Câu chuyện về giọt máu Trường Sơn

Ngày đăng: 09:38 30/06/2016 Lượt xem: 861

       CÂU CHUYỆN VỀ GIỌT MÁU TRƯỜNG SƠN

          Lời BBT:  CTV Bùi Hằng vừa gửi cho chúng tôi bài viết đăng trên báo Tuổi trẻ cuâ chuyện về Hồ Trường Sơn, con của một chiến sĩ Trường Sơn tên là Mai (có thể không phải là tên này) thuộc E6 đã gửi lại già làng Ting nuôi đứa con của chị khi mới được mấy ngày tuổi. Chị quê ở Thái Bình...Qua câu chuyện này, chúng tôi mong muốn các đồng chí hội viên TS tỉnh Thái Bình tìm giúp mẹ đẻ của Hồ Trường Sơn...Để câu chuyện có hậu...

 

                   

 

Vào những năm giặc Mỹ đánh phá ác liệt nhất, cung đường Trường Sơn đoạn qua địa phận Cù Bai - Hướng Lập, Hướng Hóa (tây Quảng Trị) trở thành “cửa tử”. Tại nơi này, bản Sêpu nằm dưới chân đèo Sa Mù heo hút, có một câu chuyện gắn liền với Trường Sơn đầy nước mắt mà suốt hơn 40 năm qua ít ai biết đến. Câu chuyện về giọt máu của một nữ thanh niên xung phong để lại giữa rừng già trong những ngày chiến thắng cận kề.

     Con đường dẫn vào bản Sêpu (Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) nằm khuất bên hẻm núi. Nếu theo đường Trường Sơn nhánh tây từ hướng Khe Sanh ra Bắc thì bản Sêpu nằm ngay dưới chân đèo Sa Mù. Gọi là đèo Sa Mù vì nơi đây quanh năm mây phủ trắng xóa, bồng bềnh. Cũng như bao bản làng của đồng bào Vân Kiều nằm dọc đường Trường Sơn, bản Sêpu từ những năm chống Mỹ đã trở thành một hậu cứ nhỏ của rất nhiều đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong. Đó là những ngày đầu năm 1974. Khi ấy những cung đường Trường Sơn đoạn qua bản Sêpu hằng ngày rầm rập tiếng bước chân của những đoàn quân giải phóng hối hả vào Nam chuẩn bị cho trận đánh lớn. Người, hàng rồi xe cứ thế nối đuôi miệt mài ra trận. Để đảm bảo việc chi viện cho chiến trường, Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định mở thêm tuyến đường nối A Roòng với Tà Bung. Khi những chuyến xe chở vũ khí đầu tiên bắt đầu lăn bánh trên cung đường mới mở cũng là lúc già Ting bắt gặp ánh mắt đầy biết ơn của một nữ thanh niên xung phong. “Đó là một cô gái còn rất trẻ tên Mai, quê tận Thái Bình, làm nhiệm vụ mở đường. Trước khi giao con cho mình, chị Mai nhìn thằng bé rất lâu và khóc nhiều lắm. Mình cũng đã hứa với chị ấy là khổ mấy cũng sẽ cố nuôi nó trưởng thành”. Già Ting nhớ lại. Đứa bé chào đời vừa đúng 15 ngày tuổi, khóc oe oe trên tay già Ting, đã không còn tìm thấy hơi ấm từ người mẹ trẻ nữa. Những giọt sữa ngọt ngào hôm nào giờ cũng biến mất, thay vào đó là những hộp sữa của bộ đội Trường Sơn được già Ting đi xin khắp nơi. “Mẹ nó đẻ ra nhưng không kịp đặt tên cho con thì đã lên đường. Nên khi nhận về mình quyết định đặt tên cho nó là Trường Sơn - Hồ Trường Sơn. Nó được sinh ra ở Trường Sơn, là con của lính Trường Sơn, rồi lại sống cũng ở dãy Trường Sơn này. Đặt tên Trường Sơn là để nhớ những ngày khói lửa”. Già Ting lý giải. Nhìn khuôn mặt già nua khắc khổ của ông, khó ai có thể nghĩ ra rằng trong những năm tháng khốc liệt ấy rồi sau ngày hòa bình, điều kiện kinh tế quá khó khăn như vậy mà ông vẫn có thể nuôi dưỡng Hồ Trường Sơn đến ngày trưởng thành. Ông nói: “Hai vợ chồng không có con nên khi nhận Sơn về làm con nuôi thì vợ của mình đã bỏ về ở với cha mẹ của nó. Đó là tục lệ của người Vân Kiều. Từ đó mình ở vậy nuôi thằng Sơn”.  Dân trong bản Sêpu đã quá quen thuộc hình ảnh già Ting sáng sáng cõng con nuôi đi quanh làng xin sữa uống. Ông kể: “Nhà nào có đàn bà, con gái mình đều tìm đến. Họ cũng thương tình nên cho thằng Sơn bú chung với con họ”. Đợi cho con có được chút sữa trong miệng, ông lại cõng Sơn về, nhờ người chị dâu trông coi giúp rồi lặn lội ra đồng. Khi thì con chuột rẫy, lúc thì trái sim rừng, những gì ngon nhất của núi rừng Cù Bai đều được ông lùng tìm đem về nuôi Sơn. Cứ vậy Hồ Trường Sơn lớn lên trong vòng tay nhọc nhằn của người bố nuôi như một phép mầu kỳ lạ. “Sau hôm trao con cho mình thì Trung đoàn 6 của chị Mai cũng nhổ trại, tiếp tục hành quân vào Nam. Còn đến nơi nào thì mình không biết”. Già Ting bảo thế.

