"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 24)

Ngày đăng: 11:15 04/09/2021 Lượt xem: 322
        Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
         Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
         Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
         Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
 

CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 24)
Bài số 31

NHỮNG CHUYẾN ĐI BỘ BÊN LÀO
Chuyến Đi Bộ nhớ mãi - Tham gia chiến dịch Đường 9 Nam Lào

       Trên đường hành quân vào chiến trường, Tiểu đoàn 605 Nam Hà chúng tôi dừng chân ở bắc Đường 9 Nam Lào giao quân cho các đơn vị, tôi gặp anh Trần Ngọc Canh đồng hương cùng xã ra nhận về Ban Công binh Binh trạm 32.
       Binh trạm 32 đảm nhiệm khu vực Bắc - Nam đường số 9 bên Tây Trường Sơn trên đất Lào. Đường 9 cắt ngang Đông Dương qua hai nước Việt Nam và Lào, mọi con đường vào chiến trường đều phải cắt qua đường 9, đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá ngăn chặn tạo thành các trọng điểm khu vực này vô cùng ác liệt.
       Ngay sau tết, Binh trạm được đón Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đến thăm và giao nhiệm vụ chuẩn bị đối phó với cuộc tiến công của Mỹ nguỵ ra đường Trường Sơn. Cơ quan Binh trạm được nghe Thủ trưởng nói chuyện, giao nhiệm vụ tạo nên khí thế chuẩn bị cho trận chiến đấu thật khẩn trương.
       Lúc này Sở chỉ huy cơ bản trên đường 128 B khu vực Tây Bắc đường số 9 mất liên lạc với Sở chỉ huy tiền phương ở Đông Nam đường số 9 trên đường 35. Theo chỉ thị của Binh trạm trưởng Đặng Văn Ngữ, Ban Công binh cử thiếu uý Nguyễn Văn Hưng và binh nhì Hoàng Kiền đi trinh sát đường và vào nắm tình hình Sở chỉ huy tiền phương. Tôi đeo ba lô, một khẩu súng AK và 3 băng đạn, bi đông nước, lương khô ăn đường; anh Hưng đeo ba lô như tôi, bản đồ, ống nhòm, địa bàn và khẩu súng ngắn K 54, sáng sớm hôm ấy mồng 5 tết Tân Hợi xuất phát, đi theo đường 69, con đường giao liên nội bộ của Binh trạm 32. Ngước lên dốc 69, cứ leo hun hút đến đỉnh là gần trưa nghỉ giải lao ăn lương khô, rồi lại bám dây bám cây đi xuống cứ thăm thẳm chùn hết đầu gối lại, gặp đường ô tô là hết dốc. Theo đường 128 A, đi xuôi về phía Đông Nam đến trọng điểm Văng Mu thì dừng lại. Nhìn Văng Mu bom đang trút xuống ầm ầm, đồi núi tan hoang ngùn ngụt, hoa mắt ra, làm thế nào vượt qua đây!!!
       Trọng điểm Văng Mu trên đường 128 A địa hình vô cùng hiểm trở, bên phải là núi, bên trái là vực sâu thăm thẳm, liền kề là con sông Nậm Cốc, đường độc đạo. Địch tập trung đánh phá vô cùng ác liệt, đủ các loại bom đạn, đánh suốt ngày đêm; đêm đêm pháo sáng thả khắp cả vùng không giây nào ngừng. Văng Mu được ví là "Cánh cửa thép Trường Sơn". Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn Công binh 31 của Binh trạm 32 bảo đảm trọng điểm này. Cán bộ chiến sỹ Đại đội đã dũng cảm bám trụ phá bom từ trường, bom mổ chậm, các loại mìn địch thả xuống, xông lên san lấp kịp thời để thông đường cho xe vận chuyển vượt qua trọng điểm. Nhiều đồng chí anh dũng hy sinh. Đại đội 2 đã được tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đường 128 qua Văng Mu
Đêm đêm sáng trắng đèn dù
Đạn xới, bom cầy rừng tan nát
Đá hoá thành vôi, đất đỏ lừ.
Vách đứng vực sâu lượn vượt qua
Không lực Hoa Kỳ đánh xát trà
Mưu toan cắt chặn đường chi viện
"Cửa thép Trường Sơn" vẫn mở ra.
Công binh bám trụ quyết không rời
Chờ thời đợi lúc ngớt bom rơi
Xông lên tháo phá, san gạt lấp
Rầm rập xe lao chuyển đất trời.
