"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 46)
Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 46)
Bài số 51
NHỮNG CHUYẾN ĐI BỘ BÊN LÀO
ĐI BỘ VƯỢT TRƯỜNG SƠN LẦN THỨ HAI
( Bài số 51 được chia làm 3 phần đăng tải 3 kỳ) - Kỳ thứ ba:
HAI VỊ CHỈ HUY
VÕ BẨM
Những năm tháng lăn lộn với núi rừng Trường Sơn, cơm nắm muối vừng, trèo đèo lội suối, sốt rét rừng, nắng mưa gian khổ mà hơn cả là sự đối mặt với muôn vàn hiểm nguy. Sau bảy năm hoạt động, sức khoẻ của ông suy giảm. Năm 1966, ông được đưa ra Hà Nội để chữa bệnh. Sau khi chữa khỏi bệnh, ông được Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng bổ nhiệm chức Chính uỷ Đoàn 959, chuyên gia quân sự Trung - Hạ Lào. Tháng 11/1967, ông được điều về cơ quan Bộ Quốc phòng làm Cục trưởng Cục Quản lý giáo dục, Bí thư Đảng uỷ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, kiêm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng Tham mưu. Tháng 8/1971, ông làm Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, được phong quân hàm Thiếu tướng. Ông mất ở Bệnh viện 108 vào năm 2018 hưởng thọ 93 tuổi.
Những đóng góp của ông cho cách mạng nói chung, cho nền vận tải quân sự Việt Nam nói riêng mà đặc biệt là “Kiến trúc sư” Đường Trường Sơn huyền thoại, cùng với tác phong, bản lĩnh trung kiên, liêm khiết, tận tuỵ, mẫu mực của ông là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo. Ông được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công các hạng Nhất, Nhì, Ba, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều Huân Huy chương khác. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, theo đề nghị của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, ngày 18 tháng 12 năm 2017, Thiếu tướng Võ Bẩm vinh dự được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu AHLLVTND. Quê hương và gia đình ông rất vinh dự, tự hào đón nhận và trịnh trọng đặt tấm bằng Anh hùng LL- VTND tại Nhà Lưu niệm ông ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Với sự tôn kính Vị chỉ huy đầu tiên của Đoàn 559, nhân dịp Thiếu tướng Võ Bẩm được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND, tôi viết bài thơ từ đáy lòng của mình, được đọc trong buổi lễ đón nhận tấm bằng tại quê hương ông.
NGƯỜI ĐOÀNTRƯỞNG ANH HÙNG
Âm mưu chia cắt hai miền
Mỹ - Diệm chống phá cuồng điên bạo tàn
Miền Nam, giặc đốt quét càn
Đầu rơi máu chảy điêu tàn xót xa
Nghị quyết 15 mở ra
Bừng lên ánh sáng tạo đà tiến công
Con đường thống nhất non sông
Vận chuyển chi viện thành đồng đấu tranh.
Tự do, độc lập quyết giành
Đoàn 559 hình thành từ đây
Nhiệm vụ đặc biệt đi ngay
Quyết tâm kết nối đường dây chiến trường
Người con Quảng Ngãi yêu thương
Đảng giao trọng trách mở đường vào
Nam Niềm tin chiến thắng dâng tràn
Khó khăn gian khổ nguy nan chẳng sờn.
“Ba không” dẫn dắt lối mòn
Tinh thần ý chí lòng son kiên cường
Soi tuyến lập trạm dẫn đường
Băng rừng vượt núi gió sương dạn dày.
Địch lùng, ngăn chặn bủa vây
Chuyển hướng lật cánh sang
Tây kịp thời Đường ra tiền tuyến không ngơi
Gánh gùi vươn tới mở khơi xe thồ.
Tiền phương thôi thúc mong chờ
Yêu cầu chi viện, ô tô tăng cường
Lực lượng phương tiện khẩn trương
Trường Sơn xẻ dọc con đường mở ra.
Dọc, ngang thành mạng vươn xa
Đông - Tây kết nối giao hoà chiến công
Con đường thống nhất non sông
Khởi đầu, phát triển liên thông tạo đà. ......
Bảy năm trên tuyến xông pha
Mở ra huyền thoại bài ca kết thành
Tấm gương toả khắp rừng xanh
Thiếu tướng Võ Bẩm sáng danh Anh hùng.
