--------------------------------------------------------
TẾT NĂM ẤY
( Hồi ký )
Hoàng Văn Kính
Năm Giáp Tý (1984) tôi sinh con đầu lòng. Cháu cầm tinh con chuột, lại là chuột vàng nên cả nhà, hai bên nội ngoại phấn khởi lắm. Riêng bà xã thì khỏi phải nói rồi, mừng vui ra mặt và chỉ đạo: Năm nay nhà mình phải ăn tết thật đàng hoàng, thật chu đáo để chào mừng sự kiện trọng đại.
Chúng tôi bàn nhau dồn các loại phiếu: thịt, cá, đậu, đường… của tháng giáp tết và tháng tết lại cộng với 2 xuất quà tết Hà Nội cho đã đóng sẵn của 2 vợ chồng như vậy cũng được cái tết khá tươm tất. Cố gắng giành dụm cái giò mỡ, chai nước mắm, cân đường và lạng mì chính làm quà tết biếu ông bà ở quê.
Hồi ấy - những năm tám mươi, tem phiếu được chia theo các chế độ khác nhau. Cán bộ cao cấp được hưởng chế độ đặc biêt A1, rồi đến A, B, C còn loại sỹ quan nhàng nhàng như tôi thì được chế độ phiếu E. Tương ứng với mỗi loại phiếu lại có cửa hàng phục vụ riêng gọi là Mậu dịch quốc doanh. Cửa hàng ở phố Tông Đản chỉ giành cho phiếu A1, thuộc loại ưu tiên đặc biệt ( Đi xe Volga ăn gà Tông Đản). Phiếu E thì phải xếp hàng mua ở phố Nhà Thờ, Đặng Dung… Chả thế mà dân gian có câu: “ Tông Đản là của Vua quan./ Nhà Thờ là của trung gian nịnh thần./ Đồng Xuân là của thương nhân./ Vỉa hè là của nhân dân anh hùng.” Câu lẩy Kiều hồi đó là minh chứng sinh động về thời bao cấp: “ Bắt ở trần phải ở trần./ Cho may ô mới được phần may ô”. Còn lưu truyền cả bài ca 10 yêu: Một yêu anh có may ô/ Hai yêu anh có cá khô ăn dần/ Ba yêu rửa mặt bằng khăn/ Bốn yêu bàn chải đánh răng hàng ngày…
Sợ mua sớm không có tủ bảo quản. Sáng 25 tết, tôi dậy từ 3h sáng chuẩn bị tiền, túi đựng và nhét tất cả các loại tem phiếu vào túi, không quên cho mấy hòn gạch có ghi rõ họ và tên vào cái làn. Ý định bao giờ mua hết tem phiếu thì mới về.
Riêng cái viên gạch xếp hàng cũng rất quan trọng. Lơ mơ mà bị đánh tráo, nhận bừa hoặc quẳng đi thì hôm ấy hoặc hết hàng phải về tay không hoặc phải khuân đồ ôi thiu về. Phía trên viên gạch phải ghi rõ họ và tên rồi khi đặt xí chỗ phải gửi người trước, người sau, bỏ mũ cho họ nhận dạng lúc ấy mới yên tâm đi xếp ở cửa hàng khác. Ấy vậy mà có lần tôi cũng phải xách làn về không.
Vợ dặn: Tết nhất đến nơi rồi, anh cẩn thận mất là nhà mình không có tết đâu. Mà anh cố gắng xếp hàng để mua thật sớm chứ mua muộn là thịt ôi phải rửa bằng nước gạo không gói được giò đâu…
Tuần tự từ mậu dịch ở phố Đặng Dung, qua mậu dịch phố Nhà Thờ, rồi đến cửa hàng ở Bờ Hồ. Chỗ nào tôi cũng đặt một viên gạch xí chỗ. Chẳng biết dân tình đi xếp hàng từ bao giờ, lúc tôi đến trời còn đen như mực mà kẻ đứng người ngồi đã rồng rắn ra đến tận ngoài đường.
(Ảnh minh họa)
Chạy xô xong công đoạn thứ nhất, tôi quay lại phố Đặng Dung đứng xếp hàng thay cho viên gạch đã hoàn thành bổn phận của kẻ đóng thế. Dòng người rồng rắn mỗi lúc một dài phải oằn mình chống đỡ với sự xô đẩy, thi thoảng vài người lại bị ngã dúi dụi. Chen ngang, xô sát, cãi vã, chửi bới nhau với đủ mọi ngôn từ bẩn thỉu nhất. Phải đến tận 9h tôi mới tiếp cận được chỗ chị mậu dịch viên. Hí hửng thò tay vào túi lấy phiếu và tiền thì ôi thôi trong túi rỗng tuếch chẳng còn gì.
Tôi thất thần cúi xuống tìm xem có bị rơi không, rồi lại hỏi mấy ông, mấy bà đứng trước, đứng sau có ai nhặt được cho xin lại, tôi sẽ hậu tạ, nhưng ai cũng lắc đầu.
