"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 37)
Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 37)
Bài số 44
NHỮNG CHUYẾN ĐI BỘ BÊN LÀO
ĐI TÌM THĂM ANH TRÊN ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN
Tháng 8 năm 1970 tôi lên đường đi đánh Mỹ, tháng 11 hành quân vượt Trường Sơn, cuối năm 1970 vào đến Binh trạm 32 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn, viết thư về gia đình. Sang năm 1971 nhận được thư của anh Hoàng Văn Gia, anh là lái xe của Binh trạm 33 bên trong Binh trạm 32, hai anh em đều bên Tây Trường Sơn trên đất bạn Lào. Từ đó chúng tôi gửi thư cho nhau qua hòm thư TQ 90 của bộ đội Trường Sơn, cũng có lá thư mất hoặc cháy góc do bom đạn máy bay Mỹ bắn phá. Hai anh em con bác con chú, anh nhiều hơn em một giáp, nhưng hồi ở quê vẫn đi để đó để lờ với nhau suốt mấy năm cho đến năm 1967 em đi học sư phạm. Năm 1968 anh đi bộ đội vào Trường Sơn, em đang học nên không chia tay nhau được, khi ấy anh đã có năm con, cháu đầu mất sớm. Khi vào Trường Sơn anh em biết tin nhau cùng trên một tuyến đường hai binh trạm liền nhau, muốn tìm gặp nhau nhưng vô cùng khó khăn. Anh là lái xe, em là công binh nhiệm vụ khác nhau, năm 1970 đến 1972 Mỹ dùng máy bay AC- 130 đánh xe ô tô vô cùng ác liệt, trọng tâm là khu vực bắc - nam đường số 9, đây là địa bàn của Binh trạm 32, giáp với Binh trạm 33. Cứ chiều chiều khoảng 5 giờ là nghe tiếng máy bay vận tải quân sự AC - 130 cải tiến, có thiết bị nhìn đêm, lắp súng 20 ly 6 nòng bắn liên thanh, súng 40 ly, nó bay cao khoảng 4 ki lô mét, là máy bay có 4 động cơ cánh quạt nên tốc độ bay chậm, nhìn nó lù lù trên đầu đuổi bắn xe trên đường, không một đoàn xe nào vượt qua đường 9 mà không bị nó tiến công. Binh trạm 32 khi ấy có 3 tiểu đoàn pháo cao xạ 37, 57 ly và 1 đại đội pháo 100 ly mà không làm gì được nó. Pháo 37 ly tầm bắn hạn chế, pháo 57 ly và 100 ly kéo vào đến đường 9 là khí tài hỏng hết do đường xóc quá, nhìn quả đạn pháo 100 ly bắn lên cách máy bay hàng mấy trăm mét mà não lòng. Trong khi súng máy 20 ly 6 nòng của nó bắn liên thanh vãi đạn ra cứ nghe xoeeet, xoeeeeeet như đứt ruột, não lòng. Đạn 40 ly nó bắn nghe binh - bùng, bộ đội ta nói là nó đang "xin thùng". Một chiếc bay từ chiều đến nửa đêm, chiếc thứ hai ra thay phiên đến sáng luôn. Công binh làm các đường xương cá khi nghe súng bắn báo động lao vào nó bắn vẫn cháy...tất cả các biện pháp của Công binh, Phòng Không, Ô tô vận tải đều không ngăn chặn được sự tấn công của AC-130. Mỗi đêm một Binh trạm có 2 Tiểu đoàn ô tô bị cháy gần hai chục xe. Đây là một giai đoạn khó khăn gian khổ, tổn thất lớn nhất của Bộ đội Trường Sơn. Chiều nào cũng nhìn rõ máy bay AC - 130 bay ra bắn xe, đêm nằm trong hầm nghe nó bắn suốt đêm mà xót xa cho bộ đội lái xe của ta. Tôi cùng anh em tiểu đội khảo sát của Binh trạm 32 đem thùng phuy rải dọc đường 9 cho củi vào đốt, cũng không lừa được nó, thằng Mỹ nó cũng khôn ranh lắm. Đêm nào cũng lo cho anh Hoàng Văn Gia đang lái xe trên đường. Chỉ riêng mùa khô năm 1970-1971, ta bị thiệt hại rất nặng nề: 2.842 xe các loại bị bắn cháy, hỏng; 2.087 cán bộ chiến sĩ hy sinh; 4.627 cán bộ chiến sĩ bị thương.
Tháng 6 năm 1971 kết thúc mùa khô, xe ngừng hoạt động, nhận được thư của anh Gia báo tin anh vẫn an toàn, mừng lắm.
