"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 42)

Ngày đăng: 01:41 22/09/2021 Lượt xem: 379
       Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
         Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
         Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
         Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
 

CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 42)
Bài số 49
       
       NHỮNG CHUYẾN ĐI BỘ BÊN LÀO

       CHUYẾN ĐI BỘ VÀO SA LA VAN MUA ĐỒ CHUẨN BỊ VỀ PHÉP

       Tôi vào Trường Sơn cuối năm 1970, từ Binh trạm 32 ở Khăm Muộn rồi về Trung đoàn Công binh 30 ở Nam đường 9 Xa Va Na Khét, tiếp theo về Phòng Tham mưu Công binh Sư đoàn 472 tiến vào Sa La Van, về Trung đoàn 34, Trung đoàn 576, Sư đoàn 565 cứ vào sâu mãi đến A tô pơ. Ngày 27 tháng 1 năm 1973 Hiệp định Paris ký kết, niềm vui vỡ oà lên, Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, từ đây ngừng tiêng bom rơi đạn nổ trên đường Trường Sơn. Bộ Tư lệnh Trường Sơn chỉ đạo cho bộ đội thay nhau đi phép, tôi cứ hi vọng được đi đợt đầu, nhưng lại ưu tiên cho các anh có vợ con đi trước, mình chờ sau. Ngày 1 tháng 4 năm 1973, Đại tá Đặng Tính - Chính Uỷ Bộ đội Trường Sơn dẫn đầu đoàn cán bộ đi thị sát Đường Trường Sơn tuyến phía Tây. Đoàn thăm Sư đoàn 472, cán bộ chiến sĩ toàn cơ quan Sư đoàn tập trung nghe Chính Uỷ nói chuyện thời sự và nhiệm vụ xây dựng Đường Trường Sơn giai đoạn mới, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Chính uỷ đã truyền cho bộ đội khí thế hừng hực và niềm tin vào ngày thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 3 tháng 4 năm 1973 trên đường lên Pắc Sòong thăm Sư đoàn bộ binh 968, xe đè phải mìn chống tăng của địch, Đại tá Đặng Tính - Chính Uỷ Bộ Tư lệnh Trường Sơn cùng 5 người hy sinh. Một tổn thất lớn cho Bộ đội Trường Sơn, vô cùng thương tiếc.
       Sư đoàn 472 nhận nhiệm vụ xây dựng cải tạo toàn bộ tuyến đường Tây Trường Sơn, Sở chỉ huy của Sư đoàn di chuyển từ khu vực đông bắc Mường Phìn - Xa Va Na Khét vào nam bờ sông Sê la nông huyện Tà Ôi - Tỉnh Sa La Van. Công tác kế hoạch triển khai thi công thật khẩn trương, thế là tôi được thông báo hoãn đi phép.
Niềm vui như ngỡ trong mơ
Đã ngừng bom đạn đợi chờ bấy lâu
Mong được đi phép đợt đầu
Nhưng mà nhiều việc yêu cầu làm ngay.
       Sư đoàn 472 chuyển sang làm đường Đông Trường Sơn, tôi ở lại làm đường Tây Trường Sơn thuộc Ban chỉ đạo Mặt trận Miền Tây xuống chỉ đạo Trung đoàn Công binh 34. Tiếp theo trong đoàn cán bộ của Mặt trận Miền Tây về tham gia thành lập Trung đoàn Công binh 576 rồi về Sư đoàn 565 khi mới thành lập. Sư đoàn tập trung bảo đảm đường vận chuyển bên Tây Trường Sơn từ Bản Đông đến Phi Hà - Ngã ba Đông Dương. Con đường góp phần đưa cả dân tộc ra trận để đánh thắng Mỹ nguỵ, con đường Thống nhất non sông.
       Ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, niềm vui vô bờ bến của toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân, đặc biệt với những người chiến sĩ trên chiến trường. Niềm mong ước được trở về quê hương đã đến. Sư đoàn 565 lần lượt cho cán bộ chiến sĩ đi phép, hai đợt đi vào rồi, đến lượt tôi lại có chỉ đạo hoãn lại, thế là hai lần mừng hụt. Lúc này Việt Nam đã hoàn toàn giải phóng, nhưng nước bạn Lào vẫn còn đang có chiến tranh. Khi ấy quân đội nhân dân Việt Nam chỉ còn Sư đoàn 565, trong đó có hai trung đoàn Công binh và Trung đoàn bộ binh 39 trên đất Lào. Sư đoàn tiếp tục làm đường Tây Trường Sơn và giúp bạn . Với sự giúp đỡ của Sư đoàn 565, quân đội Pha thét Lào đã tiến vào giải phóng Thủ đô Viêng Chăn. Ngày 2 tháng 12 năm 1975, nhà vua Lào buộc phải thoái vị và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào được thành lập. Chính phủ mới do Đảng nhân dân cách mạng Lào lãnh đạo, đứng đầu là Tổng bí thư Kaysone Phomvihane. Cách mạng Lào thành công, cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 565 chúng tôi được đón mừng chiến thắng lần thứ hai, được liên hoan mừng Nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ra đời.