       Chúng tôi dừng chân tại Trạm điều chỉnh giao thông, còn gọi là Barie phía Bắc đèo, hỏi anh em Công binh về tình hình, quy luật đánh phá của địch. Chọn thời điểm địch ngừng đánh phá, quá trưa hai anh em cuốc bộ vượt qua, ban ngày không có xe chạy, phải đi bộ kết hợp kiểm tra đường, đất bột ngập đến nửa ống chân, trời mùa khô nắng chang chang. Suốt khu vực bốn năm ki lô mét chiều dọc, hai ba ki lô mét chiều ngang, rừng bị tàn phá tan hoang trơ trụi hoàn toàn, không còn ngọn cỏ, cành cây. Dù pháo sáng rơi xuống bám trắng trên các gốc cây cụt cháy đen nham nhở, đất đá ngổn ngang, hố bom chồng lên hố bom chi chít. Hơn một tiếng đồng hồ chúng tôi vượt qua an toàn, thật là may, rất mừng, hồi hộp lắm.
       Chiều hôm ấy đến vị trí chỉ huy của Đại đội 2 Anh hùng, đơn vị đóng quân tại khu rừng già ven bờ sông Nậm Cốc khá xa trọng điểm Văng Mu nên vẫn an toàn. Anh Nguyễn Ngọc Sơn quê thành phố Nam Định là Đại đội trưởng, bắt tay nhận đồng hương ngay; anh Bùi Minh Dần quê ở Nghệ An làm Chính trị viên, anh DẦn cùng tuổi tôi, tôi binh nhì chiến sĩ, anh đã là chuẩn uý Chính trị viên Đại đội với rất nhiều huân chương, thật trân trọng Anh. Hai anh cùng chiến sĩ đơn vị đón tiếp thân tình. Nghỉ ngơi rồi ra xem anh em chơi bóng chuyền, chiến trường vẫn có hoạt động thể thao, rèn luyện sức khỏe để chiến đấu lâu dài. Bữa cơm chiều, rất vui, ấm tình đồng đội nơi gần trọng điểm trên đường Trường Sơn rực lửa.
       Đêm hôm ấy ngủ trong hầm của đơn vị, nghe tiếng xe rầm rầm chạy trên đường, tiếng bom nổ từng đợt từng đợt ầm ầm, tiếng đạn 20 ly, 40 ly do máy bay AC - 130 bắn đuổi xe chói tai không ngớt; xe cháy, có đồng đội hy sinh, anh Sơn, anh Dần cùng anh em ra vị trí chỉ huy đơn vị bảo đảm giao thông, chống phá hoại, cấp cứu Thương binh, đưa Liệt sĩ về khu vực mai táng, suốt đêm không nghỉ.
       Nhiệm vụ của chúng tôi ở phía trước, sáng hôm sau chia tay Đại đội 2 Văng Mu, chúng tôi tiếp tục hành quân sớm. Đi qua ngã 3 Na Bo là giao điểm của đường 128A và đường 9, cũng là một trọng điểm ác liệt. Nhìn thấy máy bay địch thả truyền đơn trắng xoá cả khu vực, rơi xuống từng bó chưa tan, bọn lính trên máy bay chắc cũng sợ pháo cao xạ của Bộ đội ta bắn lên nên không kịp rải mà vần cả bó xuống vỡ văng ra. Chúng tôi nhặt xem, thơ văn của bọn nguỵ chả ra gì cả!
"Trưa hè trời nắng chang chang
Tiếng chim cu gáy buồn ơi là buồn
Hỡi anh Bắc Việt lính trơn
Bỏ quân Cộng sản về theo cộng hoà"
       Rồi những lời văn kêu gọi "hỡi các anh lính Bắc Việt hãy bỏ quân Cộng sản Bắc Việt xâm lược Việt Nam cộng hoà về với chính nghĩa quốc gia sẽ được khoan hồng và đối xử tử tế."
        Bọn tay sai bán nước nói năng bậy bạ, văn thơ chẳng ra cái quái gì, làm sao lừa bịp dụ dỗ được ai, chúng tôi châm lửa đốt từng đống.
       Từ ngã ba Na Bo theo rẽ trái một đoạn gặp ngã ba, rẽ phải đi theo đường 35 khoảng hơn mười ki lô mét đến sông Sê Băng Hiêng, một con sông lớn ở Nam Lào chảy về phía Tây Nam ra sông Mê Công. Mùa khô xe ta vượt sông bằng ngầm Tha Mé, qua ngầm Tha Mé là đèo Tha Mé, một trọng điểm vô cùng ác liệt phía nam đường 9, đây là một khu vực trọng điểm vừa ngầm vừa đèo nên bảo đảm vô cùng khó khăn. Chúng tôi dừng chân phía Bắc ngầm, vào Trạm điều chỉnh giao thông của Công binh chờ đợi, nghe anh em nói về qui luật đánh phá của máy bay địch để có phương án vượt sông . Tiếng máy bay rít trên đầu, pháo cao xạ nổ rầm rầm trên trời, tiếng bom nổ ầm ầm, vừa dứt tiếng bom, nó đánh không trúng ngầm, các chiến sĩ Công binh hô ra hầm đi... Thế là hai anh em cởi quần dài buộc vào cổ nhanh chân lội qua ngầm, nước sâu quá đầu gối, đá lồn ngổn rất khó đi, cố gắng hết sức để lội qua an toàn, rồi lại tạm dừng. Tiếp tục chờ thời cơ ngớt bom là vượt qua đèo. Đi bộ qua ngầm Tha Mé và đèo Tha Mé trong giai đoạn địch tập trung đánh phá vô cùng ác liệt mà an toàn thật là may mắn, thế là yên tâm.


