Một kỳ tích của Bội đội Thông tin trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào

Ngày đăng: 09:07 18/05/2016 Lượt xem: 730

MỘT KỲ TÍCH CỦA BỘ ĐỘI THÔNG TIN

TRONG CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG 9 - NAM LÀO

 

Ngày 18 tháng 2 năm 1971, đúng vào lúc ta và địch đang giành giật nhau từng mỏm đồi, khe cạn… tại Bản Đông – Sê Pôn, thì đài AFP đưa tin quân đội Việt Nam Cộng hòa đã chiếm được huyện lỵ Sê Pôn, đích cuối cùng của cuộc hành quân “Lam Sơn 719”. Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên gọi điện ngay cho Sở Chỉ huy tiền phương cho biết địch đưa tin xằng bậy và chỉ thị tìm cách “bịt miêng” chúng lại đồng thời dạy cho chúng một bài học… Liền sau đó ít phút có điện của đồng chí Song Hào từ Tổng hành dinh gọi vào gợi ý nên cho ghi âm lời phát biểu của đồng chí Bun Đi – Chủ tịch huyện Sê Pôn. Tư lệnh đã cử người đi ghi âm tiếng nói của đồng chí Bun Đi, sau đó giao nhiệm vụ cho Trưởng phòng thông tin Bộ đội Trường Sơn chuyển tải băng ghi âm ra Hà Nội bằng hữu tuyến điện tải ba sớm nhất để phát trên Đài Tiếng nói Việt nam…

 

                           

 

Lúc 23 giờ đêm ngày 18 tháng 2 năm 1971, Trưởng phòng thông tin Nguyễn Tụng (Đại tá Nguyễn Tụng, nguyên tham mưu phó BTL Trường Sơn) gọi tôi lên giao nhiệm vụ (lúc đó tôi là trợ lý kỹ thuật thông tin hữu tuyến điện tải ba) cùng với trực ban thông tin Sở Chỉ huy, Bộ Tư lệnh Trường Sơn để thực hiện nhiệm vụ. Tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ trọng trách. Lo vì trên tuyến đường trục hữu tuyến điện dây trần tải ba dài gần 1.000km nối từ Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn về tổng trạm thông tin của Bộ, qua rất nhiều trạm cơ vụ, tăng âm của nhiều đơn vị quản lý. Chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều cuộc hợp đồng, đồng chỉnh kỹ thuật để bảo đảm các cuộc nói chuyện trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng với các đồng chí Tư lệnh, Chính ủy Bộ đội Trường Sơn và các sở chỉ huy chiến dịch ở Bắc đường 9… nhưng chuyển tải tín hiệu bằng băng ghi âm như lần này thì chưa có tiền lệ.

Anh Trần Hữu Đạo, trực ban thông tin Sở Chỉ huy BTL Trường Sơn, gặp và đề nghị trực ban thông tin tác chiến Bộ Tư lệnh thông tin liên lạc (Hà Nội) yêu cầu các đồng chí chỉ huy và kỹ thuật trực của các trạm cơ vụ trên toàn tuyến vào vị trí của mình. Tôi cùng với anh Nguyễn Đình Dĩu, trạm trưởng trạm cơ cụ 3000 (cơ vụ trung tâm Sở Chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trường Sơn) làm công tác hợp đồng và đồng chỉnh kỹ thuật, để đạt được chất lượng tín hiệu chuẩn tốt nhất, sau đó kết nối với máy đầu cuối của trực ban Phòng Tuyên huấn Cục chính trị Bộ đội Trường Sơn và trực ban Tổng cục Chính trị ở Hà Nội; đồng thời kết nối kết nối tín hiệu chuyển tải nội dung băng ghi âm tiếng nói của đồng chí Bun Đi – Chủ tịch huyện Sê Pôn. Đầu dây phía trực ban Tổng cục Chính trị ghi xong, cho biết chất lượng tín hiệu chưa được đảm bảo. Tiếp tục hợp đồng, đồng chỉnh kỹ thuật lần thứ hai. Sau một thời gian đồng chỉnh và điều chỉnh kỹ thuật trên toàn tuyến, tín hiệu chuyển tải băng ghi âm đạt kết quả khá. Đồng chí trực ban Tổng cục Chính trị vui mừng thông báo với chúng tôi. Tuy nhiên để chất lượng tiếng nói của đồng chí Bun Đi tốt khi phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt nam, còn phải xử lý về mặt kỹ thuật âm sắc. Phần này do Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị và Đài Tiếng nói Việt Nam xử lý.

 

                             

 

Với truyền thống của Bộ đội Thông tin anh hùng, những người cán bộ, chiến sĩ thông tin chúng tôi từ khi nhận được thông báo đến khi thực hành ca đứng máy để làm nhiệm vụ “có một không hai” này (với thời điểm lúc bấy giờ) với tinh thần trách nhiệm rất cao, tận tình, cởi mở, không quản khó khăn, không nản chí, nêu cao tinh thần lập công tập thể.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi báo cáo với Trưởng phòng Thông tin Bộ đội Trường Sơn Nguyễn Tụng. Một mặt ông động viên khen ngợi tôi và liền đó chỉ thị cho trực ban thông tin Bộ đội Trường Sơn thông báo kết quả cho trực ban Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc đề nghị biểu dương tất cả anh chị em trực ca, trực kỹ thuật và chỉ huy các trạm thông tin trên toàn tuyến đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Từ trạm cơ vụ 3000 trở về Phòng Thông tin, lúc này đã là 4 giờ sáng. Thời tiết se lạnh. Những vì sao của bầu trời đêm quang mây tỏa sáng, xuyên qua các tán cây cổ thụ. Trong không khí yên tĩnh của rừng già Trường Sơn, với niềm vui và phấn chấn vô bờ, tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:

Rừng khuya không ngủ mơ gì?

Sao đêm lấp lánh cũng vì Miền Nam.

Niềm phấn khởi trào lên trong tôi và còn biết bao người nữa. Đúng tối ngày 19 tháng 2 năm 1971, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi lời của đồng chí Bun Đi, Chủ tịch huyện Sê Pôn: “…Thị trấn Sê Pôn chưa hề có một tên địch nào đặt chân đến. Bộ đội và nhân dân vẫn sẵn sàng chiến đấu và làm ăn bình thường”. Địch bị đo ván trong cuộc khẩu chiến này. Sau đêm hôm đó, Đài Sài Sòn, Đài AFP không thấy nói gì đến Sê Pôn, đường 9 nữa.

Việc phối hợp với các đơn vị, cơ quan giữa Thông tin 559 với Thông tin của Bộ để truyền băng ghi âm nếu thực hiện trên mạng thông tin viba thì quá đơn giản. Nhưng lúc đó như đã nói ở trên, từ rừng núi Trường Sơn cách xa Hà Nội gần 1.000km, truyền được tín hiệu băng ghi âm tiếng nói về Thủ đô bằng đường dây trần tải ba duy nhất để ghi âm lại rồi phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam là một thành công đã góp phần vào thắng lợi trong cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị, tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Đó cũng là một kỳ tích công phu bằng khoa học kỹ thuật và trí tuệ. Đây cũng là chiến công của Bộ đội Thông tin Trường Sơn nói chung và là dấu son đáng tự hào của Thông tin phục vụ chiến dịch Đường 9 – Nam Lào mùa Xuân năm 1971.

 

 

Đại tá NGUYỄN ĐĂNG ĐẰNG

Nguyên Chánh văn phòng BTL Thông tin liên lạc

Nguyên cán bộ thông tin Bộ đội Trường Sơn

 

tin tức liên quan