" Người mở đường Trường Sơn thuở ấy " - Đặng Thị Thanh Liễu - Hội VHNT Tỉnh Lâm Đồng

Ngày đăng: 12:02 09/03/2016 Lượt xem: 483

Tác phẩm t

 

NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN THUỞ ẤY.

Truyện ký 

 

 

 

Tác giả: Đặng thị Thanh Liễu

 

                 

         Tình cờ đọc một bài bút ký đăng trên tạp chí Người làm báo Lâm đồng, cách đây cũng đã lâu. Bài: “ Nhật ký Trường sơn” của tác giả là một người lính đã từng đi mở đường Trường Sơn trong những tháng năm chiến tranh ác liệt nhất. Không hiểu duyên cớ gì mà tôi cứ đọc đi đọc lại bài viết này đến mấy lần. Rung động và cảm kích thật sự, khiến tôi đã có một ước mơ là được gặp mặt tác giả.

 

         Trái đất tròn. Quả không sai tí nào. Một buổi sáng cuối xuân, trời Đà lạt se se lạnh, một cái lạnh dịu dàng với một khung trời  êm ả. Tình cờ. Ôi! Lại tình cờ. Tôi gặp lại một người anh bạn , tay bắt mặt mừng , hai chúng tôi đang trò chuyện. Tình cờ, anh cũng lại gặp một người bạn cũ, hay đúng hơn là một đồng đội. Người anh bạn này đã giới thiệu với tôi về người đồng đội cũ của anh. Thì ra, đó chính là tác giả của bài bút ký đã gây cho tôi nhiều cảm xúc và ấn tượng suốt mấy năm qua. Như bắt gặp một cái gì đó quí giá, như được chạm tay vào một quá khứ hào hùng nào đó. Tôi vui mừng ra mặt. Được anh mời vào nơi làm việc để cùng trò chuyện, được nghe những câu chuyện xa xưa thời bom đạn. Người đàn ông ngồi trước mặt tôi đây, chiến sĩ Lê Ngọc Sơn sinh năm 1947 quê Hà Nam, nhập ngũ năm 1965 tiểu đoàn 458 Bộ binh chức vụ trung úy Đại đội trưởng. Anh hiện đang làm  việc ở văn phòng tiếp dân của Tỉnh ủy Lâm Đồng. Một Cựu chiến binh dưới mắt nhìn của tôi thì anh còn phong độ lắm, điển trai, dáng người rất chuẩn. Thoạt nhìn không ai nghĩ rằng anh là một thương binh hạng 4/4, là một chứng nhân lịch sử, đã từng vào sanh ra tử đi mở đường Trường Sơn huyền thoại. Đôi mắt người cựu chiến binh này không mang hình viên đạn như nhạc sĩ Trần Tiến đã từng thổn thức, mà tôi thấy trong đôi mắt anh là cả một bầu trời thanh bình, nhưng trong bầu trời  thanh bình ấy vẫn còn ẩn chứa một hoài niệm. Chiến tranh đã qua đi bốn mươi năm. Tiếng súng đã im hơi bốn mươi năm. Hòa bình là giấc mơ không tưởng của những người lính trẻ thời ấy.

 

