" Gốc cây Cầy" - Tạ Thị Ngọc Hiền, Lâm Đồng

Ngày đăng: 03:01 04/02/2016 Lượt xem: 441

 

GỐC CÂY CÀY.  

                                           Tạ Thị Ngọc Hường                                                    

Chủ tịch Hội TT Trường Sơn - Huyện Đạ Teh, Tỉnh Lâm Đồng

 

 

Nguyên thức dậy ngạc nhiên, sao mình lại ở đây? Cô nhìn lên mái lán lá trung quân rồi nhìn bình huyết thanh treo lủng lẳng đang giọt từng giọt vào dây dẫn xuống cánh tay mình. Nguyên không hiểu điều gì đã xảy ra sau những cơn sốt liên tục kéo dài  ….

Trận bom bất ngờ trút xuống trạm xá trong lúc Nguyên đang lên cơn rét. Bên tai văng vẳng tiếng nói của đồng chí trưởng trạm:

- Đồng chí Châu và đồng chí Quý chuyển bệnh nhân nữ về Quân y K53. Trạm ta phải chuyển cứ ra khỏi tọa độ B52 trước buổi chiều nay. Tất cả có ghi rõ trong hồ sơ và sơ đồ đi đường. Các đồng chí hãy cố gắng hoàn  thành nhiệm vụ nhé!

- Báo cáo Thủ trưởng, rõ rồi ạ !

Hai tân binh vừa được bổ sung cho trạm xá, còn mới toanh, chưa một lần tải thương nên rất lúng túng. Chiếc cáng lắc lư, bệnh nhân nữ trong võng run bần bật, rên hừ hừ, người đi đầu càu nhàu:

- Con gái con đứa ở nhà lặt rau nấu cơm cho mẹ, vào rừng chỉ tổ vướng víu !

Đầu cáng sau cũng lẩm bẩm:

- Chậc...chậc! Đàn bà với chả con gái, rách việc quá !

Chỉ lúc sau lại nghe đầu cáng trước oang oang:

- Này Quý!  Cậu nhìn xem, con bé thế nào mà tớ nghe cái võng cứ giật tưng tưng, thế hử ?

          Quý đang gò lưng bước tránh những hòn đá bấp bênh trên lối đi, mặt đất lại đổ dốc, cái cáng càng lúc càng trĩu nặng, cả lỗ tai cũng đang thở, nghe hỏi, Quý giật mình nhìn vô võng, chợt kêu lên:

          - Con bé bị làm sao ấy, ông Châu ơi!  

Châu không quay mặt lại được, mắt cứ ngó ngược, thở hồng hộc giải thích:

- Nó đang lên cơn rét đấy! Cậu chưa sốt rét bao giờ à? Rét trong xương rét ra, ruột gan cứ lộn tùng phèo lên!

- Tớ biết rồi, hôm hành quân, tớ cũng bị sốt rét một trận ra trò. Nhưng…ông Châu ơi! con bé cứ làm sao, mắt nó trợn ngược lên thế kia, miệng thì phun phèo phèo kìa!

           Châu quýnh quáng, bước chân liu xiu:

          -  Vậy à, nó bị co giật đó! Cố gắng giữ lấy, đừng để nó bay xuống đất. Ta đang đi trong tọa độ sắp đánh bom đấy!  Nhùng nhằng giữa đường…nguy hiểm lắm!

Quý xộc xệch cả tóc tai, quần áo nửa trong, nửa ngoài, cái mũ như của nợ, hình như chỉ dính trên tóc chứ không phải là đội, chốc chốc phải chộp lấy vì cứ suýt rơi khỏi đầu, anh càu nhàu:

- Giời ạ! Đường dốc mà còn lắm đá, tớ vấp mấy cái suýt văng cả cáng !

- Cậu cứ làm như mình cậu khó xử ấy. Tớ ở đầu cáng mới gay, không hiểu con bé nặng mấy cân mà cái cáng cứ muốn tụt ra khỏi vai chứ lị! Ấy, ấy, coi chừng! Quỷ tha ma bắt thằng nào chặt mây lại kéo ra giữa đường. Dào ôi! Đạp phải gai mây chỉ có què  thôi!  Chậc…chậc!

