"Đạo Cao Bằng" - Ký ức chiến trường của Trung tá Đặng Kim Âu

Ngày đăng: 09:49 19/09/2021 Lượt xem: 510
ĐẠO CAO BẰNG
 
       Tôi lên Trà Lĩnh- Cao Bằng thăm một anh bạn chiến đấu ở Quân đoàn 26 thời chiến tranh biên giới. Hai anh em đang dạo chơi trong thị trấn thì bất ngờ xuất hiện một ông già, người xương xảu, trên gương mặt đầy vết nhăn ngang dọc mang dấu ấn của thời gian nhưng bước đi thì vẫn nhanh nhẹn, hùng dũng lắm. Không lẫn vào đâu được. Nhận ra người quen, tôi gọi to “ Đạo Cao Bằng”. Thấy có người goi đúng tên mình, lại là cái tên của một thời trẻ trung, đầy oanh liệt. Anh tiến thẳng lại. Nhận ra tôi, anh cũng gọi to “ Âu hả”. Hai chúng tôi, hai ông già ôm chầm lấy nhau trước sự ngỡ ngàng của nhiều người dân nơi phố nhỏ miền biên viễn.
       Hai tay anh vỗ liên hồi vào lưng tôi:
- Khỏe chứ?
- Dạ khỏe;
- Vẫn ở Thái bình hả ?
- Dạ không, cuối đời binh về công tác ở Học Viện Hậu Cần. Khi nghỉ hưu
định cư Hà Nội luôn;
- Thế thì tốt rồi;
- Thế còn anh?
- Vẫn khỏe. Mình là người con của dân tộc Cao Bằng mà. Đi đâu rồi cũng trở về với rừng núi quê hương thôi. Mà này, tuổi tám lăm rồi đó nghe. Không còn trẻ khỏe như hồi ở Sư đoàn 2 đâu
- Ngôi nhà 26 cột của anh còn chứ?
- Còn chứ sao lại không, nhớ dai nhỉ. Lát vào chơi sẽ thấy mà;
- …
- …
- Những câu chuyện lan man đưa chúng tôi về với quá khứ.
       Ngày ấy, cách đây 55 năm. Thời mà đối tượng tác chiến chủ yếu của đơn vị chúng tôi là lính viễn chinh Mỹ. Sau thất bại của các trận đánh trong khu vực huyện Thăng Bình- Quảng Nam. Đế quốc Mỹ buộc phải điều Sư đoàn America từ An Khê – Ga Lai ra vùng giáp ranh của hai huyện Hiệp Đức và Quế Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam. Khi Đại đội đi đầu của chúng vừa đổ xuống Gò Đu thuộc xã Sơn Tú thì Tiểu đoàn 90 ( nay là Tiểu đoàn 3- Trung đoàn 1-Sư đoàn 2-Quân khu 5) được lệnh vận động bao vây tấn công tiêu diệt chúng. Trời đổ mưa. Lợi dụng khi mưa, tầm nhìn máy bay trinh sát của địch bị hạn chế, Bộ đội ta bí mật vận động áp sát mục tiêu, hình thành thế trận. 14 giờ ngày mồng 8 tháng 10 năm 1967 toàn bộ đội hình của Đại đội 3 ( nay là Đại đội 11 Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 1 Sư đoàn 2 Quân khu V) đã được bố trí tại làng Cẩm Tú phía Nam của Đồi Cấm. Lực lượng còn lại của
Tiểu đoàn bố trí ở chân phía tây của quả đồi. 16 giờ, quân Mỹ trên đồi nhằm hướng thôn An Sơn xã Sơn An và thôn Cẩm Tú xã Sơn Tú đi tới. Khi bọn Mỹ vừa tới đầu thôn Cẩm Tú bất ngờ bị bộ phận chặn đầu của Đại đội 3 phục sẵn nổ súng. Khẩu trung liên RBD trong tay Lương Quang Đạo nổ giòn từng điểm xạ ngắn. Bị đánh bất ngờ, nhiều tên xâm lược bỏ mạng tại chỗ. Những tên còn sống nháo nhào bỏ chạy, nằm rạp cả xuống bãi đất bằng ven suối. Một khu vực lý tưởng , vừa dễ quan sát, vừa đúng tầm bắn hiệu quả nhất của trung liên. Đạo bình tĩnh ngắm bắn.
