" Ngày trở về " - Truyện ký của Nguyễn Thị Phương Liên - Phó Chủ tịch Hội TT Trường Sơn Lâm Đồng

Ngày đăng: 11:05 17/10/2015 Lượt xem: 449

 

NGÀY TRỞ VỀ

                              

Truyện ký - Phương Liên

 

 

          Hồng đang bị cuốn vào những tiếng đập nước tung tóe của đám trẻ bơi lội ngụp lặn phía bờ kênh bên kia. Đúng là “ Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò” chúng la hét cười đùa ầm ĩ một khoảng không giữa trưa hè. Sau nhà Hồng là một con kênh đào rất rộng, cứ mỗi đợt thời vụ, thủy điện lại mở nước để tưới tiêu cho huyện nhà. Những cánh đồng bát ngát đang độ lúa vào đòng. Thửa ruộng bắp cải, xu hào,hành hoa xanh mướt, nhìn dòng kênh trong vắt soi bóng rặng tre ngà - làng quê thật thanh bình sau ngày đất nước thống nhất. Hồng thấy nao nao cảm xúc ngập tràn yêu quê hương hơn bao giờ. cô giật mình bởi tiếng gọi của Quân:

 

          - Em nghĩ gì thế? Em biết cậu Dũng chứ? Cậu ấy hỏi thăm em đấy. Cậu ấy cũng ở đất Lào nơi em đóng quân ở đó. Câu hỏi đột ngột cắt ngang dòng suy nghĩ của Hồng. Cô nhíu mày nhìn anh, vẻ mặt của Quân không như thường ngày khi nói chuyện với Hồng. Anh cười nửa miệng, ánh nhìn tỏ vẻ xa lạ. Cô cảm thấy bực bội trong lòng.

 

          - Dũng nào? Anh nói Dũng nào chứ? Trong chiến trường thiếu gì người tên “Dũng” em không hiểu anh nói gì?

 

          - Dũng … người Hà Nội ấy, em không nhớ mới thấy lạ, thế nào nhớ ra chưa? Giọng Quân có vẻ nửa như giỗi hờn, nửa như khiêu khích. Đột nhiên Hồng cảm thấy bị xúc phạm điều gì trong cô. Hai gò má cô nóng bừng, toàn thân cô run lên. Bởi chưa bao giờ Quân lại tỏ thái độ nói chuyện một cách thiếu nghiêm túc như lúc này. Chiếc áo tuột khỏi tay Hồng trôi theo dòng nước. Quân nhào người ra với kéo chiếc áo, một tay anh vuốt vuốt nước trên mặt.

 

          -  Sao vậy? em định buông cho trôi luôn áo anh à?

 

          Hồng còn đang trong cơn bực bội trước câu hỏi của Quân, phần cô đang suy nghĩ về những gì trong quá khứ chiến tranh … rất có thể là như vậy. Quân đã gặp Dũng ở đâu đó. Vậy thì sao chứ, mình và Dũng ngoài tình đồng chí, đồng đội cùng đơn vị, còn có gì đáng quan tâm đâu. Tại sao Quân lại có thái độ với cô như vậy. bất giác Hồng trả lời cụt ngủn:

 

          -  Cho trôi luôn, mất luôn thì đã sao nào? Anh đang học cái lối hỏi cung em đó à?

Quân lúng túng ấp úng không thành lời, anh thừa biết tính của cô, thật tôn trọng tình cảm, nghiêm túc và lòng tự trọng rất cao. Có thể nào câu nói anh đã làm cô tổn thương chăng.

         -  Anh chỉ vô tư hỏi em thôi màm vì tình cờ anh gặp cậu ấy ở viện …9

 

          - Chứ không phải anh đang trỗi dậy tính ích kỷ hay sao?

 

          -  Anh yêu em, nếu như vậy cũng sao đâu, rất có thể ích kỷ có lợi thì họ vẫn cứ làm em ạ.

 

          Lúc này quá khứ của năm tháng chiến trường ác liệt như sống lại trong cô. Trận bom đêm ấy như còn khói thuốc đâu đó, tiếng nổ long trời lở đất, không gian náo động trong đêm. Những tia chớp nhằng nhịt như xé tan bóng tối, núi rừng gầm lên như thú dữ…

 

Cô sực tỉnh như người qua cơn mê bởi những câu nói của Quân.

 

         - Anh nói gì? Anh nói lại em nghe “ích kỷ” … Biết vẫn cứ .. hả? anh không thể hợp em được nữa rồi. Giữa chúng ta khác nhau về quan điểm sống nhiều quá.

   

          - Tùy em, anh không thể ngồi nghe một người khác nói “rất mến em …” em hiểu chứ?

 

          - Yêu và mến hai điều này khác nhau hoàn toàn.

 

          - Nhưng anh không thích thì sao?

