THUỶ ĐEN
Bút ký của Phạm Tiến Đặng
(Viết về đồng chí Đào Trọng Thuỷ - Nguyên Tham mưu trưởng Tiểu đoàn xăng dầu)
Nữ chiến sỹ đường ống xăng dầu Trường Sơn ( ảnh minh họa )
Hai anh em chúng tôi thời còn ở Trường Sơn không cùng đơn vị. Anh ở đường ống xăng dầu, còn tôi ở Sư 471 mãi tít trong sân bay Chà Vằn và khu vực nam, bắc Bạc. Chúng tôi hiểu và quí mến nhau không chỉ bởi sinh hoạt cùng trong Hội Truyền Thống, mà nó bắt nguồn từ cội nguồn Trường Sơn vì : Cái" gốc" công tác Tham mưu. Chắc hẳn những người lính chúng ta đều biết- Làm tham mưu thì không những phải nhạy bén, cần mẫn, thực tế. Mà còn phải có bản lĩnh và hết sức thẳng thắn, trung thực. Ngày ở Trường Sơn tuy tôi ở phòng Tham mưu Sư đoàn nhưng chỉ là trợ lý. Còn anh công tác dưới tiểu đoàn nhưng lại làm Tham mưu trưởng. Nhiều lúc đùa vui anh trêu tôi : Đời tớ vào quân ngũ dù không được lên tới cán bộ cấp Sư đoàn, nhưng dù ở đâu mình cũng luôn làm cấp trưởng có lính để "sai". Còn ông dù ở trên Sư đoàn thì cũng bị các Thủ trưởng điều hành...rồi Anh cười hà...hà...Ra chiều khoái trí vì đã chọc quê được tôi.
Lần nữa mãi...Tôi mới sắp xếp được thời gian đến nhà thăm anh. Tiếng là ở gần nhau nhưng từ nơi tôi chạy vào tới xã Vũ Hoà, huyện Đức Linh cũng phải gần bảy mươi cây số. Vậy cũng gọi là gần, chứ mỗi lần ra Phan Thiết họp tỉnh Hội, những anh em ở xa phải đi một trăm ba, bốn mươi cây. Tuy là những cựu binh lớn tuổi nhưng có lẽ cái chất Trường Sơn trong mưa bom, bão đạn đã tạo nên tác phong chấp hành nghiêm túc, đúng giờ của tất thảy mọi người. Đúng bảy giờ ba mươi là mọi người đã tập trung đầy đủ để bắt đầu phiên họp.
Tới Trường tiểu học. Gặp cô giáo tôi hỏi thăm đường vào nhà anh ! Nhìn cách ăn mặc với cái vẻ công chức gọn gàng, sạch sẽ của tôi. Cô hỏi : Chắc chú công tác cùng cơ quan kiểm toán với con chú thuỷ ở Thành phố mới về ?
Tôi trả lời : Tôi là đồng đội cùng chiến đấu, công tác trong rừng Trường Sơn với chú Thuỷ cô ạ ! Cô giáo nhìn tôi có vẻ nghi ngờ về lời tôi tự giới thiệu. Chỉ đường nhưng vừa như có ý nhắc nhở : Chú vào thăm chú Trọng Thuỷ hả ? Cháu ở gần nên biết chú Thuỷ trước đây là lính Trường Sơn, Bộ đội Cụ Hồ. Mấy chục năm về đây gia đình chịu khó làm ăn, sống giản dị, nghĩa tình và gương mẫu lắm ! Chú cứ đi hết hàng rào của trường, gặp con hẻm bê tông quẹo vào. Đụng ngã ba cứ đi thẳng. Thấy nhà bên trái có hàng rào, cổng xây trước sân có tượng Quan âm Bồ Tát là nhà chú Thuỷ đấy. Chú ạ !