         Khi nói đến hai chữ “ Thời chiến” người ta nghĩ ngay đến chiến tranh. Nếu đã chạm vào chiến tranh thì nói cả cuộc đời cũng chưa hết. Chiến đấu chống cái gì, giành lại cái gì? Là một cậu học sinh dứt tình thương gia đình để ra đi nhập ngũ. Từ sân trường bước vào quân trường, anh đã hiểu thế nào là qui luật của chiến tranh. Nhập ngũ tháng 5 năm 1965 tiểu đoàn 458 Bộ binh. Tiểu đoàn anh lúc ấy nhận nhiệm vụ làm con đường nguyên sinh từ cửa rừng Động Phong Nha dài 68km đến tỉnh Khăm-Muội nước Lào, gọi là Bắc Trường Sơn, để vận chuyển lương thực, vũ khí, đưa thương bệnh binh, con em miền Nam ra Bắc. Cuộc chiến thời ấy đang độ cao điểm. Một mét đất một quả bom. Những trận càn quét của giặc Mỹ ở khe Diêm, khe Đĩa, dốc Ba thang, cây số 39u-bò….Đó là những mục tiêu mà lính Mỹ cho rằng lợi hại nhất. Hang cửa Động Phong Nha là nơi che chở cho tiểu đoàn anh, là nơi trú ẩn an toàn để các chiến sĩ hoàn thành con đường Trường Sơn. Khi con đường Bắc Trường Sơn được khai thông thì giặc Mỹ phát hiện đã thả hóa chất xuống như mưa phùn. Cái hóa chất màu da cam từ máy bay Mỹ được thả xuống dưới dạng sương mù. Thời gian khoảng từ hai đến ba tháng sau , cây lá héo khô rồi chết dần. Để đánh lạc hướng chúng, các anh em chiến sĩ phải lấy song mây buộc lên vách núi chằng ra như một giàn mướp rồi cứ một tuần thay lá một lần. Nhiều chiến sĩ bị hóa chất này dính vào mặt và uống phải nguồn nước đã bị nhiễm hóa chất này. Cuộc chiến ác liệt. Những quả bom Napan được chúng thi nhau thả xuống đồng ruộng, thôn xóm, trường học, nhà thờ…xuống các mục tiêu, nơi chiếm đóng của anh em chiến sĩ Cách mạng. Nhân dân Kon- Tum không bao giờ quên được ngày 10-8-1961 lính Mỹ đã thả quả bom đầu tiên xuống huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon- Tum.  Thượng đế tạo nên chúng ta. Còn chúng ta lại tạo nên sự hủy diệt. Hãy nhìn những gì mà sự vô nhân đạo của con người đã gây ra cho con người.

 

         Bản thân anh đã trải qua nhiều chiến trường như A Sầu, A Lưới, chiến trường Tây Nguyên, chiến trường Savanakhet, Khăm Muội…(Lào). Anh cũng đã từng cầm súng canh cho đồng đội không bị cọp tha, đã nhặt từng miếng xương miếng thịt của đồng đội gói vào tấm tăng để chôn cất, nhường nhau từng miếng lương khô, nhường nhau từng ngụm nước hiếm hoi quí gía trong chiếc lon gô… chiếc lon gô đó bây giờ anh vẫn đang còn giữ. Năm 1967 anh về binh đoàn 559 đóng tại Thá mé Bắc Trường Sơn. Rồi chiến đấu ở chiến trường BC ( B: miền Nam, C: Lào) làm công tác địch vận. Nói đến chiến trường Savanakhet Lào, tôi thấy đôi mắt anh chợt buồn, có lẽ nơi đây đã để lại trong anh nhiều kỷ niệm lắm thì phải. Giọng anh chợt chùng xuống. Buồn. Lại buồn nữa sao. Dường như ký ức đã đan thành những tảng mây không mầu sắc quanh anh. Anh có quen một cô gái Lào tên là Ngòi. Nàng không đẹp cho lắm, nhưng với mái tóc đen huyền buông thả ngang vai đã làm say mê người chiến sĩ trẻ Việt nam Lê Ngọc Sơn ngày nào. Ngòi đã có công nuôi dưỡng và che chở cho đồng đội anh trong những ngày cuộc chiến ác liệt nhất.Dù mưa hay nắng, dù tiếng súng tiếng bom có đe dọa mấy, Ngòi vẫn đem đến cho anh và đồng đội những rổ rau rừng tươi rói, những con cá suối hiếm hoi nhất. Rồi cũng có những đêm trăng sáng lắm, trăng chiếu xuyên qua khe chòi ,Ngòi dạy cho anh tiếng Lào, anh cũng dạy lại cho Ngòi tiếng Việt. Cái tình cảm ấy anh làm sao quên được.

 

         Thời gian cứ đẩy lùi dần mọi thứ về phía bên kia vũng sương mù dày đặc của quá khứ. Mọi thứ đi qua như một giấc mơ, nhưng nỗi nhớ nhung và đau buồn thì có thật. Ngày  đơn vị anh chuyển công tác , cũng là ngày anh xa Ngòi mãi mãi. Anh có nghe một bạn đồng đội kể lại rằng, sau cái ngày đơn vị anh chuyển công tác, Ngòi có đến tìm anh mà không gặp. Anh ước gì có điều kiện để đi tìm lại người con gái ấy. Đôi mắt đượm buồn nhìn tôi anh nói: “ Đã hơn bốn mươi năm rồi, hình ảnh người con gái Lào ấy, tôi không bao giờ quên được. Những kỷ niệm thời ấy cứ len lỏi trong ký ức tôi. Sau lần chia ly ấy, tôi vẫn thầm cầu mong cho em được bình yên và hạnh phúc, dù là thứ hạnh phúc nhỏ nhoi, giản dị giữa đời thường”. Trong hoàn cảnh khó khăn và nghiệt ngã nhất của cuộc chiến, anh vẫn tạo ra được cho mình thời gian để viết nhật ký. Tôi thật sự cảm động khi anh đưa cho tôi xem quyển nhật ký đã cũ, giấy đã sờn, nét chữ viết vội. Nó đã theo anh suốt dặm đường kháng chiến. Trong ấy có bài thơ anh viết cho mẹ, căn dặn mẹ ở nhà hãy yên lòng. Thế nhưng bài thơ : “ Dặn mẹ” sao mà buồn quá, tôi nghĩ thầm sao giống như những lời trăn trối vậy, mà không dám nói ra:

