"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 21)

Ngày đăng: 11:24 01/09/2021 Lượt xem: 355

--------------------------------------------------------------------
       Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
         Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
         Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
         Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
 

CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 21)
Bài số 28

NHỮNG CHUYẾN Ô TÔ SANG LÀO
Chuyến Ô Tô đáng nhớ - "Vượt biên " sang Lào vào Bản Đông thăm Đường Trường Sơn
       Đầu năm 2018 trên đường vào kiểm tra giao ban các dự án Đường tuần tra biên giới khu vực Tây Nguyên, tôi đưa cán bộ của Ban quản lý dự án Đường Tuần tra biên giới gồm : Đại tá Trần Văn Thắng - Trưởng phòng kế hoạch, Đại tá Cao Hùng Tiến - Trưởng phòng kỹ thuật ... cùng đi sang Lào tham quan đường Trường Sơn năm xưa. Cán bộ đường lối Đinh Văn Thể đưa Đoàn đến Đồn Biên phòng Lao Bảo đề nghị Đồn giúp đỡ cho đoàn sang tham quan Bản Đông và Đường Tây Trường Sơn năm xưa. Tôi điện thoại cho anh Dũng - Thiếu tướng, Nguyên Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh Biên phòng, Nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng Quảng Trị giúp, qua cửa khẩu nhanh gọn hướng về Bản Đông. Đến thăm cầu treo Bản Đông, đầu tuyến đường Tây Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước được nâng cấp từ sau khi ký hiệp định Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973. Xuống xe thăm, quan sát nghiên cứu cầu đường nơi đây. Cây cầu vắt qua sông Sê Pôn, do Tiểu đoàn cầu 43 do anh Khoát làm Tiểu đoàn trưởng, thuộc Sư đoàn 472 thi công từ cuối năm 1973, đến đầu năm 1975 chưa xong, do yêu cầu cấp bách bảo đảm đường vận chuyển cho chiến dịch mở màn tiến công Tây Nguyên và Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 nên tạm thời làm mặt cầu bằng gỗ, sau giải phóng miền Nam mới làm mặt bê tông và hoàn thiện các hạng mục phụ như hiện nay. Tôi là Trợ lý Phòng Tham mưu Công binh Sư đoàn 472, nằm ở đây cả tháng để theo dõi đơn vị thi công nên đã có kiến thức thực tế về các bước thi công cầu treo, Đường tuần tra biên giới, những điểm vượt sông khó khăn có thể làm cầu treo được. Đoàn qua cầu treo đi vào đường Tây Trường Sơn, năm 1973 thi công mặt đường đá dăm nước, do lúc đó còn nhiều khó khăn, không có nhựa đường tưới nên làm mặt đường đá dăm nước, rải đá tưới nước lu lèn chứ không có nhựa. Chỉ lu tới độ thôi, lu ít thì chưa chặt, lu nhiều thì đá tròn như bi lại bung lên hết. Tôi theo dõi để viết lên qui trình lu lèn hướng dẫn cho các đơn vị thi công. Năm ấy mới 23 tuổi chưa được học hành gì, chỉ qua thực tế đúc rút thôi.
       Tháng 8 năm 1974, Sư đoàn 472 có lệnh rút quân về nước, chỉ để lại một bộ phận cơ quan thành lập Ban chỉ đạo Mặt trận Miền Tây do Trung tá Nguyễn Đức Lợi - Phó Tư lệnh Sư đoàn làm Trưởng Ban, Trung tá Nguyễn Văn Hiểu - Phó Chính uỷ Sư đoàn làm Chính uỷ và một số trợ lý, nhân viên, đơn vị có Trung đoàn 34 và 3 Tiểu đoàn độc lập: 29, 35, 41. Tôi trong bộ phận ở lại, đứng ở đầu cầu ngã ba đường 9 nhìn đoàn xe về nước mà lòng bâng khuâng man mác.
Nhiệm vụ đang được mở ra
Sư đoàn có lệnh chuyển qua đất mình
Chia tay dào dạt thắm tình
Lực lượng ở lại chương trình bàn giao
Mặt trận Miền Tây hướng vào
Một Ban chỉ đạo trên cao xếp chồng
Nằm trong danh sách đã thông
Chín người thơ thẩn hướng đông vẫy chào
Bần thần lòng dạ nao nao....
Thủ trưởng Lợi chọn lúc nào không hay
Cầm tờ quyết định trong tay
Nơi đây gắn bó biết ngày nào ra....
       Ban chỉ đạo xuống cùng Trung đoàn 34 chỉ đạo thi công tiếp con đường này và các Tiểu đoàn độc lập bảo đảm giao thông.
       Sau đó tôi về thành lập Trung đoàn 576 ở Mường Phồn sâu phía trong cách Bản Đông khoảng ngót ba trăm ki lô mét, rồi Sư đoàn 565 ở Sa La Van. Tôi đã tháp tùng các thủ trưởng đi dọc từ Bản Đông này vào đến Phi Hà ngã ba Đông Dương, hết đường Tây Trường Sơn Khoảng 600 ki lô mét để làm kế hoạch đôn đốc các đơn vị Công binh bảo đảm cho tăng pháo, Bộ đội hành quân vào chiến trường theo mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký ngày 7/4/1975 "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng Miền Nam, quyết chiến và toàn thắng". Khí thế cả Trường Sơn bừng lên hừng hực. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Sài Gòn giải phóng, niềm vui vô bờ bến, tôi đang công tác trên con đường này.
       Tháng 1 năm 1976 tôi được về phép, ô tô chở đoàn cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 565 từ Xa La Van theo con đường này về nước, nhìn cầu treo mà bừng lên những kỷ niệm sâu sắc nơi đây.
       Cuối tháng 1 đầu tháng 2 năm 1976 tôi hết phép trở vào đơn vị. Đường này đã làm xong, không có ô tô chạy, thế là lại cuốc bộ từ Khe Sanh đến Bản Đông này dừng chân nghỉ đêm, chỉ có hai anh em Hoàng Kiền, Vi Văn Chúm. Sáng hôm sau lại phăng phăng cuốc bộ để kịp vào Sư đoàn bộ Sư đoàn Công binh 565 đóng quân ở Sa La Van cách Bản Đông hai trăm cây số đón tết Nguyên đán 1976.
       Tháng 4 năm 1976 tôi trong đoàn hành quân cuối cùng của Sư đoàn 565 rút quân về nước. Trung đoàn 34 do Thiếu tá Đào Minh Trình Trung đoàn trưởng dẫn đầu đội hình, Đại uý Nguyễn Duy Nghênh - Trung đoàn phó đi cuối đội hình đưa gần 450 bộ hài cốt đồng đội của Trung đoàn về nước cuối cùng. Tôi được ngồi xe con giúp Trung tá Nguyễn Đức Lợi kiểm tra đôn đốc các đơn vị hành quân, đi sau cùng đội hình cùng đoàn xe đưa gần "450 liệt sĩ" của Trung đoàn 34 trở về Tổ quốc. Sau 15 năm, từ 1961 đến 1976, hàng chục vạn chiến sĩ Trường Sơn đã chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn trên đất bạn Lào, hơn hai mươi nghìn người ngã xuống phần lớn trên đất Lào, hơn một vạn đã qui tập về Nghĩa trang Trường Sơn, còn hơn một vạn đồng đội của chúng tôi còn nằm đâu đó khắp núi rừng Trường Sơn trên đất bạn. Thắng giặc Mỹ, chúng tôi trở về Tổ quốc, các anh các chị mãi mãi nằm lại bên Tây Trường Sơn trên đất nước Cham Pa, thật là thương tiếc. Tạm biệt con đường Tây Trường Sơn, tạm biệt cầu treo Bản Đông, tạm biệt nhân dân Lào, tạm biệt nước Lào Thuỷ chung, Son sắt.
Tháng 8 năm 1970 là thầy giáo cấp 2 nhập ngũ, vào Trường Sơn chiến đấu suốt gần 6 năm, tôi đã tham gia cùng Bộ đội Trường Sơn mở con đường để đưa cả dân tộc ra trận, đánh Mỹ và thắng Mỹ.
       Đầu năm 1971 tôi tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào ở địa bàn khu vực này với rất nhiều kỷ niệm. Một Chiến dịch Phản công có ý nghĩa chiến lược. Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi toàn thể cán bộ chiến sĩ trên mặt trận Đường 9 - Nam Lào: “ ... Trận này là một trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược... Quân đội ta nhất định phải đánh thắng trận này”.
       Chiến dịch Đường 9 Nam Lào toàn thắng, đã đánh gẫy xương sống của quân đội nguỵ Sài Gòn làm phá sản học thuyết Việt Nam hoá chiến tranh của Ních xơn...
       Nay trên đường trở về Tổ quốc bao lưu luyến trong lòng. Đi qua cầu treo Bản Đông tôi làm mấy câu thơ :
Nghĩa tình Lào - Việt sáng trong
Hẹn ngày gặp lại ước mong thắm nồng
Ngắm cầu treo ở Bản Đông
Sê Pôn xanh mát nắng hồng tiễn đưa.

