Thắp sáng truyền thống bộ đội Trường Sơn

Ngày đăng: 09:50 22/02/2022 Lượt xem: 217

Thắp sáng truyền thống bộ đội Trường Sơn

22/02/2022 14:42 Số lượt xem: 158  
Phát huy phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, những năm qua, Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh tỉnh nêu cao tinh thần đoàn kết, tăng cường bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân; chăm lo công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; đẩy mạnh hoạt động “Nghĩa tình đồng đội”.

Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh tỉnh có hơn 2.654 hội viên sinh hoạt ở 8 huyện Hội. Ông Nguyễn Trung Phụng, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh tỉnh cho biết: “Xác định nhiệm vụ tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Hội chủ động quán triệt cho cán bộ, hội viên các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua đó, giúp mỗi hội viên nâng cao nhận thức chính trị, thể hiện quan điểm, lập trường tư tưởng vững vàng, không hoang mang dao động trước khó khăn, thách thức, đấu tranh chống các thế lực phản động, thù địch.
 Những năm qua, Hội luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Qua những thước phim lịch sử, các cuộc giao lưu, tọa đàm, nói chuyện truyền thống đã giúp mọi người hiểu rõ hơn về những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Bộ đội Trường Sơn đã cùng các lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến luôn sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, vượt qua “mưa bom bão đạn” làm nên tuyến giao liên, giao thông huyết mạch đặc biệt quan trọng, kịp thời chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn.
 Từ khi thành lập (năm 2012) đến nay, Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh tỉnh cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 3 đợt trưng bày triển lãm tài liệu, kỷ vật chiến tranh tại Bảo tàng Bắc Ninh như: Cuộc đời và sự nghiệp Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Thân ở xã Đức Long (Quế Võ); Anh hùng LLVT nhân dân, bác sỹ Tạ Lưu ở phường Tương Giang (thành phố Từ Sơn) và hơn 500 khẩu súng, vỏ đạn, bình tông, dép cao su, xe đạp thồ, khăn tay, lá thư, con dao, hộp thuốc, đèn dầu, thìa, cốc, chiếc cào, chiếc thuổng...  

 

Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham quan triển lãm trưng bày chủ đề “Trường Sơn-Con đường huyền thoại” ở Bảo tàng tỉnh. Ảnh tư liệu.

 

Ông Nguyễn Quốc Lập ở xã Song Hồ (Thuận Thành) chia sẻ: “Chiến tranh đã đi qua, những kỷ vật chiến tranh vẫn thường nhắc nhở chúng tôi về những ngày ra trận, về ý chí kiên trung, sự hy sinh cao cả  của những người đồng đội. Bởi thế tôi đã trao tặng tất cả những kỷ vật chiến tranh sau nhiều năm lưu giữ cho Bảo tàng tỉnh, không chỉ để cho cán bộ, hội viên ôn lại quá khứ hào hùng mà còn giúp thế hệ trẻ tri ân với các thế hệ cha ông”. Mỗi kỷ vật của ông và những người đồng đội đều mang theo những câu chuyện cảm động về cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, giúp những người đến tham quan hiểu thêm về thực tế cuộc sống nơi chiến trường, những gian khổ, hy sinh mà cán bộ, chiến sỹ bộ đội Trường Sơn đánh địch mà đi, mở đường thẳng tiến, chi viện giải phóng miền Nam.
Năm 2019, Hội xuất bản cuốn sách “Lính Trường Sơn-Ký ức chiến tranh”. Nội dung tư tưởng của cuốn hồi ký là ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong các cuộc hành quân trên con đường Trường Sơn huyền thoại, qua các địa danh đã trở nên bất tử như: Truông Bồn, Ngã Ba Đồng Lộc, Đường 20 Quyết Thắng, đèo Mụ Dạ, suối Rụng Tóc, Hang Tám Cô... Hàng trăm bài viết là những câu chuyện đời thường, cùng những cách làm hay sáng tạo của người lính bộ đội Trường Sơn trong giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến không khoan nhượng với kẻ thù. Tiêu biểu như: “Trái tim người lính” của Hoàng Ngọc Bính; “Một thời trận mạc” của Đàm Lưu Hào; “Chuyện về người gánh ba lô vượt Trường Sơn ra trận” của Trần Hữu Đạo; “Ký ức không quên những mùa khô ở Trường Sơn” của Tạ Lưu; “Tuyến đường ống dẫn dầu Trường Sơn vượt bão lửa, bom đạn tiến ra mặt trận” của Nguyễn Minh Phượng.... Họ không phải là những cây bút chuyên nghiệp nhưng tập Hồi ký thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc qua những ký ức chân thực về một thời chiến đấu, hy sinh, góp phần quan trọng trong việc giáo dục lòng yêu nước, ý chí quật cường cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Trở về cuộc sống đời thường, những người lính Trường Sơn luôn giữ gìn, thắp sáng tinh thần đồng đội, chia sẻ với nhau những khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Năm 2021, Hội phối hợp với Trung tâm nhân đạo, Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tổ chức khám, cấp phát thuốc miễn phí cho 280 hội viên có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Quế Võ với số tiền hơn 100 triệu đồng; tặng 70 chiếc chăn mùa đông cho hội viên; trao nhiều suất học bổng cho các cháu của hội viên vượt khó, học giỏi; tham gia ủng hộ 120 triệu đồng cho quỹ phòng, chống dịch COVID-19…
Thời gian tới Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh tỉnh không ngừng rèn luyện, củng cố tổ chức Hội trong sạch vững mạnh, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phong Vân
tin tức liên quan