"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 50)

Ngày đăng: 06:17 30/09/2021 Lượt xem: 374
       Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
         Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
         Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
         Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
 

CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 50)
Bài số 55
( Bổ sung)

       NHỮNG CHUYẾN ĐI BỘ BÊN LÀO

       CHUYẾN ĐI BỘ CUỐI CÙNG BÊN LÀO

TRƯỚC KHI VỀ NƯỚC
       Sư đoàn 565 được thành lập đầu năm 1975 để bảo đảm đường vận chuyển bên Tây Trường Sơn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 Sư đoàn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Quốc tế bên nước Bạn.
       Hiệp định Viêng-chăn về Lào ký ngày 21/2/1973, tuy đã rút hết cố vấn, nhân viên quân sự nhưng Mỹ chưa từ bỏ âm mưu xâm lược Lào. Chúng câu kết với bọn phản động và sử dụng lực lượng tay sai để phá hoại Hiệp định, tiếp tục ném bom bắn phá và tiến công lấn chiếm vùng giải phóng. Trước tình hình đó, để làm tròn sứ mệnh lịch sử mà nhân dân giao phó, Đảng Nhân dân cách mạng Lào nhanh chóng đề ra những chủ trương, quyết sách chiến lược phù hợp với thực tiễn cách mạng, lãnh đạo toàn quân, toàn dân tiến hành cuộc đấu tranh và nổi dậy giành chính quyền cách mạng thắng lợi, dẫn tới sự ra đời của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào
       Có sự giúp đỡ của Việt Nam ngày 17/4/1975, lực lượng cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia làm chủ hoàn toàn Phnôm-pênh. Ngày 30/4/1975, nhân dân Việt Nam hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những thắng lợi trên đã tác động trực tiếp tới tình hình cách mạng Lào. Cơ hội lịch sử “ngàn năm có một” để nhân dân Lào giành chính quyền trong cả nước đã đến!
       Được sự hỗ trợ của quần chúng, Quân giải phóng nhân dân Lào nhanh chóng chớp thời cơ tiêu diệt địch. Ngày 6/5/1975, Quân đội Lào mở cuộc tiến công vào ngã ba Sa-la Phu-khun rồi phát triển sang chiếm lĩnh Đường 13, làm rung chuyển hệ thống phòng ngự chiến lược Thủ đô Viêng-chăn, mở đầu cho những đòn sấm sét quyết định đánh vào sào huyệt của địch. Có thể nói, trong suốt hai thập kỷ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chưa bao giờ cách mạng Lào lại có khả năng giành chính quyền lớn đến như vậy. Ngày 15/5/1975, Tổng bí thư Cay Xỏn Phôm-vi-hản thay mặt Bộ Chính trị Trung ương Đảng chỉ thị cho các đồng chí Uỷ viên Trung ương phụ trách các hướng, các tỉnh, các mặt trận phải nắm vững và sử dụng “ba đòn chiến lược” để thực hiện bằng được yêu cầu của Bộ Chính trị đề ra là “xoá bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân...”. Ngay sau khi có Chỉ thị này, cuộc đấu tranh giành chính quyền trong toàn nước Lào diễn ra nhanh chóng và giành thắng lợi vang dội. Ngày 17/6/1975, nhân dân tỉnh Bô-ly-khăm-xay tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng; ngày 20/6, tỉnh Xiêng-khoảng được hoàn toàn giải phóng; ngày 3/7, nhân dân tỉnh Chăm-pa-xắc tổ chức mít tinh tuyên bố xoá bỏ chính quyền bù nhìn, thành lập chính quyền cách mạng; ngày 21/8, chính quyền cách mạng ở Luông-pha-băng được thành lập và ngày 23/8, hơn hai vạn nhân dân họp mít tinh tại Thạt-luổng để chào mừng việc tuyên bố thành lập chính quyền tại Thủ đô Viêng-chăn. Đến cuối tháng 8/1975, bộ máy chính quyền quân đội của phía Viêng-chăn từ cấp tỉnh, thành xuống đến cơ sở đã bị xoá sạch, chính quyền cách mạng được thành lập trong cả nước.
       Với thắng lợi này, nhân dân Lào đã xoá bỏ hoàn toàn ách thống trị thực dân đã đè đầu cưỡi cổ nhân dân hơn 80 năm qua, chấm dứt giai đoạn cay đắng của dân tộc... đưa nhân dân các dân tộc trong nước từ người nô lệ tiến lên làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Thắng lợi này cũng mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Lào, đó là kỷ nguyên “nước Lào tiến nhanh và vững chắc trên con đường độc lập, tự chủ, thống nhất và thịnh vượng, bảo đảm cho nhân dân các dân tộc có một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc mãi mãi. Ngày 2 tháng 12 năm 1975 nước cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ra đời, toàn Sư đoàn 565 chúng tôi liên hoan mừng Quốc khánh nước Lào.
Sư đoàn 565 có 2 trung đoàn Công binh 34 và 576 bảo đảm cơ động vận chuyển giúp bạn, Trung đoàn Bộ binh 39 bảo vệ vững chắc vùng giải phóng Nam Lào tạo điều kiện cho Quân đội Pha thét Lào đánh địch. Sau khi nước Lào giải phóng, Sư đoàn 565 chúng tôi cũng kết thúc nhiệm vụ trên đất bạn bên Tây Trường Sơn. Toàn sư đoàn tập trung hoàn thành cung đường từ Bản Đông vào đến Sa La Van dài 200 ki lô mét, đến hết tháng 3 năm 1976 hoàn thành. Đầu tháng 4 năm 1976 Sư đoàn có lệnh rút quân về nước.
       Được nghỉ mấy ngày, anh em trong Ban Công binh - Phòng Tham mưu Sư đoàn rủ nhau đi thăm bản làng chùa chiền, trường học xung quanh thị xã Sa La Van một ngày đẫy. Hoàng Kiền, Vi Ngọc Đón, Vi Văn Chúm, Đào Trọng Tài và anh cán bộ dân vận thạo tiếng Lào dẫn nhau vi hành để tìm hiểu về Đạo Phật của nước Cham Pa. Chúng tôi đến bản Keng xà nọi trước, trên đường vào thăm một ngôi chùa thấy rất nhiều chú tiểu đang lang thang trên đường, đầu trần chân đất khoác áo vàng bê cái chậu đi hành khất, được dân bản bố thí mang về. Vào trong chùa gặp sư trụ trì dẫn đi tham quan giới thiệu, chùa bên Lào đều có kiến trúc mái nhọn rất cao, nhiều tầng, trang trí đẹp. Đoàn được nhà chùa mời ăn cơm trưa, đông lắm, có ba ông sư và khoảng bốn chục chú tiểu. Tìm hiểu ra được biết ở nước Lào trước khi trẻ em đến trường học đều phải vào chùa đi tu một năm. Bữa ăn dân bố thí cho xôi, thức ăn, được gì thì đem ăn chung với nhau chia cho ba bữa trong ngày. Người Lào hoàn toàn ăn xôi nếp quanh năm, đoàn khách chúng tôi ăn cùng thật vui.
