Biết thông tin về cha nhờ Trang thông tin Trường Sơn

Ngày đăng: 10:40 28/07/2016 Lượt xem: 481

BIẾT THÔNG TIN VỀ CHA NHỜ

TRANG THÔNG TIN TRƯỜNG SƠN

“Buổi chiều ngày 4/7/2016, trái tim tôi như nén lại rồi bật khóc. Thật lạ, trong cái tháng cả nước đều tri ân ngày Thương binh, Liệt sĩ Việt Nam, thì bất ngờ gia đình tôi đọc được trên Trang thông tin Trường Sơn có thông tin viết về cha, ông chúng tôi. Thế là cả gia đình bật khóc vì mừng vui. Thế là sau gần 50 năm trời tìm kiếm đồng đội của cha tôi để tìm hiểu thông tin về quãng thời gian sống chiến đấu trên Trường Sơn cho tới lúc hy sinh. Hôm nay bỗng có manh mối mới.  

Mẹ tôi đã trên 80 tuổi. Bà thầm nói: “Cảm ơn Báo điện tử Hội Trường Sơn”. Thế là đã 48 năm trải qua gần nửa thế kỷ, gia đình anh em chúng tôi đi dò hỏi các đồng chí đã từng chiến đấu với cha tôi - Chính ủy Lê Phụng Kỳ - Binh trạm 36 -  Bộ Tư lệnh 559 đóng gần ngã ba Đông Dương. Chúng tôi chỉ nghe loáng thoáng có chú Tùy là lái xe của cha tôi, quê ở Quế Võ, Bắc Ninh. Gia đình tìm mãi nhưng chưa gặp được. Cho đến hôm nay, khi được đọc bài: “Chuyện về Nữ Quân y Sư đoàn 471 Anh hùng” (Đăng  ngày 06/6/2016) trong mục “Ký ức Trường Sơn” của Trang thông tin Trường Sơn. Thế là tôi có số điện thoại. Cả nhà im lặng. Tôi bật điện thoại gọi số có trên Báo nhưng số máy này lại là của vợ chú Tùy … Tôi phải gọi tới lần thứ 2, xưng danh là con Chính ủy Lê Phụng Kỳ thì tiếng nấc cảm động từ đầu dây bên kia vang lên xúc động. Vợ chú Tùy đã khóc. Con trai Chính ủy Lê Phụng Kỳ, anh Lê Phú Thanh, kể tiếp:

-Chú đây! Chú Tùy đây! Đã bao năm chú cố đi tìm địa chỉ của gia đình cháu mà chỉ biết vẻn vẹn một dòng tin: Chính ủy Kỳ ở Phú Yên”. Thế là đành chịu. Rồi trên điện thoại, chú Tùy nghẹn ngào kể: Với dáng người nhanh nhẹn, Chính ủy Kỳ luôn sâu sát, gần gũi, thương yêu quý anh em chiến sĩ. Thủ trưởng lo từng bát cơm rau tàu bay cho đến nắm cơm vắt chuẩn bị đi trinh sát của lính trinh sát. Chính ủy Lê Phụng Kỳ luôn thương yêu, đoàn kết với an hem. Ông thường đưa ra những chiến thuật sắc bén để vượt qua khó khăn trong mọi tình huống, lập được nhiều thành tích của Binh trạm. Tất cả các anh em trong Binh trạm đều yêu quý, kính trọng và gần gũi với Chính ủy. Vì chú là lái xe riêng cho Chính ủy – bố cháu nên mới có may mắn yêu được cô Quân y sĩ Nguyễn Thị Huỳnh. Cô Huỳnh hàng ngày chăm sóc sức khỏe cho Ban Chỉ huy Binh trạm trong đó có Chính ủy Kỳ bố cháu...  

