Nhớ lại một thời khóa 1 trung cấp xăng dầu thi công đường ống vượt TS

Ngày đăng: 08:30 01/10/2015 Lượt xem: 709

 

MỘT THỜI NHỚ LẠI

Khóa 1 Trung cấp Xăng dầu-quân đội đi làm đường ống 

vượt Trường Sơn năm 1968

Đại tá  Nguyễn Đăng Toản

 

 

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hệ thống đường ống vận chuyển xăng dầu đã góp phần to lớn trong việc chi viện cho chiến trường Miền Nam. Nhiều cán bộ chiến sĩ đã tham gia ngay từ những ngày đầu mở tuyến. BBT trân trọng giới thiệu bài biết của Đại Tá Nguyễn Đăng Toản nguyên Chủ nhiệm khoa Xăng dầu- Học Viện Hậu Cần về một thời đi xây dựng tuyến ống.

 

Ngày 02/12/1968, khóa 1 Trung cấp Xăng dầu với phiên hiệu đại đội 5 của Trường Trung cấp xe xăng đang trong giai đoạn học tập năm thứ nhất thì được lệnh đi thực tế đột xuất xây dựng tuyến đường ống.

Sau một ngày chuẩn bị để một bộ phận ở lại chuyển trường về địa điểm mới còn lại đại bộ phận lên đường làm nhiệm vụ. Vượt chặng đường dài từ Xóm trại xã Bình Thuận, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên để đến huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh trong thời chiến thật gian nan vất vả. Song ai nấy đều phấn khởi lên đường với quyết tâm cao. Vượt chặng đường dài gần 500 cây số, đến địa điểm đúng thời gian quy định. Tập kết bên bờ sông Ngàn Sâu khu vực địa lợi thuộc thuyện Hương Khê – Hà Tĩnh, đúng là một địa điểm mới mẻ, xa lạ, thày trò thật ngỡ ngàng, chỉ dựa vào bản đồ để đi. Không gặp được bộ phận đón tiếp, nhìn đồng hồ đã quá 22 giờ 45 phút, đêm khuya thanh vắng tìm đâu ra đơn vị cần đến bây giờ. Cấp ủy và chỉ huy đơn vị hội ý chớp nhoáng quyết định tạm thời đóng quân để đi tìm liên lạc. Chính trị viên ở lại quản lý đơn vị, tổ chức cho anh chị em ngủ nghỉ, đại đội trưởng dựa vào bản đồ tìm đến đơn vị có tên gọi là công trường X40. Đêm đã khuya nhân dân thưa thớt, trên đường không gặp một ai, mày mò tìm mãi tới 2 giờ sáng mới gặp được một xóm nhỏ trên đường. Vào nhà thứ nhất hỏi không ai trả lời, tiếp đến nhà thứ hai, thứ ba chỉ nghe một tiếng ngắn gọn: “không biết”, mệt, đói, đã có lúc phát bực và khó chịu, song nhớ lại phong trào 3 không của đồng bào khu 4 để giữ bí mật thì càng thấy lòng dân thật tuyệt vời. Rút kinh nghiệm vào nhà thứ 4, không hỏi công trường nữa mà hỏi là đội làm thủy lợi thế là được chỉ dẫn rất chu đáo.

Gặp được đúng ban chỉ huy công trường X40, anh Hoàng Dương là Phó chỉ huy công trường cũng vừa về tới nhà sau khi đi đón chúng tôi không gặp, anh nói vui: “Đi đón chờ mãi không thấy các cậu từ chiều đến 10 giờ đêm tớ đành phải về đây, vừa chợp mắt?, các cậu đã ăn uống gì chưa? Đơn vị ở đâu? Rồi anh định cử liên lạc đi đón ngay nhưng chúng tôi đề nghị thôi để sáng mai, bây giờ đã gần 3 giờ sáng rồi, đi lại vất vả quá. Bác chủ nhà cũng thức dậy và đón, đồng thời đưa ra một đĩa khoai và một ấm trà xanh còn nóng hổi, đón tiếp vui vẻ. Lòng chúng tôi lúc này thấy ấm lại với tình cảm quân dân, cá nước. Ngả lưng xuống giường cho đỡ mệt, hình ảnh đơn vị với 56 con người, trong đó có 2 chỉ huy, 4 phục vụ và 50 con người rồi đây sẽ làm nhiệm vụ ra sao. Ngoài 4 thầy giáo còn lại là học sinh trong đó lại có 8 nữ, tuổi đời hầu hết còn rất trẻ đa số 18, 20 với công việc lắp ráp tuyến ống sẽ ra sao?

