“Ngày ấy làm giao liên” – Ký ức một thời Trường Sơn của Vũ Hồng Thái

Ngày đăng: 05:37 18/12/2021 Lượt xem: 591
-------------------------------------------------------------------------------------------
 
NGÀY ẤY LÀM GIAO LIÊN
 
         Dù không trực tiếp cầm súng, xông lên giết giặc, phá bốt đồn, cứu đồng bào thoát khỏi ấp chiến lược, nhưng họ đã góp phần đặc biệt quan trọng vào chiến công chung của toàn dân tộc: Giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Đó là lực lượng giao liên Đoàn 559, Binh đoàn Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
         Năm 1968, vì thiếu lương thực nên đầu mùa mưa các lực lượng của Binh trạm cơ bản rút ra hậu phương, chỉ để lại lực lượng cần thiết.
       Khi họp cơ quan Chính trị để triển khai nhiệm vụ mùa mưa và cử người ra, vừa công tác vừa kết hợp an dưỡng, tôi mạnh dạn đề nghị Phó Chính ủy Nguyễn Văn Toàn xin được ở lại, với lý do vào chiến trường chưa lâu, còn trẻ. Anh nheo mắt nhìn tôi với giọng Quảng Ngãi thật ấm: "Không nhớ Cải à?". Tôi đỏ mặt, anh rất quý tôi và muốn tạo điều kiện cho tôi ra để tổ chức cưới. Sau khi thống nhất lãnh đạo Binh trạm, tôi được phân công về Trạm giao liên 55 làm Chính trị viên. Về trạm cùng với tôi có anh Lương Ngọc Giao người cùng quê, là cán bộ Công an biên phòng chuyển sang, hơn tôi gần chục tuổi, rất hiền lành, chịu khó, gương mẫu. Trạm chỉ có 9 người, một Chính trị viên, một Trạm trưởng, 1 Y tá, 1 quản lý kiêm nấu ăn, còn 5 anh em làm nhiệm vụ dẫn đoàn vào, đưa đoàn ra và làm đường. Chuẩn bị bãi khách gay nhất là có ngày phải chuyển 3 - 4 thương binh nặng ra bằng cáng, cả anh Giao và Y tá cũng phải đi cáng, hai cáng thì có một người đi theo đeo đồ và thay cáng vượt đèo lội suối suốt 3 - 4 tiếng đồng hồ, khi về chui vào nhà hầm ngủ, mệt không ăn nổi. Có lần địch thả thám báo chặn đường giao liên, C 643 chiến đấu bắn rơi Trực thăng đến cứu, đồng chí Thoà hy sinh, đồng chí Kim bị thương nhưng bảo vệ được an toàn đoàn khách ra. O.V10 thì ò è không lúc nào ngớt, có lúc nó làm ra vẻ, bổ nhào bắn hỏa mù, F4 vòng đến thả bom vừa ra oai, vừa để báo cáo “diệt được bao nhiêu Việt cộng. Nói vậy, nhưng thực sự phải ơn ông Hoàng Cầm nhờ cái kiểu bếp (nấu không khói) - mang tên ông mà trạm và quân vào, quân ra an toàn. Tôi nhớ có lần 2 Tiểu đoàn lính Hà Nội vào, hơn ngàn quân, chắc đi đường quá mệt anh em làm bếp qua loa, đun khói, tôi và Y tá ra nói mãi anh em vẫn không chịu sửa bếp. Tôi về Trạm báo cáo anh Pháo Tiểu đoàn trưởng mới từ Tiểu đoàn 46 đi kiểm tra các trạm, anh bảo anh Lâu - chiến sỹ quay máy thông tin 15W đi cùng ra bãi trú quân. Đi qua bếp khói, Thủ trường nhắc nhở họ không nói gì, cứ đun. Đến chỉ huy đoàn tôi giới thiệu Thủ trưởng Pháo Tiểu đoàn trưởng đi kiểm tra, anh Pháo yêu cầu 3 đồng chí Thủ trưởng ra ngoài nhìn khói và đột nhiên quay sang: “Báo cáo Thủ trưởng, Thủ trưởng cho chỉ thị lập biên bản báo cáo về Bộ Tư lệnh, Đoàn này không chấp hành kỷ luật chiến trường”: rồi hạ tay chào làm tôi xuýt bật cười. Ba đồng chí lãnh đạo khúm núm nhận sai sót, toả đi yêu cầu bộ đội sửa lại đường dẫn khói, hô lính bẻ lá quạt khói tan. Anh Lâu đầu hói, râu quai nón đứng như trời trồng, một lúc mới đi theo tôi và anh Pháo về trạm, anh Lâu bảo anh Pháo: Thủ trưởng làm em như Tư lệnh Nguyên làm cánh cán bộ khung hết vía, em thì hết hồn…


