"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 22)

Ngày đăng: 09:07 02/09/2021 Lượt xem: 387
--------------------------------------------------------------------
       Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
         Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
         Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
         Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
 

CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 22)
Bài số 29

NHỮNG CHUYẾN Ô TÔ SANG LÀO
CHUYẾN Ô TÔ ĐÁNG NHỚ - CÙNG TRUNG ƯƠNG HỘI THĂM NƯỚC LÀO THĂM CHIẾN TRƯỜNG XƯA
        Có gần 6 năm chiến đấu công tác trên Đường Trường Sơn, với rất nhiều kỷ niệm.
       Năm 2014 khi tôi chuẩn bị nghỉ hưu, các bác trong thường trực Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (Hội Trường Sơn Việt Nam) đến thăm Cơ quan Ban quản lý dự án Đường Tuần tra biên giới, động viên tôi khi về hưu tham gia hoạt động của Hội, tôi nhất trí. Năm 2011 tại Đại hội lần thứ nhất của Hội Trường Sơn Việt Nam, ban tổ chức bố trí tôi ngồi cạnh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, thủ trưởng nói với tôi: Trong 16 năm hoạt động của Đường Trường Sơn đã làm nên kỳ tích, huyền thoại, nhưng hi sinh tổn thất cũng lớn lắm, về đời thường còn rất nhiều người khó khăn thiếu thốn nhất là chị em nữ. Tôi đã có ý kiến với Thủ tướng, các Bộ có liên quan cho thành lập Hội để làm hai việc: Phát huy truyền thống của Trường Sơn Anh hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và làm việc nghĩa tình đồng đội. Hội xã hội không ai cho tiền đâu, anh em đóng góp mà hoạt động thôi, mỗi năm tôi trích ủng hộ Hội một tháng lương. Khi nào đồng chí Kiền nghỉ hưu, cố gắng tham gia hoạt động với anh em. Tôi hứa với Thủ trưởng là sẽ cố gắng tham gia với Hội.
       Tháng 8 năm 2014 tôi nhận quyết định nghỉ chờ hưu một năm, tháng 12 được mời tham gia họp Ban chấp hành và được bầu bổ sung vào Ban chấp hành, ban Thường vụ, Phó chủ tịch Hội Trường Sơn, được phân công phụ trách kinh tế. Từ đó tích cực tham gia các hoạt động của Hội, chủ động tham gia nhiệm vụ chung mà trọng tâm là tạo nguồn thu cho quỹ Hội để hoạt động, với rất nhiều cố gắng.
       Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019), vào dịp 27 tháng 7 năm 2018 Thường trực Hội truyền thống Trường Sơn tổ chức chuyến đi tri ân các Anh hùng Liệt sỹ và thăm nước bạn Lào, thăm chiến trường xưa. Đoàn vào viếng các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, tri ân những đồng đội đã ngã xuống trên đường Trường Sơn - Chiến trường Trường Sơn.
NGHĨA TRANG LIỆT SĨ QUỐC GIA TRƯỜNG SƠN
       Trải qua 16 năm hoạt động, Đường dây 559 - Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã lập nên những chiến công huyền thoại, con đường thống nhất non sông, mãi mãi ghi vào lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Để có được chiến công ấy, phải đổi bằng xương máu với những tổn thất rất lớn. Từ lúc “soi đường lập trạm”đến ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam có hơn 20 nghìn người hi sinh, phần lớn trên đất Lào.
       Ngay sau khi Hiệp định Pa Ri được kí kết, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đứng đầu là Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã có chủ trương xây dựng Nghĩa trang Trường Sơn và đưa hài cốt các liệt sĩ Trường Sơn từ bên Lào, Campuchia về nước. Nếu chậm trễ sẽ không có thời cơ và có tội với những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên con đường huyền thoại mang tên Bác.
       Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Trường Sơn được giao tổ chức thực hiện nhiệm vụ ý nghĩa và quan trọng này. Từ đầu năm 1973 các đội qui tập hài cốt Liệt sĩ được thành lập ở tất cả các Trung đoàn, Sư đoàn, các đơn vị trực thuộc, (mỗi đội có 15-20 người) trong điều kiện Bộ đội Trường Sơn đang tiếp tục làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng Miền Nam và giúp đỡ cách mạng Lào và Campuchia. Đây là một chủ trương vô cùng sáng suốt, mang ý nghĩa nhân văn cao cả và mang đậm dấu ấn tâm linh theo truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
       Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã phê chuẩn dự án xây dựng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn tại địa bàn tỉnh Quảng Trị, xây dựng tượng đài, đặt bia mộ các Anh hùng Liệt sĩ Trường Sơn. Là nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh xương máu của mình trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
       Vị trí đặt nghĩa trang được lựa chọn kỹ. Đích thân Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đi khảo sát thực địa. Cuối cùng Bộ Tư lệnh chọn Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Tường huyện Gio Linh, bờ Nam sông Bến Hải tỉnh Quảng Trị để xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Cục Tham mưu Công binh được giao chủ trì thiết kế và chỉ đạo thi công. Nhà thơ Phạm Tiến Duật được giao nhiệm vụ đến Thư viện Quốc gia nghiên cứu các văn bia, trực tiếp đi nghiên cứu một số văn bia các di tích lịch sử - văn hoá để làm bia công tích. Nhà điêu khắc Minh Đỉnh được giao nhiệm vụ thiết kế và chỉ đạo thi công cụm tượng đài Bộ đội Trường Sơn. Tư lệnh Đồng sỹ Nguyên trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo.
       Nghĩa trang được khởi công xây dựng vào ngày 24 tháng 2 năm 1975. Lực lượng thi công là Tiểu đoàn Công binh 674 và một số đơn vị xe máy, nhân lực phối thuộc khác. Ngoài ra còn có tổ công nhân chuyên khắc chữ vào bia đá xã Hoà Hải, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.
       Ngày 14/ 5/1975, bắt đầu an táng hài cốt Liệt sĩ. Đến ngày 22/12/1975, đã qui tập an táng được 10.263 mộ. Ngày 10/4/1977 Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức khánh thành Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.
       Đoàn Hội Trường Sơn Việt Nam đến dâng hương tưởng niệm hơn 10 nghìn anh hùng Liệt sỹ còn nằm lại trên đại ngàn Trường Sơn tại Đền thờ Bến Tắt tại xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị. Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn - Bến Tắt được xây dựng bên cạnh Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, có diện tích 3.088 m2, vốn đầu tư 10 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam tài trợ theo chương trình 'Nghĩa tình Trường Sơn' do Báo Sài Gòn giải phóng phát động.
       Tổng thể kiến trúc công trình được thiết kế theo mô thức thờ tự truyền thống, gồm ngôi đền chính ba gian hai chái, mái ngói hoàng lưu ly; lan can và các bậc cấp lên xuống với đôi rồng chầu hai bên đều bằng đá xanh tạo ra sự vững chãi, trang nghiêm của ngôi đền; bên ngoài có nhà bia lưu danh liệt sĩ, nhà chờ làm nơi tạm nghỉ của khách hành hương trước lúc vào hành lễ đều mang kiểu dáng cổ kính; tứ trụ khắc chạm hoa văn bằng đá nguyên khối đứng uy nghi trước cổng đền.
       Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - Bến Tắt là nơi dành cho đồng đội, thân nhân, các đoàn hành hương dâng hương, dâng hoa tưởng niệm hơn một vạn Cán bộ, Chiến sĩ, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến hy sinh nhưng chưa tìm thấy hài cốt trong cuộc kháng chiến ác liệt kéo dài sáu nghìn ngày đêm trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đền tưởng niệm còn là nơi để đồng bào cả nước, bạn bè Quốc tế cảm nhận sâu sắc hơn nữa về những hy sinh, mất mát của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các tổ chức, cá nhân đối với các Anh hùng Liệt sĩ.
