Từ đây, dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, các anh, các chị luôn sẵn sàng túi cứu thương trên vai, nhanh chóng phân loại thương binh, cứu chữa bằng tất cả khả năng của mình. “Có lẽ không chỉ riêng tôi mà hầu hết những chiến sĩ Trường Sơn đều có chung cảm nhận về sự chân thành và tấm lòng hết mình vì đồng đội của các chiến sĩ quân y. Tôi nhớ có một lần đi họp ở binh trạm bộ, nghe các anh kể về chị Nguyễn Thị Am, cô gái Phú Thọ có thân hình “bé hạt tiêu” mà bất cứ khi nào có đoàn đi đến các trọng điểm cấp cứu, chị Am đều có mặt. Hay như chị Hà Kim Đỉnh, ở Binh trạm 32 đóng ở gần núi Phu Kiều, chỉ cần nghe có thương binh về là chị sẵn sàng lao ra cấp cứu đưa về trạm...”, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Vận tải 52 cho biết.
Cuộc sống và chiến đấu gian lao, hiểm nguy, thiếu thốn lại thêm điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, hết sức khó khăn nhưng các nữ quân y của lớp Y16 như: Nguyễn Thị Hồng Chuyên, Nguyễn Thị Mai Hoa, Vũ Thị Bình, Nguyễn Thị Kim Quy... vẫn bám theo đội hình đơn vị, ở ngay trên các trọng điểm để sẵn sàng cứu chữa thương binh, bệnh binh. Y sĩ Nguyễn Thị Bích Nải, quê ở xã Xương Thịnh (Cẩm Khê, Phú Thọ), kể: “Thật không may, hôm ấy trạm phẫu của binh trạm chúng tôi bị địch phát hiện. Một chiếc OV10 lượn qua lượn lại trên cao thám thính. Chưa đầy một giờ sau, B-52 đã trút bom xuống. Mọi người không kịp sơ tán. Chúng tôi quay lại hầm của thương binh, bệnh binh bất động để di dời họ. Mới sơ tán được một lượt thì một quả bom rơi trúng hầm. Toàn bộ thương binh, bệnh binh chưa kịp chuyển đi đã hy sinh. Mọi người thu dọn, sắp xếp lại mọi thứ mà nước mắt không ngừng rơi vì nỗi đau mất mát đồng đội mà không làm gì được!”. Còn y sĩ Nguyễn Thị Kim Quy thì kể: “Binh trạm 36 là một trong những đơn vị nằm sâu nhất trên tuyến Trường Sơn. Có lần, chúng tôi cấp cứu một ca sinh nở khó của một sản phụ người Lào, chỉ cứu được cháu bé và đặt tên là Ngọc Việt còn người mẹ không qua khỏi. Do người cha đi vắng nên sau đó, những cô gái trẻ chưa từng nói tiếng yêu như chúng tôi đã trở thành những “người mẹ bất đắc dĩ”, nuôi nấng Ngọc Việt gần một năm, đến khi cứng cáp, bố cháu có khả năng chăm sóc mới đến đón về”...
|
Các y sĩ Trường Sơn sưu tầm kỷ vật tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN KIM |
Nhưng có lẽ đặc biệt ấn tượng với chúng tôi hơn cả là tình cảm của hai người bạn chí thân Trần Thị Bích Hảo, Hà Thị Yến Lan ở Binh trạm 37. Hai người cùng quê, Yến Lan lớn tuổi hơn nên coi Hảo như em gái, quan tâm, lo lắng rất chu đáo. Thời gian ở chiến trường, họ không nhớ nổi đã tiếp đón, chăm sóc bao thương binh từ miền Nam chuyển ra cũng như đồng đội hành quân vào bị sốt rét, ốm đau vào điều trị. Mỗi khi có thương binh về, các cô gần như thức trắng đêm để tiếp nhận rồi trực tiếp theo dõi, điều trị và chăm sóc. Sáng sớm 18-3-1969, bệnh xá binh trạm nhận được điện của Ban chỉ huy Binh trạm lệnh nhanh chóng chuyển sâu vào trong rừng. Cả đơn vị phải băng nhanh qua những cánh rừng dù đường đi rất hiểm trở, vất vả. “Đang chuẩn bị gùi nốt gạo về đơn vị cũ thì chúng tôi bị một chiếc OV10 phát hiện. Nó lượn lờ vài vòng rồi bắn xuống mấy viên đạn khói. Chỉ ít phút sau, máy bay Mỹ đến trút bom. Chúng tôi chạy vào hầm trú ẩn tự nhiên do khe nước chảy tạo thành. Trong làn bom nổ, chị Lan lao lên dốc để về hầm. Một quả bom bi đã nổ văng mảnh trúng ngực, khiến chị gục xuống. Khi chúng tôi chạy đến thì thấy chị nằm trên một vũng máu. Trong hơi thở khó nhọc, chị vẫn cố dặn chúng tôi gắng thay chị chăm sóc thương binh thật tốt rồi ra đi”, y sĩ Trần Thị Bích Hảo kể lại.
Sự ra đi của người chị thân thiết khiến Bích Hảo ốm liệt giường mấy ngày. Rồi được đồng đội động viên và nhớ lời dặn của chị Lan trước khi hy sinh, Hảo đã vượt qua nỗi đau, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cứu chữa thương binh. Sau này, chính cô đã cùng đồng đội mang hài cốt của liệt sĩ Hà Thị Yến Lan về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Cho đến tận bây giờ, cô vẫn lập bàn thờ chị Lan ở ngay ngôi nhà của mình, hằng ngày hương khói chu toàn như người thân ruột thịt...
Hơn 50 năm đã trôi qua, những y sĩ của Y16 đã trở về với cuộc sống đời thường. 60 nam thanh nữ tú ngày ấy giờ không còn đông đủ, nhưng những người còn lại hằng năm đều cố gắng thu xếp công việc để gặp mặt, cùng nhau nhớ về thời thanh xuân sôi nổi. Chúng tôi có may mắn được tham dự nhiều cuộc gặp cùng những chuyến đi nghĩa tình đồng đội của Y16 Trường Sơn như thế.
TUẤN TÚ