Giải phóng Đăkpet

Ngày đăng: 03:07 11/11/2015 Lượt xem: 644

   Ký ức Trường Sơn

                     GIẢI PHÓNG ĐĂKPET

                                   NGUYỄN HOÀNG – CCB F471

 

          Ngày 27 – 1 – 1973 Hiệp định Pa ri được ký kết. Theo đó toàn bộ thung lũng Đăkpet nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Đăkpet có quốc lộ 14 và dòng Pôkô chảy qua, xung quanh là núi cao bao bọc. Tiếp cận Đăkpet chỉ bằng hai hướng: hướng bắc và hướng nam theo trục đường 14.

          Trong thung lũng Đăkpet rộng lớn Mỹ ngụy đã dồn hơn 3.000 dân của các buôn làng lân cận vào lập các ấp chiến lược, lập chi khu Đăkpet dưới sự kìm kẹp của chính quyền Thiệu đứng đầu là tên quận trưởng. Nơi đây cũng là nơi đồn trú của tiểu đoàn 88 biệt động quân biên phòng ngụy với những tên chỉ huy dày dạn kinh nghiệm đồn trú, với sự tăng cường của các đơn vị hỏa lực. Chúng thiết lập tuyến phòng thủ chắc chắn ngăn chặn ta từ xa bằng hỏa lực phi pháo, dây thép gai, chông mìn dày đặc. Đặc biệt là hệ thống đồn bốt, các hỏa điểm bắn chéo cánh xẻ, ngăn chặn hữu hiệu lực lượng xung kích của ta …

          Đăkpet là điểm dân cư cực bắc của tỉnh Kon Tum nằm tiếp giáp với đường gianh giới ba tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi, có vị trí cực kỳ quan trọng trong việc ngăn chặn bảo vệ phía Bắc Cao nguyên Trung phần. Nơi đây đất đai màu mỡ, nhiều tài nguyên, nhiều dân tộc sinh sống. Vì vậy Mỹ ngụy quyết tâm biến nơi đây thành căn cứ không thể mất. Từ năm 1968 ta nhiều lần tổ chức đánh chiếm nhưng chưa thành công.

         Từ tây Trường Sơn lật cánh về đông Trường Sơn. BTL 471 được giao phụ trách từ Trao tới Sa Thầy – Kon Tum. Ta phải mở đường tránh Đăkpet để nối thông tuyến. Mỹ ngụy ra mặt phá hoại Hiệp định Pa ri. Bọn địch ở Đăkpet cũng tăng cường hoạt động biệt kích thám báo, dùng hỏa lực pháo binh bắn ngăn chặn ta. Trung đoàn 10 công binh thuộc BTL 471 thi công đường tránh khẩn trương thông tuyến. Lực lượng bộ binh Sư đoàn 471 tăng cường hỏa lực sẵn sàng đánh trả bảo vệ công binh thi công. Đường tránh Đăkpet mở vào tới km7 thì ở km 3 đã có lực lượng hậu cần B3 chuẩn bị cho việc giải phóng Đăkpet.

           Thế rồi việc phải làm đã đến. BTL chiến dịch giải phóng Đăkpet được thành lập. Các lực lượng của B3: Sư đoàn 10, trung đoàn pháo 40, lực lượng Tỉnh đội Kon Tum, lực lượng sư đoàn 325 của B5 và lực lượng BTL khu vực 471 được giao nhiệm vụ đánh chiếm Đăkpet. Từ đường tránh phía tây Đăkpet các đơn vị hỏa lực với sự giúp sức của công binh BTL 471 mở đường kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa. Ta lặng lẽ chuẩn bị, bọn địch ở Đăkpet vẫn chưa hay biết gì hành động của quân ta.

