ thi công một tháng, tập huấn lại về thi công mặt đường bê tông xi măng đường tuần tra biên giới. Công nhân ở đây toàn dân làng Bỉnh Di, tôi đã đưa anh em ra Trường Sa xây dựng công trình bảo vệ Chủ Quyền Biển đảo của Tổ quốc, nay tham gia xây dựng Đường Tuần tra biên giới bảo vệ chủ quyền biên giới Quốc gia. Tôi nói anh em tập huấn làm lại, tháng sau tôi vào kiểm tra, nếu làm đúng kỹ thuật, cá nhân Giám đốc sẽ thưởng một thùng bia. Thế rồi tiếng đồn về quê, ông Kiền đình chỉ thi công, làm hại, chặn cổ dân làng Bỉnh Di....
Đoàn tiếp tục hành quân thăm chiến trường xưa, đến Ban Mê Thuật, thăm Bản Đôn, cưỡi voi du ngoạn rồi chia tay. Tôi ở lại chỉ đạo thi công Đường Tuần tra biên giới, Đoàn vào thăm Thành phố Hồ Chí Minh, đi Cần Thơ. Đến Cần Thơ được Đại tá Nguyễn Văn Minh bạn học cùng lớp Công sự k11 với tôi đón tiếp bố trí nghỉ tại nhà khách Quân khu 9. Thầy Đoá là thủ quĩ cầm tiền bị kẻ gian móc mất, đoàn quyết định quay về. Tôi điện cho Đại tá Nguyễn Văn Minh mang đến cho mượn 20 triệu, đi tiếp đến Cà Mau. Khi về TP Hồ Chí Minh, đoàn đến thăm Công ty xây dựng công trình Tân Cảng, tôi điện cho Đại tá Bùi Văn Hưng - Giám đốc Công ty mời cơm và tặng đoàn 20 triệu cho trọn vẹn chuyến đi.
Một tháng sau tôi vào kiểm tra, công trường của Công ty xây dựng công trình Tân Càng đã chấn chỉnh, tổ chức thi công tốt, đúng kỹ thuật, làm mẫu cho các đơn vị đến tham quan. Thiếu tướng Hoàng Kiền - Giám đốc Ban quản lý dự án Đường Tuần tra biên giới biểu dương, tặng 2 thùng bia Hiniken cho anh em quê hương và đọc bài thơ cho toàn công trường nghe.
Thi công Đường tuần tra biên giới
NỖI OAN VỀ LÀNG
Đầu xuân lên tuyến kiểm tra
Tây Nguyên rực rỡ màu hoa cúc quỳ
Gió ngàn nâng bước ta đi
Dẫn vào Đắk Sú, Bỉnh Di đón chào
Lòng tôi rất đỗi tự hào
Đưa dân ra đảo gian lao chẳng sờn
Trường Sa nước cả sóng cồn
Pháo đài xây dựng tiền đồn Biển Đông
Nay lên biên giới thi công
Trường Sơn hùng vĩ mở thông con đường
Bà con làng xóm quê hương
Mặt mừng tay bắt chật đường tuần tra
Dừng chân trên tuyến soát rà
Sai rồi, lệnh phát ban ra dừng liền
Bê tông nhão nhoét đổ lên
Đá chan cát bẩn nằm trên đất bùn
Công nhân dân xóm ùn ùn
Rút ngay tập huấn đừng chùn, làm sau
Tin bay sao quá là mau
Về làng dân chúng đua nhau phàn nàn
Cũng đành mang tiếng chịu oan
Đình chỉ cả loạt trên toàn đường biên
Quê ta cũng chẳng ưu tiên
Làm nhanh mà hỏng mất tiền thiệt ai
Tháng sau quay lại vòng hai
Bê tông gọn đẹp vui hài lòng chung
Bia lon mang tặng hai thùng
Anh em tay bắt mặt mừng hả hê.
Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Việt Nam .
(Còn nữa)