     Suốt mấy chục năm ròng rã, không khi nào già Ting không trông ngóng người nữ thanh niên xung phong tên Mai ngày nọ: “Không biết chị ấy có còn sống hay không. Nhưng lời hứa với chị năm xưa mình đã không làm tròn”. Nói đến đó tự nhiên đôi mắt già Ting đỏ hoe. Ông khóc. Những giọt nước mắt của người đàn ông từng băng qua bao nhiêu lửa đạn chiến tranh đã khiến nhiều người chạnh lòng. Như cố kìm cảm xúc thật của mình, già Ting tâm sự: “Năm 1993, mình qua tận bản Tri để cưới vợ cho thằng Sơn. Từ ngày có vợ, nó chăm làm ăn lắm, không rượu chè nên ai cũng mến, cũng thương. Vậy mà trời không cho nó sống”. Cuối năm 2007, Hồ Trường Sơn thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông, để lại vợ và bốn đứa con nhỏ cùng một người cha nuôi già ốm yếu. Nói rồi già Ting lục trong đống giấy tờ cũ nát lấy ra một tấm ảnh: “Đây là bức ảnh duy nhất của thằng Sơn để lại. Đó là khi thằng Úy (Hồ Văn Úy), con trai đầu lòng của nó, tròn 1 tuổi. Mừng quá nên vợ chồng nó chở nhau ra tận thị trấn Khe Sanh chụp ảnh kỷ niệm”. Hôm chúng tôi đến nhà, Úy vừa đi học về. Thấy có khách lạ, cu cậu khép nép chui tọt vào bếp ngồi, nhưng khi nghe mọi người nhắc đến tên cha mình thì hai hàng nước mắt của Úy rơi lã chã. Chị Hồ Thị Sóc, nhà cạnh bên, cho biết lúc còn sống Sơn là người rất chăm chút việc học của các con. Chị nói: “Anh ấy bảo có khó, có đói đến mấy cũng phải cố cho con học đến nơi đến chốn. Thằng Úy học rất sáng, vì thế được ba nó thương nhất. Hôm ba nó mất, cả năm mẹ con bỏ ăn suốt mấy ngày liền”.  Nhìn bốn đứa cháu bỗng dưng mồ côi cha mà già Ting xót xa: “Theo tục của người Vân Kiều, khi chồng chết thì vợ có quyền được trở về nhà bố mẹ đẻ hoặc đi lấy chồng khác. Nhưng vì con của nó còn quá nhỏ, vả lại tôi lại quá già yếu nên con Hương (chị Hồ Thị Hương, vợ Sơn) không nỡ bỏ đi. Mà nếu nó có bỏ đi thì cái số của mình đã vậy. Trước kia từng chịu cảnh gà trống nuôi con, giờ tiếp tục chịu thêm cảnh nuôi cháu”. Căn nhà sàn được dựng bởi sáu chiếc cột sắt vốn là những đoạn ống dẫn xăng dầu trong chiến tranh cũng đã bắt đầu xuống cấp.   

     Suốt mấy chục năm rồi, vậy mà giờ đây già Ting dường như vẫn không thôi hy vọng, không thôi chờ đợi một ngày nào đó sẽ có người tìm về bản Sêpu và hỏi tên ông. Cùng có thể cô gái tên Mai mở đường Trường Sơn năm xưa đã vĩnh viễn hóa thân vào những cung đường đất đỏ xa xôi nào đó và không bao giờ quay trở lại tìm ông nữa. Nhưng rồi ông vẫn hy vọng, vẫn trông chờ…

 

                                                                                                                       (Theo báo tuổi trẻ )

                                                                                             Bùi Hoằng

_________________________

 

Hà Bình -Hà Trung-Thanh Hóa

Email: hoang1592@gamil.com

 

 

 

tin tức liên quan