"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 44)

Ngày đăng: 03:42 24/09/2021 Lượt xem: 350
       Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
         Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
         Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
         Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
 

CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 44)
Bài số 51
       
       NHỮNG CHUYẾN ĐI BỘ BÊN LÀO

       ĐI BỘ VƯỢT TRƯỜNG SƠN LẦN THỨ HAI
       ( Bài số 51 được chia làm 3 phần đăng tải 3 kỳ) - Kỳ thứ nhất:
 

       Sau hơn 5 năm chiến đấu, công tác trên đường Trường Sơn trên đất bạn Lào, gần bốn năm là trợ lý Phòng Công binh Sư đoàn 472, phòng tham mưu sư đoàn 565, nhưng khi phong quân hàm mấy đợt vẫn không có tên mà rất nhiều người được. Tôi quyết định làm đơn xin chuyển ngành về dạy học, nghề "kỹ sư tâm hồn" mà tôi đã chọn. Đầu năm 1976 được đi phép để lấy giấy tiếp nhận trở về ngành giáo dục huyện Xuân Thủy. Ô tô sư đoàn chở từ Sa La Van nam Lào về đến trạm giao liên Hồ Xá - Vĩnh Linh. Lên tàu hỏa giao liên về ga Nam Định xuống, vào trạm giao liên Nam Vân đăng ký xác nhận ngày đến trạm. Từ hôm ấy tính nghỉ phép tròn 1 tháng ở nhà. Hết phép lại lên trạm Nam Vân bố trí tàu hoả giao liên từ ga Nam Định vào Nam . Cuối tháng 1 năm 1976 sát tết âm lịch vào đến trạm giao liên Hồ Xá-Vĩnh Linh nằm chờ, giao liên Trường Sơn đã giải thể.
       Khi ấy Sư đoàn Công binh 565 vẫn đang đóng quân bên đất Lào tận Xa La Van, xa lắm. Đang thơ thẩn thì gặp anh Vi Văn Chúm, đồng đội Ban Công binh - Phòng Tham mưu Sư đoàn 565 cũng đi phép cùng với nhau một đợt, anh về Hoà An - Cao Bằng vào, anh em bắt tay nhau mừng lắm. Chúng tôi cùng Phòng Tham mưu Công binh Sư đoàn 472, sau đó cùng về Ban Tham mưu Trung đoàn Công binh 576, rồi cùng về Phòng Tham mưu Sư đoàn 565, nay gặp nhau tại Vĩnh Linh, đất lửa Anh hùng, cả Sư đoàn chỉ có hai anh em trả phép ở đây vào trước tết, rất nhiều người đi phép cùng chúng tôi mà chẳng thấy đâu cả, chắc ăn tết xong mới vào. Thế là chỉ có Vi Văn Chúm và Hoàng Kiền về phép mà chưa cưới vợ là vào đơn vị đúng hạn, còn gần một xe ô tô người nữa ở nhà ăn tết với vợ con rồi, do đó họ không bố trí xe cho hai thanh niên chưa vợ. Chờ mãi Trạm giao liên vẫn thông báo không có xe ô tô sang Sa La Van Nam Lào. Giao liên Trường Sơn kết thúc nhiệm vụ rồi.
GIAO LIÊN TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC
       Chúng tôi lên đường vào chiến trường đánh Mỹ bắt đầu từ xã Yên Quang - Huyện Ý Yên - Tỉnh Nam Định. Đi bộ sang ga Ninh Bình, lên tàu hoả vận tải quân sự ( tàu giao liên ) chạy vào ga Vinh, xuống ga có Giao liên đón vào nhà dân nghỉ. Tối lên xe ô tô giao liên đưa vào đến Cự Nẫm Quảng Bình....Mấy ngày sau xuống ca nô giao liên chạy ngược lên Trường Sơn, lên bờ có xe ô tô giao liên đón chạy đến trạm dừng ô tô ở Trường Sơn, xuống xe có Giao liên của Đoàn 559 đón. Cuộc hành quân bộ vượt Trường Sơn bắt đầu từ đây.

GIAO LIÊN TRƯỜNG SƠN
       Đường giao liên Trường Sơn bắt đầu mở ra từ tháng 5 năm 1959. Trong 14 năm, từ 1959 đến 1973, đường giao liên, gùi thồ Trường Sơn đã hình thành và phát triển trên cả hai hướng Đông và Tây Trường Sơn, trong đó bên Tây Trường Sơn là chủ yếu. Nó có chiều dài hơn 3000 ki-lô-mét trong đó có hơn 500 ki-lô-mét đường voi, ngựa, xe đạp thồ. Tuyến đường này đã tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn. Đã vận chuyển vào chiến trường hàng chục nghìn tấn vũ khí, khí tài, hàng chục nghìn tấn gạo cùng hàng quân nhu khác.
Đến 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris ký kết. Mỹ ngừng ném bom trên toàn chiến trường Đông Dương. Đường Giao liên bộ, gùi, thồ cơ bản kết thúc nhiệm vụ, chuyển sang hành quân bằng cơ giới.
       Năm 1974, các đơn vị giao liên đường bộ tổ chức thành hai trung đoàn giao liên cơ giới gồm Trung đoàn 572 và Trung đoàn 573 bảo đảm hành quân cơ giới cho 40 vạn quân vào chiến trường tham gia cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
       Hệ thống đường giao liên Trường Sơn gồm có:
       Giao liên bộ: 13 Tiểu đoàn với 60 Trạm giao liên (mỗi Trạm giao liên tương đương cấp Đại đội)
       Giao liên cơ giới: 13 Trạm ( năm 1973 thành lập 2 trung đoàn).
       Giao liên thuyền: 3 Trạm.
      Bộ đội giao liên, gùi thồ, những người chiến sĩ trên các cung đường mòn trên đỉnh Trường Sơn với “Đôi vai ngàn cân, đôi chân vạn dặm”, bằng trí thông minh, lòng dũng cảm, mưu trí, tinh thần phục vụ thật tận tuỵ, đã tạo ra các trạm giao liên bí mật, kín đáo suốt chiều dài đại ngàn Trường Sơn; là nơi dừng chân ăn nghỉ cho cho “khách”. Các Trạm giao liên tổ chức dẫn đường hàng ngày cho các đoàn quân trên đường ra mặt trận, nuôi dưỡng thương bệnh binh ốm đau khi hành quân qua trạm; đưa thương binh ra Bắc, đã đưa nhiều đoàn cán bộ cao cấp của Trung ương vào ra chiến trường. Giao liên Trường Sơn xứng đáng với 10 chữ vàng “Tận tình với đồng chí, tận nghĩa với chiến trường”.
       Chiến công lớn lao, sự hy sinh chịu đựng gian khổ của bộ đội giao liên anh hùng để lại ấn tượng sâu đậm. Chiếc gậy Trường Sơn trên đường hành quân bộ, đoàn xe hành quân cơ giới thần tốc mãi mãi là hình ảnh tuyệt đẹp của người chiến sĩ giao liên Trường Sơn.
       Chiến tranh kết thúc, Bộ đội Giao Liên Trường Sơn cũng kết thúc nhiệm vụ, hệ thống Giao liên của Tổng cục Hậu cần mờ ra tuyến Giao liên quân sự Bắc- Nam. Các phương tiện có tàu hỏa quân sự Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, kết hợp cả ô tô, máy bay vận tải quân sự, bảo đảm cho bộ đội đi công tác, đi phép những năm đầu sau khi kết thúc chiến tranh, rất hợp lý và khoa học.

VƯỢT TRƯỜNG SƠN LẦN THỨ HAI
       Nằm dài cũng chán, chúng tôi quyết định VƯỢT TRƯỜNG SƠN LẦN THỨ HAI. Ra Hồ Xá đón xe khách đến Khe Sanh xuống xe hỏi thăm xem có xe sang Lào không? Tìm mãi chẳng thấy đâu . Hết ô tô rồi, cuộc hành quân bộ Vượt Trường Sơn lần thứ hai bắt đầu, cũng thật là gian nan. Đi bộ lên cửa khẩu Lao Bảo bơn hai chục cây số, hai anh em tiếp tục cuốc bộ vượt sang Tây Trường Sơn đi đến Cầu treo Bản Đông khoảng ba chục cây số nữa thì tối đêm. Năm 1970 tôi đi bộ vượt Trường Sơn sang Lào rồi gắn bó với đường Trường Sơn gần sáu năm liền. Nay lại đi bộ "Vượt Trường Sơn" sang Lào lần thứ hai, Vừa đi vừa nói chuyện với nhau về đường dây 559. Đoàn trưởng đầu tiên của Đoàn 559, mở ra đường dây 559, từ Đông Trường Sơn lật cánh sang Tây Trường Sơn là Thiếu tướng VÕ BẨM, người chỉ huy cuối cùng của Bộ đội Trường Sơn là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
       Tôi vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ rồi ở lại Trường Sơn mở đường chiến lược. Những năm chiến đấu công tác trên đường Trường Sơn, chiến trường Trường Sơn mới được biết thêm thông tin về Trường Sơn, về những người chỉ huy tài giỏi của Trường Sơn.