 

          -  Đó là việc của anh - trong chiến trường, anh cũng đã là người lính. Tại sao anh không hiểu. Họ có thể nhường cơm sẻ áo. Có thể hy sinh vì đồng đội của mình. Anh quên rồi sao? Hay anh cố tình không hiểu?

 

          - Nhưng bây giờ không phải lúc nói chuyện chiến trường nữa. Anh chỉ biết có em thôi. Quân vừa nói vừa vục nước lên người.

 

          - Nếu như không có quá khứ thì không có hiện tại. Em yêu anh cũng vì anh là người lính. Nhưng em đã …

 

          - Em đã sao? Em nói đi?

 

          Hồng bỏ lại chậu áo quần cô đang giặt bên bờ đi thẳng vào nhà, mặc Quân gọi …

 

          Nắng chiều nhạt dần, không gian như chùng xuống. Cô nhớ lại một dòng nước đỏ ngầu bởi những bộ quân phục  rách lỗ chỗ của các chiến sĩ đẫm máu trong trận đánh bom vào đơn vị đêm đó. Chính cô và đồng đội nữ đã giặt vào buổi sáng hôm sau. Không ai nói với ai, nước mắt của họ cứ chảy theo dòng đỏ. Nghĩ lại Hồng vẫn thấy vẳng bên tai.

 

          -  Cứu tôi các đồng chí ơi! Hãy cứu lấy cánh tay của tôi. Ôi! Tôi không còn đánh đàn được rồi. Tay tôi … ôi! Đau quá!

 

( Ảnh minh họa )

***

 

          Hồng cùng y tá đơn vị vừa ở Z2 về. Chả là có đồng chí bị sốt rét phải tiêm lúc chập tối. Các anh vui vẻ với những ván bài “tiến lên” miệng người nào cũng tươi cười trêu ghẹo mấy cô “lính mới” có anh bạo gan hơn, tấn công tới nơi:

          -  Này … cẩn thận nhé mấy đồng chí. Nếu “trệch mũi” cậu ấy mà chân tươi, chân héo “thọt” thì cứ là cả đời “Nhất phẩm phu nhân” đấy. Hì … hì ..!

 

          Căn nhà hầm lại được thể giòn như pháo nổ. Đồng chí bị tiêm vào mông vừa bẽn lẽn vừa nhăn nhó.

          .. Ầm …!Ầm …!

 

          - Những loạt bom trút xuống, đất đá rào rào, tiếng đồng chí B trưởng hô xuống hầm. Có tiếng la lớn:

 

          - Nó đánh vào Z2 rồi!

 

          - Các đồng chí cứu thương đâu, y tá, tập hợp …

 

          Giờ này chẳng nghe thấy tiếng vợ chồng nhà tắc kè! Tắc kè! ở đầu nhà B trưởng. Cứ “chẵn mưa, thừa nắng” không biết “cỗ máy thời tiết” của trung đội có sao không. Hồng nghĩ thương thương con vật hiền lành quen thuộc với cuộc sống của họ hằng ngày. Căn hầm run lên như cơn sốt rét

 

          - Đồng chí Hồng cùng hai đồng chí xuống ngay Z2 cứu thương. Các đồng chí dưới đó bị thương rồi! Đường dây liên lạc vừa bị dứt, khẩn trương đề phòng rất có khả năng chúng còn đánh tiếp, tiếng đồng chí B trưởng vang lên như hiệu lệnh.

 

          - Cứu thương, y tá đâu?

 

          - Rõ

 

          Tiếng máy bay vẫn ỳ ầm phía xa, tiếng thác nước đổ ầm ầm, xen tiếng cây cối bị bom phạt gãy răng rắc. Không gian náo động. Hồng cùng đồng đội phải thật khó khăn rẽ từng cành cây, luồn lách chui mãi mới tới được căn nhà hầm nơi có tiếng rên và ánh đèn pin ngụy trang đủ để soi vết thương.

 

          - Cứu tôi … tôi gãy mất tay rồi! ôi tay tôi … làm sao tôi gảy đàn! Ôi .. đau quá đồng chí ơi! … cánh tay tôi !...

 

          Dũng là lính nhập ngũ cách Hồng hai năm. Cứ 6 tháng mùa mưa họ trong “đội xung kích” đi biểu diễn suốt tuyến. 6 tháng mùa khô lại lao vào phục vụ cho nhiệm vụ vận hành xăng. Anh cũng là một cây văn nghệ xuất sắc, một tay đàn ghi ta rất thành thạo. Đợt đánh bom vào đơn vị không có ai bị hy sinh. Nhưng bị thương cũng nhiều, công việc chuyển thương ra tuyến ngoài được triển khai nhanh. Tới gần sáng các thương binh đã được chuyển toàn bộ lên xe. Hồng cùng các đồng chí lo thu dọn cây cối đổ ngổn ngang, đất đá văng tứ tung, những mảnh bom phát quang vào thân cây, trên mặt đất, trên những nóc hầm chữ A .. thật là một cảnh tượng kinh hoàng. Sức tàn phá nào hơn bom đạn của giặc Mỹ. Rất may kho xăng và tuyến ống không sao.