Tôi cảm ơn cô và cho xe chạy tới. Theo lời cô giáo. Tôi bon tới cổng đã thấy anh vận chiếc áo bộ đội bạc mầu đang lui cui bón phân chăm sóc cho hàng cây hoa, cảnh trước sân nhà. Nghe tiếng còi xe. Anh Thuỷ nhận ra tôi. Liền đứng dạy phủi phủi bàn tay lấm đất vào quần chạy ra đon đả : Ông tướng sao đi nhanh thế, mới điện có một tiếng mà đã tới rồi ?
Tôi điệu bộ vênh mặt trêu anh : Dù sao cũng trợ lý tham mưu Sư đoàn tác phong phải gọn gàng, ngăn nắp, chính qui chớ. Tốc độ chạy xe cũng phải nhanh hơn cán bộ tiểu đoàn là chắc rồi ông ạ ! Anh cười hà...hà...ừ đúng...ửa đúng...úng ! Anh nắm tay tôi kéo vô nhà rồi gọi vọng xuống : Bà dân quân quê lúa Thái Bình ơi ! Bỏ việc đó lên đây đi. Thằng Đặng bạn lính Trường Sơn ở Hàm Tân vào thăm mình này ! Nghe anh gọi, từ nhà sau chị Mão tất tả chạy lên. Thấy tôi chị niềm nở : Tôi nghe anh Thuỷ cũng hay nhắc về chú ! Sao hẹn hoài mà bữa nay mới ghé vào chơi ? Tôi chưa kịp trả lời thì anh Thuỷ đã giục : Cô dân quân ơi ! pha cho anh em chúng tôi ấm trà đi. Lao động sáng giờ không nghỉ khát nước quá rồi.
Chị nhẹ nhàng : Dạ để em đi pha nước uống. Mang bình trà lên, chị đi ra phía sau. Tôi nghe thấy mấy tiếng cộp...cộp...chỉ một loáng chị đã bê vào hai ly nước dừa, cười nói : Chú thưởng thức nước dừa anh Thuỷ trồng xem có thơm ngon bằng nước dừa Bến Tre vùng sông nước Cửu Long không ?
Anh Thuỷ cười : Đấy ông xem bà dân quân nhà tôi hiền lành, chân quê là thế ! Mà nay xem Tivi quảng cáo hàng hoá, mẫu mã quá nhiều nên nhiễm xạ. Cũng biết tiếp thị, quảng cáo hàng rồi đấy !
Tôi cười đỡ lời : Cũng phải thôi chị nhỉ ? Kinh tế thị trường mà. Mình làm ra sản phẩm sạch, chất lượng cao thì cũng phải quảng bá một chút cho khách hàng biết chứ ! Miễn sao đừng treo đầu dê, bán thịt chó như một số nhà sản xuất, Công ty thực phẩm bẩn họ dùng hoá chất úm ba la...Thành thực phẩm sạch. Chỉ tội cho những người lương thiện, khi ăn phải những loại thực phẩm bẩn đầy hoá chất ấy mang bệnh đầy người.
Nghe tôi nói vậy anh hỏi : Này ! Ông thường xuyên truy cập đọc báo, thế cái vụ công ty bán hàng đa cấp của cái ông tự xưng Đại tá Quân đội. Lợi dụng lòng tin lừa đảo khách hàng cả tỷ...tỷ đồng Công an xử lý tới đâu rồi ?
Tôi trả lời : Thằng cha đó Công an đã bắt nhốt chung với mấy người trợ thủ, giúp việc lừa đảo của hắn rồi. Hiện còn đang trong quá trình điều tra làm rõ. Nhưng với công luận thì người ta đặt câu hỏi và cho rằng : Trách nhiệm lớn không thể phủ nhận là thuộc về Cơ quan chủ quản cấp phép, không thường xuyên theo dõi, kiểm tra. Nếu phát hiện ra sai phạm xử lý kịp thời thì đâu có sẩy ra hậu quả nghiêm trọng làm cho nhiều gia đình phải tán gia, bại sản đến vậy !