Nhận được tin của anh Gia
Lái xe Binh trạm Ba Ba (33) thật mừng
Bốn con nhiệm vụ chẳng dừng
Xông pha chiến trận núi rừng Trường Sơn
Tinh thần ý chí không sờn
Anh em muốn gặp, đạn bom chặn đường
Gần xa cách trở hai phương
Động viên gắng sức, kiên cường vững tâm.
Sang mùa khô 1971 - 1972 xe ta đã có nhiều biện pháp đối phó, vẫn chưa hiệu quả, có giảm được một phần thương vong tổn thất nhưng chưa nhiều. Phương án đưa tên lửa vào bắn máy bay AC-130 và mở đường kín cho xe chạy ngày được mở ra.
Để tiêu diệt AC-130, trung đoàn tên lửa đã cơ động vào phục kích ở phía Bắc đường 9. Nơi đây diễn ra cuộc đọ sức giữa lực lượng của ta với máy bay AC-130 của địch. Lúc này AC-130 vẫn đang làm mưa làm gió một vùng dọc theo đường 9. Cuộc họp hiệp đồng bàn kế hoạch tác chiến diệt AC-130 đã diễn ra. Trung đoàn cao xạ 591 đón máy bay địch từ cánh phải. Ba tiểu đoàn cao xạ của Binh trạm 32 đón máy bay địch ở cánh bên trái. Trung đoàn tên lửa 275 sẵn sàng bắt mục tiêu, phóng tên lửa.
Hôm ấy cuối tháng 11 năm 1971, trời quang mây tạnh, chiếc máy bay AC-130 theo đường cũ lù lù tiến ra. Hai cánh cao xạ tập trung hoả lực tạo thành lưới lửa dồn ép con “quạ sắt” đi vào một hướng gần như cố định. Khi nó đang loay hoay tránh lưới lửa cao xạ thì tên lửa phóng đúng mục tiêu, máy bay AC-130 rơi tại chỗ ở “ngã ba máy húc” gần thị trấn Sê Pôn, 11 tên giặc lái , lính Mỹ cháy thui. Theo lệnh của trên, Binh trạm 32 cho 6 xe ô tô chở xác máy bay ra Hà Nội để nghiên cứu. Lần đầu tiên ta đã bắn rơi máy bay AC-130, từ đó chúng không dám ra nữa mà phải lui vào hoạt động ở phía nam đường 9. Mười ngày liền trên tuyến đường 9, Sê Băng Hiên vắng tiếng máy bay.
“AC” bay lượn nghênh ngang
Lùng xe đuổi bắn hoang mang cả miền
Mỗi đêm hai chiếc thay phiên
Nhìn lên căm phẫn, lo phiền gian lao
Tên lửa, cao xạ hướng vào
Phóng lên trúng đích, đâm nhào rừng xanh
“Lũ quạ đen” khiếp chuồn nhanh
Bầu trời đêm vắng xe nhanh đường dài.
Bắn rơi máy bay AC-130 cả chiến trường Trường Sơn bừng lên khí thế hào hùng, nhất là bộ đội lái xe.
Sau đó máy bay AC-130 lui vào hoạt động phía trong từ các Binh trạm 33, 34, 35, 36, 37 vẫn gây cho ta nhiều thiệt hại, tên lửa không thể kéo vào sâu được, tôi vẫn lo cho các lái xe trong đó có anh tôi Hoàng Văn Gia.
Đường 35 nối từ Đường 9 vào sâu các binh trạm phía trong, qua sông Sê băng hiên có phà và ngầm Tha Mé, qua ngầm là đèo Tha Mé, không quân Mỹ tập trung đánh phá thành trọng điểm rất ác liệt, cần mở thêm các bến vượt sông ở hạ lưu. Cuối năm 1971 Tổ khảo sát của Binh trạm 32 vào khảo sát bến vượt sông mới. Thiếu uý Nguyễn Minh Hương - Trợ lý dẫn đầu, các chiến sĩ khảo sát có Hoàng Kiền, Nguyễn Mạnh Thìn, Nguyễn Đức Long, Nguyễn Văn Đạt, Trương Văn Vàn, hành quân bộ năm mươi ki lô mét đến ngầm Tha Mé cũ, gặp Trần Tạc, chiến sĩ khảo sát của Ban Công binh Binh trạm mới điều xuống đây, nay phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Khảo sát từ bờ bắc sang bờ nam, sau một tuần hoàn thành kế hoạch. Chúng tôi vào Tiểu đoàn 35 để anh Hương giao hồ sơ Khảo sát Thiết kế cho Tiểu đoàn thi công ngầm vượt sông Sê băng hiêng mới. Xong việc tôi hỏi thăm được biết đơn vị Ô tô của anh Gia đóng cách đây hai mươi ki lô mét vào phía trong, tôi xin anh Hương vào thăm anh Gia. Bấy giờ Hà Nam và Nam Định sáp nhập thành Nam Hà, anh Hương nói anh biết anh Gia, đồng hương thi thoảng gặp trên đường 35 này, anh là công binh trên đường này bốn năm mà, để anh dẫn đi. Thế là hai anh em cuốc bộ theo đường rừng trèo đèo lội suối bốn tiếng đồng hồ mới đến nơi. Vào nơi trú quân thì anh Gia đã chuyển đi chỗ khác, đứng tần ngần tiếc ngẩn ngơ.
