"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 26)

Ngày đăng: 08:39 06/09/2021 Lượt xem: 333
       Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
         Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
         Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
         Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
 

CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 26)
Bài số 33

NHỮNG CHUYẾN ĐI BỘ BÊN LÀO
CHUYẾN ĐI BỘ NHỚ MÃI - KHẢO SÁT ĐƯỜNG KÍN TÂY TRƯỜNG SƠN
       Mùa khô năm 1970 - 1971 Mỹ dùng máy bay AC-130 có lắp các thiết bị nhìn đêm, súng 20 ly 6 nòng, súng 40 ly lùng bắn xe trên đường, gây cho ta tổn thất về xe và người rất lớn. Đây là giai đoạn khó khăn gian nan nhất của Bộ đội Trường Sơn nói chung và bộ đội ô tô vận tải nói riêng. Chỉ trong mùa khô năm 1970-1971, ta bị thiệt hại rất nặng nề: 2.842 xe các loại bị bắn cháy, hỏng; 2.087 cán bộ chiến sĩ hy sinh; 4.627 cán bộ chiến sĩ bị thương. Trước tình hình ấy, Bộ Tư lệnh Trường Sơn do Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên họp đề ra chủ trương biện pháp đánh bại thủ đoạn dùng máy bay AC-130 của Mỹ.
1.TIÊU DIỆT MÁY BAY AC-130 CỦA ĐỊCH
       Quyết tâm đưa tên lửa vào áp sát đường 9 tiêu diệt máy bay AC-130. Hôm ấy cuối tháng 11 năm 1971, trời quang mây tạnh, chiếc máy bay AC-130 theo đường cũ lù lù tiến ra. Hai cánh cao xạ tập trung hoả lực tạo thành lưới lửa dồn ép con “quạ sắt” đi vào một hướng gần như cố định. Khi nó đang loay hoay tránh lưới lửa cao xạ thì tên lửa phóng đúng mục tiêu, máy bay AC-130 rơi tại chỗ ở “ngã ba máy húc” gần thị trấn Sê Pôn - Đường 9 Nam Lào, 11 tên giặc Mỹ cháy thui. Theo lệnh của trên, Binh trạm 32 cho 6 xe ô tô chở xác máy bay ra Hà Nội để nghiên cứu. Lần đầu tiên ta đã bắn rơi máy bay AC-130, từ đó chúng không dám ra nữa mà phải lui vào hoạt động ở phía nam đường 9. Mười ngày liền trên tuyến đường 9, Sê Băng Hiên vắng tiếng máy bay.
2, MỞ ĐƯỜNG KÍN
       Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức hội nghị do Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chủ trì. Sau khi nghe báo cáo và nghiên cứu các hoạt động của địch, đặc biệt là thủ đoạn đánh phá bằng máy bay AC-130, đồng chí Tư lệnh kết luận: Để tạo ra bước chuyển biến lớn trong công tác vận chuyển, tạo thế trận bất ngờ đối với địch, làm thay đổi cơ bản phương thức hoạt động của ta, nhằm tăng cường tối đa khả năng chi viện cho chiến trường, mùa khô năm 1971 - 1972 ta phải sử dụng đường kín (sau thường gọi tắt là đường K) để thực hiện vận chuyển vào ban ngày. Muốn vậy, lực lượng công binh cần phải chuẩn bị sớm, ngay từ đầu mùa mưa. Hội nghị quyết định các trục đường kín đi thẳng đến các chiến trường do Bộ Tư lệnh trực tiếp chỉ đạo. Lực lượng mở đường kín được điều động, bổ sung. Ngoài lực lượng đã có, Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức thêm 2 trung đoàn công binh cơ động là Trung đoàn 6 và Trung đoàn 8, trong đó Trung đoàn 8 chủ yếu là nữ công nhân giao thông chuyển sang. Đồng thời Bộ tăng cường cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn Trung đoàn công binh 217 từ chiến trường thượng Lào vào. Một số lượng lớn dân công hoả tuyến của 7 tỉnh Miền Bắc: Thái Bình, Nam Hà, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Hưng cũng được tăng cường có thời hạn cho Trường Sơn.


Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cùng các chiến sỹ Trường Sơn ( Ảnh minh họa)
 
       Lực lượng khảo sát đường kín do Tiểu đoàn khảo sát / Cục Công binh Trường Sơn tiến hành. Đội khảo sát của Ban Công binh Binh trạm 32 tham gia chia làm 2 tổ, tổ một do Thiếu uý Nguyễn Minh Hương phụ trách cùng các chiến sĩ: Kiền, Trinh, Trường quê Nam Hà; Tiểu đội trưởng Nhân, chiến sĩ Long cùng quê Thanh Hoá; anh Thu trợ lý dân vận thuộc Ban dân vận Binh trạm 32 đi cùng đoàn làm công tác dân vận. Sau chiến dịch Đường 9 Nam Lào, vào khoảng tháng 5 năm 1971 lên đường làm nhiệm vụ. Đội mang theo quân tư trang, xoong nồi nấu ăn, lương thực thực phẩm, thời gian khảo sát khoảng năm tháng. Mỗi chiến sĩ một khẩu súng Ak có 3 băng đạn, anh Hương có khẩu cacbin để bắn chim cu xanh làm thực phẩm. Chúng tôi hành quân từ Binh trạm bộ Binh trạm 32 trên đường 128 B, vào gần đèo Phú Kiều, dẽ phải sang đường 32 đến gần bờ sông Sê băng hiêng dừng chân tiến hành khảo sát đường tránh vượt sông. Thời gian kéo sang mùa mưa vô cùng gian nan.
       Đêm mắc tăng võng ngủ trong rừng, phân công thay nhau gác, nam Lào vẫn có phỉ hoạt động, được cơ quan bảo vệ thông báo.
      Đêm hôm ấy trời mưa to tầm tã, anh em lên võng có tăng che ngủ, gác cũng nằm trên võng, mưa to thế này làm gì có phỉ hoạt động. Cả đội ngủ say dưới trời mưa như trút nước . Sáng thấy trời ngớt mưa, gọi nhau dậy nấu ăn để đi khảo sát, tôi ra đến gần suối, nhìn thấy chi chít các vết giày. Gọi anh em ra xem, một toán phỉ Lào mấy chục tên chúng mới đi qua đây. Do đêm tối, trời mưa to nên chúng không phát hiện ra, thật may cho tổ khảo sát chúng tôi, là là kinh nghiệm cho những đêm sau. Vượt qua sông Sê băng hiêng vào phía nam gặp một bản có khoảng hai chục nhà dân, đường sẽ đi qua gần đây, cả đoàn vào ở nhờ nhà dân, tôi và anh Thu ở chung một nhà, anh quê ở Ứng Hoà - Hà Tây, vợ anh là giáo viên cấp 1 nên nói chuyện cũng hợp nhau.
       Mùa mưa đi khảo sát đường trong rừng gian nan lắm, núi cao rừng rậm, muỗi vắt, rắn rết nhiều vô kể, trên đường đi phải dùng dao vạc vào thân cây để còn nhớ đường về. Thế mà vẫn có tổ lạc, chỉ sơ xuất một tý là mất dấu vết, đến chiều sắp tối vẫn không thấy anh em về, ai cũng lo, thế là đem súng AK ra theo qui ước bắn hai phát lên trời, bên kia nghe thấy bắn đáp lại hai phát, cứ thế dẫn đường cho anh em tìm về mất mấy loạt AK đến bản đã khá muộn. Sau một tháng đội di chuyển đến cung đoạn khác.
       Anh Thu nói, em gái Lào gia đình này yêu anh Bộ đội Kiền của Việt Nam rồi đấy!
      Em cũng không để ý, chỉ tập trung công việc khảo sát hàng ngày, tối đốt đèn dầu cóng bơ lên tự học chương trình học kỳ 2 các môn Toán - Lý - Hoá lớp 10, vì học trung cấp sư phạm ( 7+3 ) mới hết chương trình học kỳ 1 lớp 10. Nguyện vọng sau này thắng Mỹ trở về sẽ thi đi học Đại học Sư phạm, lấy vợ giáo viên.