Ảnh minh họa
 
   Tôi đi theo sau anh Hưng tiếp tục leo dốc vào Sở chỉ huy tiền phương của Binh trạm 32. Đến nơi nhìn quang cảnh rừng cây đang cháy ngùn ngụt, khói lửa mịt mù. Chúng tôi tìm đến hầm chỉ huy tiền phương, Đại uý Nguyễn Ngọc Quang - Trưởng ban tham mưu Công binh của Binh trạm 32 đang trực chỉ huy ở đây. Địch vừa đánh bom phá, bom cháy, cháy hết quân tư trang của cán bộ chiến sĩ ở đây, tất cả chui vào hầm chữ A phòng tránh, khói tạt vào ngạt thở hết cả, vô cùng nguy hiểm.
       Tôi lần đầu gặp thủ trưởng Quang, anh Hưng đã biết ông.
       Ông hỏi: Các cậu đi đâu?
      Anh Hưng báo cáo: ở Sở chỉ huy cơ bản mất liên lạc, không biết tình hình trong này thế nào nên Binh trạm trưởng Đặng Văn Ngữ chỉ thị, Ban cử chúng tôi đi khảo sát nắm tình hình đường xá và tình hình Sở chỉ huy tiền phương.
       Trưởng ban Tham mưu Công binh với nét mặt nghiêm nghị nói :
Nó đánh bom liên tục mấy hôm nay, hữu tuyến điện, vô tuyến điện hỏng hết cả; nó đang chuẩn bị đổ bộ xuống đây cắt đứt đường 35. Sáng mai các cậu về ngay báo cáo tình hình, phải cấp tốc mở đường tránh phía tây ngay.
       Bấy giờ khoảng hơn 5 giờ chiều, nắng nóng kèm bom đánh cháy nghi ngút, ngột ngạt vô cùng, mồ hôi đầm đìa quyện mùi khói cây cháy, hơi thuốc bom khét lẹt, xộc vào miệng vào mũi, ai cũng chảy hết nước mắt nước mũi ra.
       Ông lấy Ăng gô đường đỏ mở ra, kiến đỏ nhỏ li ti chui vào ăn đường kín cả Ăng gô lẫn hết trong đường. Ông múc ra 3 thìa pha 3 bát nước, kiến lẫn đường, ông bảo mỗi đứa một bát uống đi. Ông bê lên nói: kiến ăn của ta, ta ăn kiến, thế rồi uống hết luôn; chúng tôi cũng uống theo, mát lòng mát dạ, vừa ngọt vừa cay cay. Kiến cũng là thực phẩm bổ mà, ở chiến trường được cung cấp mấy lạng đường đỏ là quí lắm, kiến cũng thèm đường, nó ăn của ta, ta ăn nó, đành phải ăn cả kiến thôi.
       Đêm hôm ấy nằm trong hầm chữ A chật chội, ngột ngạt, mệt quá rồi cũng ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