Đoàn tiếp tục hành trình dâng hương viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị, Bến sông Thạch Hãn. Đặc biệt Đoàn đến thăm dâng hương tại Bia di tích tại Bến đò Mai Xá, thăm nhân dân địa phương, tặng quà các đối tượng chính sách xã Gio Mai, đã che chở giúp đỡ Tiểu đoàn Ca nô 166 của Bộ đội Trường Sơn vận chuyển chi viện cho chiến dịch Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Trường Sơn là Chính trị viên Tiểu đoàn ca nô 166 khi ấy. Đoàn giao lưu với cán bộ và nhân dân xã Gio Mai thật thắm tình quân dân sâu đậm. Đoàn tặng quà các gia đình chính sách là hội viên Trường Sơn tỉnh Quảng Trị.
       Trong lộ trình chuyến đi này Đoàn đã đến dâng hương viếng mộ Đai tướng Võ Nguyên Giáp tại quê hương của Đại tướng tại Vũng Chùa.


Đoàn dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn

MỘT HOẠT ĐỘNG QUAN TRỌNG THĂN BẢN ĐÔNG, THĂM NƯỚC BẠN LÀO
       Đoàn qua cửa khẩu Lao Bảo đến thăm Bản Đông, một địa danh quen thuộc với Bộ đội Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ.
       Đường dây 559 mở ra từ tháng 5 năm 1959 bên Đông Trường Sơn. Được sự thống nhất của hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào, năm 1961 đường dây 559 lật cánh sang Tây Trường Sơn. Từ đường giao liên rồi phát triển lên thành mạng đường ô tô đọc ngang rộng khắp 7 tỉnh của Nam Lào. Từ năm 1961 đến năm 1973, rồi trong giai đoạn đầu của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đường ô tô bảo đảm cho vận chuyển chi viện chiến lược chủ yếu đi trên đất Lào, có 4 / 5 trục dọc và khoảng ba phần tư trong số 21 trục ngang nằm trên đất Lào. Đường mở đến đâu máy bay Mỹ đánh phá đến đấy, nhân dân các Bản làng tươi đẹp lại di dời sơ tán vào rừng sâu. Hàng triệu tấn bom đạn đủ các loại của giặc Mỹ ném xuống khắp núi rừng Trường Sơn, phá hủy đốt cháy các Bản làng. Hàng triệu lít chất độc hoá học rải xuống, những cánh rừng Lào bạt ngàn bị biến thành đất chết.
       Tất cả các con đường vào chiến trường đều phải cắt qua đường 9, đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá hai bên, dọc đường 9. Chúng tạo thành các trọng điểm vô cùng ác liệt: Văng Mu trên đường 128A phía Bắc đường 9; Thác Hài - Phù Viêng trên đường 23, Phù Kiều trên đường 128 B, Tha Mé trên đường 35 phía nam đường 9; Thà Khống trên đường 9. Máy bay AC - 130 bay dọc đường 9 đêm đêm chặn đuổi bắn xe. Đế quốc Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh ngăn chặn đường Trường Sơn bằng không quân với qui mô và mức độ ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại với 4 trệu tấn bom đạn đánh xuống Trường Sơn trên tổng số hơn 7 triệu tấn trên toàn chiến trường Đông Dương. Khu vực đường 9 là một trong những nơi ác liệt nhất.
       Dưới mặt đất, bộ binh địch mở các cuộc tấn công, các chiến dịch đánh ra hành lang chiến lược rất ác liệt và liên tục không ngừng.
       Không ngăn chặn được sự chi viện trên đường Trường Sơn bằng không quân , Mỹ nguỵ mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh ra đường 9 Nam Lào, Bản Đông là mục tiêu địch đã tiến công sang. Quân dân hai nước Việt - Lào đã mở Chiến dịch Phản công Đường 9 Nam Lào, đánh bại cuộc tiến công của Mỹ ngụy, giải phóng Bản Đông và toàn bộ địa bàn khu vực địch lấn sang.
