"Đầu mùa khô 1972 ở Nam Lào" - Nguyễn Hoàng - CCB Sư đoàn 471

Ngày đăng: 09:54 09/12/2015 Lượt xem: 612

             

ĐẦU MÙA KHÔ 1972 Ở NAM LÀO

NGUYỄN HOÀNG – CCB471

 

          Mùa mưa năm 1972 ở Nam Lào chấm dứt, cũng là lúc các lực lượng thuộc BTL khu vực 471 sẵn sàng ở tư thế tiến công. Nhiệm vụ của các binh trạm, đơn vị trực thuộc BTL471 đã được xác định rõ ràng. Binh trạm 35 làm nhiệm vụ đầu mối tiếp nhận hàng hóa, con người được chuyển vào từ tuyến ngoài. Để rồi từ đây: quân tăng cường, vũ khí, đạn dược, hàng hóa, vật tư hậu cần kỹ thuật chi viện cho các chiến trường. BT44 quản lý tuyến đường ngang B46. Các binh trạm 36, 38, 46, 47 phụ trách các tuyến trục dọc: 128, 22, 24, 17 và đường sông. Các trung đoàn trực thuộc BTL471: Trung đoàn 10 công binh, trung đoàn cao xạ 593, trung đoàn bộ binh 59 và các tiểu đoàn trực thuộc cũng đã vào vị trí xuất phát. Cả khu vực Nam Lào và miền tây Quảng Nam đâu đâu cũng có bộ đội 471 chiếm giữ. Hệ thống thông tin liên lạc hữu tuyến, vô tuyến điện, tải ba được nối thông từ sở chỉ huy tới các đơn vị nhỏ lẻ, các trạm điều tiết giao thông …

 

          Cuộc hòa đàm bốn bên ở Pa ri sau hơn bốn năm bàn thảo cũng đã đến lúc hoàn tất những chương mục cuối cùng chỉ chờ những nỗ lực cuối cùng về quân sự của các bên. Địa bàn khu vực BTL471 quản lý vô cùng rộng lớn. Qua mùa mưa các ngầm vượt sông Sê Kông ở khu vực Bạc; phía đông và đông nam bản Phồn nhất là ngầm km32; các ngầm vượt sông Sêkaman của binh trạm 36, binh trạm 44 bị xô lệch nhiều do lũ cũng đã và đang được gia cố mặt ngầm và cọc tiêu báo chỉ giới chờ đón xe qua. Các trục dọc 128, 22, 24, đường B46 với gần 1.000km đường đất vượt đèo, qua suối được công binh 471 với sự trợ sức của máy xúc, máy ủi đã thông tuyến. Chưa khi nào trên mặt trận cầu đường khu vực Nam Lào do BTL471 phụ trách lại sôi động đến thế. Đường kín vượt qua Phù Trường cắt ngang đường 13 (đoạn Bản Phồn – Tha Teng) vượt lên cao nguyên Bôlôven cắt ngang đường 232 (nối Pắcsoong với Huội Công) về Chămpaksắc trung đoàn 10 thi công cũng đã thông tuyến. Các trạm điều tiết giao thông qua ngầm, qua các trọng điểm cũng đã hoạt động trở lại, bổ xung đủ quân số, phương tiện, liên lạc thông suốt với sở chỉ huy.

 

          Trung đoàn pháo cao xạ 593 thuộc BTL cũng đã bố trí xong các trận địa bảo vệ ngầm, trọng điểm đủ sức để đánh  địch cắt bom phá hoại và bảo vệ xe hàng khi vị bọn AC130 bám đuôi. Trung đoàn cũng đã được trang bị các loại hỏa khí cỡ nòng từ 23ly tới 57ly để đánh máy bay tầm thấp hoặc tầm cao hữu hiệu.

 

          Trung đoàn bộ binh 59 vừa mới được thành lập đang trong quá trình điều động cán bộ, bổ xung quân số nhưng đã nhanh chóng ổn định tiếp nhận nhiệm vụ sẵn sàng đánh địch lấn chiếm. Bộ đội 471 được trang bị kiến thức về công sự, ngụy trang về công tác phòng tránh đối phó với các thủ đoạn của địch làm tốt công tác nghi binh đánh lừa địch. Các trục đường đều bám vào rừng già xa khu dân cư phần lớn là rừng nguyên sinh trên dãy Trường Sơn. Nhưng để tìm cho được một khu vực có thể chứa hàng hóa, có thể cùng một lúc giải phóng được hàng chục, có khi hàng trăm xe hàng phù hợp với cung đoạn vận tải, thực không dễ chút nào. Sơ hở một chút là bị địch đánh phá thiệt hại khôn lường. Lực lượng kho hàng bến bãi của BTL471 thực hiện rất tốt nhiệm vụ này. Bằng trí thông minh sáng tạo làm tốt công tác ngụy trang che mắt địch, những khu kho đã được hình thành có khi đặt ngay cạnh đường mà kẻ địch vẫn không hay biết, phù hợp với cung đường vận chuyển của toàn tuyến …