Chị mậu dịch viên nhìn tôi với ánh mắt ái ngại: Chắc anh bị móc túi rồi. Một bà xếp hàng ngay phía sau tôi nói nhỏ:
- Lúc nẫy có hai thằng choai choai chen vào xô đẩy, chắc nó móc túi của chú
rồi. Mà tại chú cũng sơ ý quá, lẽ ra phải để ở túi ngực rồi lấy kim băng cài vào cho cẩn thận. Thế chú bị mất có nhiều không?
Tôi kể lại những thứ đã mất, mọi người nhìn anh bộ đội với ánh mắt thương cảm: Khổ thân chú, mất hết rồi lấy gì mà ăn tết.
Tôi thất thần bước ra khỏi dây chuyền xếp hàng, đi xa mấy bước vẫn còn nghe tiếng xì xầm: Bọn vô lương tâm, quân mất dậy, cả năm mới có một cái tết…thương chú bộ đội quá, thế là mất tết rồi.
Buồn bã ngồi xuống vỉa hè vừa để trấn tĩnh vừa hy vọng có ai nhặt được thì
cho tôi xin lại. Bỗng có ông cụ tầm trên dưới 80, râu và tóc bạc trắng, mặc bộ Tôn Trung Sơn bạc màu, tập tễnh trên đôi nạng gỗ để tờ giấy ngồi xuống cạnh tôi hỏi chuyện về gia cảnh, đơn vị công tác…Câu chuyện qua lại cũng phải gần 30 phút, rồi cụ móc túi đưa vào tay tôi một tập phiếu mang tên Nguyễn Đình Lân. Cụ bảo:
- Con cầm lấy tập phiếu này vào mua hàng. Sắp đến lượt rồi, chỗ cái làn xanh là của ông.
Tưởng cụ muốn bán lại cho tôi: Nhưng con mất hết cả tiền rồi.
- Không, ông cho con. Nhận lấy đi, ông không đùa đâu.
- Cảm ơn cụ, nhưng con không thể cầm được. Đưa hết cho con thì các cụ lấy
gì mà ăn tết – Tôi dứt khoát từ chối.
- Ông vẫn còn phiếu của bà cơ mà. Vả lại nhà có 2 ông bà già ăn uống được bao nhiêu. Có tháng mua về dùng không hết lại phải cho đi.
- Thế con cái của cụ đâu cả - Tôi hỏi.
- Ông bà không có con. Thôi con cứ cầm lấy cho ông vui – Nói rồi cụ cầm tập phiếu nhét vào túi áo ngực tôi rồi vội vã chống nạng đi.
Tôi vội chạy theo hỏi địa chỉ của cụ. Cụ bảo cụ không có nhà nên đừng tìm.
Nghe cái xe đạp phánh kít trước cửa nhà, vợ tôi vội bế cậu ấm ra đón:
- Bố về đây rồi. Hôm nay đông lắm sao anh về muộn thế, có mua được hết phiếu không anh?, Đủ cả, thôi anh ngồi nghỉ, bế con để em làm cho, để đến chiều ôi mất.
Nghe xong câu chuyện tôi gặp “ tiên ông ” cho phiếu, vợ tôi sụt xùi trong nước mắt: Thời buổi tem phiếu còn quý hơn cả vàng, sao lại có người tốt thế anh nhỉ. Lần sau có gặp lại nhất định anh phải mua cân quả thật ngon để cảm ơn cụ.
Thương cụ quá, không biết hoàn cảnh có thật như vậy hay vì cụ sợ anh không nhận mà nói như thế.
- Anh cũng chỉ biết cụ nói thế, nhưng có điều chắc chắn cụ từng là bộ đội, từng chiến đấu ở Điện-Biên-Phủ, là thương binh bị mất một bên mắt và môt cẳng chân từ dưới đầu gối.
Ba tháng sau cũng ở mậu dịch Đặng Dung tôi chợt thấy cụ. Sau khi chạy vội ra góc phố mua cân quả, xán lại gần tôi cất lời:
- Con chào cụ, cụ có nhận ra con không ạ.
Lặng lẽ nhìn tôi từ đầu xuống chân, từ chân lên đầu. Mắt cụ dừng lại ở cái túi quà tôi đang cầm trên tay, cụ lắc đầu:
- Anh nhận nhầm người rồi, tôi không quen biết anh.
- Dạ…tôi đang định kể lại chuyện cụ cho tôi tem phiếu hôm trước tết thì cụ quay đi chỗ khác. Tôi xích lại gần hơn khẽ gọi một lần nữa, nhưng cụ không thưa mà cũng chẳng quay lại.
Cầm gói quà tôi thẫn thờ bước ra khỏi hàng. Tự trách mình: giá như không có gói quà trên tay, chắc cụ đã nhận ra tôi.
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN