Tháng 5 năm 1970, chúng tôi bắn phá Chu Lai

Ngày đăng: 07:45 19/05/2016 Lượt xem: 598

THÁNG 5 NĂM 1970

CHÚNG TÔI BẮN PHÁ CHU LAI

                                                       NGUYỄN HOÀNG – CCB 471

 

- Bắt đầu bắn! Đài trưởng 2W vừa dứt lời thì từ cánh bắc (Kỳ Sanh) chớp giật liên hồi. Tiếng Ò!!! Ò!!! Ò!!!... xé không khí mang lửa đạn chùm lên căn cứ Mỹ ở Chu Lai. Ống nhòm, pháo đối kính, phương hướng bàn … đánh đầu các điểm nổ. Từ cảng Kỳ Hà, điểm cao 51 - nơi có sở chỉ huy sư đoàn Amênicơn Mỹ đến khu đậu máy bay trinh sát, máy bay phản lực, khu đậu máy bay trực thăng ở Trung An, kho xăng dầu, kho bom đạn … một chính diện hơn 10 cây số với khu trung tâm từ biển vào từ 4 đến 5 cây số khói lửa bao trùm hết. Hàng trăm hoả tiễn 122 ly (ĐKB) đồng loạt rời bệ phóng nổ rền trong căn cứ Mỹ. Lúc này chúng tôi mới để ý cánh nam (Bình Chánh) từng quả đạn rời rạc được phóng lên.

Đó là thời khắc lịch sử: 6 giờ sáng ngày 4 tháng 5 năm 1970 pháo binh quân giải phóng tổ chức trận đánh lớn nhất cho đến thời điểm ấy dưới sự chỉ huy trực tiếp của tư lệnh pháo binh khu V Ngọc Anh vào căn cứ Chu Lai.

Từ các điểm cao của dẫy núi Răng Cưa phía tây căn cứ chúng tôi lập các đài quan sát, chỉ huy bắn. Đài chính ở khu Hòn Rơm (707m) do anh Khổng Doãn Hạng đoàn trưởng đoàn 78, anh Đỗ Sâm phòng pháo binh khu V phụ trách. Đài cánh phải ở điểm cao 692 do tôi - phân đội trưởng chỉ huy phụ trách. Các đài quan sát chỉ huy bắn đều nhận lệnh trực tiếp của tư lệnh pháo binh khu V ở điểm cao nhất cách chúng tôi chừng 5km. Cả căn cứ Chu Lai nằm gọn trong ống kính quang học của chúng tôi. Lửa khói bao trùm căn cứ, tiếng động cơ các loại máy bay tắt ngấm. Khu nhà lớn sửa chữa máy bay dính đạn mấy lỗ hổng như con trâu nằm hiện ra, đèn điện cả căn cứ tắt phụt … Pháo địch ở căn cứ Ông Sầm, ở Trà Bồng, pháo hạm trùm lên khu vực trận địa ta.

Chỉ trong vòng 5 phút hàng trăm quả hoả tiễn 122ly ở cánh bắc đã được phóng hết. Cánh nam - Trận địa Bình Chánh từng quả bắn lên rời rạc, khoảng 15 phút sau thì im hẳn. Căn cứ không quân Chu Lai bị tê liệt hoàn toàn. Mãi sau mới có chiếc OV10 ở đâu đó bay dọc đường 1 quan sát. Sau này về căn cứ chúng tôi mới biết trận địa phía nam gặp sự cố không ngờ tới là điểm hoả đạn không bay hết.

Một điều địch không ngờ tới là ngay sáng hôm sau mồng 5 tháng 5 năm 1970 ta lại tổ chức đánh bồi một trận nữa. Hai trăm trái hoả tiễn 122ly lại trùm lên các mục tiêu trọng yếu trong căn cứ Chu Lai. Cả căn cứ Mỹ lại chìm trong lửa đạn hoả tiễn.

Qua điện đài, tư lệnh pháo binh khu V gọi chúng tôi về chỗ ông. Ông lập đài quan sát ở điểm cao nhất phía tây Chu Lai, tuy xa một chút nhưng quan sát được toàn cảnh Chu Lai. Ngay đài quan sát của ông cũng bị pháo địch “hỏi thăm”. Một hố đạn pháo phốt pho đang cháy cách hầm của ông không xa. Chất phốt pho này càng gặp nước càng cháy to, cháy hết mới thôi. Tư lệnh giao nhiệm vụ cho chúng tôi nắm chắc hoạt động của địch trong căn cứ, cứ vài ngày lại nã tiếp vài quả hoả tiễn vào đầu bọn chúng … Ông cùng sở chỉ huy thu quân về vị trí tập kết.