       Cuộc chiến tranh ngăn chặn diễn ra trên đất Lào cả trên không và trên bộ đã gây thương vong về sinh mạng, tồn thất về nhà cửa, ruộng nương, vật chất là vô cùng lớn cho nhân dân Lào.
       Quân đội Pa thét Lào, nhân dân các bộ tộc Lào cùng phối hợp, giúp đỡ Bộ đội Việt Nam đánh dịch, mở rộng và bảo về vững chắc hành lang chi viện chiến lược Trường Sơn.
       Bộ đội Trường Sơn tăng gia sản xuất trên đất Lào để bảo đảm hậu cần tại chỗ, thu hái rau rừng, măng rừng, thu mua lương thực thực phẩm của nhân dân cung cấp để bảo đảm đời sống.
       Sự giúp đỡ của Đảng, nhà nước và nhân dân Lào đối với Bộ đội Trường Sơn là vô cùng lớn lao. Có thể nói, nếu không được sự giúp đỡ của bạn Lào, không có đất Lào, Bộ đội Trường Sơn không thể hoàn thành nhiệm vụ chi viện chiến lược cho cách mạng miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
" Không có con đường ấy
Không có thắng lợi này ".
       Trong suốt thời gian chiến tranh, nhân dân Bản Đông phải sơ tán vào rừng, phối hợp giúp đỡ Bộ đội Trường Sơn mở đường chi viện cho chiến trường, đánh địch bảo vệ địa bàn, sự tổn thất về nhà cửa, của cải và sinh mạng rất lớn.
       Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn, Trung ương Hội Trường Sơn Việt Nam tổ chức đoàn sang thăm, giao lưu, tặng quà cho nhân dân Bản Đông thể hiện sự tri ân của những Chiến sĩ Trường Sơn năm xưa với nhân dân Lào mà nhân dân Bản Đông là đại diện.
       Đoàn Trung ương Hội Trường Sơn gồm:
Thiếu tướng Võ Sở 89 tuổi - Chủ tịch Hội
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - Phó chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký và phu nhân Nguyễn Thị Minh Cử - Trưởng Ban Liên lạc Nữ chiến sĩ Trường Sơn quận Cầu Giấy cùng con gái.
Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng - Anh hùng LLVTND, Phó chủ tịch
Thiếu tướng Hoàng Kiền - Ang hùng LLVTND Phó chủ tịch
Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung - Phó chủ tịch
Cùng cán bộ trưởng phó Ban, cơ quan và các hội viên, các doanh nhân Trường Sơn, nhà giáo Ngô Thị Khiếu - Giám đốc Bảo Tàng Đồng Quê, tổng số 130 đại biểu tham gia đoàn.
Trung tâm thăm chiến trường xưa của Hội Trường Sơn được giao bảo đảm cho chuyến đi, bốn ô tô một đoàn trong hành trình chuyến đi.
       Đoàn đến Lao Bảo, có cán bộ đồn biên phòng Lao Bảo đưa sang, đi khoảng hơn hai chục ki lô mét trên đường 9 nhìn bên trái là Bản Đông, vét tích chiến tranh không còn nhưng rừng bị bom đạn tàn phá đến nay vẫn còn trơ trụi rất nhiều. Cờ phướn cắm từ đường vào bản, hai hàng thiếu nữ áo hoa, váy hoa, tay cầm hoa, cười tươi như hoa đón đoàn đại biểu Hội Trường Sơn Việt Nam sang thăm Bản Đông, thăm nước Lào, thăm chiến trường xưa. Trên sân rộng rãi của Bản Đông, trang trí trang trọng theo hình thức đón khách Quốc tế nhưng rất gần gũi hoà đồng. Nhân dân Bản Đông già trẻ gái trai có mặt rất đông, lãnh đạo hai huyện Sê Pôn và Mường Phìn, Lãnh đạo Bản Đông đến dự ( bên Lào bản trực thuộc huyện chứ không có xã). Buổi giao lưu diễn ra thật sâu sắc, ôn lại truyền thống đoàn kết chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn rực lửa, hai bên phát biểu rất cảm động và tự hào. Đoàn tặng quà cho các gia đình chính sách, cho Bản thật ý nghĩa, tặng quà Huyện Sê Pôn huyện Mường Phìn. Đồng chí Bun Lửa - Bí thư thứ hai Đại sứ quán Lào tại Hà Nội về quê nơi đây đón đoàn và phát biểu rất cảm động. Cuộc gặp mặt giao lưu diễn ra thật sâu sắc nghĩa tình.
       Tiếp theo là chương trình Trưởng Bản tặng khăn buộc bụng cho các đại biểu Trung ương Hội, chuyển sang phần thắt chỉ cổ tay, một nghi thức rất thân tình của dân tộc Lào như là lễ kết nghĩa anh em. Toàn dân Bản liên hoan với đoàn do Trung tâm thăm chiến trường xưa chuẩn bị có xôi nếp và thịt gà mang từ Việt Nam sang cùng với chuối của Bản Đông mang đến nguyên cả buồng một đống to. Nâng ly chúc nhau "xam ma khi", thật vui và tình nghĩa. Các tiết mục văn nghệ Việt- Lào đan xen như không khí của ngày hội vậy, không ở đâu có tình cảm đoàn kết gắn bó yêu thương như quan hệ Việt - Lào hôm nay ở nơi đây.


Tại Bản Đông, Trưởng Bản tặng khăn buộc bụng và thắt chỉ cổ tay cho các đại biểu trong đoàn

       Đoàn thăm Bảo Tàng Bản Đông, trong đó Hội Trường Sơn đóng góp một số hiện vật quan trọng. Đoàn tặng quà, tham quan, những hiện vật hình anh trưng bày về chiến công của quân và dân Lào, quan hệ chiến đấu Lào - Việt thật sâu sắc, đặc biệt về Đường Trường Sơn, về chiến dịch Đường 9 Nam Lào.
       Chúng tôi đi bộ ra thăm cầu treo Bản Đông, bồi hồi nhớ lại năm 1973, Thượng tá Võ Sở - Chính Uỷ Sư đoàn 472, Thượng sĩ Hoàng Kiền - Trợ lý Phòng Công binh Sư đoàn tháp tùng Thủ trưởng kiểm tra chỉ đạo thi công cầu treo này. Đã gần nửa thế kỷ qua, hôm nay cùng đến đây thăm lại chiến trường xưa, thăm công trình xây dựng năm xưa thật bồi hồi xúc động. Thiếu tướng Võ Sở sắp chín mươi tuổi - Chủ tịch Hội Trường Sơn thật nhiệt huyết xây dựng, tổ chức các hoạt động của Hội. Thiếu tướng Hoàng Kiền là Phó giúp việc cho Thủ trưởng cũ, Chủ tịch Hội hôm nay, tôi cố gắng hết sức để thực hiện những việc được Bác giao. Thật trân trọng Thiếu tướng Võ Sở - Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Thủ trưởng cũ của tôi, sau chuyến đi này tôi viết bài thơ TRỌN ĐỜI CHIẾN SĨ TRƯỜNG SƠN dài gần 600 câu thơ lục bát kính tặng Thiếu tướng Võ Sở nhân dịp Bác tròn 90 tuổi năm 2019. Trong bài thơ TRỌN ĐỜI CHIẾN SĨ TRƯỜNG SƠN tôi viết kính tặng Thiếu tướng Võ Sở có đoạn:
...
