Mở Đường 20 Quyết Thắng

Ngày đăng: 08:46 02/02/2022 Lượt xem: 357

MỞ ĐƯỜNG 20 QUYẾT THẮNG
Kỹ sư PHAN TRẦM
Nguyên Chỉ huy trưởng Công trường 20
Nguyên Trưởng ban Xây dựng 67 Bộ Giao thông vận tải

 
CHIẾN TRƯỜNG THÔI THÚC

Cuối tháng 3 năm 1965 tôi thay mặt Ban chỉ đạo miền Tây đi kiểm tra 5 công trường biên giới phía Bắc, đề phòng Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược ra miền Bắc. Xong công việc, về đến Hà Nội, thấy không khí ở Bộ Giao thông vận tải thật nhộn nhịp sôi nổi. Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, đồng chí Phan Trọng Tuệ được cử làm Tư lệnh kiêm chính ủy Đoàn 559, mở đường vận chuyển cơ giới tăng cường chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đồng chí Nam Hải cùng một số kỹ sư thiết kế đang chuẩn bị tư trang lên đường làm nhiệm vụ. Trước khí thế khẩn trương đó, tôi náo nức muốn làm một việc có ích để đóng góp công sức nhỏ bé vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Và đây chính là thời cơ giúp tôi thực hiện nguyện vọng. Từ ý nghĩ đó, tôi gặp đồng chí Hồng Xích Tâm, Thứ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo miền Tây, người trực tiếp chuẩn bị cán bộ và lực lượng tăng cường cho Đoàn 559, đề đạt nguyện vọng. Ngày hôm sau, tôi được Bộ trưởng chấp nhận, bổ sung vào đoàn tiền trạm của đồng chí Nam Hải. Hết sức phấn khởi, tôi tích cực cùng anh em chuẩn bị hành trang vào tuyến lửa.
Ngày 5 tháng 4 năm 1965, vào một buổi chiều nắng đẹp, chúng tôi tập kết ở Bộ. Ba chiếc xe Gát 69 chở chúng tôi lên đường vào chiến trường. Trên đường đi vào Khu 4 tuyến lửa, mỗi người chúng tôi đều có một tâm trạng bồn chồn, rạo rực.

Chúng tôi đến Nghi Xuân thì trời bắt đầu hoàng hôn, các xe đều phải đi đèn gầm, qua Ngã ba Đồng Lộc vào đường 15, đến khuya thì đến R - bản doanh của Đoàn. Sáng hôm sau, đồng chí Nguyễn Văn Nhạn, thượng tá, Tham mưu trưởng công binh Đoàn 559 truyền đạt nhiệm vụ: đồng chí Nam Hải được cử làm Tham mưu phó cầu đường phụ trách khảo sát thiết kế. Tôi có nhiệm vụ đi khảo sát và chuẩn bị thi công tuyến đường 128 từ Ngã ba Lằng Khằng qua Tha Pa Chôn đến Thà Khống, nối liền với đường 9 và đường 129.
 