Quý gồng vai, hai tay nắm chắc thân cáng, bước từng bước trên những mỏm đá chông chênh nghe ghê ghê như xiếc trên dây. Châu vừa đi vừa cầm sơ đồ dò đường, hối hả:

- Nhanh lên còn kịp ra khỏi tầm oanh tạc của B52. Đến gốc cây Cày khắc có hầm trú ẩn, cố lên!

Quý ngờ vực,  ngập ngừng bước chân:

- Sáng đến giờ, qua biết bao nhiêu cây rừng, biết cây nào là cây Cày hở “ông trẻ ”. mỏi hết cả chân rồi!

- Dào ơi! Ngốc vừa thôi ông tướng, rừng thì vô số cây Cày nhưng cây Cày trong sơ đồ là cây Cày đặc biệt, là giao điểm dừng chân của bộ đội, có hầm trú ẩn hẳn hoi. Chắc là dễ nhận ra thôi, cố lên tí nữa !

Nghe Châu giải thích, Quý hăng hái được một lúc lại gào lên như thấy cọp:

- Chết, chết! Con bé nó lại co quắp như con sâu đo. Ối! Ối! nó lại đạp, lại giật tung cả chăn! Tốc hết mọi thứ…dào ôi, đàn bà với chả con gái…chậc. . chậc. . . !

 

      

( Ảnh minh họa )

                    

 Cây Cày to cỡ ba vòng tay ôm, nhìn từ xa như cái nấm khổng lồ, tầng lá xanh um, như mái nhà mát rượi. Hai người lính loay hoay tìm chỗ đặt cô gái xuống, vừa đặt xuống họ liền sà vào, kẻ đè hai tay, người đè hai chân. Cuộc vật lộn không cân sức, phe yếu lại nghiêng về hai người con trai. Cho đến lúc cô gái chịu xuôi tay thì Châu và Quý cũng te tua phờ phạc. Châu cầm xấp giấy hồ sơ làm quạt, phe phẫy cho có tí gió. Mồ hôi, mồ kê vã ra ướt cả tóc tai. Cô gái xanh xao,  héo hắt khiến hai người lính nao lòng, Quý tháo mũ tai bèo chậm mồ hôi trán cho cô gái. Chợt Châu đọc to xấp giấy cho Qúy nghe :

            -  Thảo Nguyên, mười tám tuổi, dũng sĩ diệt cơ giới, bị sốt rét nhập vào trạm xá ngày... chưa cắt cơn. Xin chuyển về Quân y K53 điều trị tiếp. Hai anh lính tròn mắt, nhìn nhau:

             -  Chao ơi! Con gái mà giỏi thế cơ á! Tớ cứ tưởng “cô chiên”nào chứ. Eo ơi! mới tí tuổi mà gớm nhẩy? Dũng sỹ diệt cơ giới à, cơ giới là cái gì vậy ông Châu?    

- Ối giời ơi! Sao trên đời này lại có người tối dạ như vậy cơ chứ. Chậc…chậc! Là máy bay có cánh giống cánh chuồn chuồn mà quay tít như chong chóng đấy!

- Eo ơi!  Con bé diệt …cái loại í cơ à ?

Cô gái trở mình rên khẽ :

- Khát quá! Cho em xin miếng nước…!

          Châu lăng xăng tháo bình tông nước đổ từng ngụm cho Nguyên, giọng ân cần, nâng niu:

-  Nước đây, nước đây! Để anh mày phục vụ “dũng sỹ” chu đáo nhá ! Mai này tiến về Sài Gòn thì đừng lơ các anh mày nhé! 

Quý chợt vỗ đùi đánh bép:

- Thảo nào trạm trưởng giao bệnh nhân cho chúng ta cứ như giao báu vật!

         Chiếc F105 vụt đánh xoẹt cắt hai trái bom dạo đầu xuống đoạn đường vừa đi qua, hai anh lính rối rít bảo nhau :

-         Đưa bệnh nhân xuống hầm trú ẩn mau!

