"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 38)
Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 38)
Bài số 45
NHỮNG CHUYẾN ĐI BỘ BÊN LÀO
ĐI THĂM BẠN VỀ - THOÁT NGUY HIỂM
Cuối năm 1971 Sở chỉ huy của Binh trạm 32 di chuyển vào sâu phía nam đường 9 để chỉ huy các lực lượng bảo đảm cho xe ô tô vượt qua Đường 9 trước sự đánh phá ác liệt bằng máy bay AC-1390 của Mỹ, đồng thời chỉ huy Công binh, Dân công hỏa tuyến mở đường mới. Ban Công binh ở bên sườn núi sát bờ suối, rừng già rậm um tùm, toàn ban tập trung chặt tre gỗ làm hầm rất kiên cố, trên nóc hầm làm nhà cột kèo tre, lợp tre và ni lon các bao gạo mở ra để chống nước vào hầm trong mùa mưa. Sau mấy ngày thấy đêm ngủ dậy rất mệt, xem xét mãi mới phát hiện ra xung quanh có một số cây lim, ngủ ở rừng lim rất độc rất mệt, lá lim rơi xuống suối ngấm vào nước suối tắm gây ngứa da, tôm cá cũng chết hết. Rừng già nhiều muỗi lắm nên bệnh sốt rét phát sinh, Ban Công binh có lúc gần một nửa bị sốt rét, có người sốt rét ác tính, cơn sốt ác tính lên run cầm cập, người co quắp, hai hàm răng cắn chặt lại, rất nguy hiểm, một số trường hợp tử vong.
Hôm ấy anh Trần Ngọc Canh - Trợ lý Ban Công binh, đồng hương cùng xã điện thoại về nhắn tôi sang đón anh điều trị bệnh sốt rét ác tính ở Bệnh xá của Binh trạm mai ra viện, anh thông báo có Trần Xuân Phong bạn học với chú Kiền ở đây, mừng quá. Chiều hôm sau tôi sang bệnh xá đón anh Canh, lội qua suối đi bộ, vượt qua một quả núi khoảng 5 ki lô mét là tới, thăm anh Canh, gặp bạn Phong mừng lắm, hai anh em cùng học một tổ lớp 2E Trường trung cấp sư phạm Khoa tự nhiên- Tỉnh Nam Hà gắn bó với nhau thật thân tình. Chúng tôi cùng nhập ngũ ngày 19 tháng 8 năm 1970, huấn luyện xong vào chiến trường bổ sung cho Binh trạm 32 từ cuối năm 1970, nay mới gặp lại nhau. Phong được đi học y tá rồi về Bệnh xá của Binh trạm nay mới biết. Anh em nói chuyện với nhau rất lâu, tôi tặng bạn chiếc đèn pin của Trung Quốc còn mới tinh, Phong mừng lắm nói mình kết nghĩa anh em, Kiền nói tình bạn của mình cũng như anh em từ lâu rồi. Cầm chiếc đèn pin Phong cứ ngắm mãi, một vật quí ở chiến trường. Tôi vào Binh trạm 32 làm chiến sĩ khảo sát một năm, đã đi khắp các con đường dọc ngang trên địa bàn của Binh trạm 32, thuộc làu từng ki lô mét, các ngã ba, các trọng điểm, các bến vượt sông. Binh trạm bảo đảm một khu vực rất quan trọng bắc - nam đường 9. Dọc theo đường 9 từ Bản Đông đến Mường Pha Lan. Trục dọc số 1 phía Đông theo đường 128A qua Bàn Đông rẽ phải đi vào sâu binh trạm 33. Trục dọc thứ hai theo đường 128 B từ ngã ba Lùm Bùm vào đến đường 9 nối tiếp đường 35 vào Binh trạm 33.
Trục dọc thứ ba theo đường 129 đến đường 9 tại Kê Pô, nối vào đường 23 vào Sa La Van. Tháng 1 năm 1972 đường kín 24 được khai thông cho xe chạy ban ngày là trục cắt ngang đường 9 nằm ở giữa 4 trục dọc. Có trọng điểm Văng Mu nằm trên đường 128A, bắc Đường 9, trọng điểm Phu Kiều trên đường 128B, bắc Đường 9, Thà Khống trên Đường 9, Tha Mé trên đường 35 nam Đường 9, bao gồm ngầm Tha Mé và đèo Tha Mé, Thác Hài - Phu Viêng trên Đường 23 nam Đường 9 bao gồm ngầm Thác Hài và đèo Phu Viêng, nơi đây đã diễn ra một trận chiến đấu vô cùng ác liệt diễn ra vào đầu năm 1971 giữa Tiểu đoàn Pháo phòng không 16 của Binh trạm 32 suốt một ngày liền. Kết quả ta bắn rơi 5 máy bay Mỹ, Mỹ đánh thiệt hại nặng một Đại đội pháo 37 ly của ta. Tất cả 5 trục dọc này đều cắt qua Đường 9 và sông Sê băng hiêng phía nam Đường 9 nên đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá ngăn chặn quyết liệt, tập trung vào các đèo, các bến vượt sông. Rất nhiều đoạn đường tránh và nhiều đoạn đường ngang. Tôi lấy giấy vẽ thành sơ đồ sau đó xin giấy can, can lại tặng cho Trưởng, Phó Ban, các anh trợ lý, ai cũng khen và thích. Đầu năm 1972 tôi được chuyển sang làm nhân viên thống kê của Ban Công binh thay anh Lê Văn Gành được bổ nhiệm làm xuống đơn vị làm Trung đội trưởng Công binh. Các anh cán bộ các đơn vị lên Binh trạm họp đến làm với Ban Công binh, nhìn thấy Sơ đồ mạng đường ô tô của Binh trạm 32 treo trong hầm của Trưởng Ban Công binh thích lắm, thế là tôi cứ miệt mài can cho mỗi anh một bản, anh Võ Tấn Xanh - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Công binh 35, anh Đỗ Văn Tửu - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Công binh 31, anh Nguyễn Văn Phẩm - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Công binh 69 mỗi người tặng tôi một cái đèn pin. Hôm nay mang tặng bạn Trần Xuân Phong một chiếc.
Ảnh minh họa
Mải chuyện trò với bạn, mãi muộn mới về, Hoàng Kiền đi trước soi đèn dẫn đường cho anh Trần Ngọc Canh đi sau, bỗng trời đổ cơn mưa sớm cuối mùa khô năm 1972, vượt 5 ki lô mét đường rừng ban đêm vô cùng gian nan, trận mưa sớm, vắt trong các lớp lá cây bò ra tua tủa xông vào bám leo lên chui vào người bắt không kịp, vắt xang trên cây le nhảy xuống bám vào cổ đốt đau lắm. Đến bờ suối, nước lên cao nhanh quá, đứng nhìn ngao ngán. Cởi tất cả đồ ra gói vào áo mưa rồi bới qua, nước chảy xiết, tôi sang thăm dò trước rồi đón anh Cang sang an toàn, mừng lắm. Rảo bước cho nhanh về đến cơ quan thay quần áo rồi xuống hầm ngủ chứ không ngủ võng trên nóc hầm như mọi khi, vì mưa xuống thấy lạnh, bơi qua suối, mặc quần áo bị ướt cũng bị lạnh rồi. Đang ngon giấc bỗng nghe tiếng máy bay xé bầu trời trên đầu, tiếng rơi bịch bịch xung quanh, mảnh đạn pháo phòng không rơi lộp bộp. Chờ một lúc không thấy tiếng nổ, anh em dậy hết lên khỏi mặt đất nhìn lửa đang cháy nghi ngút khắp cả cơ quan Binh trạm, máy bay Mỹ thả bom phốt pho, nóc hầm trúng ba quả, một quả rơi trúng võng tôi vẫn nằm đêm hôm qua, toàn ban tập trung dập lửa, nhắc nhau không được để phốt pho dính vào người. Sáng hôm sau Binh trạm thông báo máy bay Mỹ thả cây nhiệt đới phát hiện ra khu vực đóng quân của ta, cho máy bay đến thả bom cháy phốt pho, cháy một số kho tàng, người an toàn không ai bị thương vong, do tất cả đều nằm dưới hầm. Giao cho Ban Công binh tổ chức lực lượng đi thu hồi cây nhiệt đới. May quá, số tôi còn sống, cả mùa khô ngủ võng trên nóc hầm, đêm nay lại xuống hầm, trời thương.