       Những điểm xạ ngắn nổ giòn dã. Những tên trúng đạn đổ kềnh. Những tên thoát chết hoặc bị thương chạy tán loạn rồi nằm lăn ra bãi đất bằng ven suối định lợi dụng đia hình tổ chức chống trả. Khi Đại đội 2 ( nay là Đại đội 10- Tiểu đoàn 3 – Trung đoàn 1 – Sư đoàn 2 – QKV) đánh cắt ngang từ triền đồi phía tây sang phía đông hất quân địch xuống chân đồi, bãi đất bằng ven suối thành quyết chiến điểm của trận đánh thì khẩu trung liên trong tay Lương Quang Đạo không ngừng được phát huy tác dụng. Mỗi lần anh điểm xạ lại một lần thêm những tên lính Mỹ bỏ mạng hoặc bị thương kêu la như bò rống. Đột nhiên, cây trung liên nghiêng về bên phải, tầm bắn bị hạ thấp, đạn bắn ra rơi gần hơn. Đạo rướn người quan sát, thì ra càng bên phải của khẩu súng đã bị trúng một viên đạn đại liên của địch làm cong gập lại. Thật hú vía.


(Ảnh minh họa) 
 
       Lệnh xung phong. Đạo quàng dây súng lên vai. Hai tay cầm khẩu trung liên hành tiến mà cứ nhẹ nhàng như cầm khẩu tiểu liên AK vậy. Trên đường tiến quân, Lương Quang Đạo phát hiện một tên Mỹ da trắng người cao to, lưng đeo chiếc máy PRC25. Cái chân hắn bị thương lê đi từng bước một cách khó nhọc. Đạo nảy ý định bắt sống hắn. Đạo băng lên chặn đầu, định hô khẩu lệnh gọi hàng nhưng sao trong lúc này mấy khẩu lệnh bằng tiếng Anh đã được học giờ quyên hết. Đạo tự trách mình rồi lại tự an ủi mình “ Mình là người dân tộc thiểu số, tiếng phổ thông còn hạn chế nói gì đến tiếng Anh nên học rồi mà nhanh quyên cũng là chuyện bình thường. Nhưng phải quyết tâm bắt sống được hắn. Không nhớ khẩu lệnh thì phải dùng hành động thôi”. Anh cầm ngang khẩu súng. Dùng sức mạnh toàn thân và trọng lực của khẩu súng lao thẳng vào người tên lính Mỹ định đè hắn ra để trói.
       Tên lính Mỹ đã bị thương nhưng còn rất khỏe. Nó né người tránh đòn của Đạo và nhanh tay nắm lấy nòng súng kéo mạnh rồi kẹp chặt nòng súng vào nách. Đạo kéo súng ra, hắn kéo súng vào, hai bên giằng co quyết liệt. Nghe tiếng đạn vít gió đánh “xẹt”, tên Mỹ lảo đảo rồi lăn kềnh ra đất. Khẩu trung liên nằm vắt ngang trên thân hắn. Máu hắn vọt cả vào đầu tóc, mặt và ngực áo của Đạo.Anh cầm khẩu súng lên nhìn ngơ ngác, miệng nói lẩm bẩm đầy vẻ khó chụi : “ Mình sắp bắt được rồi, người nào lại bắn chết nó”. Tiểu đội trưởng Nguyễn Hoán từ phía trái băng qua:
- Anh không sao chứ?
-Mình sắp bắt được tù binh thì không biết ai bắn nó chết rồi, tiếc thật”
-Từ đằng xa thấy anh và nó vật lộn giằng co, nó thì to như con trâu đực, anh đứng chỉ đến cổ nó, sợ bất lợi cho anh nên tôi nổ súng đấy
-Tý nữa thì mình bắt được nó rồi. Tiếc thật.
-Tiếc gì. Còn nhiều cơ hội. Tiếp tục tiến công. Chú ý bắt liên lạc với Đại đội 2 Sau khi hỏi và đáp đúng mật khẩu, tôi và anh Đạo hoàn thành nhiệm vụ bắt liên lạc. Có nghĩa là Đại đội 2 và Đại đội 3 đã bắt được liên lạc với nhau, khảng định ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa và trận đánh đã kết thúc.
