" Ông lão chèo đò " - Truyện ngắn của Tạ Thị Ngọc Hiền - Lâm Đồng

Ngày đăng: 09:36 08/12/2015 Lượt xem: 791

 

Truyện ngắn

                      

ÔNG LÃO CHÈO ĐÒ

Tạ Thị Ngọc Hiền 

 

 

            Trời tốí đen như mực, chúng tôi theo giao liên đi âm thầm, len lỏi quanh triền cát ven sông mà không thể nhìn đâu xa, chỉ nhìn vào chấm đèn pin có ánh sáng khiêm tốn như con đom đóm rọi dưới đất. Đang đi, bất ngờ hàng quân dồn khít lại, thì ra đoàn đang xuống một bờ sông. Tôi nghe tiếng khua nước và giọng nói của một ông già với Quang trưởng đoàn:

- Mọi người xuống thuyền nhanh chóng, không nói chuyện, hạn chế tiếng động!

Chúng tôi níu tay nhau xuống một chiếc thuyền nhỏ, kẻ đứng, người ngồi, chen chúc, chiếc thuyền khẳm sát mép nước, chòng chành, mấy đứa gái sợ hãi bíu lấy nhau líu ríu.

-  Lấy áo choàng ra, sắp mưa lớn!

        Ông lão chèo đò nói ngắn gọn như ra lệnh. Chúng tôi có đứa nghe lời, có đứa lờ đi hình như không tin là sẽ có mưa hoặc thích hưởng thụ gió sông lồng lộng. Mấy đứa con gái loay hoay, tấm choàng mưa lại cất trong bòng nên không thể tháo mở ra trong hoàn cảnh chật chội thế này.

        Mái chèo khua nhẹ rời bến. Đúng là có mưa thật, đang yên ắng như tờ thì cơn gió lớn thổi lồng lộng, sấm chớp nhì nhằng, loang loáng, chúng tôi nhận ra mình đang trên mặt sông lớn, mênh mông, mây đen kịt. Bầy chó sủa xa xa và chúng đang kéo xuống đường mòn ra bờ sông nơi chúng tôi dồn hàng khi nãy. Bầy chó gây lo lắng cho ông lão chèo đò khiến cả đoàn cứ hướng ánh mắt về phía cái nón lá xùm xụp của ông. Trời tối xầm, mây đen kín mít bầu trời, trút xuống cơn mưa lớn. Tôi nghĩ, mưa kiểu này chắc là phải tấp vô bờ chứ chèo sao nổi, gió bạt chiếc xuồng liu xiu, nghiêng ngả có thể lật nhào. Mọi người ướt cả, lúp xúp như đàn gà mắc mưa. Chiếc thuyền chòng chành do sóng nhồi và nước ập vô trong, ông lão nói như thét qua tiếng mưa gào:

        -   - Múc nước trong xuồng ra!

         Mấy đứa gái ngồi dưới lòng xuồng rất sợ hãi. Cảm giác cái chết cận kề khiến chúng xem tôi như cái phao, hai ba cánh tay níu lấy áo tôi run rẩy. Tôi nhanh tay vớ cái gáo tát nước ra, nhằm trấn an tình hình. Mấy ngày ở bãi tập trung, tôi luôn tay chỉ vẽ những thao tác cá nhân cho bạn trong đoàn. Những việc như cột, mở ba lô, rút quai dép, căng tăng, mắc võng. Tôi hay sẵn lòng giúp đỡ nên luôn bận rộn. Nửa đêm mưa ướt võng cũng chị ơi, chị hỡi. Đi vệ sinh cũng không dám đi. Trưởng phó đoàn lại là con trai chỉ được cái to con, tốt tướng, ngại gần con gái sợ bị trêu là ve vãn chị em, nên tôi như “bà mẹ” bận rộn bên bầy con thơ dại.