Trước ngày Chính ủy Kỳ đi công tác, ông có nhắn quân y sĩ Huỳnh khâu kỷ niệm mình một chiếc màn bằng dù (vì lúc đó cái gì cũng bằng dù: chăn dù, màn dù …). Thế nhưng Chính ủy không trở về trong chuyến đi công tác đó …

Cầm chiếc màn dù đã khâu xong trên tay mà lòng Quân y sĩ Huỳnh như se lại…

Tin Chính ủy Lê Phụng Kỳ hy sinh trên đường chỉ huy vượt ngầm Bạc (thuộc tỉnh Sê Kông, Nam Lào) cùng đồng chí cần vụ Nguyễn Văn Công vào mùa khô năm 1969 bay về làm cả Binh trạm như nghẹt thở. Ai nấy đều lặng đi vì đau đớn tiếc thương. Cho đến thời điểm ấy, Chính ủy Lê Phụng Kỳ là cán bộ cấp trung đoàn hy sinh đầu tiên trên Trường Sơn. Vì thế, sự ra đi của Chính ủy không chỉ lay động cả ngàn cán bộ chiến sĩ Binh trạm 36 mà còn lay động hàng vạn con tim người lính của các đơn vị của Bộ Tư lệnh 559 - Trường Sơn.

Xa Chính ủy ngần ấy năm nhưng trên sách báo, trong câu chuyện của những người lính Binh trạm 36, ông luôn được nhắc tới với niềm nhớ thương kiêu hãnh.

Hôm nay, chúng tôi gặp con trai út của Chính ủy Lê Phụng Kỳ tên là Lê Phú Thanh (ĐT: 0973.291.66) ở Hà Nội. Anh chào đời mà không được biết mặt cha. Hôm ấy, trong cơn mưa nặng hạt không làm vợ chồng cháu chùn bước. Họ vẫn đội mưa vượt cầu Chương Dương sang Sài Đồng - Long Biên quyết gặp bằng được chú Nguyễn Văn Tùy - người lái xe riêng của cha mình. Chú là người đã ôm cha anh đặt lên võng trước lúc hy sinh. 

Anh Nguyễn Văn Tùy, sau này là Trợ lý Ban Quản lý xe của Sư đoàn 471 đã vô cùng cảm động ôm lấy đứa con của người Chính ủy năm nào vào lòng. 

-         Cháu giống Chính ủy Lê Phụng Kỳ quá! Anh thốt lên.

“Cuộc sống của mẹ con cháu sau khi cha cháu hy sinh đầy thăng trầm và gian khó. Gia đình má lớn và 3 anh chị cháu ở Phú Yên kiên cường bám trụ, ngày đêm ngóng tìm tin tức những đồng đội đã chiến đấu cùng cha cháu cho đến tận lúc hy sinh. Khi được nghe Đại tá Đặng Hồng Tâm - Nguyên Binh trạm phó Binh trạm 36 - người đã cùng trải qua trận bom hôm đó với cha cháu, kể: “Hôm nay được gặp, biết tin tức gia đình cháu, ông đã toại nguyện lắm rồi. Dù có chết cũng không ân hận với người bạn chiến đấu năm xưa”.

Sở dĩ, cháu có được thông tin về đồng đội với ba cháu là do anh trai cháu là Lê Phú Tân (ĐT: 0932.505.224) giao nhiệm vụ phải dò tìm bằng được địa chỉ, điện thoại của những người mà bài báo đã viết để tìm thông tin về cha cháu khi ở Trường Sơn và trường hợp hy sinh của cha cháu.

