" Có một con đường đặc biệt ở Trường Sơn" - Ký ức của Thiếu tướng Hoàng Kiền

Ngày đăng: 07:23 28/10/2021 Lượt xem: 375
CÓ MỘT CON ĐƯỜNG ĐẶC BIỆT Ở TRƯỜNG SƠN
 
       Mấy tháng nay điện thoại cho bác, không thấy trả lời, Thượng tá Trần Thanh Tú điện cũng không được, Covid nó vây không cho khỏi ra cửa nhà . Hôm nay mới có xe cháu chở đến thăm bác.
- Sức khỏe bác thế nào?
- Mấy tháng nằm bẹp chú ạ, hôm nay ngồi được rồi. Tôi bị gút, khớp, chân tay sưng hết lên, người dẫm ra, nhưng khỏe rồi, ăn được rồi.
- Hôm nay có làm được vài ly không?
- Hôm nay thì chịu rồi.
       Tôi kết nối điện thoại với Thượng tá Trần Thanh Tú - Nguyên Chính uỷ Trung đoàn Công binh 83 nói chuyện với Trung đoàn trưởng cũ, nghe rất vui và tình cảm.
       Từ năm 1990 tôi thay anh Trần Đình Dần chỉ huy Trung đoàn Công binh Hải quân 83 đến nay 31 năm rồi, năm nào cũng đến thăm Đại tá Nguyễn Việt Cường - Trung đoàn trưởng thứ 3 một hai lần, tôi là Trung đoàn trưởng thứ 10, lần nào cũng nâng ly một hai chạm. Hôm nay không nâng được nữa, thế là sức khỏe bác giảm thật rồi.
- Bác còn đọc được không?
- Có chứ, vẫn đọc được báo, viết hồi ký thì "lên đèo xuống dốc".
- Bác còn nhớ cầu trượt Phou ak không?
- Nhớ chứ?
- Làm năm nào?
- Năm 69 hay 70 gì đó!
- Làm năm 1969.
- Ừ đúng rồi.

Thăm Đại tá Nguyễn Việt Cường
 
MỘT CON ĐƯỜNG ĐẶC BIỆT Ở TRƯỜNG SƠN
       Năm 2003 trên chuyến khảo sát qui hoạch công trình CCT giúp bạn Lào, tôi là trưởng đoàn cán bộ của Bộ Quốc phòng Việt Nam. Đi vào núi cao, rừng thẳm, leo trèo thật gian nan, khiến tôi nhớ lại những năm tháng ở Trường Sơn thời đánh Mỹ, bao kỷ niệm trào dâng trong lòng. Tiếp tục đi theo quốc lộ 12, con đường ngang từ Quảng Bình - Việt Nam vượt Trường Sơn sang Lào, phía bắc đường 12 có Cao nguyên Phou Ak. Nhân dịp này tôi bổ sung kế hoạch đi vào vùng núi Phou Ak, một địa danh tôi quen thuộc trong sử sách thôi, đến chân núi đứng nhìn lên bồi hồi nhớ lại lịch sử của Trung đoàn Công binh 83 Anh hùng.
       Năm 1993, nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống của Trung đoàn Công binh 83, là Trung đoàn trưởng tôi cùng anh Hoàng Hoan - Phó Trung đoàn trưởng về Chính trị, Bí thư Đảng ủy, anh Cao Xuân Thuý - Chủ nhiệm Chính trị, ủy viên thường vụ, anh Nguyễn Văn Thống - Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng thống nhất trong Thường vụ Đảng ủy, Chỉ huy tổ chức viết lịch sử của Trung đoàn. Mời cán bộ Trung đoàn qua các thời kỳ từ cấp tiểu đoàn, trợ lý chính cơ quan trở lên về dự. Nhân dịp này tổ chức hội thảo cung cấp tư liệu để viết lịch sử Trung đoàn Công binh Hải quân 83, có kỹ sư Trần Yến Đệ, người thiết kế đường trượt Phou - Ak. Tôi gặp trực tiếp Anh để tìm tìm hiểu, sau đó Trung đoàn giao cho đồng chí Lã Ngọc Tuân - Trợ lý chính trị làm việc với Kỹ sư Trần Yến Đệ để cung cấp các số liệu, hồ sơ thiết kế, hoạt động và kết quả của đường trượt gạo Phou - Ak, một nhiệm vụ quan trọng để đưa vào lịch sử và làm mô hình trưng bày trong phòng truyền thống của Trung đoàn. Đây là một con đường đặc biệt của Trường Sơn.
 
ĐƯỜNG TRƯỢT GẠO Ở PHOU - AK
       Năm 1968, không quân Mỹ đánh phá đường 12, đường 20 Quyết thắng và nhiều trọng điểm trên đường Trường Sơn vô cùng ác liệt, tắc đường, chiến trường thiếu gạo. Ta chuyển hướng vận chuyển lên đường 8 sang Lào rồi đi xuống Lằng Khằng, địch lại tập trung đánh phá, tắc đường ở khu vực Phou Ak. Tháng 3 năm 1969, Bộ tư lệnh 500 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn Công binh 83, đơn vị phối thuộc:
       Khôi phục đường 8 từ Hà Tĩnh sang Lạc Sao - tỉnh Bu ly Khăm xay của Lào. Tìm biện pháp thô sơ vận chuyển 3 nghìn tấn gạo từ trên đỉnh Cao nguyên Phou - Ak xuống chân Cao nguyên Phou - Ak giao cho Bộ Tư lệnh 559.
       Trung đoàn trưởng Phạm Việt Cường cùng kỹ sư Trần Yến Đệ nghiên cứu địa địa hình, tìm phương án vận chuyển gạo xuống chân núi. Phương pháp đường trượt được quyết định. Kỹ sư Trần Yến Đệ thiết kế, hai Tiểu đoàn của Trung đoàn Công binh 83 thi công, sau nửa tháng con đường trượt bằng gỗ dài 1400 mét, rộng 1m nằm dưới tán rừng già hoàn toàn bí mật đã hoàn thành. Mỗi ngày 100 tấn gạo được thả từ đỉnh Cao nguyên Phou Ak theo đường trượt xuống chân Cao nguyên an toàn. Trong một tháng 3.000 tấn gạo đã vận chuyển từ Bộ Tư lệnh 500 giao cho Bộ Tư lệnh 559 đầy đủ, đúng kế hoạch.
       Trung đoàn Công binh 83 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng Huân chương. Trong ngày lễ đón nhận Huân chương, Tư lệnh Bộ Tư lệnh 500 nói: Từ trước đến nay, phương thức vận chuyển hàng vào chiến trường miền Nam có :
- Đường gùi thồ
- Đường ô tô
- Đường sông ( thuyền, túi ni nôn)
       Bây giờ Trung đoàn Công binh 83 mở thêm một phương thức vận chuyển mới là Đường trượt. Phương thức này chưa ai có, ta cần tuyệt đối giữ bí mật.
       Đường trượt nay không còn nhưng kỳ tích ấy in mãi vào đỉnh núi Tây Trường Sơn hùng vĩ trên đất nước Lào tươi đẹp đến mãi mai sau.
      Với cương vị nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83 giai đoạn làm nhiệm vụ ở Trường Sa, Nguyên cán bộ, chiến sĩ Công binh Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nay trở lại Trường Sơn nơi Trung đoàn Công binh 83 đã làm nhiệm vụ hơn bốn thập kỷ trước tại chân núi Phou - Ak, thật bồi hồi xúc động và tự hào, tôi đã viết bài thơ:

 
ĐƯỜNG TRƯỢT PHOU AK
Đến thăm Phou Ak hôm nay
Hiểu thêm Đường trượt nơi này mở ra
Chỉ huy, Kỹ thuật tinh hoa
Trung đoàn Sông Mã - Tám Ba Anh hùng
Khó khăn gian khổ vô cùng
Ba nghìn tấn gạo vượt cung chuyển vào
Chiến trường được tiếp sức cao
"Đánh cho Mỹ cút đánh cho nguỵ nhào"
Một trang sử đẹp tự hào
Công trình sáng tạo in vào Trường Sơn
Dẫu cho dấu tích không còn
Con đường mãi khắc dấu son sáng ngời.
 
Ngày 27 tháng 10 năm 2021
Hoàng Kiền
(Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh Hải quân 83, nay là Lữ đoàn CBHQ83).

tin tức liên quan