VÕ BẨM - NGƯỜI ĐƯỢC TIN TƯỞNG GIAO NHIỆM VỤ ĐOÀN TRƯỞNG ĐẦU TIÊN
       Võ Bẩm sinh năm 1915 tại xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, trong một gia đình có truyền thống yêu nước, ông tham gia cách mạng sớm, trải qua nhiều cương vị công tác cả trong và ngoài quân đội. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, làm Cục trưởng Cục Quản lý giáo dục, rồi Cục phó Cục Nông Trường Quân đội. Khi Nghị quyết Trung ương 15 lần hai kết thúc, “Đoàn công tác Quân sự đặc biệt “được thành lập. Ngày 5/5/1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban thống nhất Trung ương trực tiếp giao nhiệm vụ cho Thượng tá Võ Bẩm là Đoàn trưởng. Ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân uỷ triệu tập Ban Cán sự, chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn mở đường Trường Sơn chi viện cho cách mạng Miền Nam. Được giao trọng trách này là một vinh dự đặc biệt lớn lao, thể hiện niềm tin của Trung Ương Đảng, Bác Hồ, Thường trực Tổng quân ủy đối với Thượng tá Võ Bẩm. Nhiệm vụ của đoàn ban đầu và được bổ sung trong quá trình phát triển là:
1. Tổ chức vận tải, chi viện chiến lược cho chiến trường Miền Nam, giúp đỡ một phần cho vùng đông Đông Bắc Campuchia, Trung và Hạ Lào.
2. Hình thành một chiến trường đánh địch, phối hợp với chiến trường cả nước.
3. Là một binh đoàn hậu cần chiến lược, chiến dịch, là hậu phương trực tiếp cho các chiến trường kế cận.
4. Đoàn kết, phối hợp với quân dân hai nước bạn Lào và Campuchia ở khu vực, xây dựng căn cứ địa vững chắc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ hành lang chiến lược.
       Đoàn trưởng Võ Bẩm đã xuống các nông trường do mình phụ trách trước kia để chọn người có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ. Trước hết phải là người miền Nam tập kết, quen địa hình rừng núi miền tây khu V. Ngoài ra còn phải bảo đảm 7 tiêu chuẩn cụ thể: Tự nguyện, Tinh thần dũng cảm-Tính kỷ luật, tự giác cao-Ý thức bảo đảm bí mật tốt-Lý lịch rõ ràng, Kiên định - Trung thành - Sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc-Sức khoẻ dẻo dai.
       Bộ phận nòng cốt đầu tiên được Thượng tá Võ Bẩm chọn gồm 8 người. Cuộc họp bí mật của Ban Cán sự Đoàn 559 tại nhà 25A - phố Phan Đình Phùng - Hà Nội vào ngày 20 tháng 5 để bàn việc triển khai kế hoạch. Từ đây Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559, tức tháng 5 năm 1959. Cũng từ đó ngày 19 tháng 5, ngày được Bộ Chính trị và Tổng Quân uỷ giao nhiệm vụ mở đường chiến lược Trường Sơn được xác định là ngày truyền thống của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
       Thượng tá Võ Bẩm tổ chức lực lượng đi khảo sát đường và hiệp đồng với các cơ quan đơn vị có liên quan, đồng thời triển khai tổ chức lực lượng ngay.
       Trước tình hình nhiệm vụ rất nhiều khó khăn, Ban Cán sự Đoàn 559 đã gặp đồng chí Trần Lương (Trần Nam Trung), Bí thư Khu ủy Khu 5 tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn từng bước và được hướng dẫn giúp đỡ tích cực. Sau hội nghị ở Hồ Xá - Vĩnh Linh, Đoàn 559 tổ chức đội khảo sát mở tuyến Đoàn trưởng chí Võ Bẩm trực tiếp chỉ huy. Tỉnh uỷ Quảng Trị cử một số cán bộ địa phương giúp đỡ. Đội khảo sát quyết định chọn Khe Hó - Vĩnh Linh là điểm đầu của tuyến đường lịch sử. Sau đó đồng chí Võ Bẩm ra Hà Nội chỉ huy việc tổ chức lực lượng, chuẩn bị đưa “hàng” vào chiến trường. Đồng chí Ngô Văn Diệm tiếp tục chỉ huy lực lượng khảo sát đường vượt sông Bến Hải.