       Buổi chiều đến bản Keng xà nhầy, nhầy tức là to, bên cạnh chùa là một trường học cấp I, vào xem học sinh học toàn thấy các chú tiểu là chính, có một số học sinh bên ngoài, Sư làm thầy giáo, như vậy là nhà chùa gắn kết với trường học rất chặt chẽ. Đoàn vào dự một tiết học do nhà sư giảng bài, họ dạy văn hoá kết hợp với đạo Phật, rất hay. Sau đó tôi có tìm hiểu về việc chôn cất thờ cúng bên Lào. Mấy năm trước tôi ở bản Tà Ôi, thấy mồ mả họ không tu sửa, họ bỏ luôn. Nhà sư nói, khi người ta chết đi là thể xác không tồn tại, chỉ còn lại linh hồn thôi. Dân Lào sau khi cúng người chết, chia của thế là hết, không ai quan tâm đến mồ mả nữa mà quan tâm đến linh hồn tức là cúng ma. Đêm hôm ấy chúng tôi ngủ lại chùa Keng xà nhầy, nghe đọc kinh và xem sinh hoạt của các chú tiểu buổi tối. Họ thật sự hiền hoà đoàn kết bên nhau. Từ đó lý giải cho tôi một điều là người dân Lào không cãi nhau, chửi nhau, đánh nhau. Suốt gần 6 năm ở Trường Sơn trên đất bạn Lào, tiếp xúc với dân bản nhiều, chưa bao giờ tôi thấy họ cãi nhau, chửi nhau, đánh nhau, sống hiền hoà, thân thiện, đoàn kết. Đó là một nét đẹp về văn hoá của người Lào, do sự giáo dục hướng thiện của Phật giáo.
Viếng chùa ngắm cảnh khắp nơi
Thanh bình cuộc sống thảnh thơi hoà cùng
Nước Lào đạo Phật thịnh hưng
Từng đoàn sư tiểu khắp vùng lang thang
Đầu trần, chân đất áo vàng
Nối nhau nâng bát theo hàng bước đi
Mỗi chùa mấy chục sư nhi
Bản làng trường học diệu kỳ mở ra.
       Phật giáo truyền vào Lào đến nay khoảng 660 năm. Ông Phà Ngùm đã mang Phật giáo theo dòng Lăng Ca Vông hay dòng Phật giáo từ nước Campuchia về đất nước Lạn Xạng tức là Cộng hòa Nhân dân Lào ngày nay. Thời kỳ trước đây, đa phần nhân dân Lào tôn thờ vạn vật hữu linh như: ma trời, ma bố, ma mẹ theo tín ngưỡng của người Lào. Bởi trước đây, đất Lào tiếp giáp với Trung Quốc và ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc. Phật giáo mà người Lào theo là dòng Đại thừa. Sau đó với khoảng thời gian nhiều thế kỷ khi người Lào di cư đến đất nước Lạn Xạng, Phật giáo Đại thừa mà người Lào theo trước đây đã dần dần bị phai nhạt vì người Lào quay về tôn thờ ma. Nang Kẹo Kêng Nha (Vợ của Chậu Phà Ngùm) thấy nhân dân, cho đến các quan thần trong và ngoài cung đình đều theo ma và làm lễ cùng nhau mổ voi, ngựa, bò, trâu để thờ cúng ma thì nàng thấy thương tiếc súc vật. Vì nàng đã theo Phật từ khi sống ở đất nước Campuchia. Khi thấy nhân dân Lào làm như vậy, nàng không thể thực hiện theo, nàng vào gặp Phạ Sạ Va Mi (chồng) và cầu xin chồng hãy truyền Phật giáo Khrme vào Lào để nàng theo Phật giáo, nếu không nàng sẽ quay về đất nước Campuchia
       Hoàng thân Chậu phạ Ngùm nghe như vậy đã đồng ý, đạo Phật từ Campuchia được truyền vào Lào. Triết học Phật giáo đã đi sâu vào nền văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của con người Lào kể từ quá trình hình thành, phát triển các tộc người và quá trình tập hợp các thành cổ lớn nhỏ thành một quốc gia thống nhất. Bối cảnh kinh tế - xã hội đã tạo ra những quan niệm về xã hội đó là “ý thức dân tộc” tư tưởng văn hóa mới để phát huy tình thương yêu, tình đoàn kết thành một khối vững chắc và thống nhất để bảo đảm sự tồn tại và phát triển theo thời đại.
       Một điều đặc biệt với nước Lào, Phật giáo đã được xếp hạng thứ bậc quan trọng: Thứ nhất là quốc gia, thứ nhì là Phật giáo như khẩu hiệu của Hiệp hội Phật giáo Lào đã đề cập.
