"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 31)
Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 31)
Bài số 38
NHỮNG CHUYẾN ĐI BỘ BÊN LÀO
ĐI LẤY GỖ MUA MẬT GẤU RỪNG TRƯỜNG SƠN
Năm tôi lên 6 tuổi, thấy bố ho rất nhiều rồi ho ra máu nhưng vẫn cứ hút thuốc Lào. Mẹ cất điếu đi, bố lại tìm mang ra hút, sau mẹ đem điếu ra vườn chôn xuống đất.
Bỗng dưng một sáng tháng ba
Bố ho ra máu mất đà lao đao
Kiền ơi mang thuốc lào vào
Mẹ sai chôn điếu, bố gào moi lên
Đào rồi lấp xuống mấy phiên
Thuốc lào quyết bỏ không quên điếu tròn.
Lớn lên mới biết bố bị bệnh lao phổi, ngày ấy không có thuốc điều trị như bây giờ, duy nhất chỉ có kháng sinh là Streptomicin, mỗi ngày tiêm một lọ suốt từ năm tôi lên 6 đến năm đi bộ đội vẫn thế. Nhà nghèo đông anh em, bố ốm càng khó khăn hơn. Đàn con 8 đứa, sau tôi là 6 em gái liền rồi đến trai út. Bố đặt tên cho các con gái lớn là Thâm (Sâm), Thục, Qui, đó là ba vị thuốc Bắc quí, đặt thế thôi chứ làm gì có tiền mua, chỉ là mong ước thôi. Lớn lên đi học Sư phạm, dạy học thi thoảng mua được mấy ông thuốc B12 màu trông như nước rau dền đỏ về để bố tiêm, bố tôi mừng lắm.
Năm 1970 tôi nhập ngũ vào Công binh Trường Sơn Binh trạm 32. Cuối năm 1971 Tiểu đoàn dân công hỏa tuyến Nam Hà vào mở đường kín bên Tây Trường Sơn trên địa bàn nam đường 9 bên Lào, do Binh trạm 32 quản lý. Chú Tống Ngọc Tỉnh có biệt danh là Tống Giang quê ở Nam Ninh là Trung cấp đường sắt vào làm cán bộ kỹ thuật kiêm thống kê của Tiểu đoàn, tôi là thống kê của Ban Công binh Binh trạm 32 nên anh em làm việc với nhau nhiều. Thế rồi chú ấy bị sốt rét nặng, tôi đưa lên Ban Công binh chăm sóc nấu cháo cho ăn hàng ngày đỡ dần. Chú Tỉnh được cho ra Bắc sớm vào đầu năm 1972, tôi chiu chắt được 20 ống thuốc B12 của Trung Quốc viện trợ đưa vào chiến trường bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ bị ốm đau, viết thư gửi kèm thuốc B12 nhờ chú Tỉnh mang về nhà cho bố. Ít lâu sau bố tôi viết thư vào không thấy nói gì đến thuốc B12, tôi viết thư ra thông báo, nhận được thư vào không có thuốc, không thấy anh Tỉnh nào đến cả, sững sờ ra với nỗi buồn vô tận.
Chiến trường chiu chắt thuốc men
Quân ra con gửi người quen đi cùng
Vượt qua lửa đạn mịt mùng
Thư vào chẳng thấy bố mừng, mẹ vui
Tim con đứng lặng ngậm ngùi
Thuốc không nhận được lệ chùi xót xa
Đáy lòng thương mẹ, thương cha
Chắc do bom đánh hay là bị rơi
Bê mười hai (B12) quý nhất đời
Vượt qua lửa đạn vào nơi chiến trường
Ngược dòng quay lại hậu phương
Hai lần bom đánh chặn đường vào ra
Mỹ kia cướp thuốc của ta
Bao ngày lòng dạ xát trà, ngẩn ngơ.
Cuối năm 1972 đường kín hoàn thành, dân công được ra Bắc hết, cố gắng gom góp được 10 ống thuốc B12 gửi Bác Đính người xã Hải Lộc - Huyện Hải Hậu cách nhà tôi có bảy cây số. Nhận được thuốc, bố viết thư vào mừng lắm và nói: Bác đính cho biết trong Trường Sơn nhiều mật gấu rừng tốt lắm, tìm cho bố một chiếc, khi nào thắng Mỹ ra Bắc mang về cho bố mẹ nhé.