TÚI NƯỚC XIÊNG PHAN VÀ SỰ RA ĐỜI PHƯƠNG ÁN MỞ ĐƯỜNG 20

Sau khi khảo sát xong, tôi được cử làm Phó ban chỉ huy Công trường 128 do đồng chí Nguyễn Lang, Cục phó Cục Công trình I làm Trưởng ban. Bố trí xong lực lượng thi công, cuối tháng 4 năm 1965, tôi ra Hà Nội báo cáo với đồng chí Bộ trưởng. Đầu tháng 5 năm 1965, khi tôi trở vào thì mùa mưa trên Trường Sơn đã bắt đầu và đầu đường 128 hình thành túi nước Xiêng Phan chắn hết lối vào công trường. Lực lượng thi công bị đói, phải kéo nhau lội nước vượt Xiêng Phan để tiếp tế lương thực vào tuyến. Tuy bị đói nhưng anh em vẫn phải mở đường trong những cơn mưa tầm tã liên tục suốt cả tháng 5. Đường đi lầy lội phải lát toàn bộ bằng rông đanh. Vậy là tuyến 128 không đáp ứng được nhiệm vụ vận chuyển chi viện liên tục bốn mùa như quyết tâm của Trung ương. Vấn đề đặt ra là phải tìm một tuyến đường mới để có thể đáp ứng nhu cầu vận tải chiến lược. Trong một buổi nghe đồng chí Bộ trưởng trao đổi, chúng tôi đã nghĩ đến tuyến đường 16 vượt Khỉ Ho qua biên giới, nhưng cũng khó thực hiện. Cuối cùng chỉ còn một hướng vào Phong Nha lên U Bò, nối với đường 128 tại Ngã ba Lùm Bùm là có thể nghiên cứu, mặc dù tính khả thi không nhiều lắm. Do địa thế hiểm trở, nhiều đá tai mèo, nên việc xác định được tuyến rất khó khăn, hơn nữa lúc đó chúng ta chưa có kinh nghiệm mở đường đá. Vấn đề cũng chỉ nằm trong suy nghĩ của lãnh đạo và một số kỹ sư. Tôi vẫn tiếp tục ở lại Công trường 128 chỉ đạo kỹ thuật thi công...
Cuối tháng 5 năm 1965, tôi đang chỉ đạo thi công đoạn cuối đường 128 nối với Lùm Bùm thì nhận được điện của đồng chí Phan Trọng Tuệ giao tổ chức khảo sát định tuyến đường 20 từ Lùm Bùm - U Bò (biên giới Việt - Lào) phối hợp với một mũi từ Phong Nha - U Bò, do đồng chí Nam Hải phụ trách. Mệnh lệnh của trên là ngày 13 tháng 6 hai mũi phải gặp nhau ở đỉnh U Bò và hàng ngày phải điện mật mã báo cáo tiến độ về Bộ, đồng thời giao cho tôi đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban chỉ huy Công trường 20.
Tôi trở về trụ sở Ban chỉ huy Công trường 128 gặp thượng tá Nguyễn Văn Nhạn, trực tiếp nhận nhiệm vụ.
Sau khi truyền đạt mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh, đồng chí Nhạn vỗ vai tôi: "Tôi chẳng có gì để giúp các đồng chí; chỉ cấp một số đá lửa để đổi thực phẩm dọc đường". Tôi cảm ơn và cùng công trường chọn một tổ khảo sát do đồng chí Dung làm tổ trưởng, một tổ cơ yếu 15W lên đường, dựa vào dân ở các bản Lào hướng dẫn tìm tuyến, lên bản đồ thiết kế tuyến đường.
Theo đúng kế hoạch, ngày 13 tháng 6 năm 1965, chúng tôi lên đến U Bò thì đoàn đồng chí Nam Hải đã hoàn thành nhiệm vụ và trở về bản doanh của Bộ Tư lệnh ở R (ngã ba Khe Ve). Chúng tôi lại trèo đèo vượt dốc về R.
Sau khi tôi và đồng chí Nam Hải khớp nối toàn tuyến, thấy đoạn tuyến Phong Nha - U Bò có nhiều khó khăn nên phải xem xét hai phương án:
1. Từ Phong Nha đi vòng khu núi đá, qua Đoòng về Khe Tum lên U Bò, tuyến dài thêm 30 kilômét, nhưng là đường đất, ta có thể thi công được.
2. Từ Phong Nha vượt dốc Ba Thang lên U Bò (phía Việt Nam) đi Khe Tum - Biên Giới. Tuyến này phải vượt qua khu núi đá Phong Nha dốc đá tai mèo, ta chưa có kinh nghiệm thi công.
Qua trao đổi, tôi tạm nhất trí với đồng chí Nam Hải chọn tuyến Phong Nha - Đoòng - Khe Tum - Biên Giới và chúng tôi lên gặp đại tá Vũ Xuân Chiêm, Phó bí thư Đảng ủy kiêm Phó tư lệnh thường trực của Đoàn xin ý kiến và được đồng chí Chiêm chấp thuận.
Tôi trở lại Phong Nha, lòng vẫn băn khoăn về tuyến đường với thời gian 3 tháng phải hoàn thành.
 
   
TRĂN TRỞ, ĐẤU TRANH SỬA ĐỔI PHƯƠNG ÁN TUYẾN

Lần này trở về với cương vị là Trưởng ban chỉ huy Công trường 20 và nhiệm vụ của tôi là bằng bất cứ giá nào cũng phải hoàn thành nhiệm vụ mở đường đúng quy định - đó là tâm niệm của tôi khi bước chân vào Trường Sơn.

