Những ngày ở Trường Sơn - Bùi Hoằng

Ngày đăng: 09:27 15/11/2015 Lượt xem: 445

Ký ức Trường Sơn

                    Những ngày ở Trường Sơn

          Bộ ba

          Tôi, Nhạn và Cử là ba chàng trai cùng sinh ra và lớn lên ở một vùng đồng chiêm trũng. Cả ba chúng tôi đều xung phong nhập ngũ vào Thanh niên xung phong một ngày, và lại được biên chế trong cùng một đơn vị. Đơn vị chúng tôi đóng quân tại cửa khẩu, nơi gặp nhau của ba tuyến đường 20/7, đường 16A và đường 16E. Cũng chẳng biết từ bao giờ mà lính từ trong ra và lính từ ngoài vào đều gọi cái ngã ba này là “Ngã ba dân chủ”. Ngã ba này cũng là một cái túi đựng bom của thằng Mỹ, hay cũng được gọi là “ Ngã ba â m phủ”.

Bộ ba chúng tôi coi nhau như anh em, có gì cũng phần cho nhau, ngay cả những lúc đi làm tuyến cũng không rời nhau. Mỗi khi có thư, dù là thư của bạn, của người thân chúng tôi đều đọc cho nhau nghe và cùng chia xẻ niềm vui.

Một lần đơn vị chúng tôi được lệnh chuyển đến địa điểm mới đúng lúc mùa mưa ở Trường Sơn bắt đầu. Ngày cũng như đêm, mưa rả rích dai dẳng như chó con nhằn rẻ rách. Vắt bám đầy mình. Nhiều đêm đi thông tuyến về nằm lăn quay ra ngủ, một lúc lâu, cựa mình thấy vướng cục gì mềm mềm. Hóa ra một con vắt hút máu no kềnh lăn ra. Có đêm, đi làm về chưa kịp buông màn, lại có lệnh, vội vàng xỏ giầy vác cuốc xẻng ra tuyến ngay. Tuyến bị tắc nếu không tại mấy thằng F4 thả bom thì cũng do mưa nhiều đất sụt lở. Mưa sụt sùi, lách nhách. Có chỗ thì đất đặc quánh, dính bê bết. Có chỗ lầy thụt, bùn nhão như cháo loãng, múc cũng dở mà xúc không xong. ấy vậy mà chúng tôi lúc nào cũng lạc quan. Tuy vất vả mệt nhọc, nhưng về đến lán giở lá thư cũ ra đọc là cái mệt lại tan biến ngay.

 

Cái Tết đầu tiên

Thấm thoát thời gian trôi đi, Tết đã đến. Cái Tết đầu tiên xa nhà. Khỏi phải nói, bọn con gái thì thi nhau khóc vì nhớ nhà. Cánh con trai chúng tôi phải động viên từng đứa. Và cũng vì vậy mà mọi lo toan cho tết nhất chúng tôi phải đảm nhiệm cả. Bộ ba chúng tôi được phân công trang trí hội trường. Cái Tết đầu tiên ở Trường Sơn thế mà đủ cả. Nào bánh chưng, giò heo, bánh ngọt, kẹo, thuốc lá, lại có cả cà phê nữa. Đơn vị còn cử người ra tận Quảng Bình mua rau xanh. Riêng thịt lợn thì đơn vị tự túc được.

Giờ phút giao thừa cả đơn vị quây quần bên nhau, cùng hát vang bài ca: “Ta đi mở đường theo tiếng gọi của tiền tuyến”. Cùng ăn kẹo bánh, hút thuốc lá và liên hoan văn nghệ. Đêm giao thừa năm ấy chúng tôi thức thâu đêm. Bên ánh lửa rừng, tiếng đàn, tiếng hát âm vang cả một góc rừng.

 

Những đợt hành quân

Sau Tết, chúng tôi lại bắt tay vào nhiệm vụ mới. Đơn vị chúng tôi hành quân đến ki lô mét số 7. Vừa đến nơi, chưa kịp ngả ba lô thì hai thằng F4 lao tới thả bom vô tội vạ xuống cung đường. Cả đơn vị lại tay cuốc tay xẻng lao lên mặt đường, mệt bở hơi tai. Mệt vì vừa đi đường xa, vừa do chưa có cái gì trong bụng. Mãi tới gần hai giờ chiều, chị nuôi mới gánh lên phát cho mỗi người một nắm cơm to bằng hai quả cam sành và một nhúm muối vừng. ấy vậy mà cũng đủ sức cho cánh trẻ chúng tôi đánh vật với cung đường tới lúc nhá nhem tối. Khi nhìn nhọ mặt người thì cũng là lúc những hố bom sâu hoắm nham nhở do mấy thằng F4 gây ra ở giữa cung đường được lấp đầy, đường thông.