       Lúc chia tay, em gái Lào xinh đẹp đứng ôm cột nhà nét mặt buồn buồn nhìn mãi, chỉ biết vẫy tay "xam bai đi" - Chào tạm biệt.
Đoàn vào Bản nghỉ mấy tuần
Dáng cô thiếu nữ vẹn phần xinh tươi
Nọong ( Em ) trao ánh mắt nụ cười
Xin theo bộ đội giúp người nâng khăn
...
Ngắm Em dưới ánh trăng rằm
Ải (Anh) còn nhiệm vụ xa xăm tháng ngày
Nhìn Em lưu luyến vẫy tay
Xam bai đi ( chào tạm biệt) với nơi này nhớ ghi.
       Chuyến khảo sát kéo dài 5 tháng, đến hết tháng 9 chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.
       Bộ đội, dân công hỏa tuyến suốt mùa mưa không nghỉ để mở đường kín, các công trường khí thế lao động sôi nổi để con đường dưới tán rừng già Trường Sơn như lao ra mặt trận. Làm thêm các trục dọc, trục ngang với tổng chiều dài lên tới 3.140 km, thật kỳ diệu. Những đoạn đi qua địa hình trống trải, các đơn vị nữ công binh làm các khung dàn bằng cây gỗ, lấy cành cây che phủ nguỵ trang, nhiều nơi lấy phong lan rừng treo lên nguỵ trang. Có đoạn, công binh dùng dây rừng neo buộc các ngọn cây hai bên đường cho chụm vào nhau để tăng độ che phủ tán cây ngụy trang, thật sáng tạo. Đường kín hoàn thành, mở ra một giai đoạn mới chuyển sang chạy ngày thật hiệu quả. Cơ bản loại AC-130 cũng như các loại máy bay khác “ra khỏi vòng chiến đấu”. Đây là một quyết tâm, một sáng tạo đặc biệt của Bộ đội Trường Sơn.
       Đây là chuyến đi bộ dài ngày nhất của tôi trên đường Trường Sơn, để lại rất nhiều kỷ niệm với nhiệm vụ, với những đồng đội, những người dân Lào hiền hoà thân thiện. Trong đó tôi gặp những người đồng hương làng, xã, huyện, bạn học. Gặp Trần Văn Tò, em trai của bạn tôi là Trần Văn Truyện cùng học lớp 1J - Trường trung cấp Sư phạm cấp 2 ( 7+3 ) khoa tự nhiên Nam Hà, Tò thông báo anh Truyện đã mất vì bệnh gan, thật là thương, ít lâu sau nghe tin Tò hi sinh tại chiến trường, thật đau xót. Gặp bạn Lương Xuân Sơn bạn học cùng cấp hai, cùng làng, gặp anh Canh, anh Đề, anh Hoá thôn trên. Gặp chú em Đỗ Văn Mai cùng làng là Công binh Trung đoàn 10 đang thi công đường kín, chiều hôm ấy anh em bắt được con rắn hổ mang to, nấu đầy một xoong 20 cùng dự giao lưu với anh em, đêm ngủ tâm sự với chú Mai suốt đêm, sau này về quê gặp lại, chú ấy cũng ra đi sớm. Năm 2019 Hoàng Kiền và Lương Xuân Sơn bàn nhau cố gắng thành lập Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh xã Giao Thịnh, Đại tá Lương Xuân Sơn làm Chủ tịch, Thiếu tướng Hoàng Kiền làm chủ tịch danh dự. Nhớ mãi những kỷ niệm về chuyến đi trên đường Trường Sơn năm xưa.

Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam

(Còn nữa)
 
tin tức liên quan