"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 27)

Ngày đăng: 10:27 07/09/2021 Lượt xem: 374
       Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
         Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
         Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
         Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
 

CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 27)
Bài số 34

NHỮNG CHUYẾN ĐI BỘ BÊN LÀO
CHUYẾN ĐI LẤY MĂNG MÙA MƯA TRƯỜNG SƠN - VẮT CẮN NHỚ ĐỜI
LẤY MĂNG VỀ SẤY
       Trên đường Trường Sơn mùa khô rất hiếm rau, rau rừng cũng không có, sáu tháng từ tháng 11 năm nay đến tháng 5 năm sau cứ nắng chang chang suốt cả mùa, suối cạn kiệt hết, rau tàu bay, rau môn thục, rau dớn ( ngọn cây dương xỉ), lá sắn cũng già úa... cũng khô héo hết. Có những lúc phải đẽo ngọn cây đu đủ, ngọn cây búng báng xào ăn, thậm chí tôi còn hải cả quả lúc nác xào, đắng lắm mà vẫn cứ khen ngon. Trung Quốc viện trợ cho ta củ cải khô gọi là “Ca la thầu” nhưng hạn chế lắm. Bộ đội ta tranh thủ mùa mưa đi lấy măng đào lò sấy dự trữ cho mùa khô. Tiểu đội khảo sát Ban Công binh Binh trạm 32 chúng tôi có 10 người thay nhau mấy ngày một phiên năm người một tổ vào rừng lấy măng về sấy, chủ yếu là măng cây vầu, lồ ô củ nó to. Ngon nhất là măng le đến măng giang, măng nứa nhưng cây măng nhỏ khó lấy mà lâu lắm. Hôm ấy vào đầu tháng 10 năm 1971, đến lượt Kiền quê Xuân Thủy Nam Hà, Trường quê Thanh Liên Nam Hà, Vàn quê Tương Dương - Nghệ An, Đạt quê Thanh Chương- Nghệ An, Long quê Quảng Xương Thanh Hoá. Mỗi người một ba lô, một con dao, xỏ ghệt, đi giày cao cổ bôi thuốc chống vắt của Trung Quốc, khoác áo mưa đi lấy măng le. Đi mãi hơn năm ki lô mét trong rừng sâu mới gặp rừng le. Đang mùa mưa, suốt ngày mưa như trút nước. Mưa to, lấy măng le nhỏ, mỗi người được bốn chục cân là đã quá trưa, cả năm anh em ướt như chuột lột. Trên đường về lội qua con suối, nước dâng cao cứ để nguyên quần áo đeo ba lô măng lội bơi vượt qua thật là khó khăn. Về đến nhà khoảng một giờ chiều, cởi quần áo ra, giời ơi, cả năm thanh niên vắt bám đầy người, trong nách, trong bẹn, bụng, lưng, cổ mỗi người vài chục con no mọng máu, con nào cũng như đầu đũa lăn xuống đất tròn ung ủng không bò không ngoe nguẩy được, màu máu đỏ tươi bên trong, ai nhìn thấy cũng sợ. Máu chảy chan ra khắp người, anh em ở nhà chạy đến lấy tàn thuốc lào rịt lai cho. Vắt cắn khó cầm máu hơn đỉa, gom lại cũng được một đĩa to vắt căng tròn máu đỏ.
Sao hôm nay nhiều vắt thế này?
       Do rừng le lá rụng xuống, vắt ẩn trong đó, có hơi người nó mới ngóc lên. Mưa suốt cả buổi sáng trôi hết mất thuốc chống vắt thế là nó bò lên chui vào người. Rừng le rậm lấy lâu không để ý đến vắt nên nó bám chui vào cũng không biết. Ở rừng le lại có loại vắt xanh ở trên cây nhảy xuống bám vào người, loại này mới nguy hiểm và đáng sợ nhất. Thường vắt chui vào người cắn có cảm giác lạnh lạnh bên trong biết ngay, hôm ấy mưa ướt hết nên không có cảm giác lạnh của vắt cắn như mọi khi. Thế là lũ vắt rừng le nó làm thịt năm thằng chúng tôi một bữa no. Bị vắt cắn nhiều lần nhưng chỉ một vài con là biết bắt ngay, hôm ấy vài chục con vắt cắn khắp người tôi, đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn sợ vắt rừng le mùa mưa Trường Sơn. Vẫn nhớ mãi đồng đội của tôi: Trường, Vàn, Đạt, Long. Tôi đã về Thanh Liêm tìm Trường nhưng chưa được, sẽ vào Thanh Hoá tìm thăm Long ở xã Quảng Đức - Huyện Quảng Xương - Tỉnh Thanh Hoá, Vàn và Đạt xa quá, có điều kiện sẽ tìm sau.
       Mùa mưa đi lấy măng về sấy rất công phu. đào lò, chặt cây xăng lẻ bổ ra đốt, măng bóc vỏ luộc kỹ trước, sau đó thái ra rồi đưa lên giàn sấy măng, được một mẻ măng là vất vả lắm. Suốt gần hai tháng gian nan mới được bao măng khô to hơn bốn chục ki lô gam.

 

Tranh minh họa
RƠI MẤT HẾT MĂNG KHÔ
       Tháng 11 năm ấy có lệnh di di chuyển cơ quan vào sâu phía trong ở nam đường 9, Ban Công binh phân công Hạ sĩ Hoàng Kiền đi tiền trạm mang theo bao măng khô khoảng 50 ki lô gam . Dọc đường máy bay AC - 130 nó đuổi bắn, xe vừa chạy vừa tìm cách tránh máy bay, đường xóc quá rơi mất bao măng khô lúc nào không biết. Khi cả Ban Công binh vào, tôi báo cáo rơi mất hết măng khô rồi, cả Ban Công binh hơn hai chục người sững sờ ra, buồn hơn mất của. Đến bây giờ tôi vẫn chưa quên việc rơi mất bao măng khô của Ban Công binh Binh trạm 32 cuối năm 1971, chỉ những người đi lấy măng hôm ấy mới thấy tiếc như thế nào. Tôi bị phê bình, thật ra cũng oan, do thằng Mỹ "nó cướp mất chứ". Từ đó trở đi, mỗi khi nhìn thấy măng khô lại nhớ đến chuyến đi lấy măng, chuyến làm mất bao măng khô trên đường Trường Sơn năm xưa, những kỷ niệm không thể nào quên.
Mùa mưa đi lấy măng rừng
Năm chàng khảo sát ta cùng xông pha
Ba lô nặng trĩu về nhà
Áo quần ướt sũng cởi ra, hoảng hồn
Vắt to như chiếc đũa luôn
Vài chục con bám căng tròn, tiếng la
Máu tươi chảy xuống nền nhà
Anh em đến rịt xót xa vô cùng
Đào lò sấy, mùa khô dùng
Cơ quan di chuyển đi chung xe đoàn
Máy bay nó đánh đạn bom
Bao măng rơi mất héo mòn xót xa
Mỹ kia mày cướp của ta
Bao người khó nhọc máu ra ròng ròng
Thương mình thương bạn tiếc công
Trường Sơn Huyền thoại mãi không phai mờ.
...
Có năm mươi ký măng khô
Bao công đi lấy đào lò sấy phơi
Thế mà lại bị đánh, rơi
Tròn nửa thế kỷ chưa nguôi đứt lòng.
 
Ngày 28 tháng 8 năm 2021
Hoàng Kiền
Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam


(Còn nữa)
 
tin tức liên quan