       Những ngày cuối tháng 5 chiếc xe Gaz 69A của Đoàn liên tục lăn bánh đêm ngày đưa Ban Cán sự của Đoàn đến các Tập đoàn sản xuất Miền Nam, đến các Sư đoàn 324, 325, 305, trong đó chủ yếu là sư đoàn 305 từ Khu 5 ra tập kết. Cuối tháng 5 đã chọn được 440 người. Những người được chọn chủ yếu là ở các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, tuổi đời từ 28 đến 35, thành lập tiểu đoàn 301 bổ sung cho Đoàn 559. Lâm Thao - Phú Thọ trở thành thao trường huấn luyện khá lý tưởng cho tiểu đoàn 301. Đêm đêm bất kể trời tạnh hay mưa xối xả, những chiến sĩ trên vai đeo ba lô nặng hơn 30 kg gạch, lầm lũi leo đồi vượt dốc rèn luyện để vượt Trường Sơn. Đây cũng là giai đoạn rèn luyện ý chí, quyết tâm, sức bền bỉ dẻo dai chịu đựng khó khăn gian khổ để vào chiến trường. Ngày 4 tháng 6 năm 1959, Tiểu đoàn 301 có lệnh “cấm trại” chuẩn bị các mặt về hậu cần chuẩn bị hành quân, tuyệt đối bí mật, cắt mọi liên lạc với gia đình. Đúng 19 giờ ngày 4 tháng 6 năm 1959, Tiểu đoàn hành quân từ Nông trường Vân Lĩnh về ga Tiên Kiên (Lâm Thao - Phú Thọ) rồi về Hà Nội. Tiếp tục đi tàu hoả, ô tô vào đến khu vực Khe Hó - Vĩnh Linh tập kết. Danh nghĩa của Đoàn là “Công trường khai thác gỗ” và “Nông trường chăn nuôi bò”. Nhiệm vụ mới tuyệt đối bí mật, vô cùng khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, hy sinh, nhưng rất đỗi vinh quang bắt đầu mở ra. Đường giao liên, con đường chi chi viện chiến lược được triển khai mở đầu cho đường Trường Sơn. Vạn sự khởi đầu nan, muôn vàn khó khăn gian khổ mở ra ...
       Nguyên tắc tối cao đã được Trung ương dặn: “Việc mở đường không được ai biết... Không được để lọt vào tay địch một người, một hiện vật. Một mẩu thuốc lá cũng có thể tạo nên một thứ tang chứng”.
       “Hàng” chủ yếu là vũ khí, mà tiêu chuẩn số 1 là không có dấu vết chế tạo tại Liên Xô, Trung Quốc, phải là súng cũ của Pháp và các nước không phải là Xã hội chủ nghĩa. Vũ khí ban đầu chủ yếu ta thu được của Pháp gồm súng trường Maz, tiểu liên Tuyn khoảng 20 tấn. Một số quân trang quân dụng, ống nhòm, địa bàn, bản đồ cũng được lệnh thu hồi giao cho Đoàn 559. Nếu vũ khí trang bị của các nước Xã hội chủ nghĩa phải xoá hết dấu vết. Tất cả được bao gói bảo quản bằng mỡ, gói bằng giấy pharaphin, mỗi gói 25 kg, bảo đảm khi cần thiết có thể chôn xuống bùn đất, ngâm dưới nước lâu ngày không bị han gỉ, hư hỏng.
       Trên cơ sở kết quả khảo sát, toàn tuyến được bố trí làm 9 đội, quân số giảm dần từ đội đầu đến đội cuối, mỗi đội tổ chức một chi bộ. Đội 1 đóng ở Khe Hó gần vị trí chỉ huy Tiểu đoàn 301. Lần lượt các trạm bố trí tiếp theo hướng Tây Nam điểm cuối đặt trạm 9 là Pa Lin - Bắc A Lưới - tỉnh Thừa Thiên, kế cận trạm tiếp nhận của Liên khu 5. Đầu tháng 7 năm 1959, việc rải quân trên tuyến đã xong. Lực lượng trinh sát được bổ sung cài cắm trên tuyến tích cực nắm địch, thông báo kịp thời cho từng trạm và chỉ huy đoàn.