Nhưng làm thế nào để hoàn thành? Tôi xác định phải xem xét lại từ phương án tuyến đến biện pháp tổ chức thi công, lực lượng thi công và đào tạo kỹ thuật thi công cho cán bộ, thanh niên xung phong. Tôi gặp bộ phận tiền trạm của Công trường từ Hà Nội vào gồm đồng chí Cao Xuân Can, phụ trách kế hoạch, đồng chí Hoàng Hiếu, Phó ban nắm tình hình chuẩn bị mọi mặt của công trường, sau đó đồng chí Phạm Văn Thọ họp với các đồng chí khảo sát thiết kế gồm đồng chí Phí Đình Tuấn, Tổ trưởng khảo sát Đoàn 8, đồng chí Nho, Đội trưởng khảo sát Quảng Bình, đồng chí Mai Sơn, đại úy nắm tình hình chọn tuyến đoạn Phong Nha - Biên Giới. Thực ra, khi chọn tuyến phía đông, anh em cán bộ khảo sát vẫn chủ trương đi tuyến đá. Sau khi tham khảo ý kiến chung, tôi cùng anh em đi thị sát lại một số điểm khống chế khó thi công như đỉnh Trà Ang (Km 12), dốc Ba Thang, Khe Diêm - U Bò, thấy khả năng tuyến có thể đi được. Với khối lượng ước tính 1.000.000 mét khối đá mở đường, làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian quy định. Anh em cán bộ thì rất hăng hái, nhưng không thể có sự tính toán khoa học về biện pháp tổ chức thi công và giải pháp kỹ thuật.

Tôi thường xuyên trao đổi ý kiến với anh em và suy nghĩ để làm sao hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.
- Phương án đi vòng qua Đoòng thì dài hơn 30 kilômét, khối lượng không nhỏ, còn có đá hay không thì ta chưa lường được, nếu bóc lớp phủ bằng đất, ở dưới là đá thì đường này còn khó khăn hơn. Đường đất lầy lội, nhiều sông suối, số cầu ngầm sẽ nhiều, tiến độ không dễ đạt, mà bảo đảm giao thông cũng khó khăn.
- Phương án vượt Ba Thang đi qua 41 kilômét núi đá, khó khăn đã rõ. Nếu dùng giải pháp kỹ thuật phá đá mở đường được nhanh thì có khả năng bảo đảm tiến độ, hơn nữa bảo đảm giao thông sau này lại nhiều thuận lợi hơn, đường đá địch khó đánh, ít cầu ngầm.
Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, tôi quyết tâm theo phương án đường đá. Mặc dù ta chưa có kinh nghiệm, nhưng nước bạn Trung Quốc đã từng thi công, có tổng kết.
Nếu mở đường thắng lợi thì đây là một bất ngờ đối với địch vì từ thời Pháp đã xác định tại khu vực này không có đường nào vượt Trường Sơn.
 