Anh trầm ngâm : Trước đây trong lãnh đạo tỉnh Hội mình cũng có một ông đi công tác tới huyện Hội nào cũng quảng bá và dụ anh chị em Trường Sơn mình tham gia bán hàng đa cấp. Tôi thì chẳng phải người biết kinh doanh, chỉ làm anh nông dân chém to, kho mặn. Nhưng bằng suy luận cũng biết con đường đó chẳng hay ho, tốt đẹp gì. Nhất là với những người lính trở về chỉ có chiếc ba lô, hai bộ quần áo như chúng mình. Tằn tiệm chi tiêu. Chịu thương, chịu khó làm ăn mới có chút tài sản gọi là. Loạng quạng nghe dụ ngon, dụ ngọt. Tham giàu nhanh mà không phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt như mình. Thì có ngày trắng tay. Ra gầm cầu Bình Triệu căng bạt làm nhà mà ở thôi đồng đội nhỉ ?
Anh biết đồng chí lãnh đạo của mình sai đường vậy với cương vị uỷ viên Ban chấp hành sao anh không chân thành góp ý, tôi hỏi ?
Anh cười : Góp ý gì chứ ! Mình đâu biết kinh doanh buôn bán mà xía vô góp ý. Nghe ông T nói với anh em"có cách làm kinh doanh nhanh giàu không phải lao tâm, khổ tứ gì. chỉ việc đi chơi quảng cáo và giới thiệu bán một vài sản phẩm cho những người bà con xung quanh, bạn bè. Họ mua sản phẩm và cùng đăng ký tham gia vào công ty bán hàng đa cấp là mình đã có điểm tích luỹ. Họ càng lôi kéo, rủ rê được nhiều người tham gia thì điểm tích luỹ của mình càng cao. Điểm tích luỹ là tiền mà Công ty đa cấp chuyển vào tài khoản cho mình đấy các đồng chí ạ"!
Bằng vào trực giác tớ thì chẳng tin cái chuyện ông T nói tiền từ trên trời rớt xuống cho mình như vậy. Nhưng có một số đồng đội mình nghèo nên cũng muốn đổi đời bằng thử vận may. Thế là bập vô bánh vẽ. May mà anh em phát hiện sớm, nên thua thiệt cũng nhẹ. Chưa có ai phải vay nợ, bán nhà.
Tôi truy anh : Vậy chứ cái vụ ông T A lợi dụng danh nghĩa lãnh đạo xin khéo, ăn bẩn trong việc xây dựng nhà Nghĩa tình đồng đội cho những đồng chí khó khăn anh biết rõ mà sao không ngăn chặn, góp ý ?
Nhấp ngụm nước trà anh tiếp : Nói thật với ông ! Tôi nghĩ góp ý, đấu tranh phê bình để làm gì chứ ? Anh em mình qua cuộc chiến còn sót lại. Giờ đã già hết cả rồi. Lấy yêu thương, nghĩa tình mà ăn ở đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Anh nào sống không trung thực, âm mưu thủ đoạn. Đến lúc anh em nhận ra thì họ tự bị cô lập. Con người ta sống trong day dứt, đau khổ, buồn phiền, xấu hổ vì bị mọi người xa lánh mới là sống không bằng chết đấy ông ạ !
Vừa uống nước, tôi vừa để ý quan sát khu nhà. Phía trước sân bên trái anh xây ngôi từ đường dòng họ. Dập theo nguyên si mẫu của quê lúa Thái Bình. Mái nhà cong, bàn thờ tam cấp sơn son thiếp vàng. Trên cùng đặt bài vị gia tiên, tiếp đến là những bát nhang phân theo thứ bậc. Hai bên cũng có đủ gơm đao, côn kích và Đôi hạc chầu cùng với cặp đèn nhật nguyệt, lư đồng. Căn nhà anh ở phía trước là phòng khách rộng, Có dàn karaoke xịn để thỉnh thoảng con cháu, bạn bè về tụ hội thoải mái tập làm ca sỹ Bằng kiều, Phi Nhung. Phía trong anh chia thành nhiều phòng có đầy đủ tiện nghi tivi, máy lạnh. Làm nơi cho con cháu, bạn bè về chơi nghỉ ngơi thoải mái.
Hàn huyên một lúc. Tôi ngỏ ý muốn được đi tham quan mô hình làm kinh tế của anh. Anh dắt tôi ra thăm mười hecta cao su đang thời kỳ thu mủ. Đi trong rừng cao su mát dịu, thẳng hàng. Cái nắng nơi vùng đất bán sơn địa Đức Linh, Bình Thuận gần trưa chói chang xuyên qua kẽ lá, như rắc lên mũ, áo hai người lính Trường Sơn chúng tôi như những cánh mai rừng lung linh, vàng nhạt.
Anh bảo : Trong mười hecta này thì số nhiều mình đã thu hoạch được bảy năm, vài hecta trồng sau mới thu hoạch được hai năm thôi ông ạ !
Tôi hỏi anh : Hiệu quả kinh tế thế nào ?
Anh bảo : Những năm trước mủ có giá còn như năm nay giá bèo chắc chỉ thu được hơn trăm triệu thôi ông ạ ! Xác định làm nông dân nên tôi chẳng ngu gì mà bỏ hết trứng vào một giỏ. Tôi đã triển khai nhiều mô hình kinh tế khác cho thu nhập khá hơn nhiều. Chút nữa về nhà tôi sẽ giới thiệu và cho ông mục sở thị.
Cách khu rừng cao su của anh một khoảng là đầm sen mêng mông đang nở. Màu đỏ, trắng bạt ngàn của những bông sen. Cùng với đó xa xa là những cánh rừng khô lá bởi nắng và gió. đồi, núi nhấp nhô dưới nắng chói chang như bức tranh vân hồng, thuỷ mạc.
Từng cơn gió thổi nhẹ. Đưa hương sen lan toả làm hồn tôi ngây ngất. Hương sen thơm dịu mát. Tôi cố gắng hít thật nhiều, thật nhiều mùi hương tinh tuý của đất, trời căng tràn nồng ngực. Để cảm nhận và thưởng thức hương vị một loài hoa. Loài hoa nhà Phật. Loài hoa "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn'". Loài hoa ấy còn tượng trưng cho hình ảnh Bác. Người lãnh tụ kính yêu luôn giản dị, sáng trong chỉ biết hết lòng lo cho dân tộc.
Dạo quanh vườn cao su một lúc, chúng tôi quay về. Mâm cơm đã để sẵn trên bàn. Thấy hai chúng tôi bước vào, chị Mão giục : Trưa rồi. Hai anh em ra rửa mặt rồi vào dùng cơm kẻo nguội. Nhìn mâm cơm chu tất, sang trọng như ở nhà hàng đặc sản cao cấp. Tôi định mở lời thì anh Thuỷ đã giải thích : Hàng nội chất lượng cao thôi bố ạ ! Tôi chưa kịp hiểu ý. Chị Mão đã tiếp lời : Nhà mình có khách không phải chạy chợ mua đâu. Nhím xào lăn, bồ câu chiên, vịt luộc và xáo măng này đều là sản phẩm nhà chăn nuôi đấy chú ạ ! Phải nói được ăn thực phẩm sạch có khác. Nó ngọt và thơm ngon một cách lạ kỳ. Bữa ăn này làm tôi nhớ ngày còn ở Trường Sơn các đơn vị chăn nuôi heo, gà để cải thiện. Khi mổ thịt, làm gì có gia vị để chế biến như bây giờ ! Ấy vậy mà ăn cũng thơm ngon, ngọt ngào đáo để. Thịt Heo, Bò thời nay bán đầy ở chợ. mua về muốn kho, chiên đều phải trần qua nước sôi rồi mới đem chế biến. Gia vị thì không thiếu thứ gì...Vậy mà khi ăn vào miệng vẫn cảm thấy cái vị tanh, tanh...Lờm lợm, nhệu nhạo chẳng béo, bùi gì.
Hai anh em chúng tôi cùng nâng ly, lai rai tâm sự. Anh khoe với tôi : Mới năm rồi Các đơn vị đường ống xăng dầu tổ chức gặp mặt anh em ở Sầm Sơn. Được tin. Mình rủ mấy anh em ngày xưa cùng đơn vị phi ra, trong lòng thằng nào cũng hy vọng và mong ước : Mấy chục năm xa cách đi để được gặp lại những đồng đội cùng sinh tử, hứng chịu bao mưa bom, bão đạn năm nào...Thật không ngờ anh em các nơi tụ họp về đông vui quá thể. Bữa đó anh Hậu Thiếu tướng, nguyên Cục trưởng đường ống cũng về. Chương trình Tổ chức thì gọn nhẹ thôi. Nhưng chương trình giao lưu, văn nghệ thì bất tận. Sướng nhất là khi tôi vừa tới, mấy con mẹ trước đây trong đơn vị là lính của mình ở Quảng Bình ra. Anh Trọng Thuỷ vừa nói tới đó. Chị Mão xen ngang : Đúng đấy chú ạ ! Đợt ông ấy đi về cứ gặp anh em là lại khúc khích : Sướng lắm, vui lắm ! Bữa đó tôi đi làm về mệt, đang ngủ say giật mình vì ông ấy ngủ mê cũng cười hích...hích...Rồi còn gọi tên mấy cô Thanh, Phong, Tâm gì đó nữa. Bực quá tôi nhéo cho mấy cái vào tai, ông ấy mới tỉnh. Anh Thuỷ cười : Bà là dân quân thì biết cái gì ! Lính tụi tôi khi đó ở Trường Sơn yêu thương nhau ghê lắm ! Một lá thư nhà cũng san xẻ đọc chung. Vài cọng măng rừng cũng chia nhau cùng ăn. Viên thuốc ký ninh cũng chia nhau khi sốt rét...Nói rồi anh quay qua tôi hỏi : Tớ nói vậy có đúng không đồng đội ? Tôi gật đầu xác nhận. Rồi anh kể tiếp : Mình lúc đó làm đại đội trưởng. Tụi nó thì mới bổ xung vào đơn vị. Đứa nào cũng chỉ mười tám, đôi mươi. Nói thật chứ nếu bây giờ thời gian quay lại, nhiều đứa lính của tôi đi thi hoa hậu không nhất thì cũng được á khôi. Rồi anh cười khà...khà...Nói vui vậy thôi ! Ông cũng ở Trường Sơn thì biết rồi còn gì. Ngày ấy tình đồng đội trong sáng lắm ! Có khi nam, nữ ngủ chung một hầm kèo chỉ ba, bốn mét vuông mà có gì sẩy ra đâu ? Đâu có như một số con trẻ bây giờ đang còn học cấp hai, cấp ba cũng đàn đúm bỏ nhà đi bụi, cặp bồ, cặp bịch dắt nhau vô nhà nghỉ tùm lum. Nghĩ lại phải nói tuổi trẻ chúng mình ngày ấy trong sáng thật ông nhỉ ? Vừa để tâm lắng nghe anh tâm sự...Tôi lẳng lặng quan sát chị - Người phụ nữ tóc đã có nhiều sợi bạc, nhưng khuôn mặt đoan trang và phúc hậu. Tuổi tác không làm mất đi vẻ thanh tú khi cặp môi lúc nào cũng tươi hồng. Bàn tay chị sạm nắng vì lao động cùng lo toan, gánh vác với chồng. Để lo cho các con ăn học thành tài. Từ khi còn hai bàn tay trắng anh chị dắt nhau từ Thái Bình vào nơi đây lập nghiệp. Tôi thầm nghĩ : Chị đúng là mẫu người "vượng phu, ích tử".