 

Tấm ảnh kỷ niệm bên Cầu treo Bản Đông
       Tôi kể cho các cán bộ đi cùng nghe về Đường Trường Sơn, về cá nhân tôi với đường Trường Sơn như thế. Suốt gần 6 năm làm nhiệm vụ Công binh Trường Sơn, một binh chủng "Mở đường thắng lợi " thật gian nguy vất vả và thật tự hào.
       Binh chủng Công binh cùng Thanh niên xung phong, công nhân giao thông “tường đồng vách sắt”, với tinh thần “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”, "máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc", "Sống bám cầu bám đường, Chết kiên cường dũng cảm". Đã phối hợp với các binh chủng cùng chiến đấu bảo vệ hiệu quả giao thông vận tải với phương châm “Địch cứ đánh, ta cứ đi”. Tư tưởng tiến công là: Mở đường mà tiến. Nhiệm vụ vừa bảo đảm giao thông vừa chống phá hoại, vừa đánh máy bay Mỹ bay thấp; vừa đánh bộ binh, biệt kích, thám báo; vừa cứu xe, cứu người, cứu hàng; vừa xây dựng công trình bảo vệ cho các lực lượng. Công binh đã phát triển phương thức nghệ thuật chiến đấu để chống lại sự đánh phá ngăn chặn của địch. Từ ban đầu cầu đường còn ở thế độc đạo, Binh chủng Công binh lấy chiến thuật chốt trọng điểm, khắc phục hậu quả đánh phá của địch, đây là giai đoạn vô cùng khó khăn ác liệt hi sinh rất lớn. Qua thực tiễn, đã rút kinh nghiệm, tiến lên một bước mới, mở nhiều đường vòng tránh trọng điểm, đây là một sáng tạo về chiến thuật đối phó với sự đánh phá tạo trọng điểm vô cùng ác liệt của đối phương. Tiếp tục phát triển lên cao, mở 5 trục doc, 21 trục ngang liên kết lại thành mạng đường như trận đồ bát quái, có cả đường kín, đường hở, chạy ngày chạy đêm. Đây là bước phát triển cao độ của chiến thuật bảo đảm giao thông, góp phần rất quan trọng có ý nghĩa quyết định làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh ngăn chặn bằng không quân của Mỹ. Lực lượng phát triển đến đỉnh cao gồm 4 Sư đoàn Công binh và 2 Trung đoàn cầu.
       Nay xây dựng Đường Tuần tra biên giới, sẽ cùng nhau cố gắng để xây dựng "Con đường mơ ước " góp phần giữ gìn, xây dựng môi trường hoà bình, hữu nghị đoàn kết gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.

Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam
(Còn nữa)

 
tin tức liên quan