Trận đánh mồng 4 và mồng 5 tháng 5 năm 1970 làm tê liệt hoàn toàn căn cứ Chu Lai hơn một tháng trời, phá hỏng hơn 500 máy bay các loại, loại khỏi vòng chiến hơn 600 giặc lái và nhân viên kỹ thuật, phá huỷ nhiều nhà xưởng máy móc thiết bị trong căn cứ.

Tròn 46 năm trôi qua giờ nhìn lại trận đánh hào hùng ấy, những CCB chúng tôi tham gia trận chiến luôn tự hào với những kỳ tích của trận đánh, ít người biết đến và cần phải được nói ra để lại cho đời sau những bài học quí giá về chiến tranh giải phóng dân tộc.

Trước hết: ta đánh lớn vào căn cứ Chu Lai là đòn bất ngờ với Mỹ. Năm 1965 Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam, chúng chiếm ngay Chu Lai thiết lập căn cứ quân sự riêng biệt. Chu Lai có cảng nước sâu Kỳ Hà dọc theo bờ biển về phía Nam, giáp với Bình Sơn Quảng Ngãi chạy dài hơn 10 km. Từ bờ biển vào sát đường 1 có khoảng cách 4 đến 5 km. Với hàng chục km này, Mỹ đã biến Chu Lai thành một căn cứ quân sự riêng biệt có sân bay dành riêng cho các loại trinh sát cánh quạt, lại có đường băng, đường lăn dài 3.600m cho F105, F4, C130 … lên xuống. Có khu đỗ trực thăng từ loại nhỏ Rọ heo, Si núc, Cần cẩu bay với hàng trăm chiếc. Có khu kho xăng dầu, kho chứa bom đạn, khu nhà ở cho sỹ quan, giặc lái, thợ kỹ thuật … Tất cả được xây dựng hiện đại, khoa học để rồi từ đây hàng ngày với hàng trăm lần chiếc F105, F4 … cất cánh đeo nặng chĩu bom đạn gieo đau thương chết chóc cho nhân dân ta. Để bảo vệ hàng nghìn giặc lái, nhân viên kỹ thuật và nhiều sinh lực cao cấp của Mỹ, chúng biến Chu lai thành bất khả xâm phạm. Lập vành đai trắng xung quanh căn cứ với hàng nghìn lính bộ và lính thuỷ bảo vệ, với nhiều đại đội bộ binh Mỹ ngày đêm cơ động qunh Chu lai ngăn chặn pháo binh ta đánh phá căn cứ mà ta quen gọi là “Mỹ lết”. Chúng dồn dân lập khu trắng ngày đêm lập hàng rào lửa đạn với các loại pháo bày, pháo hạm, pháo chụp. Dùng trực thăng bay thăm dò, bắn phá bảo vệ căn cứ. Thế mà chúng vẫn bị đánh.

Để có được trận đánh lớn như thế là cả một nghệ thuật chỉ đạo tác chiến từ tổng hành dinh đến người lính. Ta đã làm cho địch lầm tưởng hướng tiến công của ta là chỗ khác. Tạo cho mặt trận Chu Lai có một hành lang an toàn để tập kết con người và phương tiện từ cách xa hàng trăm cây số vượt qua các vùng chiếm đóng kiếm soát của địch về tới mặt trận Chu Lai an toàn giữ được bí mật tuyệt đối.

Có được một trận đánh lớn, hiệu quả rất cao này là cả một kỳ tích. Từ quyết tâm cao của tư lệnh chiến trường đến công tác tham mưu vạch kế hoạch tỷ mỷ từ một năm trước. Tập trung được những trí tuệ, vận dụng tốt những cải tiến, sử dụng vũ khí thành thạo. Từ tháng 9 năm 1969 quân khu V đã tăng cường nhân lực cho mặt trận Chu Lai để làm công tác nắm địch, đo đạc xác định toạ độ, trinh sát khí tượng bắn thử để kiểm tra phân tử. Thực hiện tốt công tác hiệp đồng bảo đảm vật tư, binh khí, kỹ thuật. Tổ chức chỉ huy chặt chẽ, tổ chức đưa đón tiếp nhận hàng nghìn người vận chuyển đạn dược không để nhầm lẫn lô liều, ngòi nổ. Tổ chức tốt thông tin liên lạc sử lý kịp thời các tình huống.