       Về văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, thể thơ,… phản ánh thế giới quan, thế giới thực và thế giới Phật giáo tất cả những điều đó nhằm phát huy những điều tốt đẹp, vì tương lai tốt đẹp của xã hội, quốc gia và vai trò của Phật giáo; Suốt thời kỳ tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ, đấu tranh chống thực dân kiểu cũ và kiểu mới cũng như thời kỳ bảo vệ và phát triển đất nước, sự sinh hoạt của nhân dân các tộc người lúc nào cũng quán triệt đạo lý của Phật giáo, biết phân biệt tốt, xấu, đúng phải, sai trái. Nhân dân Lào lúc nào cũng gắn liền với chùa chiền ví như sông nước với cá được phản ảnh như: có bản, có chùa; sư, chú tiểu là người tuyên truyền giáo dục những đạo lý, lãnh đạo nhân dân xây dựng những công trình công cộng xã hội, thành người thầy dạy thủ công, nghệ thuật, văn học-ngôn ngữ, kiến trúc sư, thầy thuốc chữa bệnh, giải hòa vụ xích mích nhau theo đạo lý Phật giáo. Một điều quan trọng nữa là khi đất nước trong thời chiến tranh, các sư sãi có lòng yêu nước đã lãnh đạo nhân dân các tộc người chống giặc ngoại xâm giành chiến thắng về tay nhân dân. Các sư sãi Lào lúc nào cũng gắn liền với sự tồn tại và phát triển của xã hội Lào. Chẳng hạn chùa trong ánh mắt của nhân dân là nơi tu thân tích đức, là mái trường đầu tiên của dân bản trước đây, nhà sư được coi là người bố thứ hai khuyên dạy những điều hay, ý đẹp để trở thành con người tốt phục vụ xã hội. Do đó trên phương diện tôn giáo, chùa là trung tâm về mặt tinh thần, là hội trường hoạt động văn hóa, trao đổi bài học kinh nghiệm về nghệ thuật,… Ngoài ra, chùa là nơi tạm nghỉ của những người đi đường xa có thể ghé nghỉ qua đêm, là nơi chữa bệnh bằng thuốc dân gian là nơi giải hòa các vụ xích mích nhau.
       Tóm lại, sự hoạt động của người Lào gắn liền với chùa từ khi sinh ra và cho đến lúc chết đi, lúc chết đi cũng phải làm lễ ở chùa. Hiện nay chùa có vai trò quan trọng vì có các nhà sư là người chủ trì các lễ, là người giữ gìn, bảo tồn và kế thừa phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Lào; tuyên tuyền giáo dục đạo lý cho nhân dân chấp hành và thực hiện pháp luật và quy chế nhà nước.
       Sau này tôi tìm hiểu thêm được biết sâu hơn về nhà chùa và giáo dục ở Lào. Công việc đầu tiên của giáo dục sư sãi là xây dựng trường cấp I, cấp II, cấp III; đào tạo giáo viên sư sãi sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.
       Hiện nay trên cả nước có 2 trường cao đẳng sư sãi như: Ở Thủ đô Viêng Chăn và tỉnh Chăm Pa Sắc, trường cấp II có ở hầu hết các tỉnh trên cả nước, có giáo trình giảng dạy, đặc biệt là dạy đạo lý và dạy chữ Pali Sankrit, sự học tập và giảng dạy là nguồn kinh phí của nhà nước là chính, ngoài ra còn có sự quyên góp tiền của của nhân dân xây dựng một số nhà trường. Việc giáo dục sư sãi cũng tương tự với nền giáo dục chung cả nước, trong thời gian qua cũng được sự trợ giúp của các cá nhân và tổ chức từ thiện quốc tế. Các nhà sư sãi cũng được đi nâng cao trình độ từ cử nhân đến thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước. Sau khi tốt nghiệp lại về phục vụ nhân dân và đất nước.