       Nước Việt Nam hoà bình thống nhất, nước Lào hoà bình thống nhất, nhiệm vụ trọn vẹn, niềm vui trọn vẹn. Sau đó cán bộ có hai đợt phóng quân hàm, tất cả các trợ lý cơ quan được phong quân hàm sĩ quan hết, mỗi Hoàn Kiền vẫn là Thượng sĩ, hai lần hồi hộp đợi mãi không thấy tên mình đâu, hẫng hụt, nỗi buồn sâu thẳm trong lòng. Nhân dịp ngày 22 tháng 12 năm 1975 có đợt bồi dưỡng cán bộ, mỗi người được 1 lít mật ong, do anh Hoàng Minh Thảo - Trợ lý Ban cán bộ Sư đoàn phụ trách, tôi cũng không được, tôi trực tiếp lên gặp Trung tá Đào Kim Sơn - Tư lệnh, Trung tá Nguyễn Đức Lợi - Phó tư lệnh Sư đoàn có ý kiến, các thủ trưởng cho hỏi lại thì không có tên trong danh sách cán bộ. Thế là sang năm thứ tư làm trợ lý cho hai sư đoàn mà không có tên trong danh sách Cán bộ . Tôi về mang quyết định phong quân hàm thượng sỹ chức vụ trợ lý cho đồng chí Hoàng Kiền, do Trung tá Nguyễn Quốc Chấn - Tham mưu trưởng sư đoàn 472 ký lên báo cáo. Hoá ra anh trợ lý cán bộ Phòng Công binh Sư đoàn 472 không biết qui trình, không làm đầu vào cán bộ quản lý mà chỉ đề nghị thăng quân hàm từ hạ sĩ lên thượng sĩ cho đồng chí Hoàng Kiền - Trợ lý Phòng Công binh. Cũng trách anh ấy, nhưng trình độ anh có hạn. Một đêm tôi ngủ mơ rồi hét lên, cả phòng thức dậy, anh Đào Kim Liễn - Trưởng Ban Công binh quê Vụ Bản - Nam Hà đồng hương với tôi hỏi: Kiền làm sao thế?
       Em nằm mơ ông Đào Kim Sơn đưa vào cối giã....Thế là sáng mai dậy quyết định xin ra quân, về phép lấy giấy tiếp nhận của Phòng giáo dục huyện Xuân Thủy để tiếp tục làm nghề "Gõ đầu trẻ", "Kỹ sư tâm hồn".
       Hai sư đoàn tôi đều làm trợ lý kết hoạch cho hai thủ trưởng Đào Kim Sơn - Tư lệnh và Nguyễn Đức Lợi- Phó tư lệnh ở Phòng Công binh Sư đoàn 472, Phòng Tham mưu Sư đoàn 565. Hai lần được thăng quân hàm vượt cấp Binh nhì lên Hạ sĩ, từ Hạ sĩ lên Thượng sĩ, năm nào cũng được bình bầu là Chiến sĩ thi đua. Số mình đến thế thôi, về quê thôi.
       Cũng nhân dịp 22 tháng 12 năm 1975 Sư đoàn có đợt phân phối hàng cho cán bộ bao gồm chiến lợi phẩm và hàng hoá sau chiến tranh không dùng nữa, hai thủ trưởng Đào Kim Sơn và Nguyễn Đúc Lợi gọi lên, cả ban Công binh ưu tiên chỉ có Kiền là được phân phối hiện vật quí nhé. Thế là Thượng sĩ- Trợ lý Phòng Tham mưu Sư đoàn được phân phối chiếc khung xe đạp Thanh niên mang vào thồ hàng trên đường Trường Sơn từ năm 1962, do Trung tá Nguyễn Đức Lợi - Phó tư lệnh Sư đoàn ký, giá 14 đồng. Có được chiếc khung xe hồi ấy là giá trị lắm, thật là mừng, quên vụ mật ong luôn. Cả Ban Công binh mỗi mình tôi được phân phối chiếc khung xe, ai cũng mừng cho Thượng sĩ - Trợ lý Hoàng Kiền. Anh cán bộ ban dân vận của Sư đoàn đến xem chiếc khung xe, khen tốt, anh ấy nói ở thị xã Sa La Van mới có cửa hàng Mậu dịch quốc doanh của Lào mở ra, có một số hàng hoá bán tự do, anh ấy dẫn đi. Trong túi còn mấy chục đồng tiền Việt Nam dân chủ cộng hoà. Một ít tiền Trường Sơn tiết kiệm còn giữ từ năm 1970 cho đến nay đem lên ban tài chính Sư đoàn đổi ra tiền Việt. Xin ứng thêm hai tháng phụ cấp Thượng sĩ được 70 đồng Tiền Việt Nam dân chủ cộng hoà, đủ để đi mua quà về phép.

TIỀN TRƯỜNG SƠN
       Tiền Trường Sơn là một nét đặc thù của Bộ đội Trường Sơn. Công tác tài chính Trường Sơn không giống công tác tài chính của bất kỳ đơn vị nào khác. Bộ đội Trường Sơn hoạt động trên cả 3 chiến trường B, C, K ( Miền Nam, Lào, Campuchia), hưởng chế độ như bộ đội miền Bắc, nhưng không được lĩnh tiền miền Bắc ở sông Bến Hải trở ra. Để hoàn thành nhiệm vụ, ngành Tài chính Trường Sơn đã nghĩ ra loại "tiền" riêng cho mình. Vấn đề là bất cứ ai, cơ quan nào đứng ra in tiền đều là phạm pháp. " Tiền Trường Sơn " ra đời với tên gọi là Phiếu bách hoá Trường Sơn. Phiếu bách hoá có 4 loại: 1, 2, 5, 10 tương đương với 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng , 10 đồng. Tiền được dùng cấp lương, phụ cấp, mua bán các loại hàng hoá nhu yếu phẩm bình thường như ngoài miền Bắc. Tuy nhiên phụ thuộc vào hàng hoá, nhu yếu phẩm bảo đảm trên địa bàn Trường Sơn. Với loại tiền này, ngành Tài chính Trường Sơn đã bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho cán bộ chiến sĩ và thanh quyết toán được chặt chẽ. Phát hành vào năm 1965, kết thúc vào ngày 30/4/1975 khi giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Tôi có 5 năm hoạt động trên chiến trường Trường Sơn, được phát phụ cấp hàng tháng bằng Phiếu bách hoá Trường Sơn, chiến tranh kết thúc tôi giữ lại một số tờ làm lưu niệm. Từ năm 2012 khi khánh thành Bảo Tàng Đồng Quê, tôi đã đưa vào trưng bày trong khu vực " Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước ", mãi mãi lưu lại kỷ vật về Trường Sơn Huyền thoại.
       Ngày chủ nhật 28 tháng 12 năm 1975, chúng tôi gồm: Thiếu uý Vi Ngọc Đón, Thiếu uý Vi Văn Chúm, Thiếu uý Đào Trọng Tài, Thượng sĩ Hoàng Kiền - Trợ lý Ban Công binh- Phòng Tham mưu Sư đoàn 565 được anh Bào trợ lý Ban dân vận dẫn đầu đi vào thị xã Xa La Van. Trên đường đi phải qua con sông Sê đôn khá rộng, phà không chở, may có lái phà là Nguyễn Tiến Dũng cùng quê Xuân Thủy - Nam Định, gọi điện chú ra chở giúp cho đi. Hành quân bộ gần hai chục ki lô mét đến Thị xã Sa La Van. Vào Cửa hàng mậu dịch Quốc doanh, sau sáu năm xa miền Bắc nay mới thấy cửa hàng mua bán của nhà nước trên đất bạn. Nhờ anh dân vận đổi tiền đồng Việt Nam ra tiền kíp Lào. Đã có khung xe đạp, ưu tiên mua phụ tùng, chỉ có mỗi nan hoa thôi, mua được một bộ cho hai bánh 36 nan x 2 bánh + 8 dự phòng = 80 cái. Mua được 2 chiếc chăn len cứng của Liên Xô, một số gói mì chính con gà của Trung Quốc loại 100 gam. Các anh khác cũng mua mỗi người mấy thứ, thế là hài lòng lắm rồi. Giữa trưa mang lương khô ra ăn, vì thị xã không có cửa hàng ăn, chưa có quán xá gì cả. Lại hành quân bộ về đến đến bến phà chờ gọi Nguyễn Tiến Dũng ra chở sang, đến nhà là tối. Quà đã có, mấy hôm sau ngày 1 tháng 1 năm 1976 xe ô tô của Sư đoàn chở về Việt Nam đi phép....
Ba năm trợ lý trải qua
Vai đeo Thượng sĩ ngâm nga đợi chờ
Say sưa nhiệm vụ từng giờ
Thi đua bình xét cầm cờ hàng năm
Khó khăn chẳng quản, lo chăm
Trên tin, dưới mến vươn tầm chuyên sâu
Phong hàm cấp uý đợi lâu
Tên mình không có lòng rầu thần thơ
Xa rồi hết đẹp ước mơ
Xin cho về phép đợi cơ chuyển ngành
Vẫy chào tạm biệt rừng xanh
Xa La Van vẫy xe nhanh lên đường
Trập trùng rừng núi mờ sương
Dập dìu Đường 9 cờ giương dân chào
Rừng sâu biền biệt đất Lào
Trở về nước Việt biết bao vui mừng.
       Tháng 3 năm 2019 tôi dẫn đầu đoàn Cựu chiến binh của Bộ Tư lệnh Công binh sang thăm nước bạn Lào, thăm chiến trường xưa, đưa đoàn đến thăm thị xã Xa La Van. Sau 44 năm thăm lại, đường xá đã được xây dựng nâng cấp khá hơn nhưng nhiều đoạn vẫn còn xấu, Thị xã được qui hoạch xây dựng bước đầu. Vào thăm lại cửa hàng mậu dịch Quốc doanh năm xưa, tìm lại cô nhân viên bán cho bộ nan hoa xe đạp năm xưa, cô ấy đã nghỉ hưu nên không gặp. Cửa hàng nay đã thành công ty mới theo cơ chế thị trường . Thị xã còn nghèo, đang trong quá trình xây dựng và phát triển. Lại nhớ đến chiếc xe đạp ở quê tôi mang khung xe và nan hoa từ Xa La Van nam Lào về quê, mua thêm phụ tùng tự tay lắp dần thành chiếc xe đạp, khi cưới vợ, vợ tôi đi, sau này khi về công tác tại Bộ Tư lệnh Hải quân, tôi dùng đi lại 5 năm Hải Phòng- Giao Thuỷ, Nam Định.