Người con Quảng Ngãi tấm gương
Người dân đất Việt kiên cường lòng son
Huy hiệu Đảng Bảy mươi tròn
Trọn đời chiến sĩ Trường Sơn Anh hùng
Hành quân vẫn bước không ngừng
Vẫn cùng đồng đội chẳng dừng chẳng ngơi
Chúc Bác mạnh khỏe vui tươi
Bách niên giai lão cuộc đời mãi xuân.
Một tấm ảnh kỷ niệm bên cầu treo Bản Đông

TRƯỜNG SƠN HUYỀN THOẠI
       Sau chuyến đi này, tôi tập trung viết cuốn sách Trường Sơn Huyền thoại dày 300 trang, kết thúc bàng bài thơ:  
BÀI CA TRƯỜNG SƠN

Trường Sơn rực lửa một thời
Dẫu qua muôn thuở vẫn ngời chiến công
Con đường thống nhất non sông
Viết nên huyền thoại mãi không phai nhoà.
Trung ương Đảng, Bác nhìn xa
Chủ trương chiến lược mở ra con đường
Vận chuyển chi viện tiền phương
Quân dân ba nước kiên cường đấu tranh.
Tự do, độc lập quyết giành
Con đường thống nhất kết thành bài ca
Hướng ra tiền tuyến vươn xa
Muôn ngàn gian khó vượt qua, đồng lòng.
Trường Sơn trùng điệp mênh mông
Hai triền núi mở đường thông hai miền
Trong tay cái cuốc cái phên
Đem đo với núi trên nghìn thước cao
Địa hình hiểm trở gian lao
Non xanh rừng thẳm mây bao sương mờ
Nắng hè đổ lửa suối khô
Mưa nguồn thác xối lũ to cuốn dòng.
Bộ đội, Thanh niên xung phong
Dân công hỏa tuyến hiệp đồng xông pha
Mạng đường ngang dọc vươn xa
Đưa cả Dân tộc ta ra chiến trường.
Tinh thần ý chí ngoan cường
Mồ hôi công sức phi thường kết tinh
Đạp bằng gian khổ hy sinh
Con đường tỏa sáng dáng hình Trường Sơn.
Năm xưa gối mỏi gót mòn
Đôi vai nặng trĩu, đòn cong chân chùn
Mà nay xe pháo ùn ùn
Ngày đêm tấp nập trời rung, đất rền.
Ngọn đèo con suối không tên
Đã thành Dũng sĩ sáng lên anh hùng
Bom cầy, đạn xới mịt mùng
Quân reo, tăng pháo điệp trùng hành quân.
Trường Sơn xa nối lại gần
Đông Dương ba nước tinh thần thêm cao
Đường vươn như mũi tên lao
Lòng son, ý chí ánh sao sáng bừng.
Phi Hà một Ngã ba chung
Con đường đánh Mỹ hợp cùng bên nhau
Tỏa ra muôn ngả rộng sâu
Quân dân đoàn kết dài lâu diệt thù.
Đèo Phu La Nhích trắng dù
Bom rung mặt đất, đèn đu sáng trời
Cua chữ A đỏ một thời
Ngầm Ta Lê hứng bom rơi không ngừng.
Sông sâu, đèo dốc trập trùng
Đánh thành trọng điểm mịt mùng khắp nơi
Xuân Sơn, Long Đại, Hang Dơi
Bãi Dinh, Mụ Dạ, Cổng Trời, Khe Tang.
Cha Lo, La Trọng, Lằng Khằng
Khe Ve, Pha Nốp, Trạ Ang, Lùm Bùm
Pắc Pha Năng, Tha Pa Chôn
Thà Khống, Tha Mé, Xiêng phan, Phù Kiều
Na Bo, Thác Hài, Văng Mu
Động Con Tiên, tới Chà Là, Dốc Thơm
Tà Beng, La Hạp, Chà Vằn
Bô Phiên, Phà Bạc, Bản Viêng...mọi vùng.