      Sáng tinh mơ chúng tôi dậy ăn sáng rồi lên đường, Đại uý Nguyễn Ngọc Quang nói: chúng mày phải đi đường tắt, theo đường mòn mà về cho nhanh và an toàn để báo cáo tình hình. Trong này nó đánh bom phá, bom cháy trúng Sở chỉ huy tiền phương, mất liên lạc hoàn toàn, thiệt hại về trang bị, quân tư trang nhưng không ai bị thương, hi sinh. Cần mở đường tránh phía Tây ngay. Theo đường mòn về cho nhanh, đi đường ô tô nguy hiểm lắm. Ông đưa bản đồ ra hướng dẫn cụ thể, anh Hưng lấy bản đồ ra vẽ theo. Tôi vào Ban tham mưu Công binh, trước tết cũng được các anh Trợ lý là Kỹ sư, Trung cấp cầu đường tập huấn cho tiểu đội khảo sát mười ngày nên đã biết đọc bản đồ, đứng nhìn theo cũng nắm được.
       Hai anh em lên đường khẩn trương, đi qua quả đồi không tên, cây cối lúp xúp, thấy đơn vị phòng không 12,7 ly đã đào công sự chiến đấu, đang nguỵ trang. Thật bất ngờ tôi gặp bạn học cấp 2 là Đinh Văn Các, đồng hương cùng xã, chào hỏi nhau, mừng lắm. Được biết đây là đơn vị súng máy phòng không thuộc Sư đoàn Bộ binh 2 do Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn chỉ huy đã về đón phục ở đây từ trước.
       Đang đứng dưới công sự 12 ly 7, Các hỏi: hai anh em đi đâu?
       Chúng tôi về Binh trạm 32 báo cáo tình hình.
       Chạy nhanh lên, trực thăng nó sắp đổ bộ rồi.
       Ở chiến trường gặp bạn học đồng hương là quí vô cùng, không kịp nói chuyện với nhau, thật là tiếc .
Chúng tôi nhanh chóng vừa đi vừa chạy thật nhanh theo đường mòn. Một lúc sau bỗng nghe tiếng máy bay trực thăng từ xa, rồi nó bay đến nhìn như đàn chuồn chuồn, súng phòng không của ta bắn lên, chúng rụng như sung, nó vẫn đổ bộ xuống sau lưng chúng tôi, chậm chân một tí là rất nguy hiểm, sẽ bị nó chụp trúng, mình chỉ có 1 khẩu AK, 1 khẩu súng ngắn thôi, chiến đấu không địch nổi bọn chúng đông nhung nhúc. Chúng tôi cần về báo cáo tình hình, phải nhanh chân, thế là thoát khỏi nơi chiến sự ác liệt diễn ra. Đến chỗ cảm giác an toàn tạm nghỉ, áo đầm đìa mồ hôi, tim đập thình thịch rung cả lồng ngực lên, hồi hộp đến khó tả.
       Chúng tôi về theo đường 128 B, là đường tránh của đường 128 A, qua trọng điểm Phú Kiều cũng vô cùng ác liệt. Đã có kinh nghiệm nên vượt qua an toàn. Về Binh trạm bộ báo cáo tình hình, chúng tôi mới được phổ biến về Chiến dịch Đường 9 Nam Lào đang diễn ra. Ban Công binh được giao nhiệm vụ đi khảo sát đường tránh cấp tốc.

Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam


(Còn nữa)
 
tin tức liên quan