"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 32)

Ngày đăng: 11:37 12/09/2021 Lượt xem: 338
       Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
         Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
         Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
         Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
 

CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 32)
Bài số 39

NHỮNG CHUYẾN ĐI BỘ BÊN LÀO

ĐI BỘ CẤP CỨU THƯƠNG BINH TRÊN ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN
       Đêm hôm ấy vào đầu tháng 11 năm 1971, Đoàn Văn công Quân giải phóng Trường Sơn vào biểu diễn phục vụ tại cơ quan Binh trạm 32. Sở chỉ huy Binh trạm đóng ở bắc Đường 128 B cách ngã ba Lùm Bùm khoảng hai chục ki lô mét về hướng đường 9. Buổi biểu diễn được tổ chức trong hang đá khá rộng, có đoàn sĩ quan cao cấp Trung Quốc 8 người sang nghiên cứu Đường Trường Sơn, ở tại Binh trạm 32 cùng xem. Các tiết mục biểu diễn rất hay, tạo nên khí thế sôi động, khích lệ tinh thần của cán bộ chiến sĩ cơ quan Binh trạm 32 đang làm nhiệm vụ trong giai đoạn đặc biệt khó khăn này.
       Báo chí, Văn học Nghệ thuật - một “Binh chủng đặc biệt", trong đó có Văn nghệ. Khi thành lập Đoàn 559, có biên chế 1 đồng chí phụ trách văn hoá, từ năm 1962 – 1964, có đoàn nhà báo của Miền Bắc vào, gồm cả quay phim, chụp ảnh gọi là đoàn nhà báo “Quân Giải phóng miền Nam”. Công tác tuyên truyền về báo chí được hình thành. Đội Tuyên truyền văn hoá thuộc Cục Chính trị được thành lập năm 1966. Tháng 1/1967, Đoàn văn công Tây Bắc vào biểu diễn tại Trường Sơn, sau đó ở lại và được bổ sung lực lượng, hình thành “Đoàn văn công Quân giải phóng Trường Sơn”, đang biểu diễn tại Binh trạm 32 hôm nay. Thời gian này có Đội chèo Văn công Tổng cục Hậu cần vào Trường Sơn biểu diễn. Tháng 2/1967, thành lập Đội văn công xung kích của Cục Chính Trị, Đội văn nghệ của các binh trạm; khi tổ chức các sư đoàn, các Đội văn nghệ xung kích sư đoàn được thành lập. Nhiều đoàn văn công của Trung ương, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, các Quân khu và các tỉnh thành vào phục vụ bộ đội Trường Sơn, bổ sung lực lượng, trang bị cho Đoàn văn công Trường Sơn. Các lực lượng văn nghệ đông đảo có mặt ở khắp các cung đường Trường Sơn trong lửa đạn để động viên tinh thần cho bộ đội. Tạo nên hào khí “Tiếng hát át tiếng bom”.
- Tháng 2/1967, Đội chiếu phim của Cục Chính trị được thành lập. Tiếp sau đó thành lập Liên đội Điện ảnh gồm 3 đội của các Binh trạm 32, 33, 34 chốt ở các khu vực để phục vụ chung trong toàn tuyến, ưu tiên cho những nơi trọng điểm ác liệt nhất. Từ năm 1970, tất cả các Binh trạm đều có từ 1 đến 2 Đội chiếu phim.
- Các đoàn quay phim của Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần vào tuyến để quay dựng các bộ phim tài liệu kịp thời tại chiến trường.
       Đội ngũ văn nghệ sỹ đông đảo từ Miền Bắc vào Trường Sơn sáng tác rất nhiều tác phẩm hay. Một số ở lại trở thành văn nghệ sĩ Trường Sơn. Nhiều người vào Trường Sơn qua hoạt động trong chiến trường Trường Sơn rực lửa, có thực tế để sáng tác rồi trở thành văn nghệ sĩ Trường Sơn rất đông đảo. Báo chí và Văn học nghệ thuật đã trở thành vũ khí sắc bén, phản ánh cuộc sống anh hùng của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến và nhân dân dọc suốt chiều dài ba nước Đông Dương nơi tuyến đường đi qua trên đại ngàn Trường Sơn mênh mông hùng vĩ. Văn hoá, Văn nghệ, Báo chí xứng đáng là một “Binh chủng đặc biệt “ của Trường Sơn Huyền thoại và Anh hùng.