Tôi là học viên khoá 11 - Học viện Kỹ thuật Quân sự, Tiến sĩ Giảng viên Võ Kim Cương - Con cả của Thiếu tướng Võ Bẩm dạy môn Sức bền vật liệu, chúng tôi kết nối từ năm 1977, năm 2014 tôi tham gia hoạt động trong Hội truyền thống Trường Sơn Việt Nam với cương vị Phó chủ tịch. Tiến sĩ Võ Kim Cương thành lập Hội con em Chiến sĩ Trường Sơn TP Hồ Chí Minh với các hoạt động thiết thực về truyền thống và tình nghĩa. Thầy trò, Anh Em kết nối trao đổi cùng tham gia xây dựng Hội Trường Sơn các cấp thật thiết thực và ý nghĩa. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn, Tiến sĩ Võ Kim Cương đã ủng hộ Hội Trường Sơn Việt Nam 100 triệu đồng, thật là trân trọng.
ĐỒNG SỸ NGUYÊN
Đồng Sỹ Nguyên tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, sinh năm 1923, tại xã Quảng Trung, phủ Quảng Trạch, Quảng Bình. Ông tham gia cách mạng sớm, đảm nhiệm nhiều cương vị công tác cả trong và ngoài Quân đội. Năm 1964, ông được đề bạt giữ chức vụ Tổng Tham mưu phó một thời gian ngắn, sau đó được điều về làm Chính ủy Quân khu 4 năm 1965. Sau đó là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Trung - Hạ Lào. Cuối năm 1965, ông bị thương, phải về Hà Nội điều trị. Đầu năm 1966, ông được cử giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, kiêm Chủ nhiệm Hậu cần Tiền phương, dưới quyền ông Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục. Đầu năm 1967, ông được điều làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559, thay Đại tá Hoàng Văn Thái. Năm 1976, ông được cử giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng, phụ trách Tổng cục Xây dựng Kinh tế, rồi Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Năm 1979, ông được điều trở lại quân đội, giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV.
Từ năm 1982, ông làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải, được bầu làm Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị khóa V, Ủy viên Chính thức Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI (1986-1991), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Sau khi thôi chức Bộ trưởng và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông được giao nhiệm vụ Đặc phái viên Chính phủ, Đặc trách Chương trình 327 về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Là Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, ông thấy giá trị của rừng trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông đã có nhiều ý kiến quan trọng về bảo vệ và phát triển rừng.
Đồng Sĩ Nguyên là một trong những người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng Đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đưa con đường vận tải chiến lược này thành một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước..
Vào thời bình, nhu cầu của một con đường Trường Sơn mới - trục xương sống của Việt Nam được đặt ra. Và trong quá trình xây dựng Đường Hồ Chí Minh hay Đường Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên được Thủ tướng Võ Văn Kiệt xem là người thích hợp nhất để giao nhiệm vụ đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng tuyến đường này. Là Cố vấn Đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, tham gia Ban Chỉ đạo Nhà nước về xây dựng đại lộ Hồ Chí Minh (Quốc lộ Trường Sơn). Ông đã chỉ đạo vạch hướng tuyến đường đi qua Nghĩa trang Trường Sơn, tạo thuận lợi cho nhân dân đến nghĩa trang thăm viếng mộ các Anh hùng liệt sĩ Trường Sơn đang yên nghỉ nơi đây.
Do có nhiều công lao và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Hội Truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã đề nghị nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Ông, nhưng do qui định của Ban Bí thư TW Đảng là đã được thưởng Huân chương Sao Vàng thì không tặng danh hiệu Anh hùng nữa.
XÂY DỰNG NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN
Ngay sau khi Hiệp định Pa Ri được kí kết, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ đạo việc qui tập mộ liệt sĩ Trường Sơn về một nghĩa trang. Các đội qui tập mộ liệt sĩ được thành lập triển khai ngay ở các binh trạm, trung đoàn, sư đoàn. Hơn 20 nghìn người đã ngã xuống trên chiến trường Trường Sơn, đến nay đã qui tập về nghĩa trang Trường Sơn được 10.263 người.