Sáng 5/12/1968, được Ban chỉ huy công trường giao nhiệm vụ thi công tuyến đường ống Mặt Bích tiếp chuyển với tuyến ống dã chiến vượt tam giác lửa Vinh Nam Đàn, Hà Tĩnh để vào tuyến trong. Thấy Ban chỉ huy công trường có phần băn khoăn lo lắng với đơn vị chúng tôi về tuổi đời, về nghiệp vụ quá non nớt, song chúng tôi cố gắng thuyết phục và hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi xin được tham quan thực tế đơn vị đã đến trước với phiên hiệu K50 cũng gồm 50 người, hầu hết là công nhân cơ khí có sức khỏe, tay nghề kỹ thuật khá. Ban Chỉ huy công trường giao cho chúng tôi phiên hiệu K56 với thời gian công tác từ 1-2 tháng. Nhận nhiệm vụ đơn vị đã tổ chức học tập tại chỗ, nghiên cứu các bước triển khai, xin được thăm quan đơn vị bạn, sau đó phân công nhiệm vụ để triển khai thực hiện. Ống Mặt Bích nặng tới 70kg, nếu là nữ phải 2 người một ống, lắp ráp thì nhiều chu trình phức tạp, phải bôi đệm, ép plastic, lắp bu lông mỗi đoạn 6 cái và phải đảm bảo kín, khít tuyệt đối. Ngày đầu triển khai thực hiện K56 chỉ làm được 30 ống/ngày trong khi đó K50 năng suất là 130ống/ngày. Khó khăn không quản, gian nan không sờn, các tổ nhóm rút kinh nghiệm, sắp xếp lại lực lượng sao cho hợp lý. Lợi dụng đêm trăng chúng tôi tập lắp ráp nguội, nghiên cứu để cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến, động viên tinh thần tuổi trẻ, quyết tâm của học viên của một nhà trường để đưa năng suất lên cao hơn. Ngày thứ hai năng suất có nhóm đã tăng gấp đôi, có nhóm tăng gấp ba, giai đoạn cuối cùng có nhóm đạt 180 – 210 ống/ngày vượt K50. Chúng tôi được công trường tặng danh hiệu “Con chim đại bàng của X40”.

Kết thúc thi công ống Mặt Bích ở Hương Khê, Hà Tĩnh, K56 được điều động vào công trường 18 làm ống dã chiến. Lần đầu tiên thầy trò được đi trên đường vận tải chiến lược, qua Tân Ấp, Tân Đức, Khe Tang, Khe Ve vào được Binh trạm 12 với bao gian nan vất vả. Đường đi nhiều núi, nhiều đèo, nhiều hố bom chằng chịt, lội suối qua ngầm, ngồi trên xe mà lắc lư liên tục như trên tàu đi biển. Có đoạn, đường  chơn lầy, phải nhờ xe bạn kéo. Có đoạn vách đá cao, vực sâu thẳm trượt bánh xe là lộn nhào. Nhiều đoạn phải nhắm mắt không dám nhìn đường để giữ ổn định thần kinh. Qua Bãi Dinh được 3km thì gặp tiền trạm của công trường 18 đón. Lúc này phía trước ở đèo Mụ Dạ -050 đèn dù sáng vùng trời. Bom nổ râm ran, rung chuyển cả trục đường hành quân. Chúng tôi phải sơ tán ẩn nấp hết đợt oanh tạc xe lại đi. Quay lại Bãi Dinh đơn vị được trú quân ở một địa điểm đầy đủ nhà hầm, có suối nước bao quanh, có bếp Hoàng Cầm chống khói để làm nhiệm vụ lắp ráp tiếp nối tuyến đường ống dã chiến từ Xóm Trứng lên Cổng Trời. Bãi Dinh cũng là một tọa độ bom thường thả ở trên đường 12. Chúng tôi nhanh chóng ổn định chỗ ở, nghiên cứu địa điểm thi công, tập huấn kỹ thuật lắp ráp ống dã chiến để sẵn sàng thi công. Một ngày đóng quân đã chứng kiến sự oanh tạc ác liệt của không quân Mỹ ở xung quanh Bãi Dinh, bom đạn nổ rầm trời, nhà hầm rung lắc mạnh, đây là những cảm xúc đầu tiên bom đạn Mỹ của thầy và trò. Sau những đợt đánh bom các tổ cứu thương, cứu sập, chữa cháy tỏa đi làm nhiệm vụ, nhìn những chiếc cáng thương của đơn vị bạn càng thấy căm thù lũ giặc xâm lược và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Bắt tay vào nhiệm vụ lắp ráp đường ống dã chiến đơn giản hơn Mặt Bích nhiều. Trọng lượng mỗi ống dã chiến cũng nhẹ hơn khoảng 30kg. Mỗi người có thể vác được 1 ống thoải mái. Những ngày đầu làm gần khu vực Bãi Dinh, sáng đi tối về, toàn đơn vị tập trung lắp ráp vượt núi, vượt suối. Những ngày sau đi sâu vào rừng, đơn vị đã dựng lán trại tại chỗ để thi công. Đồng chí kỹ sư Bế Hùng, cán bộ kỹ thuật, đồng chí Đỗ Ngọc Ngạn, đại diện tiền phương của Cục Xăng dầu bám sát kiểm tra từng mối nối để bảo đảm an toàn tuyệt đối khi vận hành, tuyến ống có đoạn đi theo đường của vua Hàm Nghi chạy giặc năm 1884 – 1885. Đường này rất rậm rạp, lâu ngày không có vết chân người, muỗi vắt thì vô kể, rừng núi thì hiểm trở. Sau một ngày lao động khi về lán trại phải dành thời gian để kiểm tra vắt, thế mà có em còn ngồi khóc suốt đêm vì thấy vắt còn trong người. Nhiều đoạn vượt đá tai bèo, với dốc cao phải dùng dây kéo từng đoạn ống, những chỗ cheo leo phải buộc dây an toàn. Chúng tôi càng làm càng có nhiều kinh nghiệm. Giai đoạn tổng lực để nối tuyến đơn vị đã phải chia nhỏ nhiều đoạn để tránh ùn tắc. Nhiều sáng kiến nảy sinh, đồng chí Đỗ Ngọc Ngạn và cán bộ kỹ thuật rất hài lòng với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của K56. Chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt yêu cầu kỹ thuật đề ra và đơn vị đã được trở về trường để tiếp tục khóa học đào tạo Trung cấp kỹ thuật xăng dầu.

Tổng kết đợt lao động đơn vị 100% được khen thưởng, trong đó 50 Bằng khen, 6 Giấy khen và 1 đài bán dẫn là phần thưởng ghi nhận công lao của thầy trò lớp đào tạo Trung cấp xăng dầu đầu tiên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chúng tôi góp phần tạo nên một truyền thống đẹp của nhà trường ngay từ những ngày đầu. Phát huy kết quả truyền thống của đợt lao động thực tế trên công trường X40 và 18 xây dựng cả hai loại ống trên đường ống chiến lược, trở về trường quyết tâm học tập, hoàn thành tốt khóa học, tốt nghiệp ra trường 100% đạt yêu cầu, có 87% khá giỏi. Học sinh trung cấp đầu tiên tỏa về các đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều đồng chí được tiếp tục đi đào tạo ở các bậc cao hơn để trở thành kỹ sư, thạc sĩ của ngành xăng dầu và cán bộ cao cấp trong ngành, góp phần xây dựng ngành xăng dầu quân đội.

 

 

 

 

tin tức liên quan