Ấy vậy rồi, ở vị trí mới chưa ấm chỗ, ba hôm sau, chúng tôi lại được lệnh hành quân lên ki lô mét 20. Quả là như ai đó vẫn nói, cuộc đời là những chuyến đi. Tuổi trẻ chúng tôi là đi và đi. Nơi chúng tôi đến là nơi mạch máu giao thông đang cần thông suốt. Điểm cao nơi chúng tôi đến lần này quanh năm sương mù che phủ, thi thoảng mới được vài tia nắng yếu ớt. Đi làm về, chúng tôi phải vắt kiệt quần áo và hong trên bếp. Quần áo khô, mặc vào đầy mùi khói khét lẹt.

 

Mùa khô năm 72 ...

 

Một đêm đầu mùa khô năm 72. Vừa sinh hoạt tiểu đội xong, đang buông màn đi ngủ thì được lệnh hành quân. Vẫn biết, thời chiến, việc hành quân cấp tốc là chuyện bình thường. Nhưng ai nấy đều bồn chồn. Sự cố ở đâu mà phải hành quân gấp trong đêm như thế này. Ba lô, quân trang, dụng cụ được chuẩn bị khẩn trương, ba mươi phút sau chúng tôi lên đường. Hành quân thâu đêm. Là những người suốt ngày lăn lộn với đường xá, cầu cống, nhưng đêm hành quân lại phải đi đường mòn. Ròng rã hai ngày đêm cắt rừng lội suối, chúng tôi đến vị trí tập kết mới. Lúc này chúng tôi mới được rỉ tai cho biết, ở bàn đàm phán Pa ri, ta đang ở thế thắng, đối phương đang cay cú nhượng bộ từng bước. Chính vì vậy mà ở chiến trường, chúng có nhiều mưu mô xảo quyệt mà ta không lường hết được. Chúng sẵn sàng liều lĩnh quẫy đạp ở những phút chót hòng cứu vãn tình thế. Bởi vậy việc bảo đảm thông suốt giao thông là hết sức khẩn trương và tuyệt đối bí mật.

Nơi tập kết mới của chúng tôi là một xóm ven quốc lộ 15. Nhân dân ở đây được lệnh sơ tán triệt để. Chỉ lực lượng chiến đấu và bảo đảm chiến đấu là ở lại.

Những ngày cuối năm 1972 địch điên cuồng đánh phá ác liệt. ở cung đường, hầu như không lúc nào ngớt tiếng bom. Máy bay lượn vè vè suốt ngày. Đêm đêm chúng thả pháo sáng sáng trưng cả một vùng. Mọi sinh hoạt ở ngoài trời như không phải thắp đèn (Mà vốn ở đây đã không được thắp đèn). Đêm nào cũng như đêm nào, cứ vừa chui vào hầm đi ngủ liền phải bật dậy lên tuyến. Đêm nào ít nhất cũng phải vài ba lần. Nhiều đêm chúng tôi phải ở trên tuyến đến sáng mới về. Nhiều lần chúng tôi để cả chân giầy chui vào hầm ngủ, vì biết chắc cũng chỉ ít phút sau là phải vùng dậy. Được cái chúng tôi rèn luyện theo phương châm “Ăn tranh thủ ngủ khẩn trương” nên hễ có được ít phút nghỉ ngơi là chúng tôi ngủ được ngay.

Một ngày gần Tết năm 73, tôi cũng chẳng nhớ là ai đem tin sớm nhất về cho đơn vị. Chỉ nhớ rằng cả đơn vị chúng tôi ôm chầm lấy nhau hò reo vui mừng. Miệng hò reo nhưng nước mắt tứa ra: Hiệp định Pa ri được ký kết. “Hòa bình rồi!”, “Đình chiến rồi!”, “Hết chiến tranh rồi”. Ai nấy đều hân hoan, một niềm vui khôn tả, không ai có thể kìm được nước mắt.

Cuối năm ấy chúng tôi chia tay đơn vị. Tôi và mấy người nữa được đơn vị cho ra Bắc đi học.

Đã hơn ba mươi năm trôi qua, những ngày ở Trường Sơn như vẫn còn tươi rói trong tôi. Bạn bè tôi mỗi người mỗi ngả từ hồi đó. Có người, chúng tôi vẫn gặp nhau thường xuyên. Nhưng cũng nhiều người bặt tin. Chẳng biết tìm đâu hỏi đâu. Hẳn là cuộc sống lam lũ đã cuốn hút các đồng đội tôi, bạn bè tôi...

                                                                                              Bùi Hoằng   

 

_____________________      

Bùi văn Hoằng

(Hà Bình-Hà Trung-Thanh Hoá)

 Email: hoang1592@gmail.com

 

tin tức liên quan