" Hồi ký Trường Sơn " - Tạ Thị Hạnh Cựu chiến binh Trường Sơn Huyện Thái Thụy-Thái Bình

Ngày đăng: 05:31 17/04/2016 Lượt xem: 714

 

HỒI KÝ TRƯỜNG SƠN

 

 

         Tháng 8 năm 1973 Tiểu đoàn nữ Thái Bình huấn luyện tại Huyện Quỳnh Phụ, đến ngày 03/10/1973 chúng tôi nhận được lệnh hành quân vào chiến trường Miền Nam, đi bộ sang Nam Định lên tàu vào đến ga Vinh. Từ đó, cứ được trên xe mấy tiếng lại hành quân bộ, ba lô trên vai, bình quân khoảng 25kg nhưng có đồng chí nào ốm các đồng chí khác phải chia thêm, có lúc đeo nặng hơn 30kg. Lúc trèo đèo, lúc lội suối, quần áo cọ sứt hết cả người, đêm ngủ chỉ được 3-4h thì báo động đến hai lần, lúc ấy chúng tôi mới hiểu được thế nào là kỷ luật sắt của quân đội, nhiều chị ngủ không dám mắc màn và đi luôn giầy để ngủ vì sợ báo động, xếp hàng muộn sẽ bị nêu tên trước đơn vị. Ngày còn ở nhà thì bảo nhau là không thích đi thanh niên xung phong chỉ tải đạn và mở đường, xung phong đi bộ đội để được cầm súng chiến đấu, nhưng nào ngờ đến Quảng Trị thì nhận công việc chính thức và nhận thêm cuốc, xẻng, dao quắm…phát cây mở đường, những ngày mưa to, không đi làm được. Ở nhà bao nhiêu câu chuyện hài của từng người, từng vùng quê tuôn ra không ngớt, có chị còn nói là viết thư về nói dối bố mẹ con bắn giỏi lắm, có lúc xiên táo một viên đạn chết ba thằng địch, bây giờ kể lại cho mọi người nghe vẫn cười chảy cả nước mắt. Cái tuổi 16-17 sao mà ngây ngô vậy. Ngày tháng trôi qua, những cô gái mở đường Trường Sơn đã dậy thì ở cái nắng, cái gió Lào khắc nghiệt ấy, mặt ai cũng rắn câng.

 

 

         Sau ngày miền Nam giải phóng, chiến trường chưa hết mùi bom đạn thì Tiểu đoàn 674 trực thuộc Bộ Tư Lệnh Trường Sơn đã nhận nhiệm vụ vô cùng đặc biệt và thiêng liêng là đi quy tập hài cốt và xây dựng Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Từ Buôn Ma Thuật trở ra cắm bạt ở Bến Tắt - Quảng Trị nhìn cảnh hoang vu và nhiệm vụ sắp tới ai cũng có tâm trạng đau buồn man mác. Những đồng chí nam giới thì vào rừng, khe suối để quy tập hài cốt, nữ thì phát quang, san những quả đồi to tướng để xây bia mộ, có khi hài cốt về nhiều phải làm đêm để đưa cốt vào mộ kịp thời. Ngày xưa, mới nhập ngũ thì sợ tối, phải gác chung hai người hai tiếng, thế mà giờ đây nằm cạnh nhà chờ tập kết bao nhiêu bộ hài cốt mà chúng tôi không thấy sợ gì cả, chúng tôi coi những hài cốt ấy là thân thể của đồng đội mình và hồn của các liệt sỹ, không phải là ma đâu, nó ấm áp kiểu gì mà không sao tả được. Hàng ngày, những giọt nước mắt lại ứa ra khi cho các đồng đội vào mộ. nhất là những khi phải đặt các đồng chí và hàng mộ vô danh, trong lòng lại khấn từng anh một, các anh ở đâu? Tên là gì? Khôn thiêng báo mộng về cho mọi người để gia đình mau chóng tìm được. Ngày lại qua ngày, hai năm trời nỗi lòng nặng trĩu, có lẽ đây là quãng thời gian tôi rơi nhiều nước mắt nhất. Khi đào móng tượng đài, Tiểu đoàn Trưởng Lương Mạnh Trác - người Thanh Hóa đến giao nhiệm vụ cho Đại đội tôi nhấn mạnh về tiến độ thi công, đòi hỏi kỹ thuật thật đảm bảo và cho danh sách tên của hơn 700 cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn vào một cái chai thủy tinh đặt xuống móng nói rằng: Đây là tên tuổi của những người chiến sỹ anh hùng sau thời chiến đã vinh dự được làm công việc vinh quang này sẽ mãi được lưu danh, một mệnh lệnh như một khẩu hiệu tiếp sức để chúng tôi thi công ngày đêm cho hài cốt các nơi chuyển về không phải chờ đợi lâu.

 

 

         Thấm thoát đã hơn 40 năm, những cô gái Trường Sơn mà đã một thời họ gọi là: “Các em ở Công ty bốc mả”, bây giờ ốm yếu, già nua, đại đa số chị em không có chế độ gì vì mất hết giấy tờ, nhiều khi nghĩ cũng tủi thân. Chúng tôi ngày ấy dám xả thân vì Cách mạng, không nghĩ đến tuổi xuân còn-mất thì cũng không mong sau này có danh lợi gì, nhưng buồn nỗi là khi nhớ về Trường Sơn đem chuyện kể cho con cháu dường như chúng nó không tin lắm… Chúng nghe như câu chuyện thần thoại. Cũng đúng thôi tên tuổi của chúng tôi thì được chôn dưới đất, còn hình thể và những kỷ niệm chiến trường, thời gian sống chung với các Liệt sỹ ngày ấy có thể có những ai đó không muốn nghe và muốn hỏi... Nhưng với chúng tôi đó vẫn mãi mãi là niềm tự hào về việc mình đã làm và thầm nghĩ rằng sự cống hiến hy sinh của mình còn khiêm tốn lắm khi so với chiến công và sự hy sinh của 10.263 chiến sỹ Trường Sơn; của 10.263 ngôi mộ ở Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn hôm nay.

 

 

Tạ Thị Hạnh

Cựu chiến binh Trường Sơn

Huyện Thái Thụy-Thái Bình

tin tức liên quan