GIÀNH THẮNG LỢl BẰNG QUYẾT TÂM, SÁNG TẠO VÀ KHOA HỌC KỸ THUẬT

Sau khi xác định quyết tâm, tôi họp anh em Ban chỉ huy Công trường, cán bộ khảo sát và cán bộ thi công. Anh em đều nhất trí chọn phương án Phong Nha - Ba Thang - U Bò - Cà Roòng - Biên Giới làm tuyến thi công với biện pháp kỹ thuật là dùng bộc phá mở đường. Tôi đề nghị anh em lên phương án về khối lượng cụ thể để báo cáo Bộ Tư lệnh.
Tháng 7 năm 1965, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559 về R, điện gọi tôi ra để báo cáo phương án và quyết tâm của Công trường. Tôi đã báo cáo tình hình và kế hoạch thi công. Ngày hôm sau, đồng chí triệu tập Đảng ủy Đoàn 559. Sau khi tuyên bố lý do, đồng chí giới thiệu tôi trực tiếp báo cáo kế hoạch mở đường và quyết tâm của Công trường
Tôi trình bày phương án mở đường theo tuyến mà chúng tôi đã chọn, nêu hết khó khăn về địch, thời tiết và khối lượng phải thi công, đặc biệt là nêu bật khó khăn nếu phá 1.000.000 mét khối đá (dài 40 kilômét). Để đảm bảo thời gian quy định (vẻn vẹn gần 4 tháng), chúng tôi đề nghị giải pháp kỹ thuật duy nhất là dùng mìn phá nổ.
Đồng chí Tuệ đề nghị hội nghị thảo luận, cả hội trường im lặng, một lúc sau đồng chí Vũ Xuân Chiêm phát biểu tán thành phương án do Công trường đề xuất.
Cuối cùng đồng chí Tuệ kết luận: Phê chuẩn kế hoạch và quyết tâm của Công trường, cấp cho Công trường 270 tấn TNT để hoàn thành nhiệm vụ (tôi xin là 150 tấn).
Không giải quyết khâu phá nổ tốt thì không thể hoàn thành nhiệm vụ, và nếu không có phương pháp bộc phá tốt thì địch phát hiện đánh phá ngăn chặn cũng không thể hoàn thành được việc mở đường. Tôi quyết định ra Hà Nội tìm tài liệu và xin chuyên gia mở lớp huấn luyện cho toàn thể cán bộ kỹ thuật, sau đó đào tạo cho mỗi đại đội một tổ bộc phá để từng đại đội làm chủ kỹ thuật.
Tôi gặp anh Bùi Văn Các, Ủy viên Ủy ban Kiến thiết ở Bộ. Anh Các thông cảm với khó khăn của chúng tôi, kéo tôi lên Thư viện Ủy ban mượn cho tôi cuốn tổng kết bộc phá lớn của Đường sắt Trung Quốc. Mừng quá, tôi liền dịch và đồng chí Can ghi lại. Sau đó, tôi gặp Thứ trưởng Nguyễn Tường Lân (mới được cử làm Phó tư lệnh Đoàn 559) để nghị giao cho Văn phòng kiểm tra, chỉnh lý và in Rônêô gửi vào công trường làm tài liệu học tập.
Về cán bộ giảng dạy, Bộ Tư lệnh tăng cường cho hai chuyên gia bộc phá là đại úy Thọ và thượng úy Quảng. Bộ Giao thông điều cho một tổ bộc phá từ Công trường 6 là các đồng chí Thu, Cát, Thẩm.
Trở về công trường, một mặt tôi giao nhiệm vụ cho các đồng chí khác trong Ban chỉ huy triển khai nhận quân, nhận tiếp tế, mặt khác tôi mở ngay một lớp huấn luyện "cấp tốc" về bộc phá cho toàn thể cán bộ kỹ thuật thi công từ phòng kỹ thuật đến cán bộ kỹ thuật đại đội. Sau một lớp huấn luyện 15 ngày, tôi tổ chức cho công trường thí điểm. Đồng chí Phùng, Phó ban chỉ huy công trường phụ trách, đồng chí Phạm Thọ làm phó kỹ thuật. Địa điểm thí nghiệm là dốc Đồng Tiền, dùng 1 quả 1,5 tấn thuốc nổ. Sau khi nổ, hiệu quả công phá đạt yêu cầu, nhưng cây cối bị phá tan hoang, làm lộ mục tiêu. Chúng tôi bàn bạc, điều chỉnh lại phương pháp trên nguyên tắc chỉ phá đất đá và cây nhỏ, còn cây có đường kính trên 20cm phải giữ lại để ngụy trang. Từ đó, ra đời phương pháp "bộc phá nhỏ liên tục", một sáng tạo của Công trường 20, vừa đạt tốc độ thi công, vừa giữ được bí mật tuyến đường và lực lượng cho đến ngày thông chuyến xe đầu tiên, tạo ra truyền thống mở đường và bảo đảm giao thông không những cho riêng đường 20 mà sau này cho các tuyến đường Trường Sơn, đồng thời mở ra tiền lệ mở đường đá của Việt Nam.
Công trường được Bộ Giao thông vận tải điều cho 4 đội (thiếu) thanh niên xung phong, tổng cộng 4.000 quân gồm: Đội 23 Hà Tĩnh, Đội 25 Nam Hà, Đội 3 Nghệ An và Quảng Bình, Đội 4 Ninh Bình.
Bộ Tư lệnh Đoàn 559 bổ sung cho Trung đoàn 10 công binh, 2 trung đoàn bộ binh đi B dừng lại.
Căn cứ vào đặc điểm, tính chất của từng loại binh chủng, chúng tôi đã bố trí các trung đoàn vào các trọng điểm thi công, đồng thời có khả năng đối phó khi địch đánh phá. Trung đoàn 10 là đơn vị công binh, mạnh về khả năng bộc phá thì bố trí phá đá đoạn dốc Ba Thang với trung điểm đỉnh dốc phải phá một vạn mét khối đá hạ dốc trong một tháng, Trung đoàn 4 và Trung đoàn 5 bố trí mở đường đất từ Ka Roòng lên biên giới.
Các đội thanh niên xung phong được bố trí như sau:
- Đội 4 Ninh Bình mở đường từ cửa rừng (Km 4).
- Đội 25 Nam Hà từ Trà Ang lên Ba Thang.
- Đội 3 từ Cù Mẹ lên U Bò.
- Đội 23 từ Khe Tum lên Ka Roòng.

Để đánh lừa địch, Công trường quyết định: Các đơn vị thi công phải tuân theo nguyên tắc mở đường đến đâu ngụy trang đến đó, riêng 4 kilômét (0-4) từ Phong Nha vào, vì trống trải nên chỉ lát rông đanh đi tạm, khi mở xong toàn tuyến mới làm đường. Do đó, suốt thời gian thi công, địch không hề phát hiện được. Vấn đề tiếp tế hậu cần và vật tư dụng cụ thi công cho các đơn vị được coi là khâu quan trọng của toàn công trường.
Với tốc độ thi công có thể gọi là thần tốc, Ban chỉ huy Công trường đã đặt nhiệm vụ tiếp tế là trọng tâm để bộ đội và thanh niên xung phong luôn có đủ lương thực, thực phẩm, vật tư dụng cụ thi công.
Ngoài việc bố trí các kho thuốc nổ, dụng cụ thi công dọc tuyến, Công trường đã điều động 2 đại đội thanh niên xung phong chuyên làm nhiệm vụ tiếp tế đến các kho dọc đường. Các đội thanh niên xung phong và Trung đoàn tiếp nhận hậu cần tại các kho của Công trường.
Để đảm bảo hoạt động của Công trường được liên tục Ban chỉ huy công trường phân công:
Một đồng chí Phó ban phụ trách hậu cần, chỉ huy lực lượng tiếp tế.
Một đồng chí Phó ban kỹ thuật luôn có mặt dọc tuyến để chỉ đạo thi công.
Đồng chí Chính ủy Công trường phụ trách Chỉ huy sở tiền phương, còn đồng chí Trưởng ban chỉ huy đóng tại Chỉ huy sở nắm tình hình chung, điều độ phối hợp hoạt động của Công trường, làm cho mọi mặt hoạt động từ hậu phương đến tiền phương phối hợp nhịp nhàng cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ.
 
CHIẾN DỊCH "CHỌC THỦNG TRƯỜNG SƠN MỞ ĐƯỜNG THẮNG LỢI”

Vào những tháng cuối năm 1965, sau khi kiểm tra mọi mặt chuẩn bị của Công trường, Bộ Tư lệnh quyết định: Tổ chức Công trường 20 thành Công trường Quốc phòng.

- Tăng cường hệ thống chính trị từ Công trường xuống các đơn vị, đồng chí Vũ Quang Bình được điều về làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Công trường.
Mấy lời kết thúc

Suốt thời gian vào Trường Sơn làm công tác mở đường bảo đảm giao thông trên một địa bàn ác liệt, tôi vinh dự được cùng anh em đóng góp một phần nhỏ công sức, trí tuệ trên mặt trận cầu đường tiền phương, bảo đảm cho bộ đội vận tải chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam giành thắng lợi.
Suốt chặng đường 8 năm chiến đấu trên các tuyến đầu Đông Trường Sơn, chiến dịch mở đường 20 Quyết thắng luôn luôn là kỷ niệm sâu sắc của đời tôi.
Đường 20 Quyết thắng là một công trình chiến lược đầy kỳ tích, không những trong chiến dịch mở đường mà còn trong suốt quá trình bảo đảm giao thông cho bộ đội vận tải hoàn thành nhiệm vụ chi viện cho miền Nam giành thắng lợi cuối cùng.
Về mặt khoa học kỹ thuật, nó mở ra tiền lệ mở đường đá và bảo đảm giao thông trên các tuyến đường khác của ta.
Xin cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đã chi viện mọi mặt, cả về vật chất và tinh thần, luôn động viên cổ vũ cán bộ, chiến sĩ quên mình lao động, chiến đấu để hoàn thành nhiệm vụ.
Cảm ơn nhân dân bạn Lào và nhân dân Quảng Bình đã giúp đỡ chúng tôi trong vấn đề ăn ở tiếp tế, hướng dẫn tìm tuyến.
Vinh quang thuộc về cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung phong, công nhân và bộ đội vận tải anh hùng trên đường 20 Quyết thắng.