 

 “ Con sắp ra trận rồi

 Đi vào trong bão thép

Giữ cho được nụ cười

Đã nhiều đêm trăng dệt  

Mai mốt tan lửa khói  

Nếu con không trở về

Mẹ cứ tìm mà hỏi  

Cô gái ở cùng C.” ( C: đại đội).

 

 

 

 

         Lời thơ mộc mạc của một người lính trẻ, tuy không hoa mỹ như những nhà thơ khác, nhưng nó chứa đựng nhiều tình yêu thương mà anh luôn hướng về gia đình. Vì mẹ là tình yêu bao la của anh.Dù trong cuộc chiến nào đi nữa hình ảnh mẹ luôn là nguồn động lực cho anh vững bước chiến đấu. Cầm cuốn nhật ký trên tay, anh cảm động nói với tôi:- Tôi sẽ giữ quyển nhật ký này cho đến cuối đời, trước khi chết tôi sẽ trao lại cho Bảo tàng Quân đội Nhân dân Việt Nam.” Ý nguyện này của anh làm tôi thán phục vô cùng. Có ai biết trước được tương lai của mình. Chiến tranh đã qua đi từ rất lâu. Các anh còn lại những gì. Ký ức ?  Đồng đội? Nhắc đến hai chữ “ Đồng đội”, tôi chợt hiểu rằng: “ Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt” mà. Đồng đội anh. Ngay giờ phút này đây anh còn chưa biết được ai còn ai mất. Nhưng đời sống vốn vô cùng khắc nghiệt. Anh trôi về hướng khác. Những bạn bè chiến hữu của anh cũng trôi về hướng khác. Những bài báo nhắn tìm đồng đội của anh lặng lẽ như một góc khuất, một góc khuất mênh mông của sự chia lìa.

 