 

          Thời gian này địch cũng tăng cường hoạt động trinh sát thăm dò, đánh phá ta. Bọn RF4 ngày đêm bay trinh sát điện tử, chụp ảnh toàn tuyến. Những nơi chúng nghi ngờ có lực lượng tập kết của ta chúng đều dùng B57 cắt bom tọa độ, dùng từng tốp B52 rải thảm. Nhiều hậu cứ, sở chỉ huy của các binh trạm, kho hàng, bến bãi, ngầm vượt sông, đèo dốc bị chúng đánh phá. Ban ngày bọn trinh sát cánh quạt OV10, OV2 lượn lờ dùng đạn khói chỉ điểm cho bọn F4 cắt bom. Lúc này chúng đã dùng bom thông minh có sức công phá lớn, dùng laze cắt bom đánh phá gây cho ta nhiều khó khăn …

 

          Mùa mưa chấm dứt cũng là lúc bọn Mỹ - Ngụy Lào và lính đánh thuê Thái Lan tổ chức nống lấn vùng giải phóng Nam Lào. Sư đoàn bộ binh 968 của ta phải tổ chức đánh địch ở Không Sê đôn, bao vây chúng lấn chiếm thị xã Saravan, Păksoòng. Dưới sự chi viện đắc lực của không quân và các cụm pháo các GEM41, 42, 53 … của Thái Lan đã chiếm theo trục quốc lộ 23 theo hướng Paksoòng – ThaTeng – Saravan, trực tiếp uy hiếp hành lang phía tây của BTL471. Sở chỉ huy BTL471 ở Phù Trường chỉ cách hành lang đánh chiếm của chúng hơn chục km về phía tây. Các lực lượng thuộc BTL471 vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính của mình vừa phải tổ chức lực lượng sẵn sàng đánh địch mặt đất. Đại đội súng máy 12ly7 thuộc BTL và binh trạm 35 phải chốt giữ  những điểm cao phía đông thị xã Saravan đề phòng địch lấn chiếm. Tổn thất đầu tiên về người của BTL471 mùa khô này cũng xẩy ra  tại các điểm chốt này. Ngủ hầm chữ A kiên cố do bất cẩn thắp đèn dầu bằng xăng gây cháy một y tá đã hy sinh.

 

Tư lệnh trưởng Nguyễn Lạn ( thứ 4 trái sang) cùng các đồng chí trong Bộ TL Sư đoàn 471

 

          Nắm quyền chỉ huy BTL471, Tư lệnh Nguyễn Lạn đã có nhiều quyết định quan trọng để đối phó với các bất trắc, chủ động, táo bạo, bất ngờ, sử dụng lực lượng hợp lý đánh địch mà đi, mở đường mà tiến, đạt hiệu suất vận chuyển cao. Việc đầu tiên phải giải quyết là kịp thời bổ xung lực lượng để đối phó với địch. Bộ Tư lệnh Trường Sơn cũng nhận rõ khu vực BTL471 quản lý có vị trí cực kỳ quan trọng – cái dạ dày của cuộc chiến. Hàng từ BTL472 vào qua binh trạm 44 cung cấp vật tư kỹ thuật, cung cấp lương thực, súng đạn cho khu 5, Bắc Tây Nguyên. Hàng hóa vật tư kỹ thuật, đạn dược từ binh trạm 35 theo trục dọc 128, 22, 24, đường kín 17 qua các binh trạm 36, 38, 46, 47 cung cấp cho B3, B2 qua BTL 470 và qua Cămpuchia về Nam Bộ. Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã cử nhiều đoàn cán bộ  vào làm việc với BTL471 để giải quyết các công việc, phối hợp với các lực lượng trên tuyến như đường ống xăng dầu, giao liên cơ giới, hiệp đồng tác chiến bảo vệ khu vực. Xe tuyến ngoài dồn dập nhập tuyến cũng là lúc địch tăng cường đánh phá gấp 3, 4 lần trước đây cả về cường độ, mật độ đánh phá với số lượng gấp bội bom đạn. Ban đêm nhiều tốp AC130 dùng đạn cỡ lớn bay cao với sự trợ giúp của khí tài được cải tiến có độ chính xác cao. Bọn chúng canh chừng suốt đêm gây cho ta nhiều khó khăn. Trước khó khăn này Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã tăng cường các Trung đoàn cao xạ 210, 545, 232 … cho khu vực 471. Các ngầm vượt sông, các trọng điểm đánh phá của địch đều có các trận địa hỏa lực mạnh nhiều cỡ nòng ngăn chặn hữu hiệu mọi thủ đoạn đánh phá của địch …