       Hiện nay, cả nước có học sinh sư sãi từ cấp I đến cấp III khoảng khoảng tám nghìn người, riêng Trường Cao đẳng 2, trường có sinh viên sư sãi khoảng hơn sáu trăm người, trong tương lai gần sẽ mở thêm trường Cao đẳng sư sãi ở một số tỉnh có điều kiện.
       Về công việc xây dựng và tu bổ, trùng tu chùa chiền thời gian qua cũng được sự quan tâm của chính quyền và nhân dân. Sự tu bổ, trùng tu chùa chiền là do sự quyên góp của nhân dân có lòng từ thiện đã xây dựng trụ sở Hội kinh Phật, tu bổ Thạt Luổng ở Thủ đô Viêng Chăn, đặc biệt các nhà kinh doanh cũng đóng góp nhiều cân vàng vào việc tu bổ đỉnh tháp Thạt Luổng (mạ bằng vàng). Ngoài ra cũng mở mang điện tích vùng xung quanh Thạt Luổng để phục vụ khách du lịch đến du lịch ở Lào, dự án tu bổ chùa, trùng tu Sỉ sạ kệt, xây dựng đền Phạ Kẹo,... Hiện nay Hiệp hội Phật giáo Lào cùng với Mặt trận xây dựng Tổ quốc Lào, Chính Phủ và tư nhân ở trong và ngoài nước đã phối hợp nhau vận động những người từ thiện trợ giúp về ngân sách xây chùa Lào tại Ấn Độ (chùa Lào Phật Thạ khạ nha) và một số cơ sở Phật giáo khác trong cả nước. Điều đó phản ánh rằng sự hoạt đông của Phật giáo đang ở thời kỳ phát triển đất nước cho văn minh, thịnh vượng.
       Về việc truyền đạo lý, nhà sư Lào đã vận dụng đạo lý Phật giáo đi tuyên truyền giáo dục nhân dân trong dịp lễ hội, khuyên dạy họ đoàn kết, tương thân tương ái và giúp đỡ lẫn nhau, khuyên dạy họ phải có nghĩa vụ với đất nước và tôn trọng và thực hiện Luật pháp nhà nước. Ngoài ra, sư Lào còn khuyên dạy nhân dân phải tôn trọng và thực hiện đạo lý 5 điều. Đây là cơ sở triết lý cho con người áp dụng vào đời sống thực của mình, dạy cho các tín đồ chung sống hòa bình với nhau. Hơn thế nữa nhà sư Lào còn đi dạy ở các trường, bên cạnh đó Chính phủ Lào cũng cho phép nhân dân các tộc người ở Lào tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng. Hiện nay, vấn đề nổi bật là giáo dục sư sãi Lào cho phép thanh thiếu niên vào tu hành trong dịp nghỉ hè để họ tu thân tích đức, với số lượng khoảng 200-300 người mỗi chùa, dự án này đa phần tổ chức tại Thủ đô Viêng Chăn, thời gian tới Hiệp hội Phật giáo Lào sẽ mở mang ra ở các tỉnh có điều kiện.
       Về Sự quản lý và phát huy văn hóa Lào, Phật giáo Lào phát huy truyền thống quản lý và di sản văn hóa của dân tộc, quản lý các tôn giáo theo pháp luật và quy chế nhà nước, đặc biệt Phật giáo có vai trò quan trọng về mặt tinh thần của nhân dân Lào, giữ gìn và phát huy văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Lào.
       Ngày 1 tháng 4 năm 1976 Sư đoàn 565 chúng tôi hành quân về nước, là đơn vị cuối cùng của Bộ đội Trường Sơn, Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào hoàn thành nhiệm vụ trên đường Trường Sơn và nhiệm vụ Quốc tế. Tôi đi trong đội hình cuối cùng của Sư đoàn, mang theo những kỷ niệm, những hiểu biết về Đạo Phật của nước Lào khá sâu sắc và nhớ mãi cho đến hôm nay.

 
Ngày 9 tháng 9 năm 2021

Đêm covid thật là dài
Nằm chả ngủ được, viết bài lên phây
Chuyến đi thăm đẫy một ngày
Gần nửa thế kỷ hôm nay hiện về.


Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam

 
tin tức liên quan