Chương trình làm đường kín gọi là đường K mở ra. Với khí thế chiến thắng của mùa khô năm 1970-1971, ngày 15 tháng 7 năm 1971, bốn trung đoàn công binh cơ động (4, 6, 10, 217) cùng Dân Công hỏa tuyến của 7 tinh miền Bắc tăng cường rầm rập tiến quân vào mở đường 24, tuyến đường kín đi thẳng từ km 6 đường 18 đến kho K4 của Binh trạm 37. Đến ngày 10 tháng 1 năm 1972, tuyến đường kín 24 hoàn thành với tổng chiều dài 533 km. Các con đường kín tiếp tục được kéo dài, thêm các trục dọc, trục ngang với tổng chiều dài lên tới 3.140 km. Thật kỳ diệu.
(Ảnh minh họa)
Đường kín hoàn thành, mở ra một giai đoạn mới chuyển sang chạy ngày thật hiệu quả. Cơ bản loại AC-130 cũng như các loại máy bay khác “ra khỏi vòng chiến đấu”. Đây là một quyết tâm, một sáng tạo đặc biệt của Bộ đội Trường Sơn. Đầu năm 1972 tôi nhận được thư của anh Gia là chuyển sang chạy đường kín ban ngày nên dễ gặp nhau, khi ấy tôi được giao vụ làm nhân viên thống kê nên không có điều kiện đi khảo sát gặp nhau được nữa, thật là tiếc.
Đánh thắng Mỹ nguỵ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đầu năm 1976 tôi được về phép từ bên Sa La Van nam Lào. Cả gia đình, họ hàng làng xóm mừng lắm. Sau gần 9 năm hai anh em Hoàng Gia, Hoàng Kiền mới gặp lại nhau thật vui mừng và xúc động. Từ đó tiếp tục gắn bó bàn bạc các công việc của gia đình, dòng họ. Cùng bàn nhau xây dựng Từ đường họ Hoàng làng Bỉnh Di khánh thành năm 1994, bên Bác Kiểm có anh Hoàng Văn Gia đứng đầu, các cháu Hoàng Văn Phong, Hoàng văn Phóng, Hoàng Văn Pha, Hoàng Văn Viễn, Hoàng Văn Tuyền, Hoàng Văn Thuật. Bên bố tôi có chú em tôi Hoàng Văn Khánh, các con tôi còn nhỏ Hoàng Quốc Hoàn, Hoàng Quang Huỳnh, bên chú Khánh hai con nhỏ Hoàng Thế Anh, Hoàng Minh Huân bố mẹ đóng góp cho. Nhà thờ Tổ họ Hoàng làng Bỉnh Di hoàn thành, anh em con cháu mừng lắm.
Anh em tiếp tục bàn việc xây Lăng mộ Hoàng tộc, gặp cán bộ thôn tư vấn qui hoạch lại nghĩa trang có khu hung táng riêng, cát táng riêng, chờ đợi rất lâu mà chưa thực hiện được. Bỗng một đêm vào lúc 11 giờ chú Khánh điện lên giọng nghẹn ngào, anh gia bị xuất huyết não rồi. Đột ngột quá, tôi và nhà tôi gọi xe đi ngay, nhờ Bác sĩ Trung ở Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội mua cho một số thuốc An cung ngưu hoàng hoàn của Trung Quốc mang ra đường Trường Chinh đón xe tôi đến nhận. Vê đến nhà hơn một giờ đêm, vào mở màn ra anh nằm liệt không nói được. Pha thuốc cho anh uống ngay, đúng các liều như Bác sĩ Trung dặn, anh tỉnh dần, một tuần sau dậy rồi đi lại bình thường, vẫn làm thủ quỹ của Hợp tác xã Thịnh Thắng.
Mấy năm sau đột ngột nhận được điện thoại của chú Hoàng Văn Khánh, vừa khóc nức nở vừa nói anh Gia chết rồi! Tôi bàng hoàng, sao lại thế này. Chúng tôi về ngay, không cứu được. Vào vụ gặt lúa mùa, anh đạp xe ra đồng chỉ đạo con cháu gặt giúp, về nhà nấu cơm, đang gọt mướp thì nằm gục xuống sân rồi ra đi mãi mãi ở tuổi 65. Vô cùng đau đớn tiếc thương, lo lễ tang cho anh chu toàn.