Mấy tháng ngủ võng trên nhà
Đêm nay lạnh tháo màn ra xuống hầm
Bỗng máy bay rít ầm ầm
Tiếng rơi lộp độp rồi câm lặng liền
Chờ cho báo hiệu bình yên
Toàn ban tất cả cùng lên khỏi hầm
Bom phốt pho cháy ầm ầm
Xông pha dập lửa, lòng thầm - Trời thương.
Hôm đi thăm bạn Phong về bơi qua suối thấy có cua, mấy hôm nay trời mưa liên tục, mùa mưa đến, nước suối lên cao hơn, chắc cua cá sẽ nhiều. Tôi bàn với anh em trong ban là làm bún cua, mọi người nghi ngờ làm thế nào?
Tôi đã xem có đơn họ làm rồi, một năm đi khảo sát đường Trường Sơn học được rất nhiều thứ. Tôi chặt tre về chẻ nan đan 3 cái rổ to liền, rất nhanh, ai cũng trố mắt ra nhìn, tôi có bốn năm đan lát cùng bố tôi, không một loại dụng cụ bằng tre nào mà tôi không làm được. Một tốp rủ nhau đi xúc cua, nhiều lắm. Gạo cho vào bao thả xuống suối chỗ nước chảy ngâm cho nó mềm ra mà không thối, nước đọng là thối ngay, đem về bóp tơi thành bột, lọc khô nắm lại luộc chín vỏ khoảng 1 cm thì vớt ra cho vào mũ sắt giã cho nhuyễn đều tạo nên độ dẻo. Dùng cóng bơ thịt hộp đục lỗ ở đáy, cắt ống tay áo cũ buộc vào miệng cho bột vào trong, vắt cho bột chảy ra trên xoong nước sôi, khi chín bún nổi lên vớt ra. Canh cua thì ai cũng biết nấu.
Ngót mưa mang rổ xách làn
Băng rừng lội suối bờ tràn xúc cua
Gạo ngâm nước chảy mềm chua
Bóp ra thành bột lọc vừa dẻo tay
Cóng bo đục lỗ tròn xoay
Cắt ống tay áo buộc ngay nối dài
Nước sôi vắt nạn sợi dai
Canh cua nấu bún tháng vài bữa ngon
Tiếng chày át tiếng đạn bom
Tăng thêm sức khỏe vượt non bằn ngàn
Vượt qua gian khổ khó khăn
Mở đường đánh Mỹ tinh thần thêm cao.
Thắng Mỹ trở về, tôi sang xã Hải Toàn - Huyện Hải Hậu tìm Phong, bạn đã đưa vợ on vào Long Khánh cả hai vợ chồng dạy học. Đau năm 2012 nhân dịp vào kiểm tra chỉ đạo các đơn vị xây dựng Đường Tuần tra biên giới khu vực phía nam, tôi đến thăm bạn, Phong ra đón, sau tròn 40 năm gặp lại, mừng lắm, thấy bạn nói giọng khác xưa, tôi hỏi Phong lắp răng giả à?
Tôi thay hết cả hai hàm ông Kiền ạ.
Sao thế?
Tự nhiên nó cứ mủn ra rồi rụng hết.
Có lẽ do ảnh hưởng của chất độc hoá học, sốt rét, uống nhiều thuốc sốt rét, rừng thiêng nước độc....
Tôi tặng Trần Xuân Phong quyển do Hoàng Kiền viết : LỬA TRI ÂM.
Chúng tôi chia tay nhau, hẹn ngày gặp lại.
Ngày 2 tháng 9 năm 2021
Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam
(Còn nữa)