            Mười bảy giờ một ngày giữa tháng 5 năm 1974, qua các khí tài quang học: Căn cứ Đăkpet “nằm gọn trong lòng bàn tay”. Dân các ấp đã trở về nhà. Những chuyến bay cuối cùng đã hoàn tất. Sân bay dã chiến, khu hành chính quận đã đóng cửa. Những tháp canh, các điểm chốt giữ, các trận địa hỏa lực, hệ thống hầm hào, dây thép gai bùng nhùng, cũi lợn, các họng súng đen xì … của tiểu đoàn 88 biệt động quân biên phòng ngụy phơi bày dưới ánh hoàng hôn. Những phát pháo hiệu bắn lên: Lệnh khai hỏa. Mới đầu là những loạt pháo bắn thử kiểm tra phân tử bắn, sau đó là những loạt bắn cấp tập. Các căn cứ quân sự trong chi khu Đăkpet chìm trong biển lửa. Các trái đạn như có mắt tìm đúng mục tiêu bay tới. Các trận địa pháo, các ổ đề kháng của địch bị tê liệt ngay từ những loạt đạn đầu của quân giải phóng … Nửa tiếng sau yên ắng, màn đêm buông xuống cũng là lúc các mũi xung kích chiếm lĩnh vị trí tấn công.

Sáng hôm sau, gần 9 giờ sáng, sương mù tan hết cũng là lúc có hiệu lệnh tấn công. Đạn pháo trùm lên căn cứ địch, các cỡ pháo bắn thẳng tiêu diệt từng hỏa điểm. Cánh bắc được sự chi viện đắc lực hỏa lực bắn thẳng của tăng T54 đặt cố định trên cao yểm trợ. Một phân đội xe tăng T54 của Tiểu đoàn A44 dẫn bộ binh tràn vào căn cứ. Cánh phía nam của ta vấp phải hỏa lực bắn chặn của địch. Bộ binh được lệnh lùi ra xa, tức thì hàng chùm đạn cối cỡ lớn lắp ½ ngòi chậm làm tan nát hệ thống  phòng ngự của địch. Đại đội 1 tiểu đoàn 88 biệt động quân biên phòng ngụy chốt giữ ở đây. Không chịu được sức mạnh hỏa lực của ta kéo cờ trắng xin hàng.

         Đăkpet được giải phóng. Hơn 3.000 dân phá tan ấp chiến lược lũ lượt dắt díu nhau về quê cũ dưới sự hướng dẫn bảo trợ của chính quyền cách mạng. Ngay trong sáng ngày 16 tháng 5 các sắc lính ngụy đã được làm rõ. Hàng trăm binh lính ngụy là người các dân tộc Tây Nguyên được giữ lại tuyên truyền cho họ hiểu chính sách của Mặt trận rồi phóng thích họ về quê cũ. Bộ Tư lệnh 471 Trường Sơn thực hiện tốt mệnh lệnh của Mặt trận dùng hỏa lực tự có đánh chiếm nhanh chóng chốt Beng Viêng (điểm cao 910) phía tây căn cứ. Chốt này quan sát khá thuận lợi vị trí đường tránh mà E10 của BTL 471 thi công…

          Đăkpet hết bóng giặc, các cô gái lại đeo gùi cầm dao phát nương làm rẫy, chăm sóc ruộng nương. Các chiến sỹ thuộc BTL 471 Trường Sơn tiếp quản Đăkpet. Trung úy Nguyễn Trúc, trợ lý Phòng Tham mưu Sư đoàn được phân công làm Chỉ huy quân quản tại Đăkpet. Đại đội 7 bộ binh của sư đoàn được tăng cường quân số chốt giữ ngay trong lòng Đăkpet, thiết lập các trận địa hỏa lực sẵn sàng đánh địch tái chiếm. Một tiểu đoàn cao xạ 37ly của trung đoàn 545 (đơn vị trực thuộc BTL 471) thiết lập trận địa sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không. Các chiến sỹ công binh E10  khẩn trương sửa sang lại đường xá để đón những đoàn xe cứu trợ của BTL471 cho đồng bào mới được giải phóng.

         Cuộc sống thanh bình trở lại. Bộ đội 471 Trường Sơn đã góp phần to lớn trong giải phóng Đăkpet rồi chốt giữ làm tốt công tác dân vận, đem lại cuộc sống bình yên cho các dân tộc nơi đây.

                                                                   Hà Nội, tháng 10 năm 2015

 

tin tức liên quan