HỒI KÝ TRƯỜNG SƠN
Ngày 11/1 /1972
Tạ Thị Ngọc Hiện
Đạ Tẻ, Lâm Đồng
Trưa nay, sau khi dừng chân ăn cơm nắm giữa đường, tôi và Mỹ nhìn thấy hai giò phong Lan đẹp ơi là đẹp mọc trên thân cây Xăng đen. Hai giò Phong Lan này mà treo vách lán, đảm bảo không ai không trầm trồ. Tôi sẽ cho lán nam một giò, nữ một giò, tha hồ ngắm. Ở đơn vị tôi có anh Bé hay hái được giò Lan có sắc tím. Mê lắm. Thế là hai đứa hẹn nhau ăn xong sẽ “hành sụ” ngay. Từ cõng, đến trèo cả lên vai nhau vẫn vô cùng khó khăn. Hái được Lan rồi còn loay hoay cột mỗi đứa một giò vào quai bòng cho chắc rồi chạy thục mạng theo đoàn. Đi một lúc gặp khu trảng cát trắng ngần, trống bang. Nhìn dấu chân in trên cát thì biết đoàn vừa qua trảng. Hai đứa liền vù theo. Song, đi trên cát cứ như đi thụt lùi. Mới đi được một đoạn thì thằng “đầm già”chết tiệt mò tới. Chúng tôi ngồi thụp xuống, thằng giặc xiết chặt, tôi bất an:
- Trảng trống thế này chúng dễ phát hiện lắm đây…
Thằng “đầm già” chợt nghiêng và “xiết”, tôi bật dậy gọi bạn:
- Nó phát hiện mình rồi, chạy lẹ, Mỹ ơi!
Chúng tôi chạy nhanh về hướng rừng cũ, thì thằng “đầm già” bắn ngay trái pháo màu xuống trảng cát nghe “Bùm!”. tôi hét lên:
- Thằng “Ép” đánh bom!
Tôi vừa dứt lời thì F105 đến trút một loạt bom “ầm ầm” xuống trảng cát. Hai đứa chạy hộc tốc vào quảng rừng trước mặt. Thế là đã thoát được sự theo dõi của thằng “trinh sát”dai như đỉa. Nhưng nó vẫn trút bom inh trời. Có lẽ chúng tưởng “mồi ngon”. Cây cối ngã rào rào, tung bụi đỏ khắp rừng khiến hai đứa không nhận ra đường mòn cũ. Tôi vội vàng tháo hai giò Lan vứt xuống đất. Con Mỹ tiếc hụi:
- Sao bỏ đi, uổng vậy?
Tôi giải thích:
- Giặc “phát hiện” mình là do hoa Phong Lan đó!
- Sao tại hoa Phong Lan?
Tôi bưng giò Lan lên chỉ cho bạn xem:
- Nhụy Lan có kim tuyến, phản chiếu dưới nắng, “đầm già” nó “ví” theo tụi mình tới cùng là vậy đó!
Con bạn nghe ra lo lắng:
- “Nó” đang quần miết ngoài trảng, giờ sao về trạm hả Hường?
Tôi nghĩ, nếu nó đánh sâu vô đây thì không chết vì bom cũng chết vì cây đè. Chúng tôi đang đi sâu vô khu rừng lạ, nếu nó đánh bom bi thì dẫm vào trái mà chết. Chợt chúng tôi nhìn thấy một phiến đá to như cái bàn cong, vênh, nghiêng nghiêng một cách ngộ nghĩnh trên mặt đất. Công sự trời cho đây rồi! Hai đứa mừng húm chui vô ngách ngồi rất gọn. Vừa vặn ghê. Một loạt bom quăng khá gần, chúng tôi bị hất xô vào nhau muốn u cái đầu. Con Mỹ “ui da!” xoa đầu:
- Trời Phật độ trì mình đó Hường à!
