Sắp đến ngày 03/10/2015, kỷ niệm 42 năm ( 03/10/1973 ngày 08/9/Quý Sửu), ngày giỗ chung của 200 liệt sĩ sinh viên thuộc Trung đoàn 207, Quân khu 8 (cũ)- ngày giỗ của những “Thành hoàng đội mũ cối”. Với tấm lòng thành kính với các ...
Sự tích
"Miếu Bắc Bỏ" và những vị "Thành Hoàng đội mũ cối"
Những sinh viên ra trận
Tôi còn nhớ tháng 9 năm 1972, lúc đó chúng tôi là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Xây dựng Hà Nội, nhà trường có một đợt tuyển quân với quy mô lớn. Số sinh viên từ khóa 13 đến khóa 16 nhập ngũ là 125 (theo thống kê của của “Trở về từ ký ức”), riêng khóa 16 chúng tôi có gần 30 bạn. Hầu hết trong số này đã vượt Trường Sơn vào miền tây Nam Bộ biên chế vào Trung đoàn 207, Quân khu 8. E207 chiến đấu ở vùng Mỏ Vẹt, biên giới Việt Nam- Căm Pu Chia. Chúng tôi đã được những người bạn kể lại về cuộc hành quân vào Nam vất vả gian nguy, về những trận đánh khốc liệt với kẻ thù, nhưng họ vẫn còn là những người may mắn sống sót trở về. Còn rất nhiều bạn đã trở thành những Liệt sĩ được anh Tư Tờ thờ trong ngôi miếu “ Bắc Bỏ” suốt 38 năm.
Bi tráng ấp Đá Biên
Đầu tháng 10/1973, Trung đoàn 207 đang chiến đấu ở vùng Mỏ Vẹt thì được lệnh hành quân về chiến đấu ở khu vực Mỹ Tho. Đêm 03/10, Trung đoàn triển khai đội hình hành quân từ Ba Thu (đất Campuchia) vượt sông Vàm Cỏ Tây đến ấp Đá Biên, huyện Mộc Hóa, tỉnh Kiến Tường (nay thuộc xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) thì trời vừa sáng nên đơn vị phải ém quân vào các mảnh rừng tràm nghỉ ngơi. Năm ấy nước lên to đã nhấn chìm các gò đất, chỉ còn những cây tràm kiên cường vươn lên giữa nước trắng mênh mông. Vì hành quân bộ suốt đêm giữa đồng nước, có đoạn ngập đến tận cổ nên anh em mệt mỏi nhất là cánh Tiểu đoàn 1. Phần lớn Tiểu đoàn là tân binh vốn là sinh viên, trong đó khá nhiều là sinh viên Trường Đại học Xây Dựng, một số ít sinh viên Đại học Bách khoa mới được bổ sung về đơn vị trước đó hai ngày.
Vùng ngập trũng ấp Đá Biên
Buổi sáng hôm đó, máy bay trinh sát địch phát hiện ra các anh bởi tràm quá thưa. Ngay lập tức chúng huy động xe bọc thép M113 chở quân ồ ạt đến bao vây; trên trời, hàng chục chiếc máy bay trực thăng quần đảo vãi đạn như mưa xuống bất cứ chỗ nào chúng nghi có bộ đội.
Địch khép vòng vây hòng bắt sống sở chỉ huy trung đoàn. Trước tình thế vô cùng hiểm nguy, đơn vị đã nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu với tinh thần cảm tử, bắn cháy máy bay trực thăng, tiêu diệt nhiều tên địch và sau một ngày giao tranh ác liệt họ đã mở được đường máu đưa sở chỉ huy trung đoàn thoát khỏi vòng vây.
Các chiến sĩ Tiểu đoàn 1 đã bám chặt trận địa, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, nhưng vì địa hình bất lợi, lại bị tập kích bất ngờ và lực lượng chiến đấu không cân sức nên gần 200 chiến sĩ đã hy sinh.
Sang ngày thứ hai và những ngày tiếp theo, địch vẫn tiếp tục đưa trực thăng tới quần đảo nhằm tiêu diệt những chiến sĩ còn sống. Không chỉ mưa đạn, địch còn cho quân chốt các ngả không cho đơn vị vào lấy tử sĩ và cứu thương binh, đến khi cảm thấy không còn ai có thể sống sót chúng mới rút đi.