Tại một trạm dừng chân (Ảnh minh họa)
 
         Nhớ hôm, mới mờ sáng nhưng nơi lán hầm đã nghe tiếng các cháu bé ríu ra, ríu rít, tiếng nói trong trẻo hồn nhiên. Hai cháu gái đang được chị cán bộ mặc bộ bà ba đen chải đầu tết tóc, 3 cháu trai đang đeo thử chiếc gùi bằng bao ni lông địch dùng đựng cát xếp quanh bốt - bên trong chắc có bộ quần áo và vài thứ vặt. Thế nhưng đi xa, với cái tuổi 11 - 12 cũng nặng lắm đấy, tay phải cầm gậy, tay trái thì cầm vỏ lon đựng thịt hộp của Mỹ (loại như hộp đựng nước Yến bây giờ), em không có lon thì một đốt ống lứa cưa để một đầu mặt, cao độ 10cm, có quai xách để đựng nước chấm (ma di cô). Mỗi em đều có một túi bằng vải diềm bâu trắng để đựng cơm nắm, em nào cũng đội mũ tai bèo, trông rất xinh. Đã gần tuần nay vì mắc nước sông A Sáp, Sê Pôn to không ra được các cháu bé ở lại rất vui, ríu ra ríu rít như bầy chim non. Chiều qua thấy Tâm ngồi một mình, tôi đến bắt chuyện hỏi em về ba má, em oà khóc. Tâm ôm lấy cổ tôi làm nước mắt tôi chảy xuống vai em, một lát sau ngửng lên bảo: "ba má em hy sinh cả rồi". Tôi bông bông lưng em và bóc dâu da cho em ăn rồi đưa vào nhà hầm cùng mấy bạn nghe chú Hoàn dậy hát. Tôi đi về phía lán, đưa tay chùi nước mắt. Nhớ chiều hôm ấy, các cháu tới trạm, mỗi cháu có một lon, một ống, tôi hỏi để làm chi các cháu đều nói: để đựng “m ă ắ m" nghe rất ngộ. Tôi làm như chưa rõ hỏi lại: Đựng chi? tất cả lại đồng loạt “m ă ắ m". Các cháu biết tôi trêu yêu nên rủ nhau chạy tới đấm lưng tôi cười như nắc nẻ... Khoảng 7 giờ hơn anh em đã lên cáng, các cháu và đoàn ra đã sẵn sàng. Tôi cùng mấy anh em ra chào 2 đồng chí thương binh, các cháu và mấy anh chị. Nhìn những bàn tay bé xíu vẫy chào, bên mép võng một bàn tay của anh Sơn thương binh cụt chân cũng vẫy vẫy, nước mắt tôi lại ứa ra, cầu mong các cháu, các anh chị sớm ra được đất Bắc an toàn.
         Chờ đoàn xuống hết dốc, chúng tôi người nào việc ấy chuẩn bị đón 7 người đoàn Z. Tôi đi dọn hầm và sửa lại liếp che, nơi đoàn Z ở. Thu dọn vừa xong độ gần 9 giờ thì thấy già Pư và hai cháu bé ở bản ALốt đeo một gùi nặng tới. Già bảo:
- Mấy bữa ly ổng trời đổ mưa, mình nhớ hung mà không vào thăm Thủ trưởng được, mình kiếm được ít nấm mối ở đồi dẻ để giành cho Thủ trưởng đó. Mình có rau bí, hoa chuối có cả mùi đấy.
         Nghe già Pư nói đến đâu, tôi mừng đến đó, vì đoàn Z có rau rồi, mà lại nấm mối cơ. Già Pư nhìn tôi, tay bấm miệng bập tẩu thuốc, mắt như cười, tay khùa khùa, lôi trong gùi ra ống bương rượu đoác trao cho tôi. Tôi đưa 2 tay đỡ ống bương, rượu sướt ra deo dẻo, mùi thơm ngậy làm tôi nuốt nước miếng. Hai cháu Minh, Hoa cũng lấy từ trong gùi ra, nào dâu da, nào ớt, nào dọc mùng. Tôi vừa thốt lên "ôi" ngạc nhiên, vừa véo vào má hai đứa. Hai đứa cười, những hàm răng trắng tinh. Tôi bảo Minh xuống bếp lấy ít muối và gạo biếu già Pư. Già Pư nói:
- Cho ít muối thôi, để chia nhau, không lấy gạo đâu, có bắp rồi. Sau cái dạo nó thả hoá học, cây rừng rụng lá, cây chuối chết thối, mình cùng bà con được bộ đội Giao cho hạt giống bắp về trồng, nay được ăn rồi. Nước bé rồi, chiều mang lưới đi, ta chỉ nơi hủng cá nhiều...
         Tôi kéo già ra ngoài chỉ tay lên núi hỏi:
- Trên đó có gì không? ý hỏi có biệt kích không?
- Không, già và du kích ngày nào cũng đi kiểm tra. Có gì báo ngay cho cái bộ đội và Thủ trưởng Giao mà.
         Già lại cười, bập bập tẩu, phả những làn khói thuốc thơm thơm, khen khét khó quên.
         Độ 2 giờ chiều thì anh Thiếu trạm phó T54, vai vác AK, lưng đeo ba lô, dẫn đoàn Z vào. Tôi và anh em ra đón đoàn, mời các đồng chí ngồi xuống mấy hàng ghế, ghép bằng ống tre lồ ô, dưới tán cây khép kín. Hoa bưng nước chè leo ra mời đoàn. Vừa uống nước Thủ trưởng vừa hỏi thăm tôi và anh em, Thủ trưởng khen trạm kín và sạch. Tôi báo cáo tình hình khu vực trạm, tình hình địch rồi đưa Thủ trưởng và đoàn về lán nghỉ. Bữa cơm Trường Sơn buổi tối hôm ấy có 3 món cá: cá rán, cá kho, cá nấu riêu, lại còn cả nấm xào và rượu đoác. Anh Giao giới thiệu: "cá anh em thả lưới ở sông A Sáp. Trời mới mưa, nước mới rút nhiều màu nên cá rất béo. Đặc biệt, nấm mối mọc ở ngay đồi cây dẻ sau mưa". Còn tôi thì rót rượu đoác và cũng không quên giới thiệu: “Cây đoác, họ dừa mọc ở đồi rừng thấp mỗi năm ra hoa 1 lần, hoa trổ thành buồng. Đồng bào dùng ống bương cho rễ cây rừng (làm men) vào rồi khứa cuống hoa treo ống bương hứng nước (đoác) nhỏ vào. Độ 2 tuần gạn nước, uống rất bổ. Già bản bảo uống đoác, đi cái chân không đau, ngủ ngon" Thủ trưởng Vũ đứng lên cảm ơn anh em ở trạm và chúc mọi người sức khoẻ. Tất cả đều bưng bát rượu uống theo anh em tôi và khen ngon.
         Cơm xong, anh Giao vào luôn lán tôi uống nước bàn công việc ngày mai. Vừa lúc đó có tiếng hắng giọng trên cửa nhà thùng. Thì ra liên lạc đến mời 2 anh em sang gặp Thủ trưởng. Thủ trưởng đang ngồi  ngoài gian nhà thùng đọc sách đứng dậy bắt tay 2 anh em, rồi đi vào trong hầm chữ A lấy ra gói trà Ba Đình và gói thuốc lá Điện Biên bao bạc mời chúng tôi, Thủ trưởng hỏi:
- Hai đồng chí đã bị sốt rét ác tính chưa?
- Dạ báo cáo, hai anh em "đã tốt nghiệp" cả rồi Thủ trưởng ạ!
- Nhưng đừng chủ quan đấy, uống nước đi! Mình có vài điều trao đổi. Âm mưu địch đang tìm mọi cách ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của hậu phương với chiến trường, mà chúng để ý đến trước hết là tuyến đường vận tải và giao liên. Vì vậy, nhiệm vụ của các đồng chí cực kỳ quan trọng, làm sao phải đảm bảo được tuyệt đối an toàn, cả đoàn vào và đoàn ra. Các đồng chí làm tốt là đáp ứng được lòng mong mỏi của cả đồng bào miền Nam và miền Bắc, đáp ứng lòng mong mỏi của Bác Hồ sớm tới ngày Bắc Nam thống nhất. Làm được, không phải chỉ có các đồng chí, chỉ có bộ đội đâu, mà đồng bào địa phương là nhân tố quan trọng lắm. Các đồng chí phải chăm lo đồng bào, phải làm thật tốt công tác dân vận, chớ coi thường đồng bào dân tộc.
- Dạo địch lống ra Sư đoàn kỵ binh bay đổ xuống, không có đồng bào phối hợp đánh địch và tham gia tải đạn (ĐKB), cáng thương binh, nuôi thương binh thì gay Thủ trưởng ạ - Anh Giao thưa.
  - Đấy, các đồng chí hiểu, hơn mình. Có điều này mình muốn nói với hai đồng chí. Lãnh đạo không được thương một chiều, thiếu thốn thì khắc phục được. Vô kỷ luật là chết người, chiến sỹ do Đảng, Quân đội và cha mẹ họ giao cho chúng ta. Hồi chiều thấy anh em ở trạm, quân vào, đoàn ra vui vì hôm nay có cá cải thiện mình không lỡ nói, đã trót rồi, để anh em ăn. Mình cũng ăn, thú thật từ hôm xa đất Bắc hôm nay có bữa cơm thịnh soạn và ngon thật. Nấm mối lần đầu được ăn rất ngon, cá khúc rán, cá riêu chua đi đường dài được thưởng thức, ngon thật. Mình cũng say say có gì thông cảm nhé, mình hỏi hai cậu: Nếu vì nhiệm vụ đồng đội chết hoặc tàn phế thì là hy sinh là Liệt sỹ - Thương binh vì nhiệm vụ vẻ vang, còn các cậu bắt họ đi đánh cá thì vì cái gì? Hồi chiều, tôi xuống suối giặt có qua bếp gặp 2 người đem cá về. Tôi biết cá to nhất đã rán và nấu cho chúng tôi ăn, lúc lên phơi áo tôi đã xem lưới phơi rồi. Lưới vừa đánh cá về mà không tanh, mắt lưới thế mà sao mắc cả cá to và cá nhỏ. Đúng như hồi nãy đồng chí nói: Đồng bào được nhiều, được đâu chả biết, nếu bộc phá các đồng chí dùng để đánh cá nổ trên bờ, đồng bào chết, lính chết thì ai là người giết họ? Mỹ ngụy hay các đồng chí? Nguy hiểm quá!
         Tôi và anh Giao như nuốt từng lời mặt cúi thấp, mắt hoa hết cả lên, da gà nổi khắp người.
- Các đồng chí tiếp tay với Mỹ ngụy, không oan. Tham bát bỏ mâm, ăn hôm nay không nghĩ tới mai sau. Bom đạn Mỹ nó rải thảm như thế, dân chết, động vật chết, cá tôm chết, còn sót lại là của hiếm, của để dành thì các đồng chí tìm đến chỗ nó trú ngụ diệt hết cả con bố, con mẹ, con cụ, con ông, con bà, con cháu, con chắt, cả những con có chửa. Nay mai thống nhất lấy gì mà ăn, các đồng chí có tội với bao đồng chí, đồng bào đã hy sinh!
         Nước mắt tôi rỏ xuống. Anh Giao thì không kìm nổi tiếng khóc.
- Tôi nói có đúng không? Có gì sai hai đồng chí cứ tham gia. Tôi và anh Giao ngẩng lên, vẫn ánh mắt dịu hiền Thủ trưởng giục:
- Uống nước đi! Từ nay chi dùng lưới thôi nhé!
         Đã 44 năm qua rồi. Bài học niềm tin - bài học vì dân, vì nước, vì đồng đội... mà may mắn tôi được tiếp nhận đồng chí Lê Tuấn Vũ mãi còn nguyên giá trị. Chỉ có điều tôi dằn vặt: Sao bây giờ có những người đánh bắt cá bằng kích điện? Và câu nói ngày ấy - ngày đạn bom: “Diệt hết cả con bố, con mẹ, con cụ, con ông, con bà, con cháu, con chắt, cả những con có chửa. Rồi lấy gì mà ăn? lại vang lên trong đầu tôi. Hoá chất đã làm bao sinh vật và cá tôm ở ruộng, sông, suối ngày càng trở nên hiếm hoi, nhiều loài quý hiếm không còn. Thế mà họ lỡ dùng kích điện, dùng chất nổ đánh cá? Quản lý chính quyền ở đâu?
         Tôi mong khi có điều kiện được cùng anh em cựu chiến binh Binh trạm 42 vào thăm huyện Hiên xưa, nơi có Trạm giao liên 55 của Tiểu đoàn 46 có anh Lê Hồng Kỳ kính yêu làm Chính trị viên, thăm bản A Lốt kính yêu bên công trình thủy điện A Vương gần nơi đóng của Tiểu đoàn bộ công binh 98 Anh hùng.
 
Vũ Hồng Thái
Chủ tịch Hội Trường Sơn tỉnh Thái Bình
(Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN)
tin tức liên quan