Dọc ngang nối tiếp chặng cung
“Con ma”, “Thần sấm” săn lùng ngày đêm
“Pháo đài bay” dội triền miên
Điểm, diện không ngớt, đạn rền bom rung.
Từ trường, nổchậm vãi vung
Vũ khí đủ loại điên khùng chặn ta
Rừng tìm ngọn cỏ không ra
Bom cầy, đạn xới đất hoà, đá tan.
Non cao trùng điệp ngút ngàn
Rừng xanh bao phủ địa bàn trú quân
Hoá chất độc Mỹ rải chần
Tan hoang trơ trụi bao lần thấm sâu.
Công binh anh dũng đi đầu
Phá bom, mở lối, bắc cầu khẩn trương
Sống quyết bám cầu bám đường
Chết cùng dũng cảm kiên cường không xa.
“Đại bàng”, “Tuấn mã” tinh hoa
Đoàn xe không kính băng qua phi thường
Vận chuyển chi viện tiền phương
Tiếp nguồn sức mạnh chiến trường tiến công.
Một giai đoạn đến khó lường
Đêm đêm xe cháy dọc đường ngổn ngang
Chủ trương đường kín mở mang
Kịp thời tạo thế chuyển sang chạy ngày.
Sông sâu thác chắn ghềnh dầy
Nổ mìn phá đá chuyển xoay nắn luồng
Thuyền đi xuôi ngược liên thông
Hàng trôi thả dọc theo dòng thủy giang.
Những ngày trên suối Trạ Ang
Chiến sĩ ngược nước đẩy xăng kiên cường
Bom thù trút xuống tang thương
Mỗi phi xăng đổi máu xương một người.
Nhìn dòng nước đỏ sục sôi
Nấu nung nhiệt huyết mở khơi tạo đà
Đường ống hai hướng vươn xa
“Dòng sông mang lửa” chảy ra chiến trường.
Không quân Mỹ đánh chặn đường
Pháo ta dũng cảm quyết giương cao nòng
Mảnh bom xé ngực máu ròng
Vẫn giăng lưới lửa, chiến công phi thường.
Bộ binh, biệt kích đối phương
Phía Tây, Lào - Thái chặn đường, nống ra
Hiệp đồng chiến đấu Bạn - Ta
Đánh địch giải phóng, đường ta tiến vào.
Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào
Mỹ - Ngụy hợp sức kêu gào, ba hoa
Thế trận chuẩn bị, tham gia
Phản công diệt địch, đường ra nối liền.
Chiến dịch Quảng Trị sáng tên
Lật cánh chi viện ưu tiên kịp thời
Đường bộ, đường thủy ngược xuôi
“Ca nô Thành Cổ” không ngơi, kiên cường.
Hướng ra mặt trận tiền phương
Hiệp đồng, phối hợp trên đường sáng danh
Lực lượng binh chủng hợp thành
Vượt ngàn gian khó, các ngành bên nhau.
Thông tin nối mạng rộng sâu
Khởi đầu dây bọc tiếp sau dây trần
Luồn khe vượt núi băng ngàn
Mở ra cả mạng vững vàng sáng tên.
Đông - Tây nối tuyến giao liên
Chân leo gậy chống mọi miền quân đi
Gùi, thồ vượt núi diệu kỳ
Đậm sâu dấu tích đường ghi sử vàng.
“Binh trạm vạn tấn” chuyển hàng
Từng cung, từng chặng kho tàng triển khai
Bốc lên hạ xuống đôi vai
Tuổi xuân phơi phới gái trai hợp cùng.
Bao nhiêu lực lượng hoà chung
Địa bàn rộng mở khắp vùng tỏa lan
Quyết tâm giải phóng Miền Nam
Bừng bừng khí thế vang ngân núi rừng.
Tiến công chiến lược hào hùng (1975)
Tăng cường chi viện bổ sung mọi phần
Hướng ra tiền tuyến nhanh chân
Bảo đảm cơ động hành quân, cầu đường.
