CHUYỆN KỂ VỀ BÁC HỒ
NHỮNG NĂM THÁNG TRƯỚC KHI BÁC ĐI XA
Kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu
Trong những năm dài chiến đấu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quen với cuộc sống gian khổ, đối với Người không có gì xa lạ bằng sự xa hoa. Trở về Hà Nội sau 8 năm sống trong những hang núi và nhà tre ở Việt Bắc, người đề nghị làm cho người một ngôi nhà sàn đơn sơ trong vườn Chủ tịch phủ. Người đã sống và làm việc ở đây trong những ngày khó khăn này. Bàn làm việc của Người kê ngay bên bờ ao nhỏ, trên mặt ao phẳng lặng như gương rung rinh những bông hoa súng lớn. Cây vú sữa xum xuê cành lá tỏa bóng xuống mặt bàn. Cây vú sữa này là quà của đồng bào miền Nam đang chiến đấu gửi ra tặng Người, được Người tự tay trồng và chăm sóc nó. Chiều chiều sau giờ làm việc, Người tưới hoa và cho cá rô phi trong ao ăn. Công việc này đã trở thành cách nghỉ ngơi yêu thích của Người. Khi còi báo động kéo lên, cũng như các cán bộ nhân viên trong Phủ Chủ tịch, Người đội mũ sắt và xuống hầm trú ẩn.
Bất chấp nguy hiểm, Người thường rời Hà Nội đi thăm các đơn vị tên lửa phòng không, gặp gỡ các chiến sĩ lái máy bay và các chiến sĩ dân quân đã chiến đấu xuất sắc với máy bay địch. Ở Việt Nam có tập quán hỏi thăm sức khỏe của người nói chuyện với mình. Khi nói về sức khỏe Hồ Chủ Tịch, mọi người thường lo lắng. Nở nụ cười hiền hầu, Người trả lời:
- Các chú cứ bắn nhiều máy bay Mỹ là Bác khỏe.
Có lần, Người đến thăm một đơn vị chiến đấu vào đúng hôm Mátx-cơ-va đưa tin con tàu vũ trụ chở chiếc “Lu-Nô-Khốt” đổ bộ xuống mặt trăng an toàn. Người liền bắt đầu câu chuyện bằng cách hỏi các chiến sĩ có biết sự kiện này không, rồi người nói:
- "Thời đại chúng ta là thời đại khoa học và kỹ thuật. Để đánh thắng bọn xâm lược Mỹ, chỉ có đường lối đúng đắn của Đảng và tinh thần chiến đấu dũng cảm thôi thì chưa đủ. Phải hiểu biết khoa học và kỹ thuật nữa mới được. Là chiến sĩ quân đội, các chú phải học tập, nắm vững khoa học và kỹ thuật của các nước Xã hội chủ nghĩa anh em để thường xuyên đáp ứng trình độ đòi hỏi hiện nay."
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đau buồn mỗi khi nhận được tin bọn đế quốc và bè lũ tay sai của chúng đàn áp dã man đồng bào miền Nam. Ngược lại, Người vui mừng vô hạn trước mỗi thắng lợi mới của những người yêu nước miền Nam. Vào những năm cuối đời, khi cảm thấy mình không còn sống được bao lâu nữa, Người coi chưa làm tròn nhiệm vụ. Người khát khao muốn sống cho đến ngày miền Nam thắng lợi và đất nước thống nhất. Năm 1963, khi Quốc hội tặng Người huân chương “Sao vàng”, Người tỏ lòng cảm ơn Quốc hội và đề nghị Quốc hội cho phép chưa nhận phần thưởng cao quý nhất này khi đất nước còn bị chia cắt làm hai miền và máu của đồng bào yêu nước còn đang đổ ở miền Nam. Người đề nghị:
“Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân sẽ sung sướng, vui mừng…”
Đồng chí Lê Văn Lương, một chiến sĩ lão thành của Đảng nhớ lại:
“Ấy là: những năm mà miền Nam chống Mỹ ác liệt. Bác đã có ý định vào miền Nam để thăm đồng chí, đồng bào” và yêu cầu tổ chức để Bác đi, Bác nêu vấn đề một cách rất kiên quyết. Thấy Bác tuổi đã cao, sức khỏe không còn được như trước, các đồng chí Bộ chính trị đề nghị để cố gắng lãnh đạo đánh Mỹ mau thắng lợi rồi mời Bác vào, Bác nói: “Tôi muốn vào là vào lúc này, chứ thắng rồi mới vào thì nói làm gì?”.
Lâu lâu, Bác lại nhắc lại vấn đề và hỏi việc chuẩn bị đến đâu rồi. Thấy Bác rất quyết tâm, các đồng chí phụ trách đành phải báo cáo, đường đi rất khó khăn, vất vả, e Bác đi không được. Bác nói: “Nếu không có đường nào khác thì tổ chức cho tôi đi bộ. Các chú đi được thì tôi đi được. Đi mỗi ngày một ít. Chưa chắc thua các chú đâu”.
Trong những năm cuối, tuy yếu mệt nhưng Bác vẫn tập đi bộ, tập leo dốc, và nhiều khi leo những dốc khá cao. Các bác sĩ đều can ngăn, nhưng Bác cứ leo. Tôi hiểu: Bác muốn xem sức mình hiện nay thế nào, và vẫn quyết rèn luyện để thực hiện ý định “vào miền Nam với đồng bào, đồng chí”.
Từ năm 1968 trở đi, Bác yếu nhiều hơn. Bác yêu cầu: hễ có đồng chí miền Nam ra, thì phải cho Bác biết, và đưa vào gặp Bác. Vì vậy, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra Bắc đã được vào thăm Bác, đặc biệt là các chị và các cháu. Mỗi lần gặp Bác, Bác đều hỏi tình hình rất tỉ mỉ và thấy Bác rất vui”.
Đầu năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp đoàn đại biểu đồng bào yêu nước miền Nam. Đáp lại lời chúc của Người, nữ đại biểu duy nhất trong đoàn sôi nổi nói:
- Chúng cháu ở miền Nam, vâng theo lời Bác, không nề hy sinh gian khổ đánh Mỹ một trăm năm cũng không sợ.
- Bỗng chị hơi ấp úng, rồi kết thúc có phần bất ngờ:
- Chỉ sợ một điều là Bác trăm tuổi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh mỉm cười hóm hỉnh. Người đã gần 80 tuổi nhưng vẫn giữ được tính hài hước, dí dỏm của mình. Quay về phía Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người hỏi:
- Năm nay, Bác Bác bảy mươi mấy rồi, chú …
- Thưa Bác, năm nay, Bác bảy mươi chín.
- Thế thì còn đến 21 năm nữa, Bác mới được trăm tuổi.
Bác kêu gọi các cô, các chú đánh Mỹ 5, 10, 20 năm chứ có bao giờ Bác nói 21 năm đầu? Nếu 20 năm nữa mà ta thắng Mỹ thì Bác cũng còn một năm để vào thăm các cụ, các cô, các chú, các cháu miền Nam …
Ghi chú:
Bài có sử dụng tư liệu của tập sách Đồng chí Hồ Chí Minh của tác giả E-cô-bê-lép
Nhà xuất bản tiến bộ Mat xcơ va – năm 1985
Phan Kế Toán
KP5, Phú Trinh,
TP.Phan Thiết, Bình Thuận
ĐT: 0984 268 302