Bài viết cách đây 43 năm của Trần Văn Phúc.

Ngày đăng: 09:49 21/06/2016 Lượt xem: 423

Kỷ niệm về một bài viết cách đây 43 năm ở Trường Sơn.

 

      Ngày 21 /6/1973 Trung đoàn 98 Công binh Trường Sơn làm lễ thông xe đoạn Trao - Bến Giàng, dài 52 km,  đ/c Lê Xy, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn chủ trì. Từ đây mở thông hành lang tuyến Đông Trường Sơn nối liền hậu phương miền Bắc Xã hội chủ nghĩa vào chiến trường Tây Nguyên.

     Cơ quan Chính trị của Trung đoàn 98 hàng tháng ra bản tin nội bộ lấy tên là Bình minh, được in bằng rô nê ô, 16 trang khổ A4. Anh Nguyễn Hùng Phong ( 1) khi đó là cán bộ Tuyên huấn bảo tôi :

  - Anh là dân kỹ thuật cầu đường, nhân dịp này nên viết về tương lại con đường để in trong số tới …

  - Chính trị giao việc, tôi chấp hành ngay. Tôi trả lời và cả hai cùng cười .

  Sau khi bản tin phát hành tới các đại đội , trung đội , nhiều người đã đọc và gặp tôi vừa cười vừa nói :

 - A! ông nhà báo viết hay thiệt, chẳng biết lúc đó còn sống không để hưởng cái ông đã tưởng tượng ra .

Tôi nhẹ nhàng nói :

  - Thì các ông nghe đài đấy, Hội nghị Pa Ri đã ký kết rồi, cái thằng Thượng Đức (2) cũng sẽ được nhổ nay mai cho mà xem …

     Sau năm 1975, đất nước thống nhất, nhiều  người trở về đời thường, có người chuyển ngành, có người vẫn là bộ đội Trường Sơn làm nhiệm vụ thời bình. Bài viết cũng sẽ lãng quên, nếu như …

     Vào những năm 90 của thế kỷ trước các công trình thủy điện mọc lên như nấm, nhất là ở vùng Tây Nguyên, trong đó có Thủy điện A Vương, thủy điện sông Bung. Đầu những năm 2000 Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài 500 km được khởi công, bắt đầu từ Tróoc (Quảng Bình), qua Hướng Hóa, A Lưới, vào Trao và tới Thạnh Mỹ ( Quảng Nam ). Những người lính Trường Sơn năm xưa lại có mặt trên con đường huyền thoại mang tên Bác Hồ kính yêu .Đường ô tô và thủy điện là những cơ sở hạ tầng  góp phần quan trọng phát triển kinh tế.

       Năm 2009, nhân dịp  gặp mặt truyền thống Trung đoàn 98 Anh hùng, anh Chu Quang Khải trước đây là Trung đội trưởng Trinh sát (quê xã Hưng  Đạo, Tiên Lữ, Hưng Yên) từ xa đã reo lên :

      -.A! ông Phúc đây rồi. Anh dúi vào tay tôi bản tin Bình minh cách đây mấy chục năm, giấy đã ố vàng và nổ một tràng dài với các  đồng đội đã vây xung quanh :

       - Cái mà ông tưởng tượng ngày xưa  ở trong này ( anh chỉ tay vào bản tin ) nay đã thành hiện thực. Này nhé Thủy điện trên sông A Vương  đã tỏa sáng Tây Nguyên . Đường ô tô rải nhựa qua  thị trấn Trao, đi vút về Túy Loan, đến Đà Nẵng, cà phê Hướng Hóa khỏi phải nói …

      - Mọi người ước ao: Giá mà Ban liên lạc tổ chức cho đi một chuyến vào Trao thì đã đời. Mọi người cùng cười vang tán thưởng .

      - Ý tưởng hay đấy. Sẽ đi thăm chiến trường xưa về Trao , Giằng …tôi phấn khởi góp lời .

