"Về phép" - Ký ức của CCB Phạm Hòa

Ngày đăng: 08:51 31/08/2021 Lượt xem: 338
VỀ PHÉP
 
       Sau ngày Miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Các đơn vị giải quyết cho cán bộ, chiến sĩ về phép thăm gia đình. Nhưng do lượng người quá đông. Phương tiện giao thông hạn chế .đường tàu Bắc Nam đang khôi phục. Nên vận chuyển bộ đội ra Bắc chủ yếu bằng ô tô. Các đơn vị huy động tối đa các phương tiện hiện có để vận chuyển. Nhưng cơ bản vẫn phải thuê các hãng xe tư nhân. Trong khi có hãng xe Phi Long .
       Năm 1975 đi qua tôi vẫn ngóng trông chờ đợi được về phép, nhưng vẫn chưa tới lượt. Năm 1976 vẫn trông chờ nhưng trong đơn vị số lượng anh em được về phép vẫn còn ít lắm đơn giản vì không có xe. Mỗi lần ai được về mới vào đơn vị là tất cả anh em,đồng hương tìm đến để hỏi thăm quê hương làng xóm ở quê ra sao
       Hàng ngày nhìn từng đoàn xe của hãng Phi Long chở bộ đội về phép, chạy trên xa lộ Biên Hòa vẫy chào, những tiếng cười vang vui sướng được về thăm quê hương sau bao tháng năm xa cách. Làm tôi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ con Sông Ngàn Phố da diết làm sao, chiều chiều lại đứng nhìn về phương Bắc ước mong một ngày gần nhất được về phép.
       Rồi một buổi sáng đẹp trời đầu năm 1977
      Anh Thắng Chính trị viên đại đội tươi cười đưa cho tôi giấy đi phép. Ôi vui sướng làm sao bởi bao tháng năm chờ đợi, ước mong nay đã trở thành hiện thực.
       Chúng tôi được đi xe của hãng Phi Long loại 45 chỗ ngồi, mỗi người một ghế nhưng chật chội bức bối vô cùng vì đồ đạc lĩnh kỉnh rất nhiều của mỗi người mang theo nào là xe đạp, khung xe, rồi rương tôn, rương gỗ to nhỏ đủ loại...........
       Để khắp nơi làm người ngồi trên xe không thể nhúc nhích được. Tuy chật chội khó chịu nhưng niềm vui được về quê đã quên hết nỗi cực nhọc đó. Thay vào đó là những bài ca tiếng hát, những cuộc nói chuyện rôm rả, những lời mời hẹn hò gặp nhau nơi quê nhà.
       Đường hồi đó còn xấu nên xe chạy rất chậm, nhất qua các phà phải chờ nhiều giờ mới qua được như phà Long Đại, Phà Danh, phà bến Thủy nên xe chạy hơn hai ngày đêm mới đến trạm đón tiếp cuối cùng ở Nghi Lộc đối với anh em về quê ở Nghệ Tĩnh. ở đấy họ cấp lương thực, thực phẩm theo chế độ quy định dựa vào giấy phép đã ghi thời gian ở quê nhà, và họ hẹn ngày trở lại binh trạm để đón xe trở lại đơn vị. Dọc đường đi cơm nước nghĩ ngơi có các trạm đón tiếp của bộ đội lo chu đáo.
       Tôi xin xe đi nhờ đến đê Đức Thọ từ đây về quê gần 30km là cuộc hành trình đi bộ. Với người lính hỏa lực đi cùng bộ binh được mệnh danh "chân đồng vai sắt" việc đi bộ vài chục km không quá khó khăn. Vâng tôi đi bộ liên tục không ngơi nghỉ bởi háo hức, nôn nóng muốn được sớm về nhà, ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Ngàn Phố đã gắn bó với tuổi thơ. Tuổi thơ với bao kỷ niệm đẹp. Từ Sơn Mỹ qua con đò nhỏ khoảng 500m là đến nhà.
       Từ đây về đến nhà dọc đường chủ yếu là gặp những người quen, những người biết tôi hồi nhỏ, những cuộc gặp gỡ bất ngờ nhưng vui rất vui, cùng những lời thăm hỏi chúc mừng. Khi đến nhà nghe tin tôi về bà con, trong xóm đến đông lắm, với niềm vui không tả xiết. Sau 5 năm xa cách, Đứa em, đứa cháu bé bỏng ngày nào nay trở về chững chạc trong bộ quân phục và ngôi sao trên mũ, với gương mặt sạm đen đầy sương gió và từng trải. Ngay sau đó tôi sang chào bà nội, bà vui mừng lắm, bà dùng cả hai tay vuốt từ đầu đến hai cánh tay như thể kiểm tra có thiếu cái gì không. Bà nói "ôi đứa cháu của bà đã về đây là phúc lớn lắm"
       Tôi lại ra con sông Ngàn Phố tắm, lặn, hụp như chưa bao giờ được tắm. Vui lắm, thích lắm. Đây là con sông gắn liền với tuổi thơ, với bao kỷ niệm.
       Sau 5 năm kể từ ngày nhập ngũ đây là lần về phép đầu tiên của tôi và không ai ngờ, không ai biết trước rằng đây là chuyến đi phép để khi vào đơn vị nhận nhiệm vụ mới đó là tiếp tục cầm súng lên bảo vệ biên giới Tây Nam-làm nhiệm vụ Quốc tế CPC. Và sau đó 4 năm nữa năm 1981 khi đơn vị từ chiến trường CPC ra Bắc nhận nhiệm vụ mới tôi được về phép lần thứ hai, lại được tắm trên con sông của quê hương thương nhớ.
       Mới ngày ở nhà ngắn ngủi tôi lại lên đường ra Hà Nội thăm người thân. Trước khi đi mẹ tôi giao nhiệm vụ đem theo cặp gà đựng trong cái bu đan bằng nứa, ít kẹo Cu Đơ làm quà gọi là "cây nhà lá vườn " lên tàu rồi mấy thấy rắc rối, phức tạp của "cây nhà lá vườn " bởi tàu hồi đó như tàu chợ, tàu chạy chậm, trên tàu hàng hóa đủ thứ trên đời, từ thúng mủng mẹt, chuối, mít đến heo, gà... nghĩa là hành khách có gì mang theo đều cho lên tàu tất tần tật không cấm gì cả. Nên ngồi trên tàu chật chội khó chịu lắm nhưng không có lựa chọn nào khác. Tôi xuống ga Văn Điển, khi tàu gần đến nơi tôi vội mang ba lô và cái bu gà ra đứng ở cửa lên xuống, lúc này tàu bắt đầu chạy chậm, bỗng nhiên thấy bị gật mạnh hóa ra có thằng đứng dưới đường tàu cướp mất cái bu gà chạy một đoạn nó dừng lại cười và vẫy tay chào, tôi nghĩ bọn cướp cũng "lịch sự "quá nhỉ. Nói đùa chứ chúng trêu ngươi đấy.