 

( Ảnh minh họa )

***

 

          - Anh Dũng ! Anh cũng về dự họp mặt trung đoàn ư. Vui quá! Có những ai cùng đi với anh? Mới đấy mà hơn 40 năm rồi anh nhỉ?

 

          Tiếng reo của mấy chị em nữ cùng trung đội khiến Hồng giật mình quay lại phía sau. Cô đang mải trò truyện cùng mấy anh trong tiểu đoàn. Như có điều gì làm cô chú ý. Đúng rồi! Dũng ... cánh tay trái của anh không còn nữa. Tự nhiên Hồng thấy tim cô đập mạnh. Cô nhớ lại khi xưa băng bó cho anh cô đã dặn kỹ những đồng chí chuyển thương, cứ ít phút lại nới ga rô một lần ... Vậy là cánh tay Dũng đã bị hoại tử trong khi chuyển thương ... Trông anh lúc này vẫn tươi tắn với nụ cười hiền lành. Mái tóc hoa râm vầng trán cao. Như không thể chần chừ thêm nữa, Hồng chạy nhanh lại chỗ Dũng đang trò chuyện. Cô nhìn anh không nói lời nào, cô đưa tay lên nắm lấy cánh tay chỉ là chiếc ống tay không. Cô nắm lên vai Dũng, nước mắt cô tự nhiên trào ra. Dũng còn chưa kịp nhận ra điều gì. Như những thước phim được quay chậm lại. Anh hiểu tất cả những sự việc đang diễn ra trước mặt anh. Hơn bốn mươi năm nhờ có “chương trình gặp mặt các lực lượng đường ống xăng dầu” tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. Những người lính năm xưa họ có dịp gặp lại nhau. Mừng tủi ôn quá khứ chiến trường. Một thời gian khổ ác liệt có nhau. Trong giây phút thật xúc động Hồng không còn kiềm chế nổi lòng mình, cô đã bật khóc thật sự như ân hận lỗi lầm. Hơn bốn mươi năm Hồng không biết tin gì của Dũng. Anh cũng như mọi thương binh được đưa về tuyến sau. Rồi năm tháng trôi đi, kẻ còn người mất! Dũng nắm chặt bàn tay Hồng, anh thấy hai mắt cay xè. Hình như họ đang tìm trong im lặng những năm tháng lùi xa vào dĩ vãng. Bỗng anh cười vỗ nhẹ vào vai cô:

         

          - Hồng à! gặp lại em sau 40 năm, anh vẫn thấy em trẻ đẹp như xưa.

 

          Hồng bật cười trong nước mắt, cô nhớ lại lần cuối gặp Quân trên dòng kênh năm ấy, giá như cô không nóng vội thì chắc cô đã biết được rằng Dũng chẳng còn giữ được cánh tay để rồi hôm nay cô vô cùng ngạc nhiên và xúc động quá mức. Thế mới biết tình đồng đội, đồng chí thật thiêng liêng, cao đẹp. Cô nói với Dũng như xung quanh chỉ có hai người, giữa môt không gian rộng lớn có tới 4 trung đoàn đường ống xăng dầu tập hợp với quân số hơn một ngàn người:

 

          - Em thành bà cụ rồi. Đẹp như xưa nỗi gì. Anh biết không? Vậy là khi chuyển các anh ra tuyến ngoài chúng em đưa quần áo đầy máu của các anh ra suối giặt đứa nào đứa ấy hết nước mắt đấy. Cứ nhìn dòng nước trong đỏ ngầu mà nước mắt lã chã anh ạ.

 

          - Anh thấy rồi! Như lúc vừa xong đó chứ gì? Hì...hì...! Cảm ơn em. Chúng ta còn sống là hạnh phúc rồi em ạ. Nghĩ lại đồng đội mình nằm lại rừng Trường Sơn anh lại thấy lòng mình se lại ...

 

          Hồng cười rạng rỡ, họ dắt tay nhau đi về phía bãi biển. Biển chiều đẹp quá, những cánh chim hải âu lượn trên sóng nước, từng đợt sóng trắng xô bờ thành bức tường thật đẹp cứ thế lại tan, lại hợp. Họ đi trên bờ cát trắng mịn mát rượi, họ nhớ về một quá khứ ác liệt hào hùng của Trường Sơn. Những năm tháng không hề nhạt phai. Bởi họ là những người chiến sĩ không ngại hy sinh gian khổ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Mãi là niềm tự hào của người lính Trường Sơn trong ngày trở về.

 

 

Tháng 5 - 2015

 

Nguyễn Thị Phương Liên - Phó Chủ tịch Hội TT Trường Sơn;

Trưởng ban “ Nữ chiến sỹ Trường Sơn” tỉnh Lâm Đồng

 

tin tức liên quan