 

          Chỉ huy tác chiến hiệp đồng giữa lực lượng vận tải (lúc này rất nhiều đoàn xe đi thẳng hoạt động trên tuyến) với công binh bảo vệ cầu đường, với lực lượng cao xạ, điều tiết giao thông vượt ngầm, vượt trọng điểm … đã đặt ra yêu cầu rất cao trong việc chỉ huy hiệp đồng cho cả bộ tư lệnh 471.

 

          Sở chỉ huy của BTL471 ở Phù Trường – Keng Nhang (Nậm Bạc) rất thuận tiện cho việc nắm tình hình, chỉ huy hiệp đồng tác chiến. Từ đây nhiều chủ trương, nhiều quyết định táo bạo của Bộ Tư lệnh đã được thực thi mang lại hiệu quả cao. Từ nhiều tháng trước, khi cả vùng Nam Lào này còn mưa xối xả, BTL471 đã họp bàn xem xét các kế hoạch chuẩn bị cho mùa khô của các cơ quan Tham mưu tác chiến hành quân; Tham mưu vận chuyển; Tham mưu công binh và kế hoạch đảm bảo hậu cần kỹ thuật. Các kế hoạch được BTL phê duyệt rồi tổ chức giao nhiệm vụ cho các binh trạm, các trung đoàn, các đơn vị trực thuộc triển khai theo kế hoạch. Do có sự chuẩn bị chu đáo này nên khi xe dồn dập nhập tuyến, địch tăng cường đánh phá trên không và trên bộ ta không bị động mà đã có sự chủ động đối phó.

 

          Ban đêm ở Sở chỉ huy Phù Trường – Keng Nhang còn nghe rõ tiếng súng lớn của địch nống lấn chiếm thị xã Xaravan, Paksoòng đang cố gắng tràn sang phía đông uy hiếp tuyến vận tải của BTL471. Vòng lượn của bọn AC130 vẫn ngay trên đầu Sở chỉ huy. Tư lệnh Nguyễn Lạn cùng các cộng sự và kíp trực vẫn không rời ống nghe, tiếp nhận tin tức và sử lý tình huống. Tiếng người âm vang trong lòng đất để chỉ đạo đánh địch, chỉ huy vượt ngầm, vượt trọng điểm. Sở chỉ huy nắm rất chắc đội hình của các đoàn xe trên tuyến cho đến khi các đoàn xe trả hàng xong quay ra về vị trí tập kết. Tất cả các hoạt động của bộ đội đều nhằm mục đích đưa hàng hóa tới nơi cần đến đủ số lượng và dúng thời gian. Mọi hoạt động đều hướng về vòng quay của bánh xe dưới sự cầm lái kiên cường và dũng cảm của người lái.

 

          Hết ngày này đến đêm khác từ Sở chỉ huy của BTL đến Sở chỉ huy của các binh trạm, các đơn vị trực thuộc trực nghiêm túc 24/24. Các chiến sỹ công binh đảm bảo giao thông kiên cường bám trụ trọng điểm sẵn sàng ứng cứu. Các chiến sỹ cao xạ thuộc các trung đoàn 593, 545, 210, 232 … luôn ngồi trên mâm pháo chờ địch tới ngày đánh ngày, địch đánh phá ban đêm ta bắn trả. Có nhiều trận đánh xuất sắc bắn rơi tại chỗ AC130. Các chiến sỹ đánh địch nống lấn chốt chặn không cho địch tiến quân. Các chiến sỹ thông tin bám đường dây, bám máy đảm bảo thông suốt 24/24. Các chiến sỹ lái xe khắc phục đói ngủ, đảm bảo xe máy hoạt động tốt, gia cố thùng bệ, sẵn sàng chạy lấn sáng, lấn chiều, cung ngắn hoặc cung dài theo lệnh của người chỉ huy đưa hàng an toàn tới đích. Để từ đó mùa khô 1972, BTL471 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo toàn được lực lượng, vận chuyển được khối lượng hàng hóa lớn chưa từng có. Góp phần vào thắng lợi của toàn dân tộc quyết tâm: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” như lời Bác Hồ kính yêu dặn lại trước lúc Người “đi xa”

 

 

Hà Nội, tháng 12 năm 2015

 

 

tin tức liên quan