Ảnh minh họa
       Ra Hà Nội chơi mấy ngày thăm phố phường, tiếng xe điện mỗi lần đến trạm đón khánh lại kêu leng keng thật ấn tượng. Ra nhà thủy tạ ăn kem, kem ở đây rất ngon, tôi đã vào nhà hàng sang trọng trên đường Lê Lai Sài Gòn ăn kem. Nhưng thua xa kem ở nhà thủy tạ Hà Nội.
      Hết phép tôi trở lại đơn vị. Không khí của đơn vị rất khẩn trương vì chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới nên hội họp liên miên nào phổ biến nhiệm vụ, làm công tác chính trị, tư tưởng cho bộ đội. Bổ sung vũ khí, đạn dược. Sẵn sàng lên đường khi có lệnh của cấp trên. Bởi bè lũ pôn lốt iêng xa ri đã nổ súng xâm lược toàn tuyến biên giới nước ta, chúng giết hại đồng bào ta dọc biên giới rất dã man. Chúng tôi Những người lính sư đoàn 341-đoàn BB Sông Lam anh hùng, một lần nữa lại cầm súng lên đường bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ Quốc. Nhớ lại bài hát.
"Đời ai cũng thích hoa Hồng
Kẻ thù buộc ta ôm cây súng"
     Điểm đến đầu tiên của đơn vị chúng tôi là Hà Tiên. Một chiến trường nóng bỏng, đầy cam go, và khốc liệt.
     Những buổi liên hoan chia tay, những lần hẹn gặp người thân bạn bè, những lời hẹn hò thật bồi hồi xúc động. Đã để lại dấu ấn không bao giờ phai mờ. Nhưng vì nhiệm vụ chúng tôi lên đường và bài hát chia tay trong đêm Sài Gòn lại được hát vang
"Chia tay trong đêm Sài Gòn
Gió nói gì với hàng me
Em nghe tim anh thì thầm..."
       Vâng chúng tôi lại lên đường hẹn ngày gặp lại nhé.
       Hẹn gặp lại giữa Thành Phố thân thương trong rừng hoa chiến thắng.

 
CCB Phạm Hòa
 
tin tức liên quan