Việc xây dựng lăng mộ chờ đợi sau 13 năm thôn mới qui hoạch lại nghĩa trang và chia đất, tôi cùng nhà tôi Ngô Thị Khiếu, chú Hoàng Văn Khánh và các cháu, các con đồng tâm đóng góp công sức, tiền của xây dựng Lăng Mộ Hoàng Tộc tại Nghĩa trang làng Bỉnh Di hoàn thành năm Kỷ Sử 2009, đã có vị trí để di chuyển hài cốt của Anh- Chị vào đây, toại nguyện mong ước của Anh.
KỶ NIỆM VỚI ANH NGUYỄN MINH HƯƠNG
Sau chuyến đi khảo sát ấy, anh Nguyễn Minh Hương xuống làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Công binh 35, gặp nhau ở Ban Công binh Binh trạm 32 anh được thăng quân hàm Trung uý, anh em mừng lắm. Sau đó binh trạm giải thể vào giữa năm 1972, thành lập các Trung đoàn binh chủng, mỗi người một nơi, mất liên lạc.
Tháng 8 năm 1986 tôi vào đào tạo vòng 2 dài hạn 3 năm tại Học viện Lục quân Đà Lạt, gặp lại Phó chủ nhiệm Khoa Công binh- Giảng viên Nguyễn Minh Hương - Quốc Hương, anh rất vui tính, anh em gặp lại nhau mừng lắm. Vẫn nhớ anh quê ở Lý Nhân Nam Hà, vợ anh là chị Báu, y sĩ ở quê. Anh nói : Anh có thêm thằng cò, bị giữ quân hàm Đại tá một năm em ạ, Đại tá vẫn lên, nhưng có thằng cu sau này chống gậy mới quan trọng.
Em chúc mừng Anh Chị.
Năm 1997 tôi về Bộ Tư lệnh Công binh làm Phó Tham mưu trưởng, gặp Đại tá Nguyễn Minh Hương - Chủ nhiệm Khoa Công binh của Học viện Lục quân ra Bộ Tư lệnh họp, anh em ôm lấy nhau thật là mừng. Cũng từ tình cảm Công binh nói chung, Công binh Trường Sơn nói riêng và anh Hương, Đại tá Đặng Văn Phúc - Phó tư lệnh Tham mưu trưởng, cùng học một lớp Trung cấp cầu đường trước khi vào Trường Sơn, Đại tá Phạm Văn Thọ là Phó tư lệnh Công binh phụ trách cả mảng nhà đất, cũng là cán bộ Công binh Trường Sơn ra. Bộ Tư lệnh Công binh cấp cho Đại tá Nguyễn Minh Hương - Chủ nhiệm Khoa Công binh Học viện Lục quân mảnh đất tại đường 3 tháng 2 - Quân 10 - TP Hồ Chí Minh, thật quí. Anh tâm sự với tôi, làm giáo viên, rồi cán bộ khoa Học viện Lục quân Đà Lạt, có nguồn thu phụ là trồng xu xu bán, lấy tiền đâu mà làm nhà em, thôi lấy mỡ nó rán nó, bán đi lấy tiền mua chỗ xa hơn dư ra xây nhà thôi. Mành đất là một tài sản vô cùng lớn của người chiến sĩ Đại tá Nguyễn Minh Hương, tiêu chuẩn Anh được hưởng cùng với tình đồng đội Công binh nói chung, đặc biệt là Công binh Trường Sơn nói riêng.
Anh bị bệnh nặng tôi vào thăm anh thật là thương, rồi anh ra đi sớm mới ngoài sáu mươi tuổi. Sau đó chị bán đất ở TP Hồ Chí Minh, giấy tờ cũng trục trặc, chị viết thư cho tôi với cương vị Tư lệnh Công binh nhờ chú can thiệp giúp. Tôi vào thăm nhà mới, thắp nén hương tưởng nhớ Hương hồn anh, người Anh, người đồng đội, người Thầy tôi rất kính trọng. Tôi làm trung gian hoà giải hai bên, đều là cán bộ công binh cả, cũng thật là khó khăn, thương nhớ Đại tá Nguyễn Minh Hương mãi.
Một chuyến đi bộ trên đường Trường Sơn năm 1971 để lại kỷ niệm sâu sắc với anh Hoàng Văn Gia, anh Nguyễn Minh Hương
.
Ngày 2 tháng 9 năm 2021
Hoang Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam
(Còn nữa)