MỘT NGÀY VỚI DU KÍCH KỲ SANH
NGUYỄN HOÀNG - CCB471
Hơn bốn mươi năm trước, chúng tôi những chiến sỹ “chân đồng vai sắt” chuyên dùng hoả tiễn 122 ly (ĐKB) bắn phá căn cứ Mỹ. Những trận đánh lớn của chúng tôi tiêu diệt hàng trăm lính xâm lược Mỹ, phá hỏng hàng trăm máy bay các loại và nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại. Qua đó chúng tôi gửi tới quân xâm lược thông điệp: “Trên đất nước Việt Nam này không có một tấc đất nào là an toàn cho chúng”. Để có được những chiến công đó có phần đóng góp không nhỏ của quân và dân địa phương, đặc biệt các đồng chí du kích xã. Chuyện “Một ngày với du kích Kỳ Sanh” sau đây sẽ minh chứng điều đó …
***
( Ảnh minh họa )
Làm việc với du kích Kỳ Sanh và nhờ các anh giúp đỡ. Anh Thanh - xã đội trưởng quả quyết:
- Dễ ợt mà! Để chúng tôi lo.
Chuyến đi này của chúng tôi là đo đạc, xác định toạ độ trận địa bắn giữa ban ngày trên cánh đồng trống, xung quanh toàn Mỹ; nằm trong hoả lực bắn thẳng của các điểm chốt của Mỹ phía bắc là cao điểm 270, phía nam là cao điểm 76, chưa kể các đại đội “Mỹ lết” di chuyển trên các cánh đồng. Thế mà anh Thanh bảo “Dễ ợt mà” là sao?. Thôi đành theo sự sắp đặt của du kích Kỳ Sanh.
Tôi, Phú, Tơn theo sau Thanh và út Tuyết. Phía trước là thôn 5 Kỳ Sanh đã lên đèn. Như thường lệ phía Ông Sầm từng loạt pháo địch vẫn bắn cầm canh về phía núi. Phía Chu Lai đèn điện sáng rực, các loại máy bay vẫn lên xuống, không gian vẫn ầm ĩ tiếng động cơ máy bay. Các cánh đồng Kỳ Sanh vẫn yên ắng, nơi này có các Đại đội bộ binh Mỹ cơ động thay đổi vị trí đóng quân dã ngoại hàng ngày để đề phòng quân ta dùng pháo binh bắn phá Chu Lai … Tới đầu thôn 5, Thanh dừng lại nói:
- Nếu có động rút về đây và phát triển về thôn 8.
Thanh chỉ con mương cạn ngay vệ đường cho chúng tôi. Chúng tôi vẫn bám sát giữ đúng cự ly, cảnh giác đề phòng bất chắc. Phía trước Thanh, út Tuyết rảo bước tự tin như đang ở vùng tự do. Tới ngã ba rẽ thôn 4 và thôn 6, Thanh bảo:
- Các anh pháo binh chốt ở đây. Nói rồi Thanh và út Tuyết vào xóm.
Tôi đưa khẩu AK báng gấp về tư thế bắn. Tơn cầm AK tạt vô vệ đường. Phú mang máy phương hướng bàn ngồi bên tôi. Trăng non và ánh điện từ Chu Lai đủ để nhìn rõ từ xa. Cầm súng cảnh giới, tôi chợt nghĩ: Nếu có người qua đây sử lý ra sao? Làm thế nào để biết là dân hay địch? Ngó nhìn Tơn và Phú thấy họ bình thản như ngồi chơi đợi chờ ai. Tôi vững dạ hơn nhưng vẫn lo. Tôi mới được bổ xung về chỉ huy phân đội chỉ huy Đoàn pháo binh 78. So với Tơn và Phú tôi là lính mới. Chuyến đi này tôi phụ trách, Tơn Trung đội phó trinh sát cảnh giới, Phú Tiểu đội trưởng trinh sát trực tiếp thao tác máy đo đạc. Khoảng 11 giờ đêm Thanh và út Tuyết trở ra. Thanh phán:
- Đi ngủ mấy anh!
Tới một nhà đầu xóm, Thanh khẽ gõ vào cánh liếp. Cánh liếp mở ra, tôi chưa kịp hiểu người mở cửa liếp là ai, trai hay gái thì Thanh đã giục chúng tôi vào ngủ. Thanh và út Tuyết khoác súng đi sang nhà khác. Nằm vào bộ ván tôi không dám ngủ. Bên tôi Tơn và Phú đã ngủ, ngáy đều đều, chắc họ đã quen với cảnh này. Còn tôi thực sự quá mới mẻ … Gà gáy sáng, Thanh bảo chúng tôi ra đồng chiếm lĩnh vị trí. Tới nơi chúng tôi định đặt máy đo đạc. Thanh chỉ mương cạn gần đó bảo chúng tôi vào ngủ tiếp đợi sáng. Nói rồi Thanh và út Tuyết xuống đoạn mương cạn cách chỗ bọn tôi không xa. Đi cùng nhau nhưng chưa thấy út Tuyết nói câu nào. Cô theo sát Thanh như hình với bóng. Khẩu AK nơi cô lúc nào cũng có thể nhả đạn. Ngồi trong mương cạn, thu những tán cây che cho cả nhóm tôi nghĩ nhiều về họ: một xã đội trưởng và một xã đội phó phụ trách an ninh. Một đôi có thể nói là trai tài gái sắc. Thanh cao to, sống mũi thẳng, giọng nói ồm ồm có uy. Anh là linh hồn của lực lượng vũ trang Kỳ Sanh. Anh cùng với lực lượng vũ trang địa phương tổ chức nhiều trận đánh Mỹ, nhiều trận dằn mặt bọn tay sai ác ôn ở nhà hội đồng. Út Tuyết thua Thanh vài tuổi. Người mảnh mai, khuôn mặt trái xoan, mắt lá dăm xinh xắn nhưng ít nói. Hôm ở sở chỉ huy mặt trận, Chỉ huy trưởng nói với Thanh: “Mi mần răng thì mần, chớ để nó (ám chỉ út Tuyết) “sưng ruột” là kỷ luật đó nghe”!
- Khỏi lo chú ơi! Thanh quả quyết.
Giờ tận mắt thấy họ đi đâu cũng có nhau, ngủ nghỉ cũng cùng nhau là sao nhỉ? Đang miên man thì Thanh và út Tuyết đi tới. Thanh dặn bọn tôi:
- Khi mặt trời lên đỉnh đầu các anh cứ ra mắc máy đo đạc. Trưa bọn nó (Mỹ) rúc hầm hết nó chẳng thấy gì đâu. Xong việc các anh về chỗ cũ.
Nói rồi Thanh và út Tuyết lại khoác súng đi đâu đó. Chúng tôi chỉ còn biết làm theo chỉ dẫn của anh. Trưa đó, Tơn cảnh giới, Phú mắc máy đo theo chỉ dẫn của tôi. Xong việc chúng tôi về cứ của du kích. Được một lát thì Thanh và út Tuyết cũng về tới. Chả hiểu họ ở đâu làm gì. Tôi thật sự tin du kích vùng bị tạm chiếm Kỳ Sanh.
Về sau tôi còn được biết, đêm đêm những chiến sỹ du kích Kỳ Sanh còn tổ chức bảo vệ cho các đoàn công tác về làm việc, về thu mua lương thực thực phẩm cho bộ đội, xây dựng chính quyền cơ sở tạo niềm tin cho nhân dân tiến tới tự giải phóng quê hương.
Bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng mỗi khi nghĩ về họ - những du kích xã vùng tạm chiếm trong tôi lại vô cũng cảm kích và nghĩ họ chính là những người đầu tiên lập chiến công.
Hà Nội, tháng 5.2016