" Chúng tôi ăn tết ở Lào " - Lê Lợi, CCB Sư đoàn bộ binh 968 - Quân tình nguyện Việt Lào

Ngày đăng: 08:30 12/04/2016 Lượt xem: 573

 

CHÚNG TÔI ĂN TẾT LÀO

 

 

Tết té nước tại Lào ( Ảnh minh họa)

 

       Những năm 80 của thế kỷ trước, khi còn là anh lính tình nguyện của Sư đoàn 968, tôi được dự 4 cái Tết năm mới cùng nhân dân vùng Hạ Lào.

 

       Cũng như các dân tộc khác trên thế giới, tại Lào có nhiều Tết nhưng quan trọng nhất, to nhất vẫn là Bun Hót nậm (Tết té nước) còn được gọi là Bun Pimay-Tết năm mới.

 

       Được tổ chức theo Phật lịch, hàng năm cứ vào trung tuần tháng Tư, từ ngày 13-15 là Tết té nước của dân Lào. Thời gian này là cuối mùa khô, những cánh rừng trải dài từ Thượng Lào xuống Hạ Lào rụng lá, khô khốc, những con suối cũng cạn trơ đáy. Dòng Mekong hùng vĩ là thế mà trở nên bé lại vì cạn nước, từ thị xã Xavannakhet nhìn sang Mukdahan của Thái Lan có cảm giác chỉ bơi qua ít phút là tới. Cuối mùa khô, có thể đã có những giọt mưa báo hiệu cho mùa mưa sẽ kéo dài từ đây cho đến tháng 10, tháng 11. Mặc dù vậy vẫn có một số loài cây xanh tốt như K’nia, cham pa…

 

       Trong những ngày này người Lào ăn mặc đẹp, dùng nước thơm được ngâm bằng các loại hoa để tắm cho Phật, cho các nhà sư để tỏ lòng tôn kính. Người ít tuổi té nước vào người lớn tuổi để chúc sống lâu, khỏe mạnh, bạn bè té nước vào nhau để gửi lời chúc tốt lành, nước được té cho mọi người dù lạ hay quen. Với bản tính hiền lành, người Lào hiếu khách, bất kể người quen hay lạ đều được đón tiếp chu đáo, ân cần. Tết té nước có ý nghĩa sẽ cuốn trôi những ưu phiền, mệt mỏi, bệnh tật trong năm cũ, người được té nhiều, ướt càng nhiều thì càng sung sướng vì được gột rửa bụi bẩn, mát mẻ, mang lại những sự sống sinh sôi, đâm chồi nảy lộc ấm no hạnh phúc cho vạn vật trong năm mới.

 

       Trong những ngày Tết, tại các vùng dân cư diễn ra nhiều trò vui, phần lớn được gắn với sông nước. Vùng gần sông người dân tổ chức đua thuyền, có thuyền được trang trí sặc sỡ. Những ngày Tết, dân Lào coi nhẹ vấn đề ăn uống, vui chơi là chính.

 

       Sang đất Lào từ tháng 5/1981, tôi có 4 lần dự Bun Hót nậm. Khi thì ở bản Na Tran ven quốc lộ 13 chỉ có khoảng 30 nóc nhà gần tiểu đoàn 17 công binh, khi ở thị xã Xavanakhet, lúc ở bản sâu Đongnoi cách nơi đóng quân chừng 6 km đường rừng. Tròn 4 năm ở Lào, chuẩn bị phục viên, năm 1985 ăn Tết Lào lần cuối là khi tôi chỉ huy tiểu đội xẻ gỗ cho tiểu đoàn ở bản Mường Phìn bên đường đi Seno.

 

       Còn nhớ một năm vào đúng dịp Tết Lào, tôi cùng Tám, chiến sỹ quân bưu đi công tác tại thị xã Xavanakhet. Chả là Sư đoàn được nhận quà tặng từ Binh đoàn 678 bên nước đưa sang bằng đường hàng không. Đó là 1 số sách gồm cả truyện, cả sách tham khảo nội bộ (Hồi đó sách báo là thứ rất hiếm ở đơn vị). Ngồi nhờ trên thùng xe Gat 66 quá cảnh chở thạch cao được sản xuất ở Liên Xô viện trợ trong thời gian chống Mỹ, tôi thấy bạt ngàn hoa chăm pa đỏ bên đường 9 từ Seno tới Xa vẳn. Và tôi cũng bắt gặp bên đường 9 là những thùng, những xô nước được người dân để sẵn, họ dùng để té cho người đi đường.

 

       Tết Lào ở Xa Vẳn thật nhộn nhịp. Khác với các bản ở vùng sâu họ té nước bằng tay, bằng cốc, bằng gáo, thì ở thị xã, ngay từ vùng ven đã có những xe tải nhỏ, xe lam trở nhũng thùng phuy lớn chứa nước. Đủ mọi lứa tuổi, già, trẻ, nam có, nữ có, đủ mọi dụng cụ có thể gõ được làm thành một vùng sống động. Ngồi trên ô tô, họ dùng gáo, chậu múc nước để té (dội) vào người đi đường. Nhiều nhà bên đường còn bắc cả vòi nước phụt vào người đi đường…

 

       Chúng tôi lo lắm. Đi công tác 2 ngày, có mỗi bộ quần áo đang mặc, nhưng lo hơn cả là súng AK và tài liệu mang theo người để gửi máy bay về nước bị ướt. Khi này, quân địch đang hoạt động mạnh. Tàn quân Polpot từ Campuchia đánh lên, Fulro từ Tây Nguyên dạt sang, phỉ Lào và tàn quân Việt Nam cộng hòa được Thái Lan nuôi dưỡng luôn quấy phá Nam Lào. Không đêm nào chúng tôi không nghe thấy tiếng nổ của các loại vũ khí, từ AK, AR.15; đạn cối 60, súng chống tăng B.41, nhiều khi có cả tiếng mìn chát chúa.

 

       Dù đã cố tránh nhưng khi đi sâu vào thị xã, tôi và Tám cũng ướt hết người. Cũng may khi đến đội Kỹ thuật, là ngôi biệt thự bằng gỗ rất đẹp được Lào cho mượn, được anh chỉ huy cho mượn quần áo của những người đang đi công tác (sau này mới biết đây là đội quân báo và họ đang làm nhiệm vụ quan trọng là luồn sâu qua đất Thái Lan để nắm tình hình).

 

       Sau khi ăn trưa, chúng tôi đang ngồi uống nước thì nghe thấy tiếng lao xao. Nhìn ra cổng gỗ, thấy nhiều chị em váy áo sặc sỡ, tay cầm xô, tay cầm gáo hớn hở. Gay quá. Đã thấy cán bộ Đội kỹ thuật ra đón khách bị dội nước ướt mèm, tôi chạy vội vào nhà tắm, đóng cửa và vặn vòi cho nước chảy, vẫn nghe thấy bên ngoài cửa có tiếng của các cô gái Lào: sa bai di, pi may, ta han Việt (chúc mừng năm mới, bộ đội Việt)… Tôi trả lời vọng ra: “Mư ni khọi hụ sức mười” (hôm nay tôi mệt lắm). Cũng phải chờ 1 lúc lâu, tiếng cười nói mới dứt. Nhìn sang biệt thự bên cạnh thấy cơ man nào là váy áo đang được phơi, nhà bên có mấy thiếu nữ xinh đẹp cứ ra khỏi cổng là bị (được) té nước.

 

       Buổi chiều, chúng tôi đến dự một bữa cỗ của người Lào. Có nhiều món, nhưng món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết Lào, đó là món lạp (lộc-tiếng Lào) làm từ thịt lợn, gà hoặc bò, thính gạo nếp mong muốn có nhiều lộc, may mắn. Lương thực chủ đạo của dân Lào là gạo nếp, được trồng 1 vụ vào mùa mưa, người Lào đồ xôi vào chõ sau đó san cơm nếp vào từng tip để mỗi người sử dụng trong ngày.

 

       Buổi tối, lễ hội té nước vẫn diễn ra, khắp nơi rộn ràng tiếng trống. Và Lăm vông có ở mọi chỗ, tiếng nhạc nhẹ nhàng mà lôi cuốn, vui thâu đêm. Lần đầu tiên tôi được các em gái người Lào buộc chỉ cổ tay, tiếng Lào gọi là phục khén bằng những sợi chỉ mấy màu, miệng nói những câu chúc tốt lành, chúc sức khỏe tà hán (Bộ đội) Việt. Người Lào ít khi cầu cho mình mà chỉ cầu, chúc phúc cho người khác, bởi theo họ khi làm điều gì tốt lành cho người khác thì điều tốt lành cũng đến với mình.

 

       Sau phục khén, tôi còn được me thầu (mẹ già) quàng vào cổ vòng hoa Chăm pa, mùi hương dịu nhẹ làm tôi càng nhớ đến cây Đại già ở trước tháp chùa Phổ Minh, Nam Định, cây tháp đã mấy trăm năm trơ gan cùng tuế nguyệt.

 

       Bây giờ, trên 30 năm trôi qua. Tôi phục viên và sau đó chuyển ngành đi học Đại học Y khoa, trong 6 năm học vẫn được dự Tết té nước của sinh viên người Lào nhưng không bao giờ quên được Tết Lào từ 34 năm trước.

 

Tác giả Lê Lợi ( phải ) Cùng đồng đội những năm ở Nam Lào

 

 

10/4/2016

 

Lê Lợi

Bác sỹ Chuyên khoa I, Phó Chi cục trưởng, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định

(Nguyên Trung sỹ, Thống kê Chính trị, Tiểu đoàn 18 Thông tin, Sư đoàn 968 (1981-1985) tại Nam Lào)

 

tin tức liên quan