       Để bảo đảm tuyệt đối bí mật đoàn đặt ra khẩu hiệu có tính chất như mệnh lệnh là “Ở không nhà - Đi không dấu - Nấu không khói -Nói không tiếng”. Trong thời gian đầu, đường đi hoàn toàn là những đường chưa có lối, rẽ núi, băng rừng. Phương châm là “xuyên sơn mà đi, cứ đỉnh núi mà soi, không được trùng với các lối mòn cũ”. Lời của một câu hát “Trường Sơn ơi trên đường ta qua không một dấu chân người..” là hoàn toàn đúng với sự thật của thời kỳ này.
       - Ngày 13 tháng 8 năm 1959, sau 8 ngày đêm chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn đã vào đến Tà Riệp tuyệt đối bí mật và an toàn.
       - Sau những chuyến hàng đầu tiên thành công, ngày 12 tháng 9 năm 1959, Bộ Quốc phòng quyết định chính thức thành lập Đoàn 559 trực thuộc Bộ Quốc phòng, tổ chức Đảng trực thuộc Tổng Quân ủy.
       - Cuối năm 1959, do có kẻ đầu thú khai báo, địch tăng cường củng cố “phòng tuyến chống thâm nhập”, tăng cường đóng đồn dọc đường 9, bọn bảo an, thám báo lùng sục các làng hai bên đường 9. Vào một đêm cuối tháng 10 năm 1959, trong khi bảo vệ cho đội 6 và đội 7 giao hàng ở nam đường số 9. Tổ trinh sát do thiếu uý Nguyễn Minh Thông phụ trách lọt vào ổ phục kích của địch tại bờ sông Đắc Krông. Nguyễn Minh Thông cùng đồng đội chiến đấu diệt 4 tên địch rồi hy sinh. Thượng sỹ Trần Tương bị thương nên bị địch bắt về căn cứ. Chúng tra tấn dã man. Anh một mực khai là cán bộ nằm vùng nên đã bị chúng thủ tiêu. Các đội vận tải rút lui an toàn. Tổ trinh sát do Võ Sĩ Bơi, súng trong tay có mặt ở đó nhưng do yêu cầu giữ bí mật nên nén lòng, náu mình để bảo vệ bí mật cho tuyến chi viện. Nguyễn Minh Thông, Trần Tương là những chiến sỹ đầu tiên hy sinh trên tuyến vận tải quân sự 559, để lại trong lòng đồng đội và nhân dân địa phương niềm cảm phục và tiếc thương vô hạn.
       - Tháng 10 năm 1959, trong khi giao hàng tại đồn điền cà phê Rô- Mơ của một doanh nhân người Pháp, đội 6 và đội 7 đã để quên một gói súng. Hôm sau vợ chủ đồn điền phát hiện được báo cho anh Cha - Mồm là cai đồn điền có cảm tình với cách mạng. Cha - Mồm đem giấu súng đi và báo cho ta đến lấy. Một tháng sau anh đã bị địch thủ tiêu. Từ sự việc ấy địch đã đánh hơi thấy hoạt động vận tải của ta, sự chi viện từ Miền Bắc cho Miền Nam. Địch đã tổ chức một trận càn qui mô cấp trung đoàn. Tuy chúng không phát hiện thêm được gì, nhưng việc vận chuyển cũng phải dừng lại một thời gian.
       - Ngay sau những “sự cố” trên, tháng 10 năm 1959 Đoàn 559 quyết định chuyển sở chỉ huy và hệ thống kho tàng, sở chỉ huy của Tiểu đoàn 301 ra Làng Mít (Quảng Bình) bên bờ hữu ngạn sông Kiến Giang.
- Cùng với tuyến giao liên từ miền Bắc vào miền Nam dọc theo dãy Trường Sơn tiến dần vào phía Nam, ở Trung Bộ các con đường giao liên được mở tiếp vào các khu căn cứ, từ miền Đông Nam Bộ các đội vũ trang tuyên truyền cũng soi đường ra Bắc. Tại Trung Bộ, Liên Khu uỷ Khu 5 tổ chức các đường dây hành lang vận chuyển từ Pa Lin qua các khu căn cứ vào các tỉnh duyên hải miền Trung và lên Tây Nguyên. Ở Liên khu 5, Nam Bộ cũng tổ chức các đội soi tuyến tìm đường ra Bắc, đến cuối năm 1960 đã thành lập được tuyến vận tải quân sự liên hoàn từ miền Bắc vào đến miền Đông Nam Bộ, đây là cầu nối giữa hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam.