      Tôi về nhà bình tâm đọc lại bản tin và những dòng viết cách đây gần bốn chục năm :

Bìa được họa sỹ Quỳnh vẽ anh lính công binh tay súng, tay cuốc chim giơ lên như mừng chiến thắng. Dưới tên Bình minh là dòng chữ : Tất cả cho đợt vận chuyển dân sinh, vì đồng bào Khu V ruột thịt ! .Bài viết Con đường của tôi ở trang 9 có đoạn …Thị trấn Trao cái tên sẽ xuất hiện trên bản đồ Tổ quốc. Những dẫy phố mái ngói đỏ tươi ngang dọc, những trường học, bệnh viện, rạp hát mọc lên. Bến xe ca kẻ đến người đi nhộn nhịp …xuôi Hà Tân,  Khâm Đức hay ngược A Sầu, A Lưới. Tôi nghĩ đến dòng sông A vương được làm duyên với những nhịp cầu như những cái kẹp trên mái tóc xanh của bao cô thiếu nữ . Và A Vương sẽ rộn lên bản tình ca Thủy điện mang ánh sáng đến tận bản A Tép, A Sờ… Tôi nghĩ đến ngày mai trong bữa ăn hằng ngày có hương vị cà phê Khe Sanh, chè A Lưới và những bát canh mì sản xuất tại Trao…Ngày mai cũng trên con đường này, đồng bào các dân tộc sẽ không còn thiếu muối, thiếu gạo …

     Năm 2009, năm 2014 và năm 2016 Ban LL Trung đoàn 98 đã tổ chức những chuyến đi thăm Chiến trường xưa cho các CCB  E98. Mọi người bồi hồi xúc động trước cảnh cũ, người xưa với bao kỷ niệm và những đổi thay trên mảnh đất Quảng Nam Anh hùng. Tại buổi giao lưu tôi đã tặng các đ/c cán bộ của huyên Đông Giang, huyện Tây Giang bản tin của Trung đoàn 98 in tháng 6/1973. Khi chia tay đ/c ArấtTíp  Bí thư huyện ủy huyện Đông Giang nói với tôi : Bộ đội Trường Sơn các anh rất lãng mạn cách mạng . Vùng đất này đã hồi sinh và sẽ còn đẹp hơn như anh đã viết … Anh Arất Típ nắm chặt tay tôi. Tôi bồi hồi xúc động, trái tim như  rung lên trong lồng ngực và thầm nghĩ : Đó là phần thưởng vô giá sau gần 40 năm mới được nhận .

     Thế là 43 năm đã trôi qua , hôm nay tôi mới có dịp được “ khoe “ cùng đồng đội tại buổi gặp măt CTV, BTVdo Ban Tuyên truyền- Thi đua HộiTrường Sơn tổ chức nhân 91 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

.                                                                    Trần Văn Phúc

 (Nguyên Trợ lý công binh Trung đoàn 98 Anh hùng )  

Ghi chú:

(1)Đại tá Nguyễn Hùng Phong nay là phó CT Hội gia đình LS VN

( 2) Thượng Đức chi khu quân sự rất mạnh của Mỹ Ngụy , cách Thạnh Mỹ khoảng 40 km về phía đông ( lá chắn bảo vệ Đà nẵng )

 

Một số hình ảnh về chuyên đi thăm chiến trường xưa

 

Cầu A Vương 1

  

 Bí thư huyện ủy huyện Đông Giang Arất Tít (ở giữa) chụp ảnh kỉ niệm

Một đoạn đường TS trong tranh còn lại do Trung đoàn 98 mở

Đoàn CCB Trung đoàn 98 bên công trình thủy điện sông Bung huyện Tây Giang

Một bài báo trong bản tin Bình Minh

Tờ bìa bản tin Bình Minh tháng 6 năm 1973

 Ông và các cháu đồng bào CatTu , thôn A Chinh , xã A Tiêng, huyện Tây Giang

Làng AZứt xã Bhalle , huyện Đông Giang

tin tức liên quan