Năm 1973 sau khi ký kết hiệp định Paris, Mỹ ngừng ném bom trên lãnh thổ Lào và Campuchia, nhiệm vụ cải tạo tuyến đường nhánh Tây Trường Sơn được triển khai. Sư đoàn 472 chuyển thành Sư đoàn Công binh 472, sư đoàn bộ chuyển sâu vào bờ nam sông Sê na nông, đóng bản Tà Ôi, huyện Tà Ôi - tỉnh Sa La Van - Nam Lào. Toàn sư đoàn bộ tập trung xây dựng doanh trại, làm nhà nổi, âm xuống 1 mét thôi chứ không làm nhà hầm như trước đây. Khi đào xuống gặp rất nhiều mộ của dân Lào, mới biết đây là nghĩa địa của làng hủi, ai cũng lo, nhà của chúng tôi ở đào lên gần chục ngôi mộ, di chuyển hài cốt đi vẫn làm nhà tại đây.
Anh em Phòng Công binh đi bộ vào rừng chặt gỗ về làm nhà, đại đội khảo sát trực thuộc phòng được điều một bộ phận lên làm nhà cho cơ quan Phòng. Tôi kết thân với các bạn Nguyễn Đức Đào, Nguyễn Đình Tặng, Nguyễn Ngọc Khoa, thường xuyên chơi bóng chuyền với nhau.
Hôm ấy Hoàng Kiền - Trợ lý kế hoạch, Nguyễn Đình Tặng - Trung đội trưởng khảo sát, Nguyễn Ngọc Khoa - Tiểu đội trưởng khảo sát đi vào rừng tìm gỗ. Gỗ to không có máy cưa xẻ, phải tìm gỗ vừa để làm cột, xà, đòn tay cho phù hợp. Chỉ nhà Hội trường, nhà thủ trưởng Bộ Tư lệnh mới có máy cưa xẻ gỗ xây dựng. Tổ chúng tôi vừa đi tìm gỗ kết hợp đi săn nên đi cũng khá xa tới hơn chục ki lô mét, trên đường đi gặp một người dân Lào đi săn, anh ấy đưa chiếc mật gấu khô ra hỏi có mua không?
- Bao nhiêu?
- Ba bộ quần áo Tô Châu - Trung Quốc.
Nhất trí liền, thế là dẫn về cơ quan, Kiền - Tặng - Khoa mỗi người góp 1 bộ quân phục mới toanh đổi lấy cái mật gấu rừng khô khá to. Cắt chia làm 3 mỗi người một phần gói vào túi ni lon, cất kỹ vào ba lô. Đầu năm 1976 được đi phép về nước, mang mật gấu về làm quà kính biếu bố mẹ.
Ngày vui, vui đến như mơ
Đã ngừng bom đạn bố chờ tin con
Miền Nam giải phóng, mốc son
Ba lô con ngược đường mòn về quê
Lâng lâng rảo bước mải mê
Vẫn hằn chân đất ven đê sông Sò
Đường xưa, lối cũ, con đò
Bố mừng, mẹ đón, em dò ngắm anh
Mấy năm gặp lại đất lành
Bà con thôn xóm quây quanh sân nhà
Đêm khuya bao chuyện gần xa,
Con nâng thuốc quý món quà Trường Sơn *
Món quà quý chính là một phần ba chiếc mật gấu rừng Trường Sơn bên nước Lào.
Thuốc quý nên bố mẹ tôi cất rất kỹ, một hôm bác Khản anh ruột mẹ tôi đi chở thuyền bị ngã đập ngực và bụng xuống mạn thuyền, sưng lên rất to, mẹ tôi cắt một miếng mang ra pha rượu để bác bôi, thế là tan ngay máu bầm, vết sưng xẹp đi rất nhanh. Khi biết nhà có mật gấu tốt, nhiều người đến xin, mẹ tôi bảo bố tôi đem mà uống, bố cứ giữ, thế là mẹ tôi nói ông không uống thì họ xin cũng hết, ông đưa cho bà pha rượu uống hết luôn. Bố tôi cũng yếu, ra đi ở tuổi 64, mẹ tôi nhờ được trời thương, hưởng thọ 83 tuổi, có lẽ cũng có một phần nhờ mật gấu rừng Tây Trường Sơn. Con gấu rừng nó leo lên cây thẳng đứng rất cao. Tôi đã chứng kiến trên rừng Trường Sơn, nó to như thế mà cứ bám vào thân cây lên cao móc mật trong tổ ong ăn, no say rồi rơi xuống đất chết ngất đi, mật tan ra để tự chữa trị, sau nó tỉnh dậy, vẫn bình thường. Mật gấu rừng rất tốt vì con gấu rất khỏe, leo cây cao ăn mật rừng nguyên chất mới tạo ra mật như thế. Chuyến Đi Bộ hôm ấy ở bên đất nước Lào đổi mật gấu in đậm mãi trong tâm trí của tôi.
Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Minh Việt Nam
(Còn nữa)