Nhớ mãi một thời đã qua.
Vào những năm 60-70 của thập kỷ 20 đất nước ta còn đang trong thời kỳ bao cấp, nền kinh tế non trẻ, mới thoát ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp, lại đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Cái thời mà cho đến nay kể lại nhiều người nhất là lớp trẻ cho đấy chỉ là chuyện cổ tích, thế nhưng đấy là sự thật tuy nhiên dù sao đi chăng nữa cũng là một thời kỳ đáng để nhớ, để suy ngẫm.
Thời ấy mọi thứ hàng hoá đều được bán theo chế độ tem phiếu, chế độ cung cấp. Cán bộ công nhân viên hay cán bộ nghỉ hưu thì được cấp tem phiếu để mua lương thực, thực phẩm. Hàng tháng đem tem phiếu đến cửa hàng lương thực, thực phẩm để mua hàng. Còn đối với người dân lao động ở nông thôn thì chỉ vào các dịp lễ tết mới được phân phối một số mặt hàng ít ỏi. Ngay đến vải vóc, quần áo cũng có chế độ phiếu khác nhau. Cán bộ nhà nước thì có phiếu cung cấp mỗi năm được cấp 5m để mua vải hay quần áo, thông thường thì được một bộ quần áo bằng vải kaki Nam Định và pơpơlin, còn đối với nông dân chỉ được cấp phiếu 4m và mua các loại vải thường như phin xanh, trắng hay vải gụ…
Tuy cuộc sống có nhiều khó khăn vất vả, thiếu thốn như thế nhưng tình cảm giữa con người và con người thì không chê vào đâu được, còn quan hệ cán bộ với nhân dân thì đoàn kết, tôn trọng nhau trong mọi lĩnh vực công việc. Người cán bộ thời bấy giờ đúng nghĩa với lời dạy của Bác Hồ: “ Cán bộ là người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Cán bộ họ sống làm việc trung thực thẳng thắn, không tư lợi cho bản thân, cho gia đình mình, họ luôn tu dưỡng và rèn luyện không có sự tham ô trục lợi, lợi dụng của tập thể.
Trong quan hệ xã hội thì bình đẳng, trong quan hệ công tác thì kính trên nhường dưới đúng mức, cán bộ ngày ấy là tấm gương cho để mọi người dân học tập, đồng thời họ cũng luôn tự phê bình thẳng thắng giúp nhau cùng tiến bộ. Thời ấy làm cán bộ là để phục vụ nhân dân, vì nhân dân bởi chính lẽ đó họ rất sợ vi phạm khuyết điểm nếu vị phạm khuyết điểm nhẹ thì khiển trách, cảnh cáo trước công chúng, cơ quan đơn vị, mà nặng thì kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng.
Cái thời gọi là cổ tích ấy đã có một sức mạnh phi thường truyền cho thế hệ trẻ, vì vậy khi đất nước cần thì tuổi trẻ cả nước sẵn sàng xung phong ra trận không ngại hy sinh, gian khổ, không chần chừ trước mọi hiểm nguy “ Coi cái chết như cày xong thửa ruộng”. Tuổi trẻ thời ấy đã : “ xẻ dọc trường sơn đi đánh Mỹ mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Còn ở hậu phương thì tất cả mọi người không phân biệt trẻ già trai hay gái đã ngày đêm hăng say lao động trên khắp các lĩnh vực công trường, nhà máy, đồng ruộng để góp phần nhỏ của mình cho cuộc kháng chiến của dân tộc.
Khi giặc Mỹ điên cuồng leo thang ra đánh phá miền Bắc thì nhiều gia đình đã hiến dâng cả căn nhà của mình làm đường, cầu, phà để cho mọi chuyến hàng vào tiền tuyến được nhanh chóng. Tất cả mọi người không ai nghĩ gì riêng cho bản thân mình, cho gia đình mình và có hàng ngàn người vợ, hàng ngàn bà mẹ đã hiến dâng chồng con cho Tổ quốc, cho cuộc kháng chiến của dân tộc và còn nhiều, nhiều lắm những chàng trai, cô gái đã gửi lại chiến trường một phần thân thể của mình, rồi chịu thương tật suốt đời.
Đến nay tuy chiến tranh đã đi xa nhưng di chứng của nó còn lại mãi với nhiều gia đình….Thời ấy thật đáng nhớ làm sao, đáng trân trọng làm sao. Ngày nay đất nước đã và đang thực hiện tâm nguyện của Bác xây dựng một nước việt Nam giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Tuổi trẻ cũng đã đang noi gương lớp lớp cha ông trên khắp các lĩnh vực nhằm đưa đất nước phát triển.
Tuy nhiên cũng không ít những cán bộ có chức, có quyền đã và đang lợi dụng tiền của nhà nước để làm giầu cho bản thân và gia đình mình, mà lâu nay các báo chí đã đưa tin. Gần đây báo người cao tuổi đã có bài nói về chế độ lương và thưởng tết của một số cơ quan hay cán bộ lãnh đạo có thu nhập lương tiền tỷ.. Nhiều cơ quan, nhiều địa phương thi nhau xây dựng công sở, rồi trung tâm văn hóa… Mặc dù nơi làm việc vẫn khang trang chán. và còn rất nhiều những công ty, giám đốc có mức lương tiền tỷ. Vậy thì họ đã làm gì lợi cho đất nước, cho nhân dân ?
Trong khi nhân dân và kể cả cán bộ công chức cuộc sống còn rất khó khăn, ăn chưa đủ ngon, mặc chưa đủ ấm. Nhiều vùng đồng bào cuộc sống còn nghèo, còn khó khăn vậy mà một số không ít những cán bộ hưởng mức lương như “Tự trên trời rơi xuống” thì làm sao nói rằng công bằng xã hội được, những vị cán bộ chức sắc ấy họ nghĩ gì.
Ngày nay đất nước đang chuyển mình hàng ngày, vậy mà ở nơi nào đó vẫn còn nhiều cán bộ người mà Bác Hồ gọi là “Đầy tớ của nhân dân” thì nay nhân dân lại phải “Đầy tớ cho họ”, họ cho mình cái quyền được hưởng mọi thứ chứ họ có biết rằng cái vị trí của họ có được phải đánh đổi biết bao xương máu của thế hệ đi trước. Hy vọng cuộc vận động và học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có thể thay đổi phần nào nếp nghĩ, cách sống của họ. Thời gian không bao giờ quay trở lại thế nhưng những năm tháng hào hùng ấy còn lại mãi với thời gian và còn lại mãi với lịch sử dân tộc. /
Bùi Hoằng