       Hoàng hôn sau mưa, mát mẻ và yên bình. Lương Quang Đạo ngồi nghỉ trên một đám cỏ đã dập nát bởi quá trình vận động của cả hai bên trong chiến đấu, giữa một không gian còn vô số xác lính Mỹ tử trận. Tay vuốt ve khẩu trung liên đặt bên cạnh “ Bạn thân yêu ơi. Mình còn nhớ rất rõ, cách đây vừa tròn 3 tháng. Khi trao bạn cho mình, Đại đội trưởng có nói : “ Khẩu trung liên này trước đây là do đồng chí Huỳnh Văn Quyết quê hương Quảng Nam xử dụng và đã lập công xuất sắc diệt 21 tên xâm lược Mỹ, được tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng hạng 3 và danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ cấp ưu tú. Nay xét thấy đồng chí đã có thời gian rèn luyện trong môi trường công nhân trước khi nhập ngũ, đã ở cái tuổi chín chắn. Chắc chắn đồng chí sẽ có đủ bản lĩnh trong chiến đấu nên quyết định trao cho đồng chí xử dụng khẩu súng này. Mong rằng đồng chí phát huy được bản chất của giai cấp công nhân, phẩm chất của người lính và ưu thế sẵn có của khẩu súng để lập công xuất sắc”. Và chúng mình đã sát cánh bên nhau từ đó đến giờ. Ngay trong trận đầu là trận đánh lữ đoàn 196 Thủy quân lục chiến Mỹ ở Đồi Cấm- Minh Huy, chúng mình đã lập công diệt tròn 50 tên giặc Mỹ, thu 1 súng. Được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng 2 và danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ cấp ưu tú. Trong trận thứ hai này, số Mỹ mà chúng mình diệt được tuy chưa đếm chính xác nhưng chắc cũng không phải ít. Mình vừa được tuyên bố kết nạp Đảng tại trận rồi đó. Chỉ tiếc là bạn bị thương rồi. Sau đợt này chắc bạn phải nghỉ hưu thôi. Đừng buồn bạn nhé. Nghỉ hưu sau một chiến công cũng đáng mà”. ( Khẩu trung liên hiên nay được đặt trong Viện bảo tàng Quân Khu 5).
       Anh ngồi ung dung tự tại pha một chút lãng mạn của người lính chiến. Nếu không gian chung quanh không đầy máu và xác lính Mỹ thì không ai có thể nghĩ rằng nơi đây vừa có chiến sự sẩy ra.
       Tôi và anh Đạo gặp nhau cũng là cơ duyên. Trước đó mỗi người ở một Đại đội hoàn toàn không biết nhau. Trung tuần tháng 11, cả hai chúng tôi đều là thành viên trong đoàn Chiến sỹ thi đua và Dũng sỹ diệt Mỹ của Tiểu đoàn 90 về dự Hội nghi mừng công của Trung đoàn ( tôi là Chiến sỹ thi đua của Đại đội 2, anh Đạo là Dũng sỹ diệt Mỹ của Đại đội 3). Một buổi chiều, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn Văn Công Bích tới kiểm tra công tác chuẩn bị của Tiểu đoàn 90. Thấy anh em trong đoàn vẫn quen gọi anh Đạo là tân binh. Mọi người gọi như vậy bởi vì tuân theo cái luật bất thành văn trong đơn vị. Ngày ấy bất luận anh đã nhập ngũ được bao lâu, mang cấp bậc gì, ở đơn vị nào tới… đều được gọi là tân binh cho tới khi có đoàn tân binh mới bổ sung. Ví như đoàn Thái Bình bổ sung vào Trung đoàn tháng 2 năm 1967, đã trải qua chiến đấu nhiều trận trong chiến trường Quảng Ngãi, nhiều đồng chí đã trưởng thành lên cán bộ Tiểu đội, cá biệt là cán bộ Trung đội vẫn bị gọi là tân binh cho đến tháng 7 năm 1967 có đoàn Cao Bằng bổ sung vào mới được cắt cái đuôi tân binh. Thấy mọi người vẫn gọi như vậy, ông cười và nói:
-Sau đoàn Cao Bằng, tuy chưa có đoàn nào bổ sung thêm nhưng cũng được hơn ba tháng rồi. Vả lại đồng chí Lương Quang Đạo đã than gia 2 trận đánh lớn và lập công xuất sắc, được tặng thưởng 2 Huân chương chiến công và 2 lần được tặng danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ cấp ưu tú. Đây là một hiện tượng hiếm có mà vẫn gọi là tân binh, mình thấy kỳ kỳ thế nào ấy. Bây giờ mình gọi là Đạo Cao Bằng đi. Đạo là tên. Cao Bằng là quê hương. Tên của người Dũng sỹ gắn với tên của quê hương Cách mạng đẹp quá rồi còn gì; Mọi người vỗ tay hoan hô rầm rập. Và cái tên Đạo Cao Bằng có từ ngày đó.