Điều động một số sĩ quan của Đoàn 559 bổ sung làm chính trị viên, đội trưởng các đội và đại đội thanh niên xung phong.
- Tổ chức phòng hậu cần của Công trường do đồng chí Khánh làm Chủ nhiệm để đảm bảo hậu cần cho các lực lượng.
Vào những ngày giáp Tết Bính Ngọ, thay mặt Bộ Tư lệnh, đồng chí Nguyễn Tường Lân, Phó tư lệnh vào kiểm tra lần cuối phương án kỹ thuật thi công và mọi mặt chuẩn bị của Công trường.
Đúng 17 giờ ngày 30 Tết, thay mặt đồng chí Bộ trưởng kiêm Tư lệnh Đoàn, đồng chí Lân ra lệnh nổ đợt bộc phá đầu tiên để đón Xuân và hưởng ứng chiến dịch "Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi" do Bộ Tư lệnh Đoàn 559 phát động. Tiếng bộc phá nổ ran trên toàn tuyến. Mọi người hân hoan đón một cái Tết chiến dịch trên toàn công trường và nguyện sẵn sàng đem hết tinh thần trách nhiệm và sức lực, trí tuệ để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mở đường.
Ăn Tết xong, mọi đơn vị, mọi ngành của Công trường tiến ra mặt đường. Các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong dốc sức lao động ngày đêm không nghỉ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Hệ thống Đảng và chính trị phối hợp chặt chẽ với thủ trưởng Công trường và các đơn vị chấp hành đầy đủ các mệnh lệnh, luôn bám sát hiện trường, động viên chính trị, tư tưởng, phát động thi đua.
Toàn công trường hừng hực khí thế lao động, tốc độ mở đường luôn luôn giữ vững, bảo đảm thông đường 15 - 20 kilômét mỗi tháng, một tốc độ chưa từng có đối với thi công mở đường đá. Bên phía bạn Lào, Công trường 128 do đồng chí Nguyễn Lang chỉ huy cũng phối hợp nhịp nhàng.
Sau 77 ngày đêm không nghỉ, ngày 27 tháng 4 năm 1966, hai công trường gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn tại Km 65 biên giới Việt - Lào.
Sau khi thông đường, 3 trung đoàn bộ đội rút ra tuyến trước. Đồng chí Vũ Quang Bình được điều đi công tác khác, còn lại đồng chí Khuê, Chủ nhiệm Chính trị cùng với Phòng Chính trị và Phòng Hậu cần.
Công trường còn 4 đội thanh niên xung phong được bố trí lại trên toàn tuyến, hoàn thiện nền đường, lát mặt đường, bảo đảm giao thông cho các đơn vị vận tải Binh trạm 14. Đến tháng 9 năm 1966 theo lệnh của Bộ Giao thông vận tải và Đoàn 559, Công trường tổ chức lại hai đội thanh niên xung phong là Đội 23 và Đội 25 gồm những thanh niên xung phong khỏe mạnh bàn giao cùng tuyến đường 20 sang Binh trạm 14 quản lý
Văn phòng Công trường chỉ còn nhiệm vụ tổng kết, quyết toán và giải quyết việc thực hiện chính sách cho thanh niên xung phong, công nhân còn lại được bàn giao về hậu phương.
Ngày 23 tháng 4 năm 1967, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ra quyết định thành lập Ban Xây dựng 67 bên cạnh Tổng cục Tiền phương do đồng chí Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh kiêm Chính ủy. Với nhiệm vụ tiếp nhận toàn bộ các lực lượng công nhân, thanh niên xung phong trên các tuyến 12A, 15A, 16, toàn bộ Văn phòng Công trường 20 trở thành bộ máy của Ban Xây dựng 67.
Đồng chí Hoàng Đạc làm Trưởng ban Xây dựng 67, các đồng chí: Hoàng Ngọc Phiên, Phan Tương, Đặng Thanh Cao, Lam Chí, Lê Như Cảnh làm Phó ban, đồng chí Trần Cát làm Bí thư Đảng ủy.
Còn tôi được Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên giao làm Tham mưu trưởng cầu đường Tổng cục Tiền phương. Cơ quan Ban 67 trở thành Ban Tham mưu cầu đường và từ đó chịu sự lãnh đạo song trùng của Bộ Giao thông và Tổng cục Tiền phương rồi Bộ Tư lệnh 500, tiếp tục phối hợp với các binh trạm 12, 14, 16 trong cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt gian khổ, chống lại mọi âm mưu thủ đoạn ác hiểm của địch, giữ vững mạch máu giao thông trên các tuyến đường Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn, phục vụ công cuộc giải phóng miền Nam cho đến ngày đại thắng.

 
 

tin tức liên quan