CHUYỂN HƯỚNG SANG TÂY TRƯỜNG SƠN
       - Trước nguy cơ bị lộ, trong một lần Đoàn trưởng Võ Bẩm lên báo cáo với Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn. Đồng chí gợi ý: “Thử nghĩ xem có con đường nào khác có thể tránh được sự rình mò của địch không?”. Thượng tá Võ Bẩm đã nghĩ đến con đường phía tây Trường Sơn trên đất bạn Lào. Ông dẫn đầu một bộ phận luồn rừng tìm đường sang phía tây Trường Sơn. Khoảng tháng 1 năm 1961, ông về Hà Nội gặp đồng chí Trần Lương (Trần Nam Trung) báo cáo chuyển hướng sang Tây Trường Sơn.
       - Đồng chí Trần Lương được cử thay mặt Đảng ta trao đổi với bạn Lào, được Đảng bạn đồng ý. Theo yêu cầu của Bạn, dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ tháng 1 năm 1961, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với bộ đội Pa Thét Lào tiến công địch, giải phóng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, khu vực đường số 8, đường số 12. Cuối tháng 4 năm 1961, liên quân Việt - Lào tiến công địch trên đường số 9, giải phóng một loạt căn cứ quan trọng Sê Pôn, Mường Phìn, Mường Pha Lan.
       - Với thắng lợi liên tiếp của liên quân Việt - Lào, một vùng giải phóng rộng lớn từ Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng xuống Khăm Muộn, Xa Va Na Khét, nối thông với vùng giải phóng Hạ Lào và miền Nam Việt Nam tạo điều kiện cho Đoàn 559 lật cánh sang Tây Trường Sơn.
       - Ngày 16 tháng 4 năm 1961, Đoàn 559 khẩn trương “lật cánh” sang Tây Trường Sơn, mở tuyến chi viện qua đất bạn Lào.
       Vạn sự khởi đầu nan, với vai trò Đoàn trưởng, Thượng tá Võ Bẩm cùng cán bộ chiến sĩ Đoàn 559 vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ hy sinh trong điều kiện hoạt động tuyệt đối bí mật để soi tuyến bắt liên lạc với các cơ sở cách mạng ở Khu 5 và Tây Nguyên; đưa đón cán bộ, bộ đội, vận chuyển tài liệu, vũ khí, hậu cần, thuốc men từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Khi tuyến giao liên phía đông bị lộ, gặp rất nhiều khó khăn do địch lùng sục, càn quét, ngăn chặn, ông đã tổ chức soi đường tìm cách chuyển hướng sang Tây Trường Sơn và đã thành công. Từ đường giao liên bộ, Đoàn 559 phát triển lên thành đường gùi thồ để nâng cao khả năng vận chuyển chi viện theo yêu cầu của chiến trường. Tháng 10/1961, Bộ Quốc phòng quyết định phát triển Đoàn 559 lên tương đương cấp sư đoàn. Các đường giao liên, phát triển lên gùi thồ được mở ra và trở thành bên Tây Trường Sơn hướng vận chuyển chính của đường Trường Sơn cho đến năm 1964.
       Năm 1962, nhiệm vụ vận chuyển thuận lợi, Thượng tá Võ Bẩm đã đề nghị đưa vận tải cơ giới vào theo đường 129 để chi viện cho chiến Trường. Đây là một bước tiến quan trọng đánh dấu cho sự phát triển của Tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn. Tháng 4/1965, Quân uỷ Trung ương quyết định tăng cường tổ chức và nhiệm vụ cho Đoàn 559, phát triển tương đương cấp Quân khu, ông được bổ nhiệm chức Phó Tư lệnh. Được giao nhiều nhiệm vụ khó khăn phức tạp, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng hoàn xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho chiến trường qua các giai đoạn.
       Vừa đi vừa nói chuyện về người Đoàn trưởng đầu tiên, chúng tôi tiếp bước trên con đường ông đã tìm ra năm 1959 bên Đông Trường Sơn, lật cánh sang Tây Trường Sơn năm 1961, quên cả mệt nhọc, chân cứ bước băng băng suốt 50 cây số từ Khe Sanh đến Bản Đông.

 
Hà Nội ngày 5 tháng 9 năm 2021
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam

(Còn nữa)
 
tin tức liên quan