"Đám cưới Nhà thơ Vũ cao" - Ký ức của Nhà văn Nguyệt Tú

Ngày đăng: 10:54 13/10/2021 Lượt xem: 345
ĐÁM CƯỚI NHÀ THƠ VŨ CAO

       QĐND - Nhà thơ Vũ Cao nổi tiếng với bài thơ “Núi Đôi” thời kháng chiến chống Pháp, câu chuyện về một cô du kích trẻ tuổi gan dạ. Giờ đây, bài thơ ra đời đã hơn 60 năm nhưng ít ai biết, Vũ Cao viết bài thơ đó liền một mạch đến nửa đêm mới xong, trong ánh sáng của một đĩa dầu với một ngọn bấc mà Vũ Cao phải nhấc bấc ra để đổ thêm dầu, ở nơi đóng quân dưới chân Núi Đôi năm 1955. Viết xong, Vũ Cao không nhớ để đâu nữa. Hai năm sau, năm 1957, tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội tìm thấy bài thơ trong đống bản thảo của Vũ Cao và tự đem in.
       Vũ Cao đến rất sớm với Báo Quân đội nhân dân và Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Những năm 1951-1952, khi chồng tôi - anh Lê Quang Đạo làm Cục trưởng Cục Tuyên huấn, đã tập hợp được nhiều văn nghệ sĩ về và cùng họ tham gia từ Chiến dịch Biên Giới đến Điện Biên Phủ. “Cái anh chàng cao lộc ngộc, ăn mặc tuềnh toàng, có cái cười “hà hà”, chuyên đi chân đất” ai ngờ lại “lọt vào mắt xanh” cô Khang, người quản lý Tạp chí Văn nghệ Quân đội và cũng là người phụ nữ duy nhất ở tạp chí.
       Sau này tôi mới biết, Vũ Cao đã một lần làm lễ cưới vợ ở quê theo ý cha mẹ nhưng ngay sau lễ cưới, anh đi ngủ lang mấy ngày rồi đi bộ đội luôn, nên vẫn “trai tân từ chân đến tóc” như lời anh tâm sự với một nhà văn.
       Cơ quan tổ chức đám cưới cho Vũ Cao và chị Khang trước khi chuẩn bị đi Chiến dịch Điện Biên Phủ, đây là đám cưới đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Rừng Việt Bắc âm u. Tiếng chim “bắt cô trói cột” vẫn nghe rõ mồn một. Hôm ấy, một ngày cuối năm 1952, trong một căn nhà lá giữa rừng, trên quả đồi Cục Tuyên huấn, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) diễn ra một buổi lễ đơn sơ mà cũng khá trịnh trọng. Một chiếc bàn dài bằng những cành trúc chặt bên bờ suối, có vài đĩa lạc rang, mấy đĩa kẹo, có cả thuốc lá, thuốc lào, có nước chè xanh. Chủ hôn là Cục trưởng Lê Quang Đạo.
       Vừa bước vào buổi lễ, nhạc sĩ Hoàng Vân, một biên tập viên báo, từ từ đứng dậy, rút ngay “đôi dép lốp” của mình đang đi, cúi xuống xỏ vào đôi chân trần của Vũ Cao. Hoàng Vân ghé tai Vũ Cao nói: “Này, chú rể mà đi chân đất thế này là không được đâu! Xỏ ngay đôi dép này vào, quà mừng cưới của tớ đấy”. Một trận vỗ tay ran.
       Vũ Cao vừa cảm động vừa bị bất ngờ nên cũng chưa biết trả lời thế nào thì anh Lê Quang Đạo đã đứng dậy tuyên bố:
- Đây là lần đầu tiên cơ quan ta làm lễ cưới một đôi nam nữ thành vợ chồng. Chúng ta không có lễ nghĩa gì đặc biệt mà chỉ có tình cảm, tình nghĩa với nhau là chính.
       Dừng lại chừng vài giây, anh Đạo tươi cười nói tiếp:
- Tôi rất vui mừng được làm ông chủ hôn hôm nay, nhưng người được hôn không phải là tôi.
       Tất cả cười rộ lên vì câu nói hài hước của anh Đạo.


Nhà thơ Vũ Cao và vợ. Ảnh tư liệu.
 
      Sau năm 1975, anh Đạo về làm Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, anh lại kéo Vũ Cao ra làm Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội. Sau ngày anh Lê Quang Đạo mất, thỉnh thoảng anh Vũ Cao và chị Khang qua điện thoại nhắn tôi lên ăn cơm. Đường vào nhà anh chị khá khó đi, tôi lại càng ngại, nhưng mỗi lần tôi đến thăm, anh đã ngồi sẵn bên mâm, chị đang chạy đi chạy lại. Một con cá rô phi rán, một đĩa đậu phụ om cà chua, một bát canh rau ngót với mấy quả cà. Bữa cơm đạm bạc nhưng rất vui, lại tiếng cười “hà hà” quen thuộc của Vũ Cao. Câu chuyện xoay quanh núi rừng Việt Bắc và những kỷ niệm về anh Đạo với văn nghệ sĩ.
       Nhà thơ Vũ Cao, nhà thơ tâm tình của lính và cũng là một nhà lãnh đạo văn nghệ được anh chị em Văn nghệ Quân đội yêu kính đã ra đi, nhưng tấm lòng chân thành của anh đối với mọi người thì còn lại mãi mãi. Riêng tôi, kỷ niệm sâu sắc về anh Vũ Cao với chị Khang vẫn in sâu trong ký ức.

 
Nhà văn NGUYỆT TÚ
(PS sưu tầm)

tin tức liên quan