Có được chiến công này có công lớn của các đồng chí du kích, chính quyền địa phương. Du kích Kỳ Sanh, Bình Chánh đã thực hiện tốt giam chân địch, dùng chông mìn cản địch đảm bảo an toàn cho các chiến sỹ pháo binh thiết lập trận địa, bắn …

Chiến công này thuộc về những cán bộ chiến sỹ tham gia trận đánh. Có nhiều tấm gương, nhiều chuyện để nói về họ. Những chiến sỹ vận chuyển đạn vượt qua hàng trăm cây số giao đạn ngay tại trận địa bắn, họ phải vượt qua những điểm đánh phá ngăn chặn của địch. Một quả đạn chia làm ba bộ phận: Động cơ 27kg, trái phá 19kg, ngòi nổ 2kg. Nếu tính cả các vật liệu bảo quản khi vận chuyển thì còn nặng hơn nhiều. Bình thường phải hai người mang vác. Khi vào trận chỉ một người nhanh chóng vượt qua hàng chục km giao đúng địa điểm, không nhầm lẫn lô liều quả đạn. Có nữ chiến sỹ gúi tới hai động cơ, một trái phá, hai ngòi nổ. Đáng kể nhất vẫn là các pháo thủ “chân đồng vai sắt”. Trước khi vào trận họ đã phải khổ luyện trên thao trường, luyện tập thành thục, chính xác phương pháp bắn ứng dụng. Rồi họ phải chuẩn bị hàng trăm bộ cọc nạng, gia cố chắc chắn. Lệnh chiếm lĩnh vị trí họ lặng lẽ bước vào trận đánh tiếp nhận lắp ráp quả đạn, đưa vào vị trí thiết bị bắn ứng dụng. Từng quả đạn được đưa lên giá đỡ dưới bàn tay thành thục khéo léo của các pháo thủ. Lấy đúng hướng bắn, góc bắn, đầu nối hệ thống điện trong điều kiện phải hoàn toàn bí mật, sơ xuất một tí bọn “Mỹ lết” ngay bên cạnh ập tới là hỏng việc. Gần một trăm pháo thủ khẩn trương thực hiện chuẩn xác tới 3 giờ sáng mọi việc hoàn tất. Kiểm tra kỹ lưỡng lần cuối đại bộ phận rút lui chỉ để lại một tổ điểm hoả khi có lệnh bắn. Sáu giờ sáng các đài quan sát đã nhìn rõ căn cứ. Lệnh khai hoả chỉ trong vòng 5 phút từng loạt, từng loạt hơn 600 quả đạn cánh bắc - Kỳ Sanh rời bệ phóng đều rơi trúng mục tiêu. Đó là kết quả của công tác chuẩn bị chu đáo thận trọng, chuẩn xác của quân ta. Nhân dân tin tưởng vào bộ đội pháo binh đánh giỏi bắn trúng. Riêng 70 quả đạn cánh nam - Bình Chánh điểm hoả đạn không bay hết. “Mỹ Lết” gần đó đã bắn vào trận địa. Còn lại 5 chỉ huy cùng pháo thủ quyết tâm dùng pin bắn từng quả một. Một người cầm hai quả pin đại, một người đứng ngay bên chập hai đầu dây kích nổ quả đạn vào quả pin. Đạn nổ, lửa phụt tứ tung, quần áo cháy xém, da bỏng rát. Nhưng các chiến sỹ vẫn kiên cường bắn đi từng quả một. Chỉ đến khi “Mỹ lết” ùa vào trận địa các chiến sỹ ta mới chịu rút.

Trận đánh thắng của chúng ta ngày ấy là biểu hiện rõ rệt chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trước kẻ thù xâm lược. Dân tộc Việt Nam ta là vậy, chủ quyền đất nước ta là thiêng liêng và sẽ không có đất sống cho kẻ xâm lược bất kể chúng đến từ đâu mạnh đến cỡ nào.

                                                                     Hà Nội, tháng 5.2016

 

tin tức liên quan