           Đang loay hoay nơi miệng hầm thì chiếc thứ hai vụt tới. Ba người loi ngoi dưới khoảng tối om, đầy cỏ, cóc nhái nghe động ổ, nhảy đồm độp. Quý sợ quá, hét tướng:

          -  Ối giời ơi! Kinh quá, Cóc nhái nó bổ cả vào mặt tớ! Thôi, tớ thà lên mặt đất chứ chẳng ở trong hầm đâu!

          Châu quát lên trong tiếng bom gầm:

          -   Ơ kìa! Đồ dở hơi, đàn ông, đàn ang ai lại đi sợ cóc nhái!

Hơi bom thốc vô hầm cùng đất đá, ánh lửa chớp liên hồi, căn hầm chao nghiêng, đưa võng….

                                           *

 

Không biết bọn Ép  (F) ngưng bom lúc nào, chỉ biết rằng khi Nguyên tỉnh dậy, cô sờ xoạng bò ra phía có ánh sáng lờ mờ, lại ngã nhoài lên thân một người đang nằm lăn lóc như chết. Quý giật mình trong mê ngủ hốt hoảng:

- Ối giời ơi! Núi đè tôi !

Châu ngồi phắt dậy, định thần, nhận ra mái tóc của cô gái đang xõa tung phía chân mình, liền lay bạn:

-  Dào ơi! còn nằm mơ đấy à? Quý! “Núi” tĩnh dậy rồi kìa!

          Quý bò lồm cồm ngồi dậy, mắt nhăm, mắt mở, xoa đầu chữa thẹn :

- Anh mày thấy Ép (F) nó quạt mát rượi nên làm giấc cho thoải mái!

Nguyên ngồi tựa vách hầm, mắt đờ đẫn nhìn hai người lính, cảm giác khó thở do hơi bom còn lẩn khuất trong hầm, cô nói hổn hển:

-         Vì… em… mà… các anh… vất  vả… quá!

Giọng miền Nam ngọt ngào dễ thương, khiến hai chàng trai rối rít, Quý mau mồm, trấn an cô gái:

               -  Ấy chết! Mỗi người một nhiệm vụ thôi mà, chưa là gì với “anh mày” đâu nhá!

Châu huých chỏ tay vào lưng bạn, cười mũi:

               - Ông tướng nhà giời ạ! chúng ta lên mặt đất đi thôi! còn chặng đường dài nữa đấy, ở đó mà “tinh tướng”!

               Hai anh lính đỡ cô gái lên khỏi miệng hầm một cách vụng về không tả nổi. Ba người ngoi lên từ một công sự dưới gốc cây Cày. Cảnh tượng khó ngờ hiện ra, cây Cày xum xuê lá, giờ trơ trụi. Nhưng thân và gốc của nó dường như chẳng bom nào làm mất đi dáng vẻ phong độ, lực lưỡng. Cô gái nhìn cây Cày đến sững sờ, Quý vội nói ngay:

- Chỉ một vài cơn mưa, lại tươi tốt ngay thôi, cái giống cây này nó gan lì lắm! Nguyên cố bám  một cành đổ  đứng dậy.  Châu sốt ruột:

-         Ấy, đồng chí đừng cố, để tôi lấy cáng !  

Nguyên lắc đầu, mệt lả:

          -   Ngổn ngang thế này mà phải…cáng em, vất vã lắm! Em cùng đi bộ với các anh một lúc!

Hai anh lính bàn cách đưa bệnh nhân vượt qua bãi bom:

           -  Đường đi khó khăn, không cáng được, chúng ta thay nhau cõng bệnh nhân?

Châu gật gù khen bạn:

- Cậu cũng thông minh đáo đễ nhỉ ? nào, lên đường thôi!

          Quý hí hửng sau lời khen của bạn liền ngồi ngay xuống, đưa lưng cho cô gái:

- Tớ xung phong cõng trước! Nào, mời nữ dũng sĩ miền Nam an tọa, cứ tự nhiên như  người “Hà Lội”!

Châu xoay mũ dấu nụ cười, nghĩ bụng “cu cậu nhà ta hôm nay cõng đến tối cũng khống biết mệt đâu”!