Tranh minh họa
 
       Chương trình đang diễn ra trong hang kín đáo, tôi lần đầu tiên được trực tiếp nghe ca sĩ Tường Thụ, ca sĩ Doãn Tần hát rất hay, thật ấn tượng, tất cả khán giả vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.
       Bỗng nghe tiếng máy bay AC - 130 trên đầu, rồi tiếng đạn 20 ly từng tràng xoẹt, xoẹt; tiếng đạn 40 ly cắc - bùm (xin - thùng) liên tục, tôi được gọi về Ban Công binh ngay. Đại tá Đỗ Xuân Diễn- Binh trạm phó phụ trách Công binh và Thượng uý Nguyễn Khánh Điệp - Trưởng Ban công binh đang chờ. Tôi vào báo cáo có mặt, Binh trạm phó nói, nó vừa bắn cháy 15 xe ô tô của Tiểu đoàn 102, đồng chí Thắng - Chính trị viên phó tiểu đoàn là chồng chị Kim Cúc hay ngâm thơ trên đài tiếng nói Việt Nam hi sinh. Xưởng Y 2 của ta đi cứu kéo, một đồng chí bị thương, cần có người ra hỗ trợ đi cấp cứu. Hai thủ trưởng cử tôi đi ngay. Là chiến sĩ khảo sát sau một năm, thông thuộc địa hình, đường xá; đèn pin trên tay, một mình theo đường mòn rảo bước ba bốn ki lô mét đến Xưởng Y- 2, anh Át - Xưởng trưởng đang chờ, anh hướng dẫn đi đến vị trí đón thương binh của Trạm sửa chữa cứu kéo Y-2, anh em đi làm nhiệm vụ ngoài đường hết, có mình Trạm trưởng trực chỉ huy. Xe của Ban Công binh do anh Xuân lái đang chờ, hai anh em lên xe ra đường 128 B, lúc này AC - 130 vẫn đang còn bắn xe trên đường, anh Xuân lái, tôi theo dõi máy bay, cứ nghe súng 12 ly 7, pháo 37 bắn báo động là rẽ vào đường xương cá tắt máy ngay, có lần nó bắn hụt. Đến được vị trí đón thương binh, anh bị thương vào mắt, AC - 130 bắn sập giàn mướp trên ca bin khi xe đã vào mang cá, vỡ kính xe, kính đâm vào mắt. Anh đang ôm mắt, máu chảy ra rất nhiều trạm barie đã băng bó tạm. Chúng tôi băng bó thêm cho anh rồi lên xe đưa đến trạm phẫu thuật của Binh trạm 32 gần đó kiểm tra xử lý băng bó lại, sau đó đưa tiếp đến Bệnh xá của Binh trạm. Đi đường nói chuyện mới biết tên anh là Đỗ Văn Hoá cùng xã, anh ở thôn Tồn Thành bên trên, tôi ở thôn Bỉnh Di bên dưới, nay mới gặp nhau lần đầu tiên lại trên đường Trường Sơn khi anh bị thương. Xe ô tô dừng ngoài đường nhánh, tôi dắt anh đi bộ hơn một cây số nữa mới vào đến bệnh xá điều trị. Hoàn thành nhiệm vụ trắng đêm đến sáng luôn.
       Sau khi đánh thắng Mỹ nguỵ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mãi đầu năm 1976 tôi mới được về phép. Ưu tiên hàng đầu là đi thăm các bác, đến nhà Bác Cừ, bác gái là chị ruột mẹ tôi mất sớm, ngồi nói chuyện với bác trai, một lúc thấy anh Hoá vào, anh em gặp nhau mừng lắm. Anh giới thiệu là con rể của bố Cừ đây, thật vui. Từ đó anh em kết nối gần gũi thân tình Vừa là đồng đội, Vừa là anh em. Năm 2011 tôi về quê xây dựng Bảo Tàng Đồng Quê, anh đến giúp từ đầu cho đến khi hoàn thành Bảo Tàng. Tôi tham gia dựng giã thành lập Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh xã Giao Thịnh - huyện Giao Thuỷ - tỉnh Nam Định, anh tham gia thiệt tình. Mỗi lần gặp nhau ôn lại những kỷ niệm một thời gian khổ hy sinh trên con đường Trường Sơn huyền thoại, càng thêm tự hào gắn bó yêu thương.

Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam

(Còn nữa)
 
tin tức liên quan