THÀNH LẬP HỘI TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH VIỆT NAM
Năm 2011 khi đang làm Giám đốc Ban quản lý Dự án (BQLDA) Đường tuần tra biên giới của Bộ Quốc phòng tôi được mời dự Đại hội thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (Hội Trường Sơn Việt Nam). Ban Tổ chức bố trí ngồi cạnh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, được nghe Ông nói rất nhiều về việc thành lập Hội Trường Sơn. Trải qua 16 năm hoạt động, Bộ đội Trường Sơn đã lập nên những chiến công huyền thoại. Tuy vậy sự mất mát hy sinh là rất lớn. Hơn hai mươi nghìn người ngã xuống. Còn gần mười ba nghìn người chưa tìm được hài cốt; hàng chục nghìn người bị thương, nhiễm chất độc da cam. Nhiều người về đời thường hoàn cảnh rất khó khăn nhất là các chiến sĩ nữ Trường Sơn. Tôi đã trao đổi với anh Võ Sở, anh Hoàng Anh Tuấn và một số anh em là nên thành lập Hội Trường Sơn Việt Nam để tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng của Trường Sơn và làm việc tình nghĩa giúp nhau. Tôi đã có ý kiến với Thủ tướng và các Bộ có liên quan ủng hộ. Sau này khi đồng chí nghỉ hưu cố gắng tham gia với anh em. Sau đó nghe Trung tướng phát biểu thật cảm động. Đại hội suy tôn Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là Chủ tịch Danh dự của Hội. Ông nói: Đây là Hội xã hội, không ai cho tiền đâu. Anh em động viên nhau đóng góp mà hoạt động thôi. Trước mắt cần có kinh phí để hoạt động đã, sau mới đến vận động làm việc tình nghĩa. Mỗi năm Ông trích 1 tháng lương ủng hộ Hội để hoạt động. Nghe lời phát biểu của Thủ trưởng thật thắm đậm tình nghĩa Trường Sơn. Ai cũng cảm động.
Tôi viết ngay tại chỗ một bài thơ ra giấy kính tặng Thủ trưởng.
ĐẠI BÀNG TRƯỜNG SƠN
Đường Trường Sơn bản hùng ca
Đưa cả dân tộc ta ra chiến trường
Hy sinh gian khổ máu xương
Kết tinh tài trí phi thường, nấu nung.
Mang theo khí phách Anh hùng
Mở ra đánh Mỹ sáng bừng núi sông
Đông Dương đoàn kết một lòng
Lịch sử nhân loại chỉ con đường này.
Tám năm nhiệt huyết hăng say
Đại bàng vươn cánh tung bay mọi miền
Gương Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên
Tài năng, nhân cách sáng ngời Trường Sơn.
Đọc xong Thủ trưởng rất vui bắt tay tôi nồng ấm.
Ông nói hôm sau tôi sẽ tặng đồng chí một cuốn sách ảnh. Ngày 19/5/2015, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ký tặng Thiếu tướng Hoàng Kiền quyển sách ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH - CON ĐƯỜNG HUYỀN THOẠI.
Ông đưa cho con rể là anh Trần Văn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính - Ngân sách của Quốc hội nhân dịp về thăm Bảo tàng Đồng Quê tặng tôi. Trung tướng có lời ghi: “Thân mến tặng Thiếu tướng Hoàng Kiền” cùng chữ ký của Thủ trưởng. Thật trân trọng tình cảm của Thủ trưởng. Tôi đã đặt cuốn sách trang trọng trong Bảo tàng Đồng Quê nơi trưng bầy hiện vật “Xẻ Dọc Trường Sơn Đi Cứu Nước” mà tôi có gần 6 năm gắn bó với con đường mang tên Bác, do Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chỉ huy.
NÓI VỀ ĐƯỜNG TUẦN TRA BIÊN GIỚI
Năm 2013, tôi được anh Trần Văn mời cưới con gái - cháu ngoại của Tướng Đồng Sỹ Nguyên. Gia đình xếp tôi ngồi cạnh bên trái, anh Nguyễn Xuân Phúc - Phó Thủ tướng ngồi bên phải Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Anh Phúc có hỏi chuyện làm đường Tuần tra biên giới và nói: Anh em rất khen Thiếu tướng Hoàng Kiền về quản lý thi công con đường này. Anh động viên tôi cứ thế phát huy làm cho tốt và quản lý chặt chẽ. Tôi cám ơn Anh.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nói thêm: Bây giờ xây dựng là
phức tạp lắm. Đồng chí đã làm đường Trường Sơn, đã là Tư lệnh Công binh là rất nhiều kinh nghiệm, cần quản lý cho chặt chẽ. Tôi đã xem ti vi những thông tin về Đường tuần tra biên giới được nói đến nhiều, và nhiều người khen. Tôi cũng tin đồng chí Kiền sẽ làm tốt.
