Âm vang Tết Trường Sơn mở Đường 20 Quyết Thắng.
Ngày đăng:
05:43 13/01/2022
Lượt xem:
379
ÂM VANG TẾT TRƯỜNG SƠN MỞ ĐƯỜNG 20 QUYẾT THẮNG
Hồ Bá Thâm (bên trai) trong lần thăm lại Đường 20
Tiểu đoàn (sau gọi là Đội) TNXP Nghệ An với 3 Đại đội 168, 164, 166 có 601 người (toàn nam giới), tháng 8-1965 đã vượt chặng đường dài từ miềm Bắc và đã có mặt ở Trạm 1 của Tuyến 559. Từ Đèo 1001 TNXP gùi lương thực (sau là xe đạp thồ) vào giao cho các trạm phía trước (trạm 2, 3, 4). Sau vài tháng gần một đội viên chuyển sang bộ đội.
Vào đầu tháng 12 năm 1965, nhận lệnh mới, ba đại đội chúng tôi (168, 166,164) tổ chức phiên chế lại thành 2 đại đội (168, 166) chuyển quân về Tây Quảng Bình tham gia mở tuyến Đường 20. Trên đường hành quân, một đội TNXP của Hà Tĩnh cùng nhập với chúng tôi
Chúng tôi có mặt ở “cửa rừng” khu vực xã Cù Lạc (huyện Quảng Trạch), cách bến phà Xuân Sơn vài cây số. Về đây lúc này chúng tôi làm nhiệm vụ vận chuyển, gùi lương thực và thuốc nổ TNT vào các địa đoạn chuẩn bị thi công. Tại đây, thêm Đội TNXP Hà Nam Ninh, tới một nửa là nữ) được bổ sung cùng chúng tôi làm nhiệm vụ. Chúng tôi các đội viên toàn nam giới xứ Nghệ gặp các cô TNXP xứ Bắc trắng trẻo má hồng hồng, giọng nói ngọt ngào mà cứ ngẩn ngơ…có khi quên cả công việc đang làm.
Hàng ngày, chúng tôi vận chuyển hàng đi theo lối mòn, dốc đá tai mèo và suối khe… vào sâu trong núi, nơi con đường sau này sẽ mở qua.
Lúc mưa thì đường trơn. Giày rách, chân đau rát khó chịu làm sao! Rồi lại sên vắt nhiều không kể xiết. Thương lắm mấy em, mấy o nhà ta, nhưng biết làm sao được! Có giày, tất cao, quần ống bó kín mà có khi nó vẫn vào được, nó bám vào da thịt hút máu no tròn. Thật kinh sợ. Càng thương nhiều mấy mấy em, mấy o mặt còn “búng ra sữa”. Nhưng cũng có khi vì vậy mà cánh con trai chúng tôi làm quen được mấy em (khó nhất là mấy em Hà Nam Ninh kiêu kỳ lắm cơ!)
Nhưng nghe tiếng chim: “Khó khăn khắc phục, có anh đừng khóc” mấy em, mấy bạn lại cười xòa.
Những ngày giáp Tết 1966 chúng tôi được thông báo kế hoạch chung về chiến dịch đông - xuân 1965-1966 và được tổ chức ăn tết trước, một cái tết rừng thời chiến đơn sơ, ai càng nhớ quê nhà.
Chuẩn bị vào Tết năm 1966, chúng tôi vận chuyển các thùng TNT đi dần vào Ba Khe, Đồng Tiền đến tận 8 giờ tối ngày Ba mươi Tết. Rồi chúng tôi thức đón giao thừa ở khu vực Xuân Sơn.
Đúng 17 giờ ngày 21 tháng 2 năm 1966, đúng ngày mùng Một Tết Bính Ngọ, Phó Tư lệnh Nguyễn Tường Lân đã ra lệnh nổ loạt bộc phá đầu tiên, mở đầu chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường Thắng Lợi”
Sau này chúng tôi mới biết cũng vào thời khắc thiêng liêng ấy ở phía cuối tuyến Đường 20, phía Tây dãy Trường Sơn, các lực lượng của Công trường 128 cũng ra quân mở đường hướng về phía chúng tôi.
Tết đầu tiên xa nhà, ai cũng nhớ nhà, nhớ cha nhớ mẹ, nhớ người thân, có mấy o lên lán nằm đắp chăn khóc hu hu, rưng rức…Rồi mấy chàng đến dỗ… mãi mới nín! Thật dễ thương làm sao!
Những hình ảnh và âm thanh ấy trong Tết đầu xa quê làm sao quên được. Nó cứ nao nao, rộn rực trong lòng.