Ba cháu tập kết ra Bắc, để lại cho mẹ cả cháu 3 người con. Anh Hai cháu là Lê Phụng Hoàng, chị gái là Lê thị Thạch và anh trai thứ con má lớn là Lê Phú Tân. Gia đình các anh và chị cháu hiện ở thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, Phú Yên. Khi sinh anh Tân thì ba cháu đã lên đường ra Bắc tập kết. Má cả ở lại nuôi 3 con và chờ đợi ba cháu trở về. Khi chưa vào Trường Sơn, ba cháu nhận được thông tin má lớn và các con của ba đã hy sinh. Thế là tổ chức đã cho phép Ba cháu có thêm má hai là mẹ cháu bây giờ. Khi má cháu mang thai cháu thì ba cháu lên đường vào Trường Sơn. Vì thế cháu đâu có biết mặt cha, chỉ biết cha qua một số hình ảnh mà ba để lại… Anh Tân cháu hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Trường Sơn Phú Yên. Anh nhắc đi nhắc lại trong điện thoại với cháu là phải tìm bằng được các địa chỉ và người mà trên Trang thông tin Trường Sơn đã đăng tải. Vì thế mà cháu mới đến được gia đình Đại tá Đặng Hồng Tâm ở khu Mỹ Đình II  - Hà Nội. Đến đây, cháu mới biết, bác Tâm chính là cha của Nhà thơ nổi tiếng Hồng Thanh Quang. Vui quá! Khi gặp cháu, bác Tâm vui lắm. Nhưng bác cũng bùi ngùi khi nhìn cháu  con trai Chính ủy - người đã sát cánh bao năm ở chiến trường cùng nhau chiến đấu, chỉ huy vượt cung đường đánh thắng giặc Mỹ năm xưa của mình…

Rồi ông hẹn cháu: Bác sẽ tập hợp những cán bộ, chiến sĩ Binh Trạm 36 cùng thời với bác và ba cháu để gặp nhau tại gia đình bác cùng hàn huyên về những năm tháng chiến đấu cùng cha cháu và sau đó tới gia đình cháu thắp hương cho ba cháu…

Cháu đã hứa với bác Tâm…

 

             Trung tá Nguyễn Thị Kim Quy

(Ghi theo lời kể của con trai Chính ủy Lê Phụng Kỳ)

 

 Chính ủy Lê Phụng Kỳ (thứ 2 từ trái sang) trong một lần mít tinh của đơn vị khi còn ở miền Bắc.

 

Đại tá Đặng Hồng Tâm, nguyên Binh trạm phó Binh trạm 36 đang kể cho con trai út Chính ủy Lê Phụng Kỳ về người cha thân yêu của anh trên Trường Sơn. 

 

 Đồng chí Nguyễn Thị Huỳnh, nguyên Y sĩ phục vụ Ban Chỉ huy Binh trạm 36 - vợ của đồng chí Nguyễn Văn Tùy, nguyên lái xe cho Chính ủy Lê Phụng Kỳ, chụp ảnh chung với con trai Chính ủy là anh

Lê Phú Thanh.

 

Đồng chí Kim Quy, Nguyễn Văn Tùy tặng cuốn Lịch sử Sư đoàn 471 cho vợ Chính ủy Lê Phụng Kỳ tại nhà riêng.

 

Đồng chí Kim Quy tặng Sách lịch sử Sư đoàn 471 cho anh Lê Phú Thanh, con trai

Chính ủy Lê Phụng Kỳ.

 

 Những đồng đội một thời của Chính ủy Lê Phụng Kỳ ở Binh trạm 36 thắp hương tại gia đình

Chính ủy tại Hà Nội.

 

 Những cán bộ gần gũi Chính ủy Lê Phụng Kỳ một thời ở Binh trạm 36 Trường Sơn thắp hương tưởng nhớ người Chính ủy yêu thương của mình.

 

 Đồng chí Lê Phú Tân, con trai thứ Chính ủy Lê Phụng Kỳ, hiện là Ủy viên BCH Hội TS Phú Yên, thắp hương trước mộ cha anh tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

 

Anh Lê Phú Tân và đồng chí Trần Quân - người đã trực tiếp khâm liệm Chính ủy lúc hy sinh năm 1969 tại Ngầm Bạc - đường 128 A trước mộ Chính ủy Lê Phụng Kỳ.

 

Các đồng đội của Chính ủy Lê Phụng Kỳ và anh Lê Phú Tân, dâng hương trước mộ Liệt sĩ Chính ủy Binh trạm 36 Lê Phụng Kỳ tại nghĩa trang Trường Sơn, tháng 7/2016.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan