" Chuyện về những lái xe Thái Bình trên đỉnh Trường Sơn " - Chu Văn Dâu, Hội TT Trường Sơn Thái Bình

Ngày đăng: 08:49 23/04/2016 Lượt xem: 703

 

CHUYỆN VỀ NHỮNG LÁI XE THÁI BÌNH 

TRÊN ĐỈNH TRƯỜNG SƠN

 

 

* * *

 

          Tháng 4, tháng của những ngày kỷ niệm Lịch sử đọng lại trong chúng ta. Tháng tư này tại quê lúa Thái Bình giữa niềm vui chuẩn bị cho cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và Hội đồng nhân dân các cấp lại có một tin vui : Đại hội Lái xe Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình lần thứ nhất  khai mạc.

 

          Sau đại hội tôi đi tìm gặp những người bạn một thời ôm tay lái ở Trường Sơn . Các bạn có biết không ? giữa rừng người mà màu áo pha trộn  thật khó tìm .  Gần 800 người với bao nhiêu khuôn mặt  già trẻ khác nhau. Lại lâu ngày chưa gặp nhớ sao đây ? Theo lời giới thiệu tôi đi tìm người lính già nhất và chắc là người chiến sĩ lái xe có tuổi quân nhiều nhất của đại hội.  Tôi ước tính Thái Bình có năm sáu nghìn lái xe Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ . Hôm nay về dự đại hội thì bác Nguyễn Xuân Quý là người cao tuổi nhất . Dù đôi tai nghe không được rõ do nhiều lần bị ảnh hưởng sức ép của bom đạn thời ở  Trường Sơn nhưng trí nhớ của bác còn rất tốt .

 

- Bác kể : Tôi sinh năm 1929, tuổi con rắn. Quê tôi thôn An Định , Xã Thụy Văn , huyện Thái Thụy nhập ngũ năm 1950.

 

- Tôi hỏi Bác : Thế bác lái xe cho chiến dịch Điên Biên à. ?

 

- Bác Quý cười bảo : Không tôi là lính Trường Sơn thôi. Năm 1962 .Tôi là quân số biên chế của Sư đoàn 308  chuyển sang cùng quân tình nguyện Lào chiến đấu trên vùng đất Xiêng Khoảng cánh đồng Chum. Năm 1966 tôi được điều về lái xe cho Binh trạm 33 . Đây đang là thời kỳ khó khăn gian khổ nhất của bộ đội Trường Sơn.địch tăng cường đánh phá ác liệt ngăn chặn tuyến vận tải của ta . Hầu như chỉ vận chuyển mùa khô . mùa mưa dành cho xe con và lực lượng xe đạp thồ vận chuyển từng đoạn ngắn. Lúc này lực lượng lái xe còn quá ít. Tôi ở Trường Sơn  5 năm . Nhưng 5 năm đó thật sự là may mắn đối với riêng tôi. Rất nhiều đồng đội đã không về và mãi mãi nằm lại Trường Sơn. Tạm biệt Bác Nguyễn Xuân Quý  tôi chúc Bác trường thọ và trong lòng càng cảm phục những người chiến sĩ   lái xe dũng cảm trên mọi nẻo đường Trường Sơn .

 

Chiến sĩ lái xe Trường Sơn Nguyễn Xuân Quý ( Bên phải )

trong Đại hội chiến sĩ lái xe trường Sơn đường Hồ Chí Minh  tỉnh Thái Bình lần thứ nhất 

 

          Gần chỗ tôi ngồi là TrầnThị Miều con gái người anh hùng  Liệt sĩ Trung  đội trưởng xe  Trần Công Nhởn. Quê anh xã Đông Sơn , huyện Đông Hưng. Chiến công anh hùng của người cha  chị Trần Thị Miều tôi đã đọc từ lâu . Nhưng đằng sau  chiến công ấy là một gia đình ở hậu phương cũng góp phần cho chiến thắng chung của dân tộc .Chị Miều  tâm sự:  Bố em sinh năm 1936, nếu năm nay còn bố em đang ở tuổi 80. Bố đi bộ đội khi em tròn hai tuổi . Ngày bố hy sinh tại chiến trường em 13 tuổi .Nhà em có bốn chị em gái. Mẹ em vất vả nuôi chúng em khôn lớn nên người . Chúng em cũng rất tự hào vì có một người bố. dũng cảm  trong chiến đấu nhưng rất mực thương yêu con cái. Nhưng tuổi thanh xuân của bố mãi mãi ở tuổi 34 , mãi mãi gắn liền với dải Trường Sơn  cùng với chiến công mà bao đồng đội của bố  đã làm nên.

 

          Trò chuyện với  chị Miều tôi hình dung về đọan dốc km 19 của đường 16 Quảng Bình nơi mà người anh hùng Trần Công Nhởn đã tìm đường tránh vào kho trả hàng khi đường chính bị bom Mỹ đánh hỏng. . Chúng tôi chạy qua đường ấy nhiều lần  nhưng cũng không hiểu hết mỗi đoạn đường Trường Sơn là một kỳ tich.  Mỗi mét đường Trường Sơn là nơi lấp lánh bao chiến công của những chiến sĩ lái xe của quê  lúa Thái Bình từng in dấu nơi này, nơi kia .

 

Chị Trần Thị Miều ( ngồi giữa ) Con liệt sĩ anh hùng Trần Công Nhởn 

 

         Trong Đại hội này tôi bất ngờ gặp lại anh bạn mà  gần 50 năm rồi chưa gặp lại.  Anh là Lương Văn Khôi người chiến sĩ lái xe Trường Sơn năm xưa. Cái ngày anh vào bộ đội tay run run cầm lá đơn tình nguyện viết bằng máu mình lên gặp Xã đội trưởng . Anh là con liệt sĩ lại là con trai độc nhất của gia đình. Xã đã đặt anh vào diện đi Đại học nhưng anh quyết xin vào bộ đội. Ở Trường Sơn anh  là lính của Trung đoàn 13 xe ô tô vận tải . Tham gia mấy mùa vận chuyển  cùng đơn vị phục vụ cho chiến dịch Xuân 1975  cho đến ngày toàn thắng . Lương Văn Khôi là một ´”con Đại bàng xanh”  góp phần vào thành tích của đơn vị  vận tải ở Trường Sơn.

 

Chiến sĩ lái xe Trường Sơn Lương Văn Khôi ( Bên trái ) và tác giả

 

        Hội trường Đại hội đông nghịt người. Sau đại hội tôi vòng quanh xem , tìm nhận đồng đội  một thời gắn bó với mình  ở Trường Sơn cũng chỉ gặp vài ba người. Có thể thời gian đã làm cho dáng người  thấp xuống, nét mặt già đi nên bạn bè khó nhận. Lại nữa, giữa một nơi đông người , mà màu xanh quân phục chiếm đa số hẳn bạn càng khó tìm. Nhưng thôi tôi đã tìm được những gương mặt đại diện cho bao nhiêu chiến sĩ lái xe Trường Sơn anh hùng.  Dẫu biết rằng những câu chuyện về họ, chỉ là những chiếc lá xanh trên Trường Sơn hùng tráng chưa thấm vào đâu so với hàng chục vạn người đã đổ máu , mồ hôi viết lên bản trường ca  bất tử  về Trường Sơn. Dù sao tôi cũng phải viết về những chiến sĩ lái xe của quê hương Thái Bình  bởi họ thật sự  là những “Đại bàng xanh”  của Trường Sơn  năm xưa và nay nhiều người vẫn là những “ Con tuấn mã” trong xây dựng Thái Bình  giầu và đẹp  .

 

 

CHU CÔNG DÂU

( Hội Trường Sơn Thái Bình)

 

 

 

tin tức liên quan