         Anh ngồi đó. Dáng vẻ lặng lẽ và cô đơn, đôi mắt luôn nhìn về một cõi nào đó xa xăm, như muốn tìm trong cõi xa xăm đó một kỷ niệm, một bóng hình… Anh đọc cho tôi nghe mấy bài thơ buồn viết về tình yêu, về thân phận và nỗi nhớ nhà da diết… Tôi đã kịp hình dung ra một tảng đá, một gốc cây, một cái hang động, một túp lều giữa rừng, một buổi dừng quân… nơi nào cũng có thể làm bàn cho anh viết vội những câu  thơ đầy thương nhớ. Anh ra quân năm 1975. Từ giã chiến trường với  35% thương tật ,vết đạn còn nằm trong đầu. Thỉnh thoảng đau nhức khi trái gió trở trời. Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, anh trở về quê nhà ở Hà Nam, sống đời sống dân thường. Lái xe cho xí nghiệp vận tải ô-tô 3 Hà nam Ninh. Lái xe khách tuyến đường Phủ lý- Hà nội- Nam Định. Tháng 2/1979 anh lại đi phục vụ chiến dịch biên giới Đình lập- Na Dương biên giới phía Bắc. Năm 1981 anh vào Nam, chuyển công tác vào Lâm đồng làm cán bộ tiếp dân cho Ủy Ban Nhân dân tỉnh cho đến nay. Năm 1986 anh lập gia đình lần hai, vì người vợ đầu đã mất từ lâu. Năm 2000 anh về làm Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Đioxin  thành phố Đà Lạt. Vì thấy anh làm nhiều việc quá, tôi dè dặt hỏi: - Anh ạ, lẽ ra ở tuổi này anh nên nghỉ ngơi cho khỏe, vì dù sao anh cũng đã cống hiến nhiều cho đất nước rồi, phụ trách một lúc nhiều công việc như thế này có mệt mỏi lắm không anh?. Anh cười thật hiền nói: - Ở cái tuổi nào cũng vậy, còn sức khỏe, còn giúp ích được  gì cho Tổ quốc, cho Xã hội  thì cứ làm. Sở dĩ tôi làm việc cho Hội chất da cam là vì tôi cũng có con và cháu bị nhiễm chất độc này từ cha. Nhìn con cháu mình, nhìn những đứa trẻ vô tội bị hành hạ bởi sự vô nhân đạo của những con người vô nhân đạo kia mà đau lòng. Tôi muốn đòi lại công bằng cho những nạn nhân ấy, nên sẽ làm tất cả…Nghe anh nói thế tôi đã hiểu thế nào là giá trị của hai chữ “ Yêu nước”. Thời chiến , anh đã cống hiến cả tuổi trẻ của mình cho đất nước. Rồi hòa bình về, anh cũng không để phí một chút sức lực và tinh thần  nào của một người đứng tuổi để lại cống hiến thêm cho Xã hội những lợi ích khác. Đang bước dần vào cái tuổi “ thất thập cổ lai hy” mà tinh thần yêu nước của một Cựu chiến binh như anh quả là hiếm. Những năm tháng chiến đấu gian khổ ngoài chiến trường, những cống hiến cho quê hương , cho xã hội của anh đã được đền bù xứng đáng bằng những tấm huân chương cao quí. Năm 2001 anh được Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Lào trao huân chương tự do hạng nhất cho cựu cán bộ, chuyên gia tình nguyện quân chiến đấu ở chiến trường Lào cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tôi vinh dự được anh cho xem những thành tích xứng đáng của một người lính đi mở đương Trường Sơn năm xưa. Nào là:- Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng nhất-nhì-ba của Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ trao tặng tháng 9/1975. Nào là:- Huân chương kháng chiến hạng ba của Hội đồng nhà nước do Chủ tịch Trường Chinh trao tặng tháng 5/1985. Nào là:- Huân chương kháng chiến hạng nhì của Chủ tịch nước Trần Đức Lương trao tặng tháng 6/1999. Nào là:- Huân chương quyết thắng hạng nhất của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trao tặng tháng 1/1999. Nào là:- Huân chương tự do hạng nhất của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trao tặng tháng 2/2000. Gần đây nữa là bằng khen của Hội nạn nhân chất độc da cam Đioxin thành phố Đà Lạt do  Chủ tịch tỉnh Nguyễn xuân Tiến trao tặng. Tôi bỗng reo lên như một đứa trẻ:- Ôi, nhiều quá, anh giỏi quá. Thế mới biết, trời không phụ lòng người, nhất là những người có công luôn được đền bù xứng đáng phải không anh. Tôi biết rằng anh vẫn chưa kể hết những tháng ngày gian khổ của một đời lính. Kỷ niệm chiến trường thì nhiều lắm. anh hẹn tôi một hôm nào đó sẽ kể hết.

 

         Tôi lặng lẽ nhìn người Cựu chiến binh ngồi trước mặt, chợt nhớ ra mấy câu thơ có nét giống tâm trạng của anh thuở ấy, mà không nhớ nổi là của ai:

 

“…Tôi hỡi tôi xin đừng chết nhé

Bóng hòa bình thấp thoáng ở miền Nam

Ngày ta mong nằm trong tầm tay với  

Sao thấy lòng chưa dứt nỗi hoang mang…”.

 

         Khi có lệnh tổng tấn công , từng đoàn quân ào ạt trên con đường Trường Sơn tiến vào Sài Gòn, các anh vừa vui mừng vừa hoang mang lắm không biết mình có còn sống đến ngày mong đợi không. Hòa bình đang nằm trong tầm tay chúng ta, ngày Giải phóng miền Nam đang nằm trong tầm tay chúng ta,  tôi không được chết, chúng ta không được chết.Tôi chợt mỉm cười với riêng mình. Còn biết nói gì hơn. Tôi chỉ biết thầm tạ ơn. Tạ ơn người đã cho tôi sống lại cái cảm xúc của chiến tranh đã đi qua. Mà ở đó có mùi của đất, mùi của những giọt máu, nước mắt và mồ hôi, mùi của hương hoa, mùi của tình yêu thương con người… Tạ ơn người đã cho tôi biết tri ân những người đi mở đường Trường Sơn  thuở ấy và tri ân những người đã nằm xuống trên con đường Trường Sơn huyền thoại.

 

 

tin tức liên quan