Lại loạt bom nữa đánh phía bìa rừng, nhưng một trái lại bắn tới đây hắt đất đá rào rào như phun mưa. Con Mỹ ôm cái bòng vô bụng, co quắp như con sâu đo, vì nó nhớ lời dặn dò của trạm - nếu bất ngờ gặp bom dội thì phải ưu tiên “cứu” cái đầu và cái bụng vì sát thương nơi đầu và bụng rất khó xử trí. Hai đứa nhào tưng tưng như sàng gạo. Con Mỹ kêu tức ngực, còn tôi thì khó thở, bởi hơi bom sặc mùi thuốc súng. Tôi xực nhớ mình cũng từng làm khi chiến đấu, liền hối bạn:
- Mỹ, rút khăn vắt cơm ra, đổ nước vô bịt lên mũi và miệng, lẹ đi!
Con Mỹ cũng nhớ chi tiết “coi chừng hít phải chất độc từ bom” đã được dặn. Hai đứa hì hục thực hiện và đúng là dễ chịu hơn nhiều. Đột nhiên bạn nói:
- Tao muốn nằm quá Hường ơi! Chóng mặt quá!
Tôi thót ruột, dọn chỗ cho bạn nằm và lo lắng:
- Mày thấy trong người ra sao? Uống nước vô! Bình tông đâu?
Con Mỹ quờ tay vớ cái bình nhẹ hững leng keng. Mình cũng lần tay sau bòng tìm bình tông của mình, lắc lắc đoán - chắc cũng được một nắp bình:
- Hả miệng ra tao chế cho, được giọt nào hay giọt đó!
Tôi biết đứa chóng mặt, đứa khó thở là cần uống nước nhiều, song hai bình tông ráo quạo rồi. Miểng bom vẫn còn bay vèo vèo trong không gian va vào phiến đá vang lên âm thanh nghe ê răng “cảng cảng!”. Có miểng va vào thân cây nghe “kịch kịch!”. Cũng có miểng thì cắm xuống đất “bụp bụp” con Mỹ nước mắt chảy thành dòng xuống tóc, nó thổn thức:
- Ba tao hy sinh, má tao xin mấy chú cho đi Bắc bởi bả sợ bả sẽ bị giặc giết. Bọn chi khu nó “kết” bả lắm! Nếu tao mà có sao thì mày lấy quyển Nhật ký trong bòng gửi về Trà Vinh giùm tao nghe Hường?
Con bạn nấc lên nghẹn ngào làm tình cảnh thê lương. Tôi an ủi nó:
- Tao từng có lần tưởng chết một trăm phần trăm mà vẫn ngồi đây thì khó khăn này chỉ là thử thách. Mình phải chiến đấu, đừng thất vọng, Mỹ à!
Con Mỹ chợt hỏi:
- Mày bị sao mà chết?
- Hổi ở đơn vị Lực lượng vũ trang chớ đâu? Tổ tam tam trong hầm đã chết hai, xác chương xình rồi. Tao thoi thóp vì nhịn đói hai ngày nên hổng trăm phần chết là gì?
Con bạn đang thất vọng mà nghe chuyện thì hỏi lia lia:
- Ủa? mày “đi lính giải phóng” rồi hả?
Tôi cố kéo bạn ra khỏi cơn tuyệt vọng, bởi tuyệt vọng sẽ không giúp mình phấn đấu, tôi từng lâm vào tình trạng này:
- Ừ! Tao đi giải phóng từ lúc mới mười ba, mười bốn lận. Lúc đó còn nhỏ, tuổi nhảy dây, cò cò mà buộc phải chọn “Thà chết đói chứ không chịu đầu hàng địch” thì khó khăn thế nào. Tự nhiên tao nhớ “má ghẻ” tao kinh khủng. Bả như ngọn đèn soi cho tao trong đêm tối vậy. Tự nhiên đang đói thấy mồ mà muốn làm thơ. Làm để gửi cho má phút cuối…
Con bạn trợn mắt:
- Hứ! Sắp chết mà… làm thơ?
- Ý, mày không biết đâu. Làm thơ quên đói luôn! Để tao đọc mày nghe…
Tôi đọc bài thơ “Có thể” cho con Mỹ nghe. Nó nghe mà chảy nước mắt. Và trong mắt nó tôi thấy niềm hy vọng long lanh:
- Thì ra mày vô khu sớm quá nên mày gan góc, từng trải hơn mọi người trong đoàn….Sao mày không làm Trưởng đoàn mình?