CHIẾC XE ĐẠP THỒ HÀNG TRONG BẢO TÀNG ĐỒNG QUÊ
       Khi xây dựng Bảo Tàng Đồng Quê, tôi đưa vào trưng bày trong khu vực "XẺ DỌC TRƯỜNG SƠN ĐI CỨU NƯỚC". Cái xe đạp mang từ Hà Nội-Việt Nam vào Trường Sơn, sang nước Lào thồ hàng ra chiến trường đánh Mỹ. Chiếc xe đạp này có cả phụ tùng từ nước Lào bán cho mang về lắp ráp, có tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Có bộ hồ sơ đính cùng gồm ba văn bản:
       Giấy chứng nhận bán nhượng khung xe đạp của Sư đoàn 565, có ghi số khung xe đạp.
       Hoá đơn thu tiền của Tài chính Sư đoàn 565.
       Giấy đã đăng ký của Công an huyện Xuân Thủy.
       Tôi viết một bài thơ dài diễn tả lại "Lịch sử chiếc xe đạp này" in ép nhựa cứng treo lên khung xe. Hai câu cuối cùng là:
Mai ngày dẫu có chia ly
Bảo Tàng Chị Khiếu vinh qui Em ngồi.

Ngày 4 tháng 9 năm 2021
Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam
 
(Còn nữa) 
 
tin tức liên quan