Khi địch rút, đại đội trinh sát cùng với du kích địa phương mới tổ chức được lực lượng vào tìm đồng đội. Duy nhất còn một chiến sĩ bị thương đang hấp hối và sau này anh được cứu sống. Thi thể các liệt sĩ nổi trên mặt nước, dạt vào cạnh những thân cây, bên những bông súng, bông điên điển hồn nhiên xòe cánh. Đồng đội đã phải dùng màn để vớt từng phần thi thể các anh, rồi gom các mảnh xương còn mắc trên cành cây. Do xung quanh toàn nước không có đất chôn nên đồng đội phải bó từng thi thể lại, bọc trong bao ni lông buộc chặt vào thân cây tràm nhờ bà con chôn giúp khi nước cạn. Bàn giao liệt sĩ cho địa phương xong, đơn vị lại tiếp tục hành quân về mặt trận mới.
Từ ngôi Miếu “ Bắc bỏ” và những vị “Thành hoàng đội mũ cối”
Mặc dù, khi chiến sự tạm lắng những du kích và những người dân địa phương đã cố công tìm kiếm, nhưng do thời tiết khắc nghiệt vùng ngập sâu và do chiến tranh nên rất ít trong số 200 liệt sĩ được mai táng.
Đến năm 1992, nhân dân đã về vùng này khai hoang trồng lúa và sống chung với lũ. Khi gặp hài cốt liệt sĩ phần thì không phân biệt được ai với ai, phần thì hài cốt nhiều nên nhân dân đã chôn chung các anh với nhau. Khi đi quy tập, nhân dân đau lòng quá mà không biết làm sao nên đành đưa các anh về chôn chung thành ngôi mộ tập thể tại nghĩa trang Mộc Hóa.
Anh Tư Tờ trước Miếu " Bắc bỏ"
Thế nhưng từ trước đó, có một người dân ấp Đá Biên là anh Tư Tờ đã hiến 200 m2 đất lập một ngôi miếu để thờ các Liệt sĩ. Đó là một chòi lợp tôn đơn sơ, giữa chòi là tấm bia xây bằng gạch đỏ thâm thấp không tô trát gì nhưng mọi người dân đều gọi tên là “Miếu Bắc Bỏ”. Trên vách, thờ lá cờ đỏ sao vàng. Bên dưới tấm bia là bát nhang và ly, dĩa dùng để đồ cúng. Trên nền xi măng là dòng chữ HY SINH GÌ (VÌ) TỔ QUỐC và ngày tháng lập bia. Anh Tư Tờ nói năm 1974, gia đình anh về vùng này sinh sống. Anh thường bơi xuồng đi tìm bình tong đựng nước, cà-mèn, mũ cối… Nhiều lần anh gặp hài cốt các liệt sĩ.
Đến dịp lễ tết hoặc ngày giỗ liệt sĩ mùng 8-9 âm lịch là dân cả vùng ai có thức gì đều mang đến bày ra cúng vong hồn liệt sĩ. Mặc dù chưa có ngôi đình làng theo đúng nghĩa, nhưng dân ấp Đá Biên vẫn tôn vinh 200 Liệt sĩ sinh viên là những vị "Thành hoàng đội mũ cối”
Một trận đánh có 200 liệt sĩ hy sinh, xương cốt của họ còn vương khắp vùng ngập nước ấp Đá Biên mà chỉ có một ngôi miếu thờ đơn sơ mang tên “Bắc Bỏ” suốt gần 40 năm trời- thật là chua xót.
Đến khu Tưởng niệm liệt sĩ E207
Thể theo nguyện vọng của Ban LL E207, được sự hỗ trợ kinh phí của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), ngày 22-10-2012, UBND tỉnh Long An cùng Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 207 đã làm lễ khánh thành Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207. Ngôi đền đỏ nổi bật giữa đất trời mênh mông để tưởng nhớ gần 200 chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh ngày 3-10-1973 tại ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An...
Những cựu sinh viên Đại học XD chúng tôi đã có dịp viếng thăm Khu tưởng niệm và thắp hương cho 200 liệt sĩ, trong đó có các bạn sinh viên cùng khóa, cùng lớp K16 Xây dựng có tên trên hàng bia Liệt sĩ.
Vũ Trình Tường