Những ngày tiếp theo, chúng tôi bắt đầu chặt cây, phá đá đi dần vào khu vực từ Cửa Rừng vào hướng Ba Khe, dốc Đồng Tiền, Trạ Ang.
Lúc này mở đường ban ngày. Trước hết chặt cây làm cho lộ tuyến đường. Nhưng có đoạn qua núi đá vôi hay đồi đất ít có cây to che khuất thì phải ngụy trang. Thấy đơn vị công binh treo mình khoan lỗ mìn hạ dốc Ba Thang, tất cả các đội viên TNXP chúng tôi vô cùng khâm phục. Chúng tôi đâu đã quen ngay việc mở đường, nhưng đã được các “kỹ thuật viên” của Binh trạm 14 hướng dẫn nên cũng dần quen.
Con đường mới mở cứ nối dài về hướng Tây, đơn vị chúng tôi cũng phải di chuyến theo lần lượt qua Đồng Tiền, Trạ Ang, Cù Mẹ Cù Con… Ở nơi xa lạ này, chuyện hỏi thăm để nhận “đồng hương” sao thiêng liêng vậy. Không một ai tự ái vì những câu hỏi châm biếm như:“Có ai “cá gỗ” không?. Có ai “tay bị tay gậy” không? Có ai con cháu Tú Xương không ? Có ai “ăn rau má phá đường tàu” không?...”.
Tại Công trường Đường 20 tôi đã gặp được chú em họ của mình. Thật là vui!
Hôm thì cơm nắm mang theo ăn buổi trưa. Có hôm thì chúng tôi cử người trong đơn vị làm nuôi quân nấu trong hang đá ven tuyến cho anh em ăn trưa. Cá thì bắt ngay suối. Rau tàu bay khắp rừng không hiếm.
Nghỉ trưa, đơn vị chúng tôi toàn nam giới nên khi ăn cơm, có lúc cứ mắt nhìn sang đơn vị nữ có mấy o xa xa, lấm lét nhìn nhau, chọc nhau, thách đố nhau “cưa” đổ o này cô kia, đến là vui!
Tối về sau khi tắm giặt và rồi cơm nước xong là họp tiểu dội, lại hò lại hát, rồi sau đó lăn ra ngủ một mạch không biết đất trời là gì… Sáng sau lại thấy khỏe khoắn như thường ra đường chiến đấu!
Con đường cứ mở dần ra theo kỷ niệm và kỷ niệm cũng dày thêm theo con đường, con đường cũng chạy dài theo thời gian và sức lực, ý chí, tài năng của lứa trẻ tuổi 18, 20 của những cô gái, chàng trai đang độ xuân thì ngực căng đầy sự sống… với cả mùa xuân đang nở hoa bên đường trong cánh rừng xa.
Miền Nam vẫy gọi và chúng tôi xuyên rừng mở lối mở mùa xuân ra trận…
Thỉnh thoảng lại nghe tiếng chm rừng: Khó khăn khăc phục! Thương em anh chúc! Đèo cao cũng mặc! Có anh đừng khóc... mà nôn nao trong dạ, mà bồi hồi trong tim!…
Rồi con đường hiện dần ra qua bước chân, bàn tay, dao rìu, xà beng, choòng cuốc của chúng tôi. Những mái tóc xanh nhấp nhô bay bay trong làn mây, trong gió núi, hương rừng. Mồ hôi đằm vai áo mỏng lưng ong thấp thoáng bên đường, hay chiều cuối dốc… Thỉnh thoảng rộ lên tiếng cười và bừng lên tiếng hát, câu hò… rồi xen lẫn tiếng mìn phá đá!
Thương nhất là mùa mưa dầm dề dài ngày các o ở đơn vị bạn phải giặt giũ hơ hong phơi quần áo suốt đêm mới có áo quần mặc đi làm. Chúng tôi đùa nhau, thách nhau cử người sang giúp họ.
Hơn một tháng từ khi bắt đầu chiến dịch , cái sốt rét rừng bắt đầu hành hạ vài người trong chúng tôi rồi. Cuộc chiến mới bắt đầu!
Đúng là tuổi mười tám, đôi mươi đi mở đường chiến dịch Đông- Xuân theo tiếng hát tiếng cười, đùa vui quên cả mệt nhọc khó khăn và cùng với tiếng mìn vang dội rền vui như ngày hội!
Ôi âm thanh tiếng mìn mở đầu chiến dịch “Mở đường thắng lợi” cùng bao kỷ niệm không bao giờ quên trong mỗi chúng tôi khi mỗi bận xuân về Tết đến trong suốt 55 năm qua!
Tết đầu tiên trên dãy Trường Sơn hùng vĩ của chúng tôi là vậy đó!
TPHCM, 10/2021
Hồ Bá Thâm
(Đt 0903916809)
tin tức liên quan