       Ăn cơm tối xong, chúng tôi mắc võng nằm trong hầm bò nói chuyên phiếm. Nguyễn Thành Phong Trung đội trưởng thông tin của Tiểu đoàn người Hải Phòng kể chuyện tán tỉnh mấy em ở Bệnh xá và cảnh chia tay lưu luyến lúc ra viện nghe lâm li thật. Cậu Hải người Hà Nam Ninh nói là có thư của người yêu đang học Cao đẳng sư phạm gửi vào đọc cho mọi người cùng nghe. Cậu ấy bảo là đã đọc nhiều lần từ khi nhận thư, thuộc rồi nên không cần cầm thư ra mà vẫn đọc đúng. Cùng Trung đội với nhau, chưa khi nào tôi thấy cậu ấy nhận được thư gia đình cả. Nay cậu ấy bảo thư người yêu và đọc vanh vách như cháo chảy.
       Chẳng biết có được bao nhiêu phần trăm sự thật nhưng thấy cũng hay hay. Ông Đinh Thế Phẩm chính trị viên phó Tiểu đoàn nằm cạnh cười khùng khục nói:
-Đúng là mấy thằng trai lơ mù gái. Chắc là còn chưa được nắm bàn tay phụ nữ bao giờ. Hồi trưa đi lấy cơm bị mấy cô nuôi quân trêu, cậu nào cậu ấy mặt đỏ, mồ hôi toát ra, chẳng đứa nào nói được câu ra hồn. Vậy mà giờ nằm đây nói cứ như thánh sống ấy. Bị bóc mẽ, mọi người bịt miệng cười không thành tiếng. Tôi quờ tay qua lay võng anh Đạo:
- Này ông anh người dân tộc nhưng vợ là người Kinh hay người dân tộc đấy?
- Người dân tộc.
- Về tình cảm gái dân tộc với gái Kinh có giống nhau không anh?
- Ngoài vợ ra, mình có biết cô gái Kinh nào đâu mà biết giống hay không.
- Chắc thư của chị nhà viết hay lắm nhỉ, đọc nghe đi.
- Mình đã viết thư về nhà đâu mà nhận được thư;
- Sao vậy anh?
- Chả là, trước khi đi B, mình có làm cho vợ con cái nhà sàn. Cái nhà cũng to, có 26 cái cột tất cả. Mình nói với vợ: “ Mình đi đánh Mỹ. Khi nào diệt được số Mỹ nhiều hơn số cột của cái nhà này, mình mới viết thư về”
-Thế thì viết được rồi còn chần chừ gì nữa.
-Sau hội nghị lần này mình sẽ viết. Nghe tới đây, anh Đinh Thế Phẩn nói vọng qua:
-Sao trong bản báo cáo điển hình của đồng chí không có chi tiết này nhỉ. Sáng mai bổ sung ngay vào nhé. Vậy là trong bản báo cáo của anh Đạo được bổ sung thêm một chi tiết rất đời thường, rất chân thực, rất kiên quyết, đã nói là làm của người dân tộc Cao Bằng.
       Sau Hội nghi mừng công của Trung đoàn, đa số chúng tôi trở về đơn vị huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Anh Lương Quang Đạo được cử đi dự Đại hội mừng công Sư đoàn. Sau đó đi kể chuyện chiến đấu ở các đơn vị trong Quân khu và Sư đoàn.
       Trong trận đánh Mỹ ở khu vực Cầu Chìm ngày 21 tháng 12, anh bị thương. Ra Bắc, anh chuyển về công tác ở Ban chính sách của tỉnh đội Cao Bằng. Năm 1979 tham gia đánh quân bành chướng ở biên giới phía Bắc. Năm 1983 được về nghỉ mất sức, nay là bệnh binh. Tuy đã ra quân nhưng ý chí người lính chiến trong amh vãn không phai mờ. Anh đảm nhiệm chức Bí thư chi bộ thôn 5 khóa liên tục và nhiều khóa làm chi hội Cựu chiến binh, góp phần xây dựng quê hương vững mạnh.
       Trong trái tim tôi và những người lính Sư đoàn 2 thời đánh Mỹ, Lương Quang Đạo thực sự là một người anh hùng, là gương sáng cho mọi người học tập. Góp phần giáo dục, hun đúc tinh thần quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.
       Lương Quang Đạo thực sự là một con người đã một thời vang bóng, một thời liệt oanh….
 
Trung tá Đặng Kim Âu
Nguyên Trợ lý Tuyên huấn Học viện Hậu cần QĐNDVN
Tel : 0917366836

tin tức liên quan