"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 34)

Ngày đăng: 02:58 14/09/2021 Lượt xem: 387
         Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
         Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
         Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
         Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
 

CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 34)
Bài số 41

NHỮNG CHUYẾN ĐI BỘ BÊN LÀO

ĐI VÀO BẢN LÀO MUA ĐỒNG HỒ POLJOT

       Đóng quân ở Tà Ôi, thi thoảng vào bản chơi, tôi kết thân với một thanh niên người Lào tên là Cà roi cùng tuổi với nhau, thi thoảng Ca roi đi bắt cá về mang cho Kiền, Kiền cung cấp thuốc sốt rét cho bạn. Dân Lào cũng sốt rét nhiều lắm, chẳng có ai quen mà không bị muỗi a nô phen nó tha cả.
       Hôm ấy Cà Roi đến thăm tôi và nói có người ở bản xa bán đồng hồ Poljot mới. Thế là tôi rủ hai bạn Nguyễn Đình Tặng và Nguyễn Ngọc Khoa cùng đi. Leo qua đỉnh núi cao đi tiếp mấy cây số nữa mới đến bản gặp thanh niên đeo chiếc đồng hồ Poljot mới đẹp, tôi thích lắm. Khi ở quê, đêm đêm nghe tiếng chuông đồng hồ col nhà anh Đăng kêu kính coong, kính coong bố tôi nói nhà mình bao giờ có chiếc đồng hồ col mà treo, còn tôi mơ ước có chiếc đồng hồ Poljot đeo tay để đi dạy học vừa lịch lãm vừa biết giờ đi về, lên xuống lớp. Thế là hôm nay ước mơ bao giờ có chiếc đồng hồ Poljot lại trỗi dậy trong lòng. Mượn xem ngắm nghía mãi . Anh thanh niên Lào nhìn tôi mặc bộ quân phục Tô Châu mới toanh cũng ngắm sờ mân mê thích lắm. Thế là cuộc trao đổi diễn ra: Một đồng hồ Poljot đổi 2 bộ quần áo Tô Châu - Trung Quốc và 2 bộ Ga ba đin - Liên Xô. Bốn năm vào Trường Sơn được cấp 8 bộ quần áo, tôi chỉ mặc một bộ mỗi năm, 1 bộ đổi mật gấu còn 4 bộ mới nguyên cất trong ba lô sau này thắng Mỹ nguỵ mang về quê. Mê chiếc đồng hồ phen này quyết mang ra đổi. Trả 3 bộ bạn Lào nhất định không nghe, đòi đủ 4 bộ. Thế là về phải xuống đại đội khảo sát của Sư đoàn vay 1 bộ của bạn Nguyễn Đình Tặng, cùng tiểu đội khi nhập ngũ, cùng vào Trường Sơn, hôm sau lại vào bản, " Tiền trao, cháo múc ". Chiếc đồng hồ Poljot đeo suốt ngày đêm trên tay, lịch sự, sang trọng, cả sư đoàn bộ không ai có. Tháng 9/ 1973 đoàn chính phủ Campuchia dân chủ do Iêng Xa Ry dẫn đầu từ Trung Quốc qua Việt Nam về nước theo đường Trường Sơn. Đoàn có ba chục người, do mùa mưa đường trơn lầy không đi được nữa phải nằm lại Sư đoàn bộ 472 một tháng. Chúng tôi đón tiếp " bạn " rất thân tình. Iêng Xa Ry tặng Trung tá Đào Kim Sơn Tư lệnh Sư đoàn chiếc đồng hồ Poljot mới tinh trong hộp. Tôi là trợ lý kế hoạch của Phòng Tham mưu Công binh được Tư lệnh rất tin tưởng, thường gọi lên cùng với Đại uý Nguyễn Viết toàn Trưởng ban kế hoạch chuẩn bị bảng biểu báo cao giao ban cho Tư lệnh. Tôi biết thủ trưởng có đồng hồ Poljot mới, tôi hỏi, thủ trưởng nói cất đi rồi, không dám đeo. Thế mà cũng bị cấp trên phê bình đấy. Bấy giờ quan hệ giữa hai đảng còn tốt. Thế là hai người có đồng hồ Poljot, chỉ có mình thượng sĩ Hoàng Kiền đeo thôi.