- Thật ra tao không chịu đi Bắc. Tao chống lệnh, tao muốn tham gia chiến dịch Mùa Hè nên lần quần khá lâu. Khi đến nơi, danh sách chỉ thiếu mình tao. Lãnh đạo “Cục đón tiếp” còn mắng cho một trận nên thân…
…Bọn giặc trời quăng hai đợt bom nữa rồi rút xa. Chỉ còn thằng “AC” lượn lờ, quanh quẩn. Hai đứa không dám qua trảng. Tôi nghĩ - không thể ở trong rừng mãi được, phải tìm ra đường tuyến đón gặp công binh đi phá bom, liên lạc về trạm mới được. Tôi bật dậy:
- Mày nằm đây, tao đi tìm đường tuyến!
Mỹ mếu máo:
- Mày tính bỏ tao hả Hường?
Mình trợn mắt:
- Mày khùng hả? Mày muốn tao hát cho mày nghe hông?
- Hát đi Hường!
Tôi nhớ ngày mới vô đơn vị, má dạy tôi hát bài hát mà quên mất tựa “Trải qua mấy mùa thu kháng chiến, chúng ta là người ở bốn phương, cùng thoát ly gia đình ra đi, cùng gặp nhau trong đại gia đình giải phóng quân, giải phóng quân…khi nằm bên nhau ta vui sống trong niềm thương mến, thêm nặng tình đồng chí tử sinh không rời..” nó nghe mà hai khóe mắt long lanh:
- Mày hát cũng hay ghê nghe Hường!
Tôi méo xệch cái miệng ghẹo cho nó vui rồi đeo bòng lên vai. Con bạn trố mắt nhìn như ngầm hỏi sao không dể bòng lại? Và nó buồn so nhìn theo rất tội. Tôi không thể dắt nó cùng đi tìm đường tuyến, lỡ bom quặt trở lại thì chỗ đâu mà nấp. Còn tôi tha bòng đi là bởi trong đó có “quyển nhật ký” vật mà tôi không bao giờ rời xa dù bất cứ ở đâu.
Bụi khói bom và cát trắng vẫn la đà trong rừng vì cát. Tôi vừa đi vừa “bẻ cây cò” làm dấu để lát quay lại chỗ phiến đá. Vạt nắng chiều xiên dài. Nhờ bụi mù qua ánh nắng nên tôi lần ra đường tuyến dễ dàng. Khi hành quân tôi hay để ý, nơi nào có đường tuyến nơi đó lá cây bạc thếch vì bụi đất và tia nắng chiếu xuống đường tuyến bao giờ cũng thẳng, sáng rực và hai bên đường luôn có công sự. Trời phú cho tôi cái lộc, khi gặp khó khăn lại thông minh đột xuất hoặc may mắn, người ta nói “buồn ngủ gặp chiếu manh”….
Tôi lần “dấu cây cò” trở lại phiến đá. Con Mỹ đang gục đầu lên cái bòng chắc là đang lo lắng, nghe bước chân xào xạc trên lá cây, ngẩng lên thấy tôi, nó như “thấy má chợ về”, reo mừng:
-Tao tưởng mày không trở lại chớ?
- Mày tào lao bát xế! Mang bòng ra đường mau, có công sự rồi!
Tôi vừa đi, vừa giải thích lý do cần công sự cho bạn nghe vì có thể “nó” sẽ đánh bom vô khu rừng, mình đoán vậy.
- Nhưng chỉ có hai đứa, đánh chi cho tốn bom, tốn đạn quá dzậy hổng biết?
Mình phì cười nhỏ bạn thiệt thà:
- Giặc sao biết chỉ có hai đứa? Quân giặc đang tưởng tượng quân ta trùng trùng nên đánh thả giàn bầu vậy đó…
Hai đứa chui vô công sự, tôi thấy an tâm vô cùng. Giờ chỉ chờ có xe hay công binh đi qua mình nhờ liên lạc về trạm là ổn.
Trời chiều. Vạt nắng cuối đang đi trốn thì cái lạnh của rừng xuất hiện làm giá buốt đôi vai. Gió chiều lao xao đưa mùi nồng cháy lan trong không gian. Trường Sơn buồn tênh. Chợt như xa xa có bóng người di động. Dáng đi dật dờ như “ma”. Lù lù như tên say rượu. Tôi gọi Mỹ:
- Mày coi có phải người hay mình hoa mắt?