“Thần tốc...” mệnh lệnh khẩn trương
Đội hình hành tiến chiến trường bước nhanh
Trào dâng khí thế quân hành
Đông - Tây hai hướng kết thành vững tin.
Vào chiến dịch Hồ Chí Minh
Trường Sơn dốc hết sức mình tham gia
“Đại bàng”, “Tuấn Mã” tinh hoa
Trên lưng cõng cả Quân đoàn Một (1), Ba (3).
Sài Gòn giải phóng về ta
Nước nhà Thống nhất bài ca Khải hoàn
Đường đi tới đích vẹn toàn
Nụ cười, ánh mắt hân hoan chan hoà.
Lễ mừng chiến thắng mở ra
Đoàn xe “không kính” diễu qua lễ đài
Sáng tên cả một hàng dài
Trường Sơn huyền thoại sánh vai nức lòng.
Con đường đậm dấu mốc son
Mở ra đánh Mỹ vẹn tròn chiến công
Con đường thống nhất non sông
Lịch sử nhân loại chỉ con đường này.
Trải qua gần sáu nghìn ngày
Máu xương đổ xuống thấm dầy, lệ rơi
Nỗi đau cả triệu con người
Cùng hơn hai vạn mạng người hy sinh.
Nước non gấm vóc hoà bình
Trường Sơn kỳ tích quang vinh tự hào
Quân đi dưới ánh cờ sao
Đường mang tên Bác máu đào khắc sâu.
Nhớ thương đồng đội bên nhau
Bao người ngã xuống nỗi đau quặn lòng
Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn
Hơn vạn ngôi mộ vẫn còn thiếu danh.
Hơn vạn nằm lại rừng xanh
Máu xương hoá thạch đứng canh biên thuỳ
Đền thờ Bái vọng uy nghi
Hương hoa khói tỏa khắc ghi đời đời.
Bắc Nam cờ đỏ rợp trời
Núi sông liền dải sáng tươi vẹn tròn
Con đường ngàn dặm nước non
Lập nên huyền thoại Trường Sơn Anh hùng.
Vượt qua lửa đạn mịt mùng
Nối nhau đội ngũ điệp trùng tiên phong
Bao năm chờ đợi thỏa mong
Góp nên chiến thắng nức lòng muôn phương.
Trường Sơn là một Chiến trường
Đối phương dốc sức điên cuồng chặn ta
Đường dài cứ mãi vươn xa
Lập nên kỳ tích bài ca tự hào.
Con đường chiến lược tầm cao
Vươn lên từ thuở gian lao lối mòn
Khó khăn gian khổ chẳng sờn
Hy sinh cống hiến, lòng son dâng trào.
Con đường tươi đẹp biết bao
Tinh thần, ý chí kết vào nồng say
Đường Trường Sơn giữa rừng cây
Núi cao đá dựng vực vây trường thành.
Đường vươn, toả đẹp như tranh
Thác treo vách núi long lanh sao trời
Đẹp tươi là những con người
Nắng mưa bom đạn vẫn cười như hoa.
Núi rừng vang tiếng hát ca
Bàn tay lao động mở ra con đường
Mới hay sức khoẻ phi thường
Phá bom xẻ núi kiên cường xung phong.
Lập nên thành tích, chiến công
Con đường thống nhất non sông một nhà
Con đường như bản hùng ca
Kết tinh ý chí tinh hoa tâm hồn.
Con đường đậm dấu mốc son
Mở ra đánh Mỹ vẹn tròn chiến công
Di tích tỏa sáng non sông
Dẫu qua muôn thuở vẫn không phai mờ.
Nước nhà thống nhất ước mơ
Con đường huyền thoại nên thơ tự hào
Đường mang tên Bác đẹp sao
Muôn đời tạc sử in vào Trường Sơn.
 
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam
tin tức liên quan