       Chiến tranh kết thúc năm 1976 tôi vào Trường quân sự của BTL Trường Sơn ở Qui Nhơn ôn thi, đem chiếc đồng hồ ra tiệm thay vỏ Selko rất đẹp , thế là có chiếc đồng hồ Selko - Poljot. Miệt mài ôn tập, thi đỗ Đại học, được chọn vào học tại Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự, sau đổi thành Học viện Kỹ thuật Quân sự. Tôi học lớp Công sự khoá 11, hết học kỳ 1 năm thứ nhất được cử làm Lớp trưởng kiêm Bí thư chi bộ, cầu thủ bóng chuyền của đại đội, rất ham mê thi đấu giao hữu thường xuyên, nhảy bật cao đập cắm trên vạch 3 mét, hai tay như một, vị trí tấn công chủ lực của đại đội 112.
       Một hôm thi đấu giữa Đại đội 112 và Đại đội 114 rất hào hứng, học viên mang xô chậu ra gõ động viên thật sôi nổi, chúng tôi thắng. Khi về đi tắm, sờ đồng hồ trên túi áo không còn, hớt hải gọi mấy bạn cùng lớp ra sân bóng tìm mấy vòng mà không thấy, bóng điện lờ mờ, rà đi rà lại vẫn biệt tăm. Tiếc ngẩn ngơ suốt mấy tháng trời. Chiếc đồng hồ Poljot mới thay vỏ Selko đẹp lắm, rất sang nay đã xa nhau rồi. Nói thật với các bạn là thời gian học ở trường dễ mất cắp lắm. Tôi có chiếc mũ cối Tầu về học được có một tháng là biến mất luôn, đồng hồ không lúc nào rời khỏi mình, thế nên mới bị rơi.
       Năm thứ tư nghỉ hè lên trường, đang vào ga Hàng Cỏ mua vé, tôi thấy một bạn lớp khác đeo chiếc đồng hồ Poljot- Selko của tôi. Tôi kéo bạn vào chỗ kín và nói đồng hồ của tôi. Bạn nói là nhặt được ở sân bóng chuyền. Tôi nhận diện và có bạn Chiến cùng lớp xác nhận. Anh ấy trả tôi ngay , vì khác đại đội nên không biết nhau và tôi cũng không thông báo rộng rãi là bị rơi mất. Thế là chiếc đồng hồ Poljot - Selko giả đeo đến năm 1993 tròn 20 năm. Khi là Trung đoàn trưởng trung đoàn Công binh Hải quân 83 mới mua được cái đông hồ Selko thật, sau 27 năm đến nay vẫn còn.
       Sang năm học thứ 5, đồng chí bí thư chi bộ lớp bạn sang gặp tôi hỏi về vụ việc cái đồng hồ vì có ý kiến về việc này. Tôi nói là không có chuyện gì, anh ấy lại sang lần thứ hai. Tôi viết giấy xác nhận là tôi đánh rơi, anh ấy ở đại đội khác nhặt được đã cho tôi xin lại . Bạn được kết nạp Đảng. Tôi rất vui gặp nhau chúc mừng anh ấy.
       Từ khi ra trường chúng tôi không gặp lai nhau. Nhờ Facebook kết nối, buổi đầu tiên giao lưu, anh ấy hỏi tôi: Anh kiền đánh giá tôi như thế nào?
       Hôm nay tôi vẫn nói với anh là tôi trân trọng anh, chúng ta đều là Kỹ sư, Sỹ quan, Đảng viên từ trong Học viện Kỹ thuật Quân sự, rất vinh dự và tự hào.
        Anh nói là đã chuyển ngành ra ngoài cơ quan đóng gần đường Tuần tra biên giới Nghệ An .
       Tiếc quá suốt bảy năm tôi đi qua chỗ anh liên tục mà không biết. Nếu Facebook có sớm thì chúng tôi gặp lại nhau vui biết mấy.
       Bây giờ vẫn giao lưu thường xuyên trên mạng, lúc nào cũng vui. Trân trọng tình bạn mãi mãi tươi đẹp.

       Chiếc đồng hồ Poljot bây giờ là vật kỷ niệm, sẽ đưa vào trưng bày trong phòng lưu niệm của gia đình, mỗi khi nhìn thấy lại nhớ đến chuyến Đi Bộ ở Nam Lào năm xưa và các bạn Nguyễn Đình Tặng ( đã mất ) và Nguyễn Ngọc Khoa cùng Cà Roi. Một kỷ niệm sâu sắc trong đời.

Hoàng Kiền
Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam
 
(Còn nữa)

 
tin tức liên quan