Tôi cám ơn và xin hứa với Thủ trưởng là sẽ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
NHỮNG LẦN ĐẾN THĂM
Từ khi tham gia Hội Trường Sơn Việt Nam, với cương vị Phó Chủ tịch, năm nào chúng tôi cũng đến thăm chúc Tết Trung tướng - Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Tuổi cao nhưng Thủ trưởng vẫn minh mẫn, luôn quan tâm đến các hoạt động của Hội Trường Sơn và chỉ đạo những vấn đề rất cụ thể và sâu sắc, nhất là việc xây dựng các công trình di tích trên đường Trường Sơn. Thật kính trọng tấm lòng, tài năng và nhân cách sáng ngời của vị Tư lệnh Trường Sơn Anh hùng
Khi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từ trần, Vô cùng thương tiếc Tư lệnh của Trường Sơn Huyền thoại và Anh hùng, của Quân đội, của Đất nước, tôi viết bài thơ
TRUNG TƯỚNG ĐỒNG SỸ NGUYÊN
ĐẠI BÀNG TRƯỜNG SƠN
Trường Sơn bom đạn như mưa
Ai chưa đến đó thì chưa tỏ tường
Mỹ - ngụy đánh phá điên cuồng
Mưu toan ngăn chặn con đường vào Nam
Muôn ngàn ngàn gian khổ nguy nan
Bản lĩnh, Trí tuệ, Quyết tâm phi thường
Dốc lòng chi viện tiền phương
Quân dân ba nước kiên cường đấu tranh
Tự do, độc lập quyết giành
Con đường chiến lược vươn nhanh mọi miền
Thế, lực phát triển vượt lên
Hiệp đồng binh chủng trung kiên một lòng
Bộ đội, Thanh niên xung phong
Dân công hỏa tuyến tâm hồng xông pha
Mạng đường ngang dọc vươn xa
Đưa cả dân tộc ta ra chiến trường
Con đường đậm dấu mốc son
Mở ra đánh Mỹ vẹn tròn chiến công
Bừng lên tỏa sáng non sông
Lịch sử nhân loại chỉ con đường này
Trải qua gần sáu nghìn ngày
Máu xương đổ xuống thấm dầy, lệ rơi
Nỗi đau cả triệu con người
Cùng hơn hai vạn mạng người hi sinh
Nước nhà thống nhất hoà bình
Trường Sơn huyền thoại quang vinh tự hào
Đường mang tên Bác đẹp sao
Muôn đời tạc sử in vào Trường Sơn
Gương Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên
Tám năm nhiệt huyết mọi miền hăng say
Đại bàng vươn cánh tung bay
Tài năng, nhân cách đắp xây cùng Đường
Hôm nay ngày thật đau thương
Vị Tư lệnh của chiến trường đi xa
Cây đại thụ ẩn khuất xa
Muôn vàn thương tiếc xót xa cõi lòng
Mặt trời vẫn mọc đàng đông
Tiếng thơm thơm mãi đọng trong lòng người
Tấm gương tỏa sáng đời đời
Tên Ông lưu mãi đất trời Trường Sơn
Hà Nội ngày 10/4/2019
Trước khi mất Trung tướng dặn con cháu: Hãy nhớ và luôn quan tâm đến hoạt động của Hội Trường Sơn Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn, ông Nguyễn Sỹ Hưng con trai của Trung tướng - Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đến văn phòng Trung ương Hội Trường Sơn Việt Nam trao tặng số tiền 50 triệu đồng ủng hộ các hoạt động kỷ niệm 60 năm của Hôi. Thật là trân trọng.
ĐÔI ĐIỀU
Trải qua 16 năm hoạt động của đường dây 559 - Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, với 4 vị chỉ huy.
Đoàn trưởng đầu tiên: Thượng tá - Thiếu tướng Võ Bẩm đảm nhiệm chức vụ Đoàn trưởng 7 năm, Ông hưởng thọ 93 tuổi.
Tư lệnh cuối cùng: Đại tá - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh 8 năm, hưởng thọ 96 tuổi.
Các liệt sĩ Trường Sơn đã che chở phù hộ cho hai cánh chim Đại bàng bay không biết mỏi trên đại ngàn trường Sơn hùng vĩ, góp phần to lớn làm nên Huyền thoại Trường Sơn.
Ngày 5 tháng 9 năm 2021
Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam
(Còn nữa)