Con bạn nghễnh cái cổ dài ra, đột nhiên cà lăm, cà lặp:
- Ma Hường ơi! Trường Sơn có ma!
Hồi còn ở đơn vị đi thư “hỏa tốc” trong đêm tối, tôi chỉ sợ giặc chứ không sợ ma. Nhưng cái tính “càng sợ, càng thích sờ” nên tôi muốn xem con ma hình thù nó ra sao. Cái bóng xê dịch về phía tôi và Mỹ và tôi cảm giác cái bóng đó “sợ ma” hơn là “nhát ma”. Cái bóng đang bước chứ không phải đang trôi la đà như người ta thường tả. Cái bóng chưa đến nơi bỗng quỳ xụp xuống, phát ra giọng nói là cà, lập cập như lên cơn sốt rét:
- Em lạy hai chị! Hai chị sống khôn, thác thiêng, đừng nhát em mà tội!
Tôi căng mắt, căng tai, định thần một lúc. Tới khi cái bóng dập đầu ba lần thì tôi mừng húm reo lên:
- Anh giao liên! Tụi em đây mà!
Nghe tôi cất tiếng lanh lãnh vang vọng khu rừng, “cái bóng” như dán chặt xuống đất, không dám ngẩng lên. Tôi lại gọi:
- Anh giao liên! Tụi em đây mà! Làm gì mà như tế sống người ta dzậy trời!
Bấy giờ anh giao liên mới ngẩng lên, đứng phắt dậy, hết hẳn thái độ lờ đờ, chạy xồng xộc tới chỗ công sự :
- Ối giời ơi là giời! “Hai bà chị” đi đứng kiểu gì, đoàn về trạm ngủ hết rồi mà “hai bà chị” còn ở đây hở giời!
Tôi vuột miệng:
- Tụi em hái được hoa Phong Lan …thì anh đi mất đất! Giao liên gì mà đi nhanh như gió, tụi em theo hổng kịp!
Anh giao liên tru tréo:
- Đường Trường Sơn chứ đâu phải đường làng nhà “hai bà chị” mà nhởn nhơ, hái hoa, bắt bướm. “Hai bà chị” mà không về đến trạm hôm nay thì cuộc đời binh nghiệp của em kể như chấm hết. Giời ơi! Phước tổ cụ nhà em để lại!
Nghe anh giao liên ca cẩm mà hai đứa không nín nổi, rũ ra cười như nghé. Kền rền một lúc thấy hạ hỏa, anh giao liên lại hớn hở như gặp bạn:
- Biết tìm ra đường tuyến ngồi chờ giao liên là cũng thông minh đáo đễ đấy! Không thì bố tôi cũng không mò ra “hai bà chị”. Ông bà tổ tiên kiếp trước cũng tu tâm tích đức lắm, bom đánh thế mà chẳng làm gì hai chị được, mạng “nhớn” thật!
Con Mỹ giờ mơi toét miệng cười, nói:
- Tụi em tưởng tối nay ngủ với muỗi rồi chớ!
Anh giao liên đưa hai đứa tôi qua biết bao cây cối đổ ngang dọc và hố bom chi chít. Trời tối xẩm, không thể nhìn được quang cảnh bom đánh, hai đứa cứ nhìn chấm đèn pin nhỏ xíu mà đi theo. Về tới trạm, cả trạm lắc đầu, chì chiết giao liên không kiểm tra quân số trước khi đi tiếp, song cũng ngợi khen giao liên đã tìm được hai khách đoàn về an toàn không thương vong gì. Anh giao liên không biết vô tình hay cố ý:
- Ối giời! Bom đánh dữ dội thế mà hai vị “khách quý” vẫn cứ tươi như “hoa phong Lan” chứ lị! “Lầu năm góc” lần này “thua đậm” rồi, tốn biết bao nhiêu tiền của vì hai vị đấy!
Lúc ra suối tắm, tôi nói với Mỹ:
- Anh giao liên ào ào cái miệng mà tốt cái bụng, không hề tiết lộ chuyện tụi mình “hái phong lan”. Nếu không tụi mình cũng bị “cạo đầu khô”luôn! Sợ tới già luôn…Mỹ à!
Khuya đó, đang ngủ say, con Mỹ thò tay qua võng khều mình. Thì ra bom đang trút xuống khu rừng gần trảng cát…