          Nhập ngũ sớm, tập thể đã rèn cho tôi tính “tự lực” trong mọi hoàn cảnh, nên trước thái độ chù chừ của hai bạn trưởng phó đoàn khiến tôi phải ra tay tát nước. Gió, mưa thi nhau trút, thổi, cứ như Sơn tinh và Thủy tinh gặp nhau. Bầy chó thấy mưa to cũng thôi không sủa nữa. Ông Lão gồng mình cố lái chiếc xuồng mong manh thoát xa dòng nước xoáy buộc nó theo ý mình. Chiếc quần dài đen ông thấp, ống cao, cánh áo bà ba thùng thình rộng, phần phật trước gió với tấm choàng mưa ngắn ngủi che vai và đoạn lưng, trông ông lão như sắp bay mất. Cơn mưa như xối nước, tôi và Đạt phó đoàn luôn tay múc nước đổ ra. Mỗi khi con sóng cuộn tới, tôi tưởng tượng, chiếc xuồng sẽ lật nhào giữa mênh mông này và mất hút trong nháy mắt. Trên gương mặt của từng người đã hiện lên nhiều vẻ. Nét sợ sệt, căng thẳng của mấy đứa không biết bơi. Mấy thằng trai không biết chúng nghĩ gì cứ mà đăm đăm nhin sông, tư thế có vẻ chuẩn bị …bơi. Quang trưởng đoàn có tật hay lúc lắc cái cổ như bị tật. Hình như nó đang nghĩ đến việc “hồn ai nấy giữ”, ôm đồm khéo chết cả nút. 

          Tất cả nhìn chòng chọc vào ông lão chèo đò. Ông đứng dạng chân ra, tay cầm cây dầm chèo không ngơi, cái nón lá trên đầu ông lão bị gió bạt ra sau khiến đôi mắt ông ta sáng quắc trong đêm tối, trông ông như một thuyền trưởng giữa đại dương. Mắt ông lão hết nhìn mây, nhìn sóng và đôi bàn tay gân guốc kia mới thấy hết nghề của lão. Dường như sóng to bớt dần khi xuồng ra giữa sông. Tôi nhìn vào mênh mông, không còn thấy đâu bờ bến. Chợt con cá riếc nhãy vụt vào xuồng, tôi thò tay vớt, nó lấp lánh trong bàn tay tôi dưới ánh chớp mưa thật dễ thương, tôi thả con cá lại với sông. Tôi và sông chỉ còn là gang tấc và mình cũng nhỏ xíu như con cá kia, sự khác nhau là, con cá muốn sống thì phải trở về sông, con tôi thì phải chiến đấu. Tự nhiên tôi thấy mình bình tĩnh đến lạ. Có được sự bình tĩnh này là nhờ đã từng đối mặt với nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc, từng thi gan với bom đạn quân thù, bị xóc sẩy đến mửa ra mật xanh. Không có nguy hiểm nào là cuối cùng cả, và sao mình có thể biết được cái lần cuối, tôi bật cười vì suy nghĩ rất hài hước. Có lẽ ông lão chèo đò cũng vậy, ông đã từng đối mặt trước sóng to, gió lớn nên đêm nay cũng chỉ xếp hàng trong cuộc đời người lái đò mà thôi!

              Cơn mưa rồi cũng dứt, nguy hiểm rồi cũng qua là khi chiếc xuồng cặp bến Sung Treng, chúng tôi hoàn toàn chưng hững khi nghe những người ra đón đoàn, bắt tay ông lão chèo đò rất kính cẩn:

         - Chào thủ trưởng! Chúng em thấy mưa to gió lớn, lo cho thủ trưởng và các bạn quá!

           “Ông lão chèo đò” cười bình thản đi thẳng vào trong, chắc là thay quần áo, chúng tôi hỏi:

- Ủa, ông ấy là…

Anh bộ đội trả lời:

- Ông ấy là Trưởng binh trạm đầu tiên của Trường Sơn đấy! 

- Hả? Trời đất, chúng em tưởng là “Ông lão chèo đò” !

- Nhận được lệnh cấp trên, có đoàn các cháu miền Nam sắp qua sông, trưởng trạm của chúng tôi đích thân đi đón đấy!

Mọi người há hốc, Quang trầm trồ:

- Thủ trưởng có “nghề chèo chống” quá tài ba, nếu không thì đêm qua bọn em chắc là đi thăm “Hà bá” hết ráo rồi!

Một anh bộ đội khác nghe gọi là phó trạm:

- Bình thường anh em chúng tôi đi đón, song hôm nay thủ trưởng nghe ngóng thời tiết rồi nói, để tôi đi, kẻo xảy ra sơ xuất thì có lỗi với Nhà nước. Vì đoàn này là những “Hạt giống đỏ” của miền Nam, Đảng cho ra Bắc học để sau này về dựng xây đất nước!

Các bạn lần lượt vào trong thay đồ. Trưởng trạm trong bộ ca ki cỏ úa bước ra với bình trà nóng trên tay:

- Nào, uống trà đi đã, có lạnh lắm không?

Quang vẻ ngại ngùng trả lời:

- Dạ, thưa thủ trưởng! Hồi nãy ngoài sông thì quá lạnh. Lạnh vì mưa gió, còn vì sợ chết nữa ạ! Bây giờ, ướt át này có thấm vào đâu với tấm lòng của Binh trạm lo lắng cho chúng cháu. Hình ảnh của thủ trưởng đã cho chúng cháu bài học đầu tiên, ngày đầu tiên cho hành trình vượt Trường Sơn. Nhưng… thủ trưởng ơi! sao chú “nghề” quá vậy?

“Ông lão chèo đò” cười khà khà:

- Ở gần sông thì phải ra sông chứ?

        - Nhưng bờ bên kia xa lắc, chúng cháu rời Ca-Ra-Che trong bí mật, xuống thuyền cũng đầy bí mật. Mấy tiếng đồng hồ đường sông, động tĩnh thế nào chú cũng rành “sáu câu” vậy?

- Phải “biết địch, biết ta” chứ? Khà…khà…!

“Ông lão chèo đò” rất cởi mở, không “nhát gừng” như lúc trên sông. Ông sinh hoạt với đoàn vào buổi chiều đó rất nhiều điều bổ ích, cứ như ông đã từng có mặt ở Trường Sơn vậy:

- Rồi từ từ các bạn sẽ nghe những cái tên “đường số 9” đường Hồ Chí Minh”. “Đường tuyến anh hùng”, Ông lão nói rằng “ Đường Trường Sơn được mang tên vị lãnh tụ kính yêu”, chúng ta hãy xứng đáng với Người trên từng bước hành quân. Khi gặp khó khăn phải vững tay chèo lái. Người lái là giao liên, phụ lái là trưởng đoàn, phó đoàn, còn tất cả chúng ta là những tay dầm khỏe, có như vậy thì sóng to, gió lớn cũng chẳng làm gì được ta, đúng không?

- Rõ ạ!

Ông lão nói tiếp:

- Như đêm qua vượt sông, tôi nhận xét chúng ta rất kiên cường. Nếu hai đồng chí kia không nỗ lực tát nước thì con thuyền sẽ chìm trong nháy mắt, đúng không?

- Dạ đúng ạ!

- Nhưng cũng cần rút kinh nghiệm sau mỗi lần hành quân, tấm ny lông choàng, cây rút dép, dầu gió, thuốc men, băng gạc phải luôn để túi ngoài, phòng khi cần thiết. Như tối qua là không ổn, ngấm mưa cảm lạnh, sẽ gây khó khăn cho tập thể. Đúng không?

- Dạ đúng quá ạ! 

Ông lão bất ngờ chỉ vào tôi:

- Đồng chí này chắc là phó đoàn, rất chịu thương, chịu khó! Rất có tinh thần trách nhiệm, vậy mới được!

   Quang vội vã phân trần:

         - Dạ, không phải ạ! Bạn ấy đến bãi tập trung trễ quá, nên Ban tổ chức đã phân công cháu và Đạt đây là trưởng, phó rồi ạ!  

  Ông lão chèo đò gật gù:

- Nếu tổ chức đã phân công rồi mà cô ấy vẫn thể hiện trách nhiệm cao thì đúng là may mắn cho đoàn ta! Tốt lắm!

 Tôi vội vã cứu binh:

 - Thưa thủ trưởng! Cháu từng là chiến sĩ quân giải phóng, một số các bạn hoạt động đồng bằng, chưa từng gian khổ. Một vài bạn vừa rời mái trường là vô căn cứ để đi Bắc, chưa quen vất vả nên cháu phải gương mẫu đỡ đần. Trách nhiệm của người chiến sĩ quân đội nhân dân là phải sống vì mọi người ạ!

     Ông lão chèo đò vẻ hài lòng nói tiếp:

        - Mới ngày đầu tiên hành quân trên đường sông chưa thấm thía. Các đồng chí hãy chuẫn bị đôi chân cho đường bộ. Trèo đèo, lột suối và một tinh thần can đảm để đối mặt với bom đạn quân thù.

- Thủ trưởng ơi! Cho chúng cháu biết tên để ghi vào nhật ký Trường Sơn đi  ạ?

         Ông lão lại cười khà khà:

         - Thì các bạn đã đặt tên cho tôi rồi, cái tên nghe hay đấy! “Ông lão chèo đò”! hay  đấy! Khà…khà…

          Tôi và các bạn có một đêm đáng nhớ nằm nghe sóng Mê Kong vỗ bờ. Tự nhiên tôi mong trời sáng để tiếp tục cuộc hành quân với tinh thần mới mà ông lão chèo đò vừa trang bị cho.

 

 

 

 

Tạ Thị Ngọc Hiền - Lâm Đồng

 

 

tin tức liên quan