BẢN LĨNH CỦA NGƯỜI CHỈ HUY
NGUYỄN HOÀNG – CCB471
Nhận quyền chỉ huy BTL khu vực 471, Tư lệnh Nguyễn Lạn phải tiếp cận với nhiều việc cần giải quyết để giữ vững vùng kiểm soát, hoàn thành khối lượng vận chuyển BTL Trường Sơn giao cho BTL 471. Sau chiến dịch Lam Sơn 719 chính quyền Thiệu dưới sự hậu thuẫn của Mỹ và Ngụy quyền Lào chúng còn muốn dánh phá tuyến vận chuyển chiến lược của ta ở vùng Nam Lào theo hướng Không Sê đôn – Saravan; Pakxế - Paksoong – Thateng – Bản Phồn … nơi hoạt động chủ yếu của BTL khu vực 471.
Thuộc quyền chỉ huy của BTL 471 có 6 binh trạm: 35, 36, 38, 46, 47, 44 và 3 trung đoàn: trung đoàn 10 công binh, trung đoàn pháo cao xạ 593, trung đoàn bộ binh 59. Sau này được bổ sung thêm Trung đoàn cao xạ 210 và 545. Cuộc họp hiệp đồng chiến đấu giao khu vực đảm trách giữa sư đoàn 968 bộ binh và BTL khu vực 471 do BTL Trường Sơn chủ trì ở Phú Trường – nơi đặt sở chỉ huy BTL 471 kết luận điều động trung đoàn 59 bộ binh của BTL471 về phối thuộc với sư đoàn 968 và cũng theo kết luận của hội nghị BTL khu vực 471 phải giữ vững đất đai quản lý, đặc biệt là khu vực Atôpư nơi trung đoàn 10 công binh thuộc BTL 471 đang đứng chân tại đây. Không chậm chễ 24 tiếng đồng hồ sau đó tư lệnh Nguyễn Lạn đã ký chỉ lệnh giao cho trung đoàn 10 công binh giữ khu vững Atôpư và lệnh cho các đơn vị trực thuộc vào cấp sẵn sàng đánh địch lấn chiếm.
Hỗ trợ cho quân bộ lấn chiếm, không quân địch tăng cường hoạt động. Ban đêm RF4 bay chụp ảnh toàn tuyến, AC130 tìm diệt xe ta. Ban ngày OV10 bay chỉ điểm cho F4 cắt bom đánh phá. BTL kịp thời ra chỉ lệnh: “Nắm chắc mọi hoạt động trên không và mặt đất của địch sẵn sàng đánh thắng trong mọi tình huống” gửi các đơn vị. Tư lệnh Nguyễn Lạn có những cộng sự am hiểu nghiệp vụ, tinh thông công tác tham mưu chỉ huy tác chiến hành quân, tham mưu vận chuyển, tham mưu công binh và đảm bảo kỹ thuật hậu cần cho gần một vạn cán bộ chiến sỹ trong bộ tư lệnh khu vực 471.
Việc chú trọng nhất của tư lệnh Nguyễn Lạn là nắm chắc tình hình cả ta và địch, không được bỏ qua một tình huống nào. Ông ra những chỉ lệnh cần thiết cho việc trực chỉ huy, trực ở sở chỉ huy hàng ngày phải được thể hiện rõ trên bản đồ toàn tuyến.
Tư lệnh trưởng 471 Nguyễn Lạn ( ảnh chụp năm 1982 )
Với tác phong sâu sát, tỉ mỉ tư lệnh Nguyễn Lạn còn tự mình kiểm tra các thông tin. Các kỹ sư ban thông tin thiết kế tại phòng tư lệnh trưởng một thiết bị để bất cứ lúc nào ông cũng có thể kiểm tra tất cả những cuộc đàm thoại từ sở chỉ huy. Nhận quyền chỉ huy BTL ông đã trực tiếp khảo sát các tuyến, ông nhớ từng khúc cua, từng trọng điểm, từng điểm đóng quân, chốt giữ của các đơn vị. Qua thông báo bằng điện tín ông đã nắm rõ hoạt động nống lấn của quân bộ ngụy quyền và khả năng tác chiến ngăn chặn của ta. Còn hoạt động trên không của địch đêm cũng như ngày phải chờ tổng hợp ở sở chỉ huy mới rõ được. Tuy nhiên nghe tiếng máy bay trên đầu, tiếng bom rơi đạn nổ trên tuyến, ông thường cắm máy theo dõi và đôi khi trực tiếp ra những mệnh lệnh xử lý. Những đêm AC130 hoạt động nhiều, bắn phá liên tục ông thường không ngủ dõi theo đội hình xe trên tuyến. Ông ra lệnh cho kíp trực phải báo cáo ngay cho ông những việc xẩy ra trên tuyến. Khi đội hình xe bị đánh phá đích thân ông cầm máy cùng kíp trực xử lý tình huống.