 

                                                 *

Ba người lính trẻ bỗng thân thương, quấn quýt nhau. Họ trèo lên tụt xuống những thân cây đổ, đỡ đần đồng đội gái một cách ân cần như nâng trứng, hứng hoa. Không đơn thuần vì cô ấy là bệnh nhân nữ còn là “thần tượng” cho lính trẻ lên đường bảo vệ đất nước. Thực tế cho thấy tuổi trẻ miền Nam đã ra mặt trận từ khi còn niên thiếu. Cô gái mảnh khảnh như chiếc lá mà đã làm kẻ thù khiếp sợ, thật đáng tự hào! Hai người lính cảm thấy tình cảm dâng lên ngập lòng…Hết cõng lại dìu, thay nhau chăm sóc, chốc chốc lại leng keng tông nước,  mớm cho cô gái từng ngụm. Họ ngắt những cánh hoa rừng thơm ngát bên đường trao cho cô gái, mong thấy ánh mắt vui sướng và nụ cười hiếm hoi. Cơn sốt đến cữ đang ửng hồng trên đôi má nhợt nhạt của cô gái làm hai anh con trai lo lắng:

- Cậu làm gì để ngăn cơn sốt đi Quý?  Tớ giới thiệu cậu hát nhé!

Dừng chân nghỉ ngơi bên đường chốc lát, Quý có máu văn nghệ, vội đứng lên sửa soạn áo sóng. Châu kiễng chân, xòe hai tay trước bụng như văn công, nhìn cô gái và giới thiệu:

-  Sau  đây, đội văn nghệ trạm xá K30 xin phục vụ chiến sĩ miền Nam một bài hát! Xin giới thiệu nam ca sĩ văn Quý, à không! giọng nam cao…Phú Quý!

Quý loay hoay như gà tìm chổ đẻ, chọn một chỗ đứng để tưởng tượng là sân khấu, khoan thai ve vẫy điệu bộ hát chèo:

- “Giữ lấy biên thùy, ới..a ngày đêm anh giữ lấy biên thùy! Đôi vai thù nhà nợ nước, anh chẳng ngại gì bạt núi ngăn sông…” Châu cao hứng bước đến cùng múa với Quý. Hai chàng trai hát say mê không hề ngượng ngập, cố lôi cuốn sự quan tâm của người nghe. Hy vọng Văn nghệ làm cô gái quên cơn sốt đi. Đôi mắt quên đờ đẫn, đôi môi quên tím rịm.Quý õng ẹo giọng nữ, “hôm qua trên đường, anh đi chiến trường, dừng chân tranh thủ viết thư thăm anh...!”  Châu rút mảnh dù trắng thường dùng vắt cơm, vẫy vẫy cô gái như người thương vẫy người thương: “Ới vội quá đi thôi, em còn lên đường tiếp đạn tải lương, hẹn anh khi khác em sẽ viết nhiều anh nghe…” Hai chàng sung sướng như mở cờ khi thấy cô gái nhếch cười khen:

- Các… anh…hát… hay quá!

Nhưng cô gái bỗng lả người, cơn sốt lại rùng rùng ập đến, giọt nước mắt cô gái trào ra nơi khóe làm nhói lòng hai người con trai. Chiếc cáng lại lắc lư, vắt vẻo trên vai hai anh lính. Những đôi chân lao vùn vụt trên đường. Mồ hôi nhễ nhại, nắng chiều ngã dài xuống triền dốc, Châu chợt reo lên:

- Trạm xá kia rồi!

Y Bác sĩ trạm xá Trường Sơn tiếp nhận một bệnh nhân nữ đang lên cơn sốt dữ dội. Họ ngạc nhiên khi thấy hai người lính cáng thương trong tình trạng…trần trùng trục! Mở võng, đặt bệnh nhân xuống ván, họ thấy hai chiếc áo lính quấn quanh thân cô gái và những cánh hoa Bằng lăng tím còn trên tay bệnh nhân …Cuộc giao nhận bệnh tưởng là đơn giản như bao lần, song, Y, Bác sĩ vừa nhận ra hai cáng thương không muốn rời cô gái. Nơi khóe mắt trong veo ấy, cố nén giọt long lanh, luyến lưu, đau đáu.

 

Tạ thị Ngọc Hiền

Thôn 3, xã Đạ Kho, Huyện Đạ Teh, Tỉnh Lâm Đồng

DD: 01214727177

tin tức liên quan