Còn mãi ký ức Trường Sơn

Ngày đăng: 02:41 05/10/2015 Lượt xem: 476

Còn mãi ký ức Trường Sơn

 Trong chiến tranh, những người lính Trung đoàn 4 - Ngô Gia Tự đã cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, "chia lửa" với đồng bào miền Nam, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Trong ký ức họ, những năm tháng xẻ dọc Trường Sơn, mở đường cho xe ra mặt trận luôn sống mãi. 

ký ức Trường Sơn, Ngô Gia Tự, mùa Xuân năm 1975, thôn Cấm, xã Lương Phong, Nguyễn Đức Vị

Chiến sĩ Trung đoàn 4 năm xưa cùng nhau ôn lại kỷ niệm mở đường Trường Sơn.

Tự hào "Đường 20 Quyết thắng"

Ngày 14-9-1965, hơn 1.200 thanh niên các dân tộc tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh) hăng hái tòng quân. Các anh chị được biên chế tại Trung đoàn 4 - Ngô Gia Tự. Qua nhiều giai đoạn, Trung đoàn hoạt động trong đội hình Sư đoàn 320, Đoàn 559 và Sư đoàn 470. Là cựu chiến binh của Trung đoàn, Trung tá Nguyễn Đức Vị (SN 1931), hiện ở thôn Cấm, xã Lương Phong (Hiệp Hòa) luôn nhớ về những ngày tháng nơi chiến trường. Đó là một phần cuộc sống, một phần ký ức không thể nào quên. 

Ông kể, năm 1966, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 quyết định mở thêm tuyến đường mới để rút ngắn thời gian chi viện từ miền Bắc vào miền Nam, phá thế độc đạo, nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn. Trung đoàn 4 được huy động mở tuyến đường dã chiến này. Anh chị em quyết tâm làm ngày làm đêm với khẩu hiệu “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Dưới nắng nóng bỏng rát, ông Vị cùng đồng đội treo người lơ lửng trên vách núi, đục từng lỗ nhỏ chứa thuốc nổ, gài dây cháy chậm. Phá đá đến đâu, đường được san phẳng đến đó. Con đường được mang tên “Đường 20 Quyết thắng". 

Địch biết ta đang bí mật mở đường, chúng ném bom cày xới ngày đêm. Tiểu đội của ông Vị, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. “Đối mặt với hiểm nguy, gian khó, chúng tôi vẫn kiên trì bám trụ trên đường, "địch phá một thì ta làm mười". Chúng tôi động viên nhau bền gan vững chí vì đồng đội, vì quê hương và miền Nam ruột thịt"- Trung tá Nguyễn Đức Vị nói.  

ký ức Trường Sơn, Ngô Gia Tự, mùa Xuân năm 1975, thôn Cấm, xã Lương Phong, Nguyễn Đức Vị

Công việc đời thường của bà Khổng Thị Thủy.

Nhờ có tuyến giao thông huyết mạch, các đoàn xe chi viện cho chiến trường miền Nam không bị ngưng trệ. Qua thời gian, đường 20 thay đổi tầm vóc. Từ con đường vượt cửa khẩu độc tuyến trở thành tuyến đường như “trận đồ bát quái” với tổng chiều dài hơn 260 km, phục vụ đắc lực cho tiền tuyến. Công trình khởi đầu từ động Phong Nha (tỉnh Quảng Bình), đi qua các địa danh Tân Trạch, Đồng Tiền và gặp đường 128 tại ngã ba Lùm Bùm trên đất bạn Lào. Sau khi hoàn thành tuyến đường, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 4 tiếp tục đến với những công trình chiến lược khác như: Đường B45, B46, 22, 24… Những người lính của đơn vị có mặt ở nhiều mặt trận, lúc ở Đông Trường Sơn, khi sang Tây Trường Sơn.

Nhớ mãi thời hoa lửa

Trong đoàn quân xây dựng và bảo vệ "Đường 20 quyết thắng" có nhiều nữ chiến sĩ quê ở tỉnh Bắc Giang. Chiến tranh đã lùi xa nhưng bà Khổng Thị Thủy (SN 1955), hiện ở thôn Đồng Quan, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) chưa bao giờ quên một thời là lính. Nhập ngũ đầu năm 1975, bà được biên chế về Trung đoàn 4 - Ngô Gia Tự và nhanh chóng bắt nhịp với công việc. Mặc mưa rừng, sốt rét, bà cùng đồng đội luôn tin tưởng vào ngày đất nước thống nhất. Cựu chiến binh Khổng Thị Thủy chia sẻ: “Chúng tôi thay nhau làm đường suốt ngày, ăn uống ngay tại mặt đường, quyết không để những đoàn xe ùn tắc. Chúng tôi bảo đảm giao thông trên nhiều tuyến đường Trường Sơn. Những nơi xung yếu được rải đá giúp xe đi an toàn. Mỗi ngày, lính công binh càng tiến gần về phía Nam, tiếng súng nghe rõ hơn. Mùa mưa Trường Sơn, chúng tôi làm việc hăng say, không nhớ mình đã mặc quần áo ẩm ướt mấy ngày liền”. Đoàn xe từ ngoài Bắc chạy tới, lính công binh vẫy tay chào đồng đội, hỏi quê quán, tên tuổi của nhau mong ngày gặp lại. Nhiều lái xe còn gửi tặng các nữ chiến sĩ những món quà đơn sơ như: Gói bồ kết, bánh đa của quê hương Kinh Bắc, ớt khô Nghệ An...  

Trưa ngày 30-4-1975, bà Thủy nghe thấy cả Trường Sơn như rung chuyển vì tiếng reo hò thắng trận của bộ đội: “Giải phóng rồi!”, "Đất nước thống nhất rồi". Trong niềm vui chiến thắng, nhiều người òa khóc vì hạnh phúc, vì tiếc thương bao đồng đội đã không được chứng kiến thời khắc non sông thu về một mối. 

Nhắc lại kỷ niệm cũ, ông Vị, bà Thủy và nhiều chiến sĩ thuộc Trung đoàn 4 - Ngô Gia Tự rưng rưng xúc động, tự hào. Mấy chục năm sau chiến tranh, họ vẫn giữ những kỷ vật thời chiến. Ông Vị có tấm ảnh đen trắng đã phai màu, nhòe chữ. Bà Thủy trân trọng lưu giữ những lá thư mà hai vợ chồng đã viết cho nhau trong bom đạn. 

Vào những dịp lễ lớn, anh chị em cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 4 - Ngô Gia Tự lại tề tựu bên nhau trong ngày gặp mặt cùng ôn lại một thời gian lao mà anh dũng. Về với đời thường, mỗi người một công việc, một hoàn cảnh. Dù xa cách, họ vẫn luôn dành cho nhau tình cảm tốt đẹp. Mỗi cựu binh đều dạy con cháu biết trân trọng cuộc sống hòa bình, sống có ích để xứng đáng với thế hệ cha anh.